Sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) hiện đang được đặt dưới thử thách thực sự trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng và "tàn phá" toàn bộ lục địa này trong năm 2008. Bất chấp những nỗ lực tìm kiếm sự phối hợp chung trong EU nhằm ứng phó đối với cuộc khủng hoảng này, song sự chia rẽ giữa các thành viên trong khối đang gia tăng, do các quốc gia đều muốn đặt lợi ích của mình lên trên hết.

Bắt nguồn từ sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ hồi tháng 9-2008, cơn bão tài chính toàn cầu bắt đầu leo thang và dần lên tới đỉnh điểm. Do hệ thống tài chính có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, không lâu sau đó EU cũng trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng, khi các thể chế tài chính đều phải gánh chịu những thiệt hại kỷ lục tại thị trường tài chính Mỹ hoặc đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng trong vấn đề thanh khoản. Điển hình là, Công ty cho vay thế chấp Bradford & Bingley của Anh, Tập đoàn ngân hàng Fortis (liên doanh giữa Bỉ và Hà Lan) và Ngân hàng Dexia (liên doanh giữa Pháp và Bỉ) trở thành những nạn nhân đầu tiên tại châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính và khiến các chính phủ EU phải bơm hàng tỉ ơ-rô để "cứu" các thể chế tài chính này.

Những hành động ban đầu đã được một số nước thực thi dưới hình thức cá nhân hay nhóm vài quốc gia, song không hề hướng theo các thể thức cơ bản. Tuy vậy, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong sự thống nhất của EU, khi Ai-len đơn phương cam kết bảo đảm tất cả khoản tiền gửi tại các ngân hàng nước này, nhằm trấn an nỗi lo của những người gửi tiền, một động thái nhằm chuyển hướng thu hút tiền một cách an toàn khỏi các ngân hàng khác tại EU. Các rạn nứt tạo ra những tín hiệu hỗn loạn và gợi nên những nghi ngại rằng nó có thể xói mòn sâu hơn nữa niềm tin trên các thị trường tài chính.

Trong khi Chính phủ Mỹ công bố gói giải cứu 700 tỉ USD cho các ngân hàng gặp khó khăn, châu Âu cũng dự định tung ra một kế hoạch tương tự. Tuy nhiên, Đức đã phản đối gay gắt kế hoạch trên, khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu này không hề muốn ép buộc người dân đóng thuế phải trả tiền cho quỹ của EU. Bất chấp sự phản đối về quỹ giải cứu này, những lời kêu gọi hành động hợp tác được tiếp tục đẩy mạnh khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày càng khoét sâu vào EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho biết ông đang đề nghị và hối thúc các thành viên trong khối hướng tới mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn. Điều này là cực kỳ quan trọng cho niềm tin trên các thị trường, bởi đây không chỉ là vấn đề "bơm" vốn vào thị trường mà còn cần thúc đẩy lòng tin về các biện pháp ứng phó của EU.

Trong một động thái khẩn cấp để khôi phục sự ổn định trên thị trường tài chính, các nhà lãnh đạo từ 15 quốc gia trong Khu vực các nước sử dụng đồng ơ-rô (Ơ-rô zone) đã cố gắng tìm ra giải pháp cho một kế hoạch hành động chung tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Paris hồi tháng 10/08. Kế hoạch hành động mà các chính phủ EU dự định mua cổ phần trong các ngân hàng nhằm thúc đẩy tình hình tài chính và tạm thời đảm báo tái cấp vốn ngân hàng để làm dịu tình trạng đổ vỡ tín dụng. Giải pháp này sau đó đã được các nhà lãnh đạo tại các nước EU thông qua không lâu sau đó.

Kế hoạch hành động chung được coi như một "hòm công cụ", trong đó các thành viên EU có thể lựa chọn các giải pháp phù hợp cho chính đất nước mình. Dựa trên kế hoạch, các chính phủ EU cuối cùng đã cố gắng thiết lập lên một đợt "công kích" chống lại cơn khủng hoảng tài chính, khi cam kết rằng sẽ chi trên 2.000 tỉ ơ-rô (2.780 tỉ USD) cho gói giải cứu.

Tuy nhiên, sự hợp tác chậm trễ đã thất bại để ngăn chặn tình hình suy giảm kinh tế tiếp tục lan rộng và ngày càng trở nên xấu đi. Trước những tác động nặng nề do khủng hoảng, kinh tế Ơ-rôzone đã sụt giảm lần đầu tiên trong quý III/2008 và có thể tiếp tục sụt giảm trong quý IV/08. Trước viễn cảnh kinh tế tồi tệ, các nước EU lại tranh cãi về phương sách riêng của mỗi quốc gia để kích thích kinh tế.

Tiếp tục xu hướng nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia EU để ngăn chặn tình trạng suy giảm kinh tế, hồi tháng 11/08, EU cũng đã đề xuất về một gói kích thích kinh tế rộng rãi khác trị giá 200 tỉ ơ-rô (278 tỉ USD), tương đương 1,5% GDP của EU, do các chính phủ EU và các quỹ EU đóng góp. Mặc dù các nhà lãnh đạo EU đã thông qua kế hoạch này tại hội nghị thượng đỉnh ngày 12-12-2008 vừa qua, song những bất đồng về chi tiết kế hoạch vẫn còn tồn tại. Điển hình vẫn là Đức, khi nền kinh tế lớn nhất trong khối EU đã phản đối về những lời kêu gọi quốc gia này tiếp tục mở rộng kế hoạch kích thích tài chính trong nước vì những lợi ích tổng thể của EU, và Đức cho rằng kế hoạch hiện tại của nước này cho gói kích thích kinh tế thứ hai là chỉ khoảng 32 tỉ ơ-rô (44 tỉ USD).

Đối với các biện pháp đặc thù, các nhà lãnh đạo EU cũng thất bại khi không thể thống nhất về đề xuất của EC trong việc cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các loại hàng hóa "xanh" và các dịch vụ thu hút nhiều lao động. Vấn đề tranh cãi này sẽ được hoãn lại cho tới cuộc họp các bộ trưởng tài chính EU vào mùa Xuân năm 2009.

Nhấn mạnh về hội nghị thượng đỉnh vừa qua là một trong những hội nghị quan trọng nhất của EU, Chủ tịch Barroso nhận định rằng EU đã thành công trong "bài kiểm tra về mức độ tín nhiệm" với việc thông qua gói kích thích. Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi lớn đặt ra về tính thống nhất vững chắc của EU, khi những nhiệm vụ khó khăn vẫn còn đang ở phía trước để EU có thể giải quyết một cách triệt để cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng này./.