Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21 đến ngày 27-6-2010)
Từ ngày 22 đến 25-6-2010, nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Cựu Quốc vương Cam-pu-chia Prẹ Kạ-rô-na Prẹ Bạt Xăm-đéc Nô-rô-đôm Xi-ha-núc, Hoàng Thái hậu Nô-rô-đôm Mô-ni-niết Xi-ha-núc và Quốc vương Cam-pu-chia Prẹ Bạt Xăm-đéc Prẹ Bô-rôm-niết Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni đã tới Hà Nội thăm hữu nghị Việt Nam. Chuyến thăm hữu nghị Việt Nam lần này của Cựu Quốc vương, Hoàng Thái hậu và Quốc vương Cam-pu-chia là sự kiện đặc biệt của mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp lâu đời giữa hai nước và hai dân tộc. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã hội kiến thân mật Cựu Quốc vương và Hoàng Thái hậu Cam-pu-chia. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí cảm động, thắm tình đoàn kết, hữu nghị láng giềng anh em. Hai bên đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong thời kỳ hai nước đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ nhau chí tình, chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc của mỗi nước. Ngày 23-6, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã tiếp thân mật Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni và đến thăm Cựu Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-núc và Hoàng Thái hậu Nô-rô-đôm Mô-ni-niết Xi-ha-núc.
2. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 4
Ngày 24-6-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Ðoàn Việt Nam rời Hà Nội tham dự Hội nghị cấp cao G20 lần thứ 4 diễn ra từ ngày 25 đến ngày 28-6-2010 tại Tô-rôn-tô, (Ca-na-đa). Ðây là lần đầu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G20 với cương vị Chủ tịch ASEAN 2010. Tối ngày 26-6-2010, trước thềm khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Thủ tướng Hà Lan và tham dự cuộc gặp 3 bên với Tổng thống In-đô-nê-xi-a và Tổng thư ký ASEAN. Trong cuộc gặp 3 bên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Băm-bang Y-u-đô-y-ô-nô (Susilo Bambang Yudhoyono) và Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-oan (Surin Pitsuwan) cho rằng: ASEAN cần đóng góp một cách tích cực và xây dựng vào các nội dung thảo luận của Hội nghị, đặc biệt là về triển khai Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; cải cách các thể chế tài chính quốc tế; chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư; các vấn đề phát triển. Trong cuộc gặp Thủ tướng Hà Lan Gian Pi-tơ Ban-kê-nen-đơ (Jan Peter Balkenende), hai Thủ tướng vui mừng trước những kết quả quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng năm 2009, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hà Lan vẫn đạt khoảng 1,7 tỉ USD. Hà Lan đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam với số vốn 3 tỉ USD. Với vai trò là thành viên tích cực của EU, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hà Lan tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề giày mũ da, quy chế ưu đãi Thuế quan phổ cập và quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác Việt Nam – EU cũng như công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
3. Hội thảo khoa học quốc gia “Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Người cộng sản mẫu mực, sáng tạo”
Ngày 25-6-2010, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Người cộng sản mẫu mực, sáng tạo”, nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1-7-1915 – 1-7-2010). Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ hơn về những phẩm chất cao đẹp, sáng ngời của người cộng sản mẫu mực Nguyễn Văn Linh, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, hạnh phúc của nhân dân; người cộng sản tiêu biểu cho tinh thần rèn luyện, học hỏi, năng động và sáng tạo; những nỗ lực của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong công tác xây dựng Đảng; xây dựng môi trường quan hệ quốc tế hòa bình, hữu nghị, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập, phát triển. Các tham luận một lần nữa khẳng định: Gần 70 năm phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, “Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hy sinh vì lý tưởng cao cả của Đảng. Đồng chí đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”.
4. Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 5
Từ ngày 23 đến ngày 25-6-2010, tại thủ đô Niu Đê-li (Ấn Độ) đã diễn ra cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 5. Tại cuộc đối thoại lần này, hai bên đã trao đổi các vấn đề hợp tác quốc phòng trong thời gian vừa qua, đồng thời đề xuất phương hướng hợp tác trong thời gian tới mà hai bên có tiềm năng và nhu cầu hợp tác. Hai bên cũng trao đổi về tình hình an ninh khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời tham vấn về chương trình nghị sự cũng như cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN+ (ADMM +) sẽ diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 10 tới. Hai bên đã nhất trí về các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các thoả thuận giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước trong chuyến thăm chính thức hữu nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Ấn Độ tháng 12-2009. Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã đến chào xã giao Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antoni và chuyển lời của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh mời ông An-tô-ni tham dự Hội nghị ADMM+. Bộ trưởng An-tô-ni đã vui vẻ nhận lời mời tham dự Hội nghị.
5. Cuộc họp lần II Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Va-ti-căng
Từ ngày 23 đến ngày 24-6-2010, tại Va-ti-căng, đã diễn ra cuộc họp Vòng II Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Va-ti-căng. Sau khi điểm lại các tiến triển đạt được từ sau cuộc họp vòng I tại Hà Nội tháng 2-2009, hai bên đã thảo luận các vấn đề quốc tế, quan hệ giữa hai bên và các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam. Phía Việt Nam khẳng định lại chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng như các quy định pháp luật đảm bảo thực hiện các quyền tự do đó. Phía Va-ti-căng ghi nhận ý kiến này và đề nghị được tiếp tục tạo điều kiện để Nhà thờ có thể tham gia có hiệu quả vào quá trình phát triển đất nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực tín ngưỡng, giáo dục, y tế, xã hội và từ thiện. Phía Va-ti-căng cũng đề cập đến giáo lý của Giáo Hội kêu gọi giáo dân phải là công dân tốt và phấn đấu vì lợi ích chung của dân tộc. Hai bên ghi nhận những bước phát triển đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực của đời sống Công giáo ở Việt Nam, đặc biệt là Năm Thánh 2010. Hai bên nhất trí Giáo Hoàng sẽ bước đầu cử Đặc Phái viên không thường trú của Va-ti-căng về Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ giữa Va-ti-căng và Việt Nam cũng như quan hệ giữa Va-ti-căng và Giáo hội Công giáo Việt Nam. Hai bên thỏa thuận sẽ tiến hành cuộc họp lần III Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Va-ti-căng tại Việt Nam.
6. Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 24-6-2010, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Ủy ban cải cách và phát triển Nhà nước Trung Quốc thông qua “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020”, trong đó xác định Khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam, Trung Quốc quản lý bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa, nêu kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga khẳng định “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối việc Trung Quốc thông qua “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020”, trong đó xác định Khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam, Trung Quốc quản lý bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa, nêu kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở. Những việc làm đó của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã cùng với các nước ASEAN ký kết năm 2002.
7. Đánh giá tình hình triển khai sáu tháng đầu năm 2010 Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
Ngày 25-6-2010, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ươngCuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện Cuộc vận động sáu tháng đầu năm, và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2010; bàn công tác khen thưởng những cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ươngCuộc vận động chủ trì và phát biểu ý kiến. Hội nghị thảo luận và nhất trí đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong sáu tháng cuối năm. Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ươngCuộc vận động giao Thường trực Ban chỉ đạo sớm hướng dẫn việc tổng kết năm 2010 và bốn năm triển khai Cuộc vận động; được thực hiện từ cơ sở trở lên, bắt đầu từ tháng 10-2010, gắn với việc động viên nhân dân góp ý dự thảo các văn kiện trình Ðại hội XI của Ðảng; tiếp tục chỉ đạo việc triển khai học tập chủ đề "Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Ðảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, là đạo đức, là văn minh" gắn với thực hiện Chỉ thị 37 về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp; phát huy kinh nghiệm triển khai Cuộc vận động gắn với các ngày kỷ niệm lớn để chỉ đạo chặt chẽ hơn các nội dung triển khai Cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc chuẩn bị Ðại hội Thi đua toàn quốc. Về triển khai những nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Tổng Bí thư chỉ đạo: Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận độnggắn với tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp; nội dung, kết quả triển khai Cuộc vận động phải được đưa vào báo cáo chính trị của đại hội đảng ở cơ sở...
8. Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây
Ngày 26-6-2010, Bộ Ngoại giao và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây. Hai vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại Diễn đàn này là phát triển hạ tầng giao thông và cải cách thủ tục hành chính. Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây là nơi các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận, khai thông các cơ chế chính sách, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy đầu tư, thương mại du lịch, đồng thời khai thác tiềm năng thế mạnh của các nước trong khu vực. Diễn đàn được tổ chức nhằm khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của EWEC đối với sự phát triển của khu vực và các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang; quảng bá tiềm năng liên vùng, của các địa phương nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế và trong nước về những cơ hội phát triển của EWEC; tạo sự hiểu biết sâu sắc hơn của các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó thu hút sự quan tâm hơn nữa của các nhà tài trợ, giới đầu tư kinh doanh vào khu vực hành lang này; đồng thời đề xuất các chủ trương và giải pháp tháo gỡ vướng mắc hiện nay để khai thác có hiệu quả và phục vụ phát triển kinh tế các nước trên hành lang. Đây cũng là cơ hội để Quảng Trị quảng bá, kêu gọi đầu tư, tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế. Một nét mới của Diễn đàn lần này là các tỉnh của các nước trên trục EWEC ký một biên bản hợp tác để xây dựng và phát triển./.
*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến ngày 20-6-2010)
“Hoàng thúc Lý Long Tường"  (29/06/2010)
Ngành Quân y làm theo gương Bác  (29/06/2010)
Phát triển làng nghề nhằm ổn định đời sống nông dân trong điều kiện đất nông nghiệp bị thu hẹp ở Hưng Yên  (29/06/2010)
Bế mạc Hội nghị cấp cao G-20: Ưu tiên bảo vệ và tăng cường sự phục hồi của nền kinh tế  (29/06/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên