Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức CHDCND Lào và thăm cấp Nhà nước Vương quốc Cam-pu-chia
10:22, ngày 29-08-2010
Chiều 28-8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân, cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào từ ngày 24 đến 26-8 và thăm cấp Nhà nước Vương quốc Cam-pu-chia từ ngày 26 đến 28-8.
Trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên đi theo Ðoàn, Thứ trưởng Ngoại giao Ðào Việt Trung nhấn mạnh: Những kết quả rất tốt đẹp của hai chuyến thăm góp phần quan trọng vào việc tăng cường, củng cố và đưa quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia phát triển lên tầm cao mới. Trước hết, các vị lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và đang phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn và các nhà lãnh đạo cấp cao của Lào nhấn mạnh: Lào luôn coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt. Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni và các vị lãnh đạo Cam-pu-chia cảm ơn sự ủng hộ và sự giúp đỡ mà nhân dân Việt Nam đã dành cho nhân dân Cam-pu-chia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giúp Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; đồng thời khẳng định nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia mãi mãi là những người bạn láng giềng tin cậy. Lào và Cam-pu-chia đều đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam, vai trò và đóng góp của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN và cam kết ủng hộ Việt Nam hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2010, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực... Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các vị lãnh đạo của Lào và Cam-pu-chia đã trao đổi và nhất trí về nhiều phương hướng, biện pháp quan trọng nhằm tăng cường và phát triển quan hệ song phương, đưa quan hệ đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao.
Trong các cuộc tọa đàm với chủ đề "Kinh nghiệm, tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư Việt Nam" tại Lào và Cam-pu-chia được tổ chức nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước, các nhà lãnh đạo Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã ghi nhận nhiều kiến nghị, sáng kiến rất cụ thể và thiết thực mà các nhà đầu tư Việt Nam nêu ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào Lào và Cam-pu-chia.
Chủ tịch nước cũng đã có các cuộc gặp gỡ với đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Lào và Cam-pu-chia, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, động viên bà con đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước Lào và Cam-pu-chia và vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia. Trong các cuộc hội đàm, hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo Lào và lãnh đạo Cam-pu-chia khẳng định luôn quan tâm và sẽ tạo điều kiện giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống ổn định.
Về những lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia sẽ được ưu tiên đẩy mạnh trong thời gian tới, Thứ trưởng Ðào Việt Trung cho biết: Việt Nam rất coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt - Lào và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia. Hoạt động trao đổi đoàn với Lào và Cam-pu-chia ở các cấp, các ngành và địa phương sẽ được tăng cường hơn nữa, làm sâu sắc hơn mối quan hệ chính trị tốt đẹp để tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại...
Trong hợp tác với Lào, Thứ trưởng Ðào Việt Trung cho rằng: Cần nhanh chóng triển khai các thỏa thuận trong các lĩnh vực thủy điện, trồng cây công nghiệp và khai khoáng; đồng thời tăng cường hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch, văn hóa, bưu chính viễn thông..., tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế, thương mại. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển đào tạo nguồn nhân lực giúp Lào nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Lào, coi đây là hợp tác chiến lược lâu dài. Trước mắt, hai nước phối hợp sớm hoàn thiện Ðề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực", sớm triển khai dự án Khoa tiếng Việt tại Ðại học Quốc gia Lào và một số dự án hợp tác khác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Ðối với Cam-pu-chia: Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt hai tỉ USD; khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Cam-pu-chia, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, trồng cây cao-su, sản xuất phân hóa học, chế biến nông sản, thăm dò và khai thác mỏ, dầu khí, viễn thông, thủy điện... Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác và giúp đỡ Cam-pu-chia trong các lĩnh vực khác như nông-lâm-ngư nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, du lịch.
* Trước đó, vào sáng 28-8, tại Thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự và phát biểu ý kiến tại cuộc tọa đàm "Kinh nghiệm, tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Cam-pu-chia". Dự cuộc tọa đàm có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Kít Chơn. Cuộc tọa đàm đã thu hút hơn 200 đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Ðại diện doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Cam-pu-chia đã báo cáo về kết quả thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng, tài chính - ngân hàng, y tế, năng lượng, công nghiệp nhẹ, thủy điện... Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nêu ra một số kiến nghị với Chính phủ hai nước nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển ngang tầm mối quan hệ chính trị tốt đẹp hiện nay.
Phó Thủ tướng Kít Chơn nhấn mạnh: Sự ổn định về an ninh, chính trị là yếu tố rất quan trọng củng cố tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội thịnh vượng. Cam-pu-chia hiện đã hòa nhập vào khu vực và thế giới, thiết lập được nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là các cơ chế hợp tác giữa hai nước Cam-pu-chia và Việt Nam. Trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Cam-pu-chia là một trong những "ngôi sao" ở châu Á về tăng trưởng kinh tế, là nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi... Năm 2010 được kỳ vọng là năm trỗi dậy của nền kinh tế Cam-pu-chia, dự báo tăng trưởng GDP rất khả quan từ 5% trở lên. Với lợi thế dân số trẻ, năng động, Cam-pu-chia bảo đảm cung cấp lực lượng lao động dồi dào, liên tục tăng trưởng, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Những tiềm năng của Cam-pu-chia đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ghi nhận những kiến nghị, sáng kiến rất cụ thể và thiết thực của các doanh nghiệp tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Cam-pu-chia những năm gần đây có bước phát triển đáng mừng, nhưng chưa thật sự tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Cơ hội vẫn đang ở phía trước, vì vậy mong các nhà đầu tư Việt Nam đến Cam-pu-chia với tinh thần tăng cường đoàn kết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Trong hợp tác, phải làm hết trách nhiệm, thận trọng, chặt chẽ, không để xảy ra những vấn đề làm ảnh hưởng đến niềm tin của đối tác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tích cực tham gia các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, văn hóa, y tế, giáo dục... hỗ trợ nhân dân Cam-pu-chia.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm công trình xây dựng Trường trung học và Kỹ thuật ở TP Công-pông Chơ-năng, thủ phủ của tỉnh Công-pông Chơ-năng. Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cam-pu-chia năm 2005, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã tặng Quỹ Hoàng cung Cam-pu-chia mười tỷ đồng, khoản tiền này đã được sử dụng vào mục đích xây dựng trường trong giai đoạn 1. Khi hoàn thành, ngôi trường này sẽ được mang tên Trường Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia./.
EU và ASEAN mong muốn hợp tác, gắn kết mạnh mẽ hơn  (29/08/2010)
Khai mạc Hội chợ thương mại quốc tế Cần Thơ 2010  (29/08/2010)
Khai mạc Hội chợ thương mại quốc tế Cần Thơ 2010  (29/08/2010)
Ðêm hội Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc  (29/08/2010)
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma  (29/08/2010)
Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức ở Tuyên Quang  (28/08/2010)
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm