TCCS - Hơn 5.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, song các làng nghề lại giải quyết việc làm cho 25.000 lao động. Những con số trên là minh chứng cho hiệu quả từ việc phát triển làng nghề, góp phần ổn định đời sống nông dân và phát triển kinh tế nông thôn vùng bị thu hồi đất tại Hưng Yên.

Đất dành cho nông nghiệp bị thu hẹp

Với lợi thế là huyết mạch kết nối vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, có vị trí giao thông thuận lợi, ngay sau khi tái lập tỉnh, Hưng Yên đã tập trung cho chiến lược phát triển công nghiệp. Từ việc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay, sản xuất công nghiệp trở thành “xương sống” nền kinh tế của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xuất hiện nhiều khu công nghiệp có quy mô lớn, tiêu biểu như: Khu công nghiệp Như Quỳnh (huyện Văn Lâm); Phố Nối A, Phố Nối B, Minh Đức (huyện Mỹ Hào); Khu công nghiệp thành phố Hưng Yên... Gắn liền với các khu công nghiệp đã hình thành các đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ như: Khu đô thị EcoPark (Văn Giang), Villa Park (Phố Nối)... Tuy nhiên, đi liền với việc phát triển công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ, đất nông nghiệp cũng bị thu hẹp dần.

Chỉ tính riêng Khu công nghiệp Phố Nối A đã chiếm 390 ha, Khu công nghiệp Như Quỳnh: 100 ha, Minh Đức: 200 ha, Khu công nghiệp thành phố Hưng Yên: 60 ha... Tính đến năm 2009, diện tích đất các khu công nghiệp của Hưng Yên chiếm 3.500 ha. Đặc biệt, với việc thành lập Khu đô thị Đại học Phố Hiến, có tổng diện tích 1.000 ha, đất canh tác của người nông dân đã phải dành thêm một phần đáng kể.

Như thế, trong khoảng mười năm trở lại đây, Hưng Yên đã dành gần 6.000 ha đất nông nghiệp cho việc phát triển kinh tế trên các lĩnh vực được coi là thế mạnh.

Sau khi không còn đất canh tác, nhiều người dân chưa tìm được công việc mới phù hợp với sức lao động và trình độ. Gần 2.000 nông dân bị rơi vào cảnh thiếu việc làm, nhất là những lao động có độ tuổi trên 35. Một bộ phận con em nông dân có ruộng đất bị thu hồi vào làm việc tại các công ty trên địa bàn. Nhưng do công việc thu nhập thấp, tình trạng tăng ca thường xuyên, môi trường lao động ô nhiễm, hoặc do trình độ, tác phong lao động hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nên dẫn đến bỏ việc. Thiếu việc, thiếu đất canh tác, nhiều nông dân bỏ làng đi ra các thành phố trong khu vực tìm cách mưu sinh mang tính mùa vụ, tình trạng mất trật tự, an ninh, tệ nạn xã hội cũng nảy sinh từ đây.

Giải quyết vấn đề “hậu thu hồi đất”, nhất là ổn định và phát triển đời sống người nông dân là một bài toán khó đặt ra, không chỉ ở Hưng Yên, mà còn rất nhiều các địa phương khác trên cả nước. Cùng với một hệ thống các giải pháp bám sát cuộc sống người dân để tháo gỡ như: hỗ trợ vốn giúp nông dân đầu tư sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng với những loại cây trồng hàng hóa không cần diện tích đất lớn, miễn thủy lợi phí toàn phần, đào tạo nghề miễn phí cho nông dân..., thì việc đánh thức tiềm năng và phát triển kinh tế làng nghề nhằm tận dụng lực lượng lao động sẵn có, hạn chế những xáo trộn và ảnh hưởng tới cuộc sống người nông dân do không còn đất canh tác, đã được Hưng Yên lựa chọn.

Phát triển làng nghề

Cũng như các tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên có lịch sử phát triển lâu đời, gắn với những làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử. Làng nghề ở Hưng Yên có những nét riêng trong quá trình phát triển, tạo cho mảnh đất Phố Hiến xưa và Hưng Yên nay vẻ độc đáo mà không phải làng quê nào cũng có. Theo ghi chép còn lưu lại trên bia đá ở chùa Chuông, ngay từ thế kỷ XVI, tính riêng trên địa bàn Phố Hiến, Hưng Yên đã có 8 phường làm nghề thủ công chuyên nghiệp như: Phường Hàng Bè, Hàng Sơn, Hàng Nón, Thuộc da, Hàng Sũ, Thợ nhuộm, Hàng Chén, Nồi đất.

Hưng Yên có diện tích đất nông nghiệp trên 64.000 ha, với nhiều tiềm năng để khai thác, đặc biệt có thể tăng vụ đông lên 30.000 ha. Đất trồng cây lâu năm, đất vườn có khả năng trồng nhiều cây có giá trị kinh tế cao, đã làm nên hình ảnh, đặc trưng của Hưng Yên như: nhãn lồng, cây cảnh... Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của Hưng Yên thu hồi phục vụ các mục đích phát triển kinh tế khác chiếm xấp xỉ 1/10 tổng diện tích đất nông nghiệp (khoảng gần 6.000ha).

Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 85 làng nghề hoạt động ở các lĩnh vực và quy mô khác nhau, thu hút và giải quyết việc làm cho 25.000 lao động, với thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/ tháng. Giá trị sản xuất của các làng nghề chiếm tỷ trọng hơn 30% trong tổng giá trị sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, năm 2009 đạt 672 tỉ đồng, tăng 3 lần so với năm 2001. Trong điều kiện đất nông nghiệp bị thu hẹp, các làng nghề chính là nơi tạo công ăn việc làm ổn định cho người nông dân, không những thế còn đóng góp lớn vào sự phát triển của địa phương.

Các làng nghề biết tận dụng ưu thế của mình, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, bước đầu chuyển đổi từ phương thức sản xuất cổ truyền sang sản xuất hàng hóa. Qua đó, đánh thức những thế mạnh tiềm ẩn, tính năng động của làng nghề được khơi dậy.

Tại làng nghề Mễ Sở, huyện Văn Giang, đa phần đất sản xuất là đất trũng, chỉ canh tác được một vụ. Tận dụng lợi thế thổ nhưỡng vùng giáp sông Hồng, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã cách đây 15 năm đã không còn trồng lúa mà chuyển hẳn sang trồng các loại cây mang lại giá trị hàng hóa cao như: cam Canh, hoa, cây cảnh, đưa 1 ha đất nông nghiệp của xã thu nhập bình quân đạt 119 triệu đồng/ năm. Cùng với đó, nhiều nghề truyền thống cũng được khơi thức lại như: bánh cuốn, làm ruốc thịt, bánh trưng..., tạo dựng thêm một số nghề mới: chế biến nông sản, xây dựng. Trong xã hiện nay có 30% số hộ thu nhập trung bình một năm từ 500 triệu đồng trở lên (trong đó 15% số hộ đạt trên 1 tỉ đồng). Đây chính là minh chứng sống động cho hiệu quả từ quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng và phát triển làng nghề của Mễ Sở nói riêng, Hưng Yên nói chung.

Tuy nhiên, làng nghề tại Hưng Yên cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm con đường phát triển. Vướng mắc đầu tiên là bài toán vốn và “đầu ra” cho sản phẩm. Trước nhu cầu vốn của làng nghề không được đáp ứng, tại một số nơi xuất hiện hiện tượng người dân phải vay vốn “chợ đen” với lãi suất rất cao, chịu rủi ro lớn. Thiếu vốn dẫn đến quy mô sản xuất của các làng nghề mang tính nhỏ lẻ, thời vụ, không khẳng định được uy tín và thương hiệu. Cũng chính từ việc không tạo được thương hiệu nên việc tiếp cận các thị trường lớn, mới hạn chế, “đầu ra” cho sản phẩm của làng nghề bị thu hẹp. Nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời đã mai một, như làng dệt lụa Vân Phương...

Trở ngại trong tiêu thụ các sản phẩm làng nghề còn do phương thức sản xuất thủ công đặc trưng gắn với kinh tế hộ gia đình. Cách làm này bảo đảm yếu tố truyền thống, tính truyền nghề, nét tinh xảo của sản phẩm. Tuy nhiên, ở góc độ khác, phương thức trên cũng tạo nên tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khép kín, lợi nhuận không cao trong điều kiện kinh tế thị trường. Đặc biệt, vì tính cá thể, đơn lẻ trong sản xuất dẫn đến tình trạng không đáp ứng được về mặt số lượng hàng hóa, cũng như tiến độ thời gian, làm giảm sút lòng tin đối với khách hàng. ở một góc độ khác, việc chạy theo số lượng sản phẩm, sản xuất ồ ạt thuần túy lại dễ đánh mất nét độc đáo, tinh tế. Chính vì lẽ đó, bảo đảm cân đối và hài hòa giữa yếu tố truyền thống - phần “hồn” của sản phẩm làng nghề - với việc phát triển và bắt nhịp với những phương thức sản xuất hiện đại là rất quan trọng, đòi hỏi tài năng của người làm nghề.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cũng ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân nông thôn, chẳng hạn tại làng nghề tái chế, sản xuất đồ nhựa Minh Khai, do gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, người dân nơi đây tận dụng cả diện tích nhà, vườn, đường làng, ngõ xóm để làm nơi sản xuất. Nước thải chưa qua xử lý, chảy trực tiếp ra các sông hồ quanh vùng, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Việc nhân, cấy nghề mới hiện nay nhiều nơi làm không hiệu quả, rơi vào tình cảnh “tiền mất... mà nghề vẫn chẳng thấy đâu”. Nhân, cấy nghề là việc làm cần thiết, song chọn nghề gì, đào tạo lao động theo phương thức nào, khả năng duy trì việc làm thường xuyên cho người dân đến đầu, tiêu thụ sản phẩm ra sao, là cả một vấn đề cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng để có những lựa chọn thích hợp với mỗi địa phương.

Những khó khăn trên hạn chế sự phát triển của các làng nghề, nếu không có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài hỗ trợ, định hướng. Tập trung đột phá trong khâu quy hoạch nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực, kỹ thuật, xúc tiến thị trường, vốn đầu tư... là hướng đi Hưng Yên đang thực hiện nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, tạo điều kiện thuận lợi để các làng nghề phát triển, coi đây như một trong những phương cách hữu hiệu nhằm ổn định đời sống người nông dân sau thu hồi đất./.