Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức ở Tuyên Quang
TCCS - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ, Người khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém... Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, Tuyên Quang đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đó là một trong những bước đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm giữ gìn an ninh trên địa bàn toàn tỉnh.
Đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Tuyên Quang không ngừng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005 - 2010, đã xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cán bộ của tỉnh. Trên cơ sở rà soát, đánh giá cán bộ, công chức và quy hoạch cán bộ, các cấp, các ngành đã chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để thực hiện tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 09-KH/TU, ngày 4-6-2006 Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005 - 2010. Theo đó, Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, tăng cường liên kết với các trường đại học để mở các lớp đào tạo tại tỉnh; củng cố các trường chuyên nghiệp để đảm nhiệm có hiệu quả việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức. Các sở, ban, ngành, Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đúng đối tượng. Do vậy, số lượng cán bộ đi học ngày một tăng, nhất là số cán bộ cấp xã, trong đó có nhiều cán bộ nguồn ở vùng sâu, vùng xa.
Để có sự đồng bộ và đạt hiệu quả cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 8 đã ban hành Nghị quyết số 08/2007-HĐND ngày 17-7-2007 về cơ chế hỗ trợ thu hút cán bộ khoa học - công nghệ về tỉnh công tác và cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ. ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định về hỗ trợ thu hút cán bộ khoa học - công nghệ về tỉnh công tác và cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ; quyết định về việc ban hành danh mục ngành nghề, lĩnh vực hỗ trợ thu hút cán bộ khoa học - công nghệ về tỉnh công tác, hỗ trợ cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ từng năm.
Từ năm 2006 đến nay, do có sự triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã có bước chuyển tích cực. Toàn tỉnh đã có 244 cán bộ được đào tạo sau đại học, trong đó có 69 cán bộ nữ, 26 cán bộ là người dân tộc thiểu số; đào tạo đại học (hệ tại chức) cho 1.343 cán bộ, trong đó có 383 cán bộ nữ, 328 cán bộ là người dân tộc thiểu số; đào tạo trung cấp (hệ vừa học vừa làm) cho 524 cán bộ, trong đó có 39 cán bộ nữ, 153 cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị cho 441 cán bộ, trong đó có 67 cán bộ nữ, 79 cán bộ là người dân tộc thiểu số; đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho 1.777 cán bộ, trong đó có 620 cán bộ nữ, 544 cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Đi đôi với đào tạo về lý thuyết, tỉnh chú trọng đào tạo từ thực tiễn công tác, đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, bố trí sắp xếp và luân chuyển cán bộ. Xây dựng quy hoạch 104 đồng chí Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 122 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; các huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc đã giới thiệu bầu cử, chỉ định bổ sung 1.379 cán bộ; bổ nhiệm lại 327 lượt cán bộ. Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ để cán bộ được rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách, trưởng thành, vững vàng hơn, đồng thời phát huy được năng lực, sở trường, tạo chuyển biến tốt ở cơ quan, đơn vị nơi được luân chuyển đến. Tỉnh đã luân chuyển 133 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó luân chuyển, điều động từ tỉnh về huyện, thị 18 lượt cán bộ; từ huyện, thị về tỉnh 22 lượt cán bộ; luân chuyển giữa các sở, ngành 47 lượt cán bộ; luân chuyển trong nội bộ ngành, địa phương 40 lượt cán bộ; luân chuyển giữa các huyện, thị 06 lượt cán bộ.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức nghiên cứu tổng hợp, nghiệp vụ các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo cơ bản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được tăng cường và từng bước nâng cao chất lượng. Cơ cấu ngành nghề chuyên môn từng bước được chuyển dịch theo hướng phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mạnh ngay từ cấp cơ sở, tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ trưởng thôn, bản, tổ nhân dân. Hằng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các huyện, thị ủy tổ chức các lớp tập huấn công tác xây dựng Đảng cho các đồng chí bí thư chi bộ thôn, bản. Trường Chính trị tỉnh và Sở Nội vụ biên soạn tài liệu và mở các lớp học tập trung bồi dưỡng trưởng thôn, bản phù hợp với điều kiện của địa phương. Đến nay, gần 80% bí thư chi bộ thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh được tập huấn công tác xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức được 18 lớp với 1.854 học viên là trưởng các thôn, bản, tổ nhân dân tham gia.
Có thể nói công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã được các cấp, các ngành chủ động thực hiện, khắc phục dần tình trạng mất cân đối về cơ cấu đào tạo trong thời gian trước; đào tạo cán bộ, công chức đa ngành, đa lĩnh vực, gắn với đào tạo chuyên môn với đào tạo về chính trị và rèn luyện kiến thức thực tiễn cho cán bộ, công chức. Cùng với đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho cấp tỉnh và huyện, Tuyên Quang đã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ xã, quan tâm đến việc nâng cao mặt bằng dân trí và đào tạo nguồn cán bộ là con em các dân tộc tại cơ sở.
Qua hơn 20 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ, công chức của Tuyên Quang không ngừng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng; trình độ kiến thức và năng lực thực tiễn không ngừng được nâng lên; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc ít người được duy trì và phát triển; hầu hết đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn được phẩm chất đạo đức cách mạng, mẫn cán với công việc, tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Mục tiêu của tỉnh đến hết năm 2015, phấn đấu 100% số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trên 50% có trình độ cao đẳng, đại học; 100% số cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ nghiên cứu tổng hợp, nghiệp vụ của cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 7% có trình độ trên đại học.
Hiện nay, cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức nghiên cứu tổng hợp, nghiệp vụ các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo cơ bản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong tổng số 4.321 cán bộ nghiên cứu tổng hợp, nghiệp vụ cấp tỉnh, cấp huyện, số lượng đảng viên là 2.953 người, chiếm 68,34%, số cán bộ có trình độ đại học là 3.513 người chiếm 81,3%, trên đại học là 189 người, chiếm 4,37%, số cán bộ chưa có trình độ đại học là 808 người, chiếm 18,6% (đa số là cán bộ nghiệp vụ quá tuổi đào tạo); số đảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên là 2.103 người, chiếm 71,21%, số chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị là 850 người chiếm 28,78% (chủ yếu là cán bộ trẻ mới được kết nạp Đảng); số được bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước từ cán sự trở lên là 2.410 người, chiếm 55,77%. Trong tổng số 250 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trình độ chuyên môn đại học là 246 người, chiếm 98,4%, sau đại học là 18 người, chiếm 7,2%, số chưa có trình độ đại học là 04 người, chiếm 1,6% (do quá tuổi đào tạo); trình độ lý luận chính trị cao cấp là 231 người, chiếm 92,4%, số còn lại đang học cao cấp và có trình độ lý luận trung cấp chính trị.
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được tăng cường và từng bước nâng cao chất lượng. Trong tổng số 2.578 cán bộ, công chức cấp xã, số đảng viên có 2.225 người, chiếm 86,30%, số cán bộ có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên là 2.303 người, chiếm 89,33%, trong đó có trình độ cao đẳng, đại học là 705 người, chiếm 27,35%; cán bộ, công chức cấp xã là đảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên là 1.551 người chiếm 69,62%, quản lý nhà nước là 1.587 người, chiếm 61,55%.
Về cơ cấu ngành nghề chuyên môn của cán bộ, công chức, Tuyên Quang đã chú ý tái cơ cấu lại cho phù hợp dần với cơ cấu kinh tế "công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp" của tỉnh. Trong tổng số 7.149 cán bộ công chức, các ngành khối giao thông - xây dựng - công nghiệp có 637 người, chiếm 8,91%; các ngành khối thương mại - du lịch có 79 người, chiếm 1,1%; các ngành khối kinh tế - tài chính có 1.224 người, chiếm 17,12%; các ngành khối nông - lâm nghiệp có 2.112 người, chiếm 29,54%; các ngành khối Văn hóa - Xã hội là 1.112 người, chiếm 15,66%; các ngành khác có 890 người, chiếm 12,44%.
Chủ trương quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh Tuyên Quang đã tạo một "cú hích" quan trọng, một bước đột phá để quá trình thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức quản lý hành chính nhà nước phần lớn đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Cán bộ được cử đi học cao cấp lý luận chính trị đều là cán bộ chủ chốt và cán bộ trong quy hoạch chức danh chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện. Việc đào tạo chuyên môn đã gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với ngạch, chức danh đảm nhiệm và cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh được nâng lên; cơ cấu ngành nghề chuyên môn từng bước được chuyển dịch theo hướng phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có thời gian chưa gắn với quy hoạch cán bộ và yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nội dung chương trình và phương pháp đào tạo cán bộ chậm đổi mới và sát với thực tiễn. Chính sách hỗ trợ và khuyến khích đối với việc đào tạo trên đại học, chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi về địa phương công tác chậm ban hành và chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, một số cán bộ công chức chưa chủ động trong việc học tập để nâng cao trình độ, nhất là trình độ về kinh tế, kỹ thuật, ngoại ngữ, tin học. Tính chủ động, năng động, sáng tạo của một số ít cán bộ, công chức còn hạn chế; trình độ năng lực thực tiễn và phương pháp công tác chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 15-4-2009 Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 với mục tiêu đặt ra là: Xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch tổng thể, lâu dài về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện đào tạo theo chức danh, đào tạo cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Tỉnh xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức phải đồng bộ và gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ như quy hoạch cán bộ, bố trí, sắp xếp, sử dụng, luân chuyển cán bộ... Tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu trình độ so với chức danh hiện đang đảm nhiệm để bổ sung kế hoạch và cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo; chú ý đào tạo cán bộ theo quy hoạch một cách toàn diện cả phẩm chất chính trị, trình độ nghề nghiệp, năng lực thực tiễn, phù hợp với yêu cầu sử dụng, chức danh công tác và cơ cấu ngành, nghề theo hướng chuyên môn sâu; ưu tiên đào tạo sau đại học, kết hợp đào tạo dài hạn tập trung với các loại hình đào tạo khác; khuyến khích phong trào tự học, tự nâng cao trình độ của cán bộ, công chức bằng nhiều hình thức. Cùng với việc cử cán bộ có chất lượng đi học theo Đề án 165 của Trung ương, tỉnh đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đào tạo sau đại học và tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, nhằm có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa đối với cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ sau đại học. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo của tỉnh đổi mới nội dung và phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Mục tiêu của tỉnh đến hết năm 2015, phấn đấu 100% số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trên 50% có trình độ cao đẳng, đại học; 100% số cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ nghiên cứu tổng hợp, nghiệp vụ của cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 7% có trình độ trên đại học.
Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ cho cán bộ các cấp. Tăng cường đào tạo sau đại học đối với đội ngũ giảng viên các trường chuyên nghiệp của tỉnh. Thực hiện liên kết đào tạo các ngành học, bậc học giữa các trường của tỉnh với các trường đại học, học viện trong nước. Huy động mọi nguồn lực và tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong nước và nước ngoài. Từng bước nâng cấp về cơ sở vật chất và bậc đào tạo của các trường chuyên nghiệp, dạy nghề của tỉnh. Tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chú ý giảm những cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn theo quy định của vị trí công việc đang đảm nhận nhưng không có vị trí công tác khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại được để chuẩn hóa về chuyên môn. Thực hiện công tác tuyển dụng công chức, viên chức theo đúng các quy định của Nhà nước, bổ sung lực lượng công chức, viên chức đạt chuẩn về chuyên môn và góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Xây dựng chính sách giải quyết chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã chưa có trình độ chuyên môn trung cấp hoặc có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên không phù hợp với chức danh đang đảm nhiệm nhưng quá tuổi đào tạo. Thực hiện hỗ trợ đối với tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực đối với cán bộ, công chức được tỉnh cử đi đào tạo sau đại học; tích cực thu hút cán bộ khoa học - công nghệ về tỉnh công tác, nhất là các ngành, nghề, lĩnh vực tỉnh đang có nhu cầu...
Tuyên Quang không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế như nhiều địa phương khác, do vậy việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chính là bước đột phá về tri thức, để cán bộ, công chức đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của ngạch công chức, đồng thời góp phần xây dựng bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Có thể nói, chủ trương quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh đã tạo một "cú hích" quan trọng, một bước đột phá để tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới./.
Phát huy thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường thế giới  (28/08/2010)
Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2010 – 2015  (28/08/2010)
Chuyển công ty nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên  (28/08/2010)
Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2010 – 2015  (28/08/2010)
Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao  (28/08/2010)
Cái thế sợi tóc treo nổi nghìn cân  (28/08/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên