Việt Nam đã để lại dấu ấn tại Hội nghị G20
Sáng 29-6 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Chính phủ nước ta đã rời Tô-rô-tô (Ca-na-đa) về nước, kết thúc chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo lời mời của Thủ tướng Ca-na-đa Xtê-phan Ha-pơ (Stephen Harper).
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ chia sẻ những ý kiến, quan điểm và kinh nghiệm của ASEAN, đóng góp tích cực vào nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu mà còn để lại dấu ấn, vị thế mới của Việt Nam trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Trước khi rời Tô-rô-tô về nước, phóng viên Đài TNVN đi theo đoàn đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng về kết quả của Hội nghị G20 và những đóng góp của đoàn Việt Nam tại hội nghị lần này.
PV: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết những nét nổi bật chính của Hội nghị G20 lần này?
Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Đây là lần thứ 4 các nước G20 tổ chức hội nghị cấp cao. Lần thứ nhất và lần thứ 3 ở Oa-sinh-tơn và Pit-xbớc (Hoa Kỳ), lần thứ 2 diễn ra tại Luân-đôn (Anh). Ba hội nghị này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu khá nặng nề. Lãnh đạo các nước bàn xoáy vào việc tìm giải pháp đưa kinh tế ra khỏi khủng hoảng.
Hội nghị lần này cũng tiếp tục đà đó nhưng ở góc độ bàn biện pháp thúc đẩy phục hồi mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, cân bằng hơn. Đó là điều rất quan trọng.
G20 có bước tiến xa hơn vì được coi là diễn đàn hàng đầu toàn cầu để xử lý những vấn đề kinh tế thế giới và hợp tác kinh tế quốc tế; thừa nhận như là diễn đàn, cơ chế có uy tín và ngày càng dân chủ hơn.
Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn, đánh giá về tăng trưởng khả quan hơn. Tuy nhiên, người ta nhận thấy sự phục hồi chưa công bằng và còn mong manh.
Tôi muốn nhấn mạnh ý từng nhóm nước khác nhau có những vấn đề khác nhau. Các nước đang phát triển có phục hồi nhưng không đều và chưa đủ mạnh, các nước mới nổi và các nước khác phát triển khá tốt và trở thành trụ cột, động lực cho phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong cái chung đó, Hội nghị tập trung xử lý phục hồi làm sao mạnh hơn, bền vững hơn khi đối mặt những thách thức: Khủng hoảng nợ ở châu Âu, thất nghiệp cao (8-9% ở các nước phát triển)... Từ đó cách tiếp cận xử lý có sự khác biệt.
Một số nước, trong đó có các nước châu Âu cho rằng củng cố tài khoá, tức sắp xếp lại tài chính từng nước để giải quyết nợ, vì nợ bùng phát thành khủng hoảng còn nguy hiểm hơn suy thoái kinh tế. Trong khi đó, Mỹ và một số nước cho rằng cần đẩy mạnh phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm để từ đó giải quyết vấn đề nợ. Xuất phát từ những điều kiện cụ thể để các nhà lãnh đạo tìm ra giải pháp giải quyết cho hài hoà.
Hội nghị năm nay đạt được sự đồng thuận về việc coi trọng củng cố tài khoá, nhưng yêu cầu phải thân thiện với tăng trưởng, không triệt tiêu tăng trưởng mà thúc đẩy tăng trưởng và phù hợp với đặc điểm từng nước.
Một điểm nữa mà tôi cho rằng là nổi bật của năm nay là Hội nghị không chỉ bàn sâu về những nước phát triển như G8 trước đây, mà còn tính đến những nhóm nước khác. Vì tăng trưởng không thể chỉ có các nước đó kéo được kinh tế thế giới mà vai trò của các nước nhỏ cũng rất quan trọng. Để làm việc này cần sự hợp tác của các nước. Chính vì lẽ đó, năm nay, Hội nghị có mời các nhóm nước tham gia như: Việt Nam với cương vị là Chủ tịch ASEAN, đại diện liên minh châu Phi, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ê-ti-ô-pi-a…
Không chỉ mời mà Hội nghị còn coi trọng các nước này tham gia ý kiến, xây dựng các văn bản và ý kiến tại hội nghị cũng bình đẳng như các thành viên khác. Những ý kiến đó thực sự được lắng nghe.
Trong các văn kiện Hội nghị thông qua, các nước bàn đến vấn đề thúc đẩy thương mại tự do, sớm kết thúc vòng Đô-ha, thu hẹp khoảng cách phát triển, củng cố hệ thống tài chính toàn cầu sao cho lành mạnh, các thể chế tài chính quốc tế, tăng quyền bỏ phiếu của các nước đang phát triển… để tạo sự cân bằng, hỗ trợ tổng lực hơn cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững hơn. Đó là những điểm then chốt trong Hội nghị năm nay.
Tại Hội nghị năm nay, các nhà lãnh đạo cũng rất cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, đóng góp vào những vấn đề kinh tế toàn cầu, cùng nhau kêu gọi có sự đánh giá thống nhất, đoàn kết cho thông điệp hướng đến cho sự tăng trưởng tốt của kinh tế thế giới.
PV: Tham dự Hội nghị Cấp cao G20 năm nay, đoàn Việt Nam đã có những đóng góp gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Năm nay, lần thứ hai các nước ASEAN được mời tham dự với tư cách là khách mời. Chúng ta cũng được các nước đồng Chủ tịch, các nước G20 mời với tư cách là Chủ tịch ASEAN.
Đóng góp của ASEAN, của Việt Nam thể hiện ở chỗ: Trước hết, chúng ta rất có trách nhiệm bàn thảo thống nhất trong ASEAN để xây dựng tài liệu mang tính quan điểm của ASEAN về những vấn đề phát triển kinh tế thế giới, về những vấn đề nổi cộm, chủ yếu mà Hội nghị G20 năm nay tham gia.
Tài liệu đó được tham khảo, tham gia tích cực của các nước và nói như Tổng Thư ký ASEAN là mang tính hệ thống thể hiện quan điểm của ASEAN. Tài liệu này được gửi đến các nước thành viên và rất được hoan nghênh.
Trong quá trình tham gia Hội nghị, từ những Hội nghị Thứ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Tài chính, Thứ trưởng Ngoại giao, tham gia họp và bàn thảo những vấn đề có liên quan, chúng ta cũng dựa trên hệ thống quan điểm của ASEAN, trên cách tiếp cận của chúng ta, trên lợi ích của các nước đang phát triển đã có đóng góp một cách tích cực để đưa vấn đề quan trâm vào văn bản Hội nghị.
Một điều nhận thấy rõ là sự tham gia tích cực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào những vấn đề toàn cầu. Thủ tướng đã hoan nghênh những nỗ lực của G20 như một cơ chế uy tín toàn cầu để xử vấn đề kinh tế thế giới nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và phát triển bền vững. Đồng thời hoan nghênh những khuôn khổ mà G20 thông qua ở Pit-xbớc năm ngoái và những nỗ lực của các nước G20 đưa ra các giải pháp chính sách để giải quyết năm nay.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý những vấn đề các nước G20 quan tâm, như: ủng hộ việc một số nước có thể áp dụng biện pháp củng cố tài khoá nhưng thân thiện với tăng trưởng, không gây tiêu cực đến việc lưu chuyển dòng vốn từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, các nước mới nổi, kể cả ODA.
Chúng ta cũng nêu vấn đề hợp tác giữa các khối nước, việc sớm kết thúc vòng đàm phán Đô-ha, đưa ra những giải pháp cụ thể để sớm kết thúc vòng Đô-ha. Chúng ta nêu vấn đề chấm dứt tất cả những biện pháp bảo hộ…
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu các sáng kiến như cơ chế hợp tác giữa ASEAN và G20 để làm sao áp dụng những giải pháp chính sách thích hợp, mang lại lợi ích tăng trưởng toàn cầu. Nếu việc đó làm tốt sẽ lan toả ra các nước khác.
Việt Nam cũng bàn với một số nước khách mời cùng xây dựng tài liệu quan điểm để sớm chấm dứt vòng Đô-ha, trong khi G20 thống nhất sớm kết thúc nhưng các giải pháp thì đang bế tắc.
Tôi cho rằng đó là những đóng góp một cách xây dựng tích cực của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN, nhưng cũng là nước mới nổi và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của chúng ta đối với Hội nghị G20.
PV: Thưa Thứ trưởng, là một nhà ngoại giao, Thứ trưởng có cảm nhận gì qua việc lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hội nghị lớn như G20 và tham gia giải quyết những vấn đề kinh tế toàn cầu?
Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Thực sự tôi rất vui mừng và tự hào khi Việt Nam được bàn bè, cộng đồng quốc tế ngày càng đánh giá cao. Việt Nam là nền kinh tế còn rất nhỏ, nhưng kinh nghiệm của Việt Nam được bàn bè quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là vai trò của chúng ta trong ASEAN.
Điều đó thể hiện: Tại Hội nghị, các ý kiến của chúng ta rất được trân trọng, đặc biệt là việc nhiều nguyên thủ các nước chủ động tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Họ rất hân hoan, ngưỡng mộ Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
Tuy chúng ta là nền kinh tế nhỏ và khu vực ASEAN chưa phải là khu vực có trọng lượng lớn trong nền kinh tế thế giới nhưng tiếng nói của ASEAN đã được các nước rất quan tâm, chia sẻ. Các nước đã thấy được cách làm xây dựng của chúng ta.
Thông qua Hội nghị, bên cạnh việc chúng ta tham gia cùng các cường quốc hàng đầu trên thế giới để đóng góp xử lý những vấn đề kinh tế toàn cầu, trong đó có những vấn đề liên quan đến chúng ta, Việt Nam đại diện cho những nước đang phát triển nêu những quan tâm để thế giới biết đến và cùng xử lý.
Một điều nữa không kém phần quan trọng, Hội nghị G20 còn là dịp nâng cao hình ảnh uy tín Việt Nam, củng cố quan hệ với các nước đối tác. Tại Hội nghị, trong thời gian rất ngắn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp xúc với hàng chục nguyên thủ các nước và trong tất cả các cuộc tiếp xúc đó, các nước đều bày tỏ thông điệp mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU, đến các nước đang phát triển… Tất cả đều đánh giá rất tích cực, thiện cảm về Việt Nam.
Là một người làm công tác ngoại giao, tôi thực sự hãnh diện khi được cử tham gia đoàn lần này, hãnh diện vì đất nước ta ngày càng có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.
PV: Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng!./.
Hội thảo quốc gia "Phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế"  (30/06/2010)
Một số điểm mới về chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã  (30/06/2010)
Phương thức mới đào tạo cán bộ cơ sở: Xã đặt hàng, thẩm định và nghiệm thu người học  (30/06/2010)
Tư tưởng lớn từ những mẩu chuyện nhỏ  (30/06/2010)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên