Thắng lợi của ông Lu-la đa Sin-va, một trong những người sáng lập Đảng Lao động hiện đang cầm quyền ở Bra-xin, trong hai kỳ bầu cử tổng thống liên tiếp, chứng tỏ phong trào cánh tả ở Bra-xin đã được đại bộ phận cử tri của nước này tin tưởng và ủng hộ.

Ngày 27-10-2002, ứng cử viên của Đảng Lao động, ông L. I. Lu-la đa Sin-va được bầu làm Tổng thống Bra-xin. Thắng lợi này được củng cố bằng kết quả bầu cử Quốc hội diễn ra sau đó. Lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng Lao động có được số đại biểu đông đảo ở Hạ viện, giành được 91/513 ghế. Sự kiện này là bằng chứng rõ ràng cho thấy, nền dân chủ mới đã thắng lợi ở Bra-xin vốn là một đất nước từng có truyền thống chuyên quyền, độc đoán. Người dân Bra-xin tuyên bố rằng, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, giờ đây họ đã có một vị tổng thống mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Tháng 10-2006, ông Lu-la đa Sin-va lại tái đắc cử Tổng thống Bra-xin với 60% phiếu bầu. Là một trong những người sáng lập Đảng Lao động, thắng lợi của ông trong hai kỳ bầu cử liên tiếp chứng tỏ phong trào cánh tả ở Bra-xin được đại bộ phận cử tri tin tưởng và ủng hộ.

Việc ông Lu-la đa Sin-va lên nắm quyền và những chuyển biến ở Bra-xin có ý nghĩa rất quan trọng và thu hút sự chú ý lớn của các lực lượng xã hội chủ nghĩa cả ở Bra-xin lẫn ở các khu vực khác trên thế giới, bởi lẽ Bra-xin là một quốc gia rộng lớn, có vai trò ngày càng quan trọng không chỉ ở khu vực Mỹ La-tinh mà còn trên toàn thế giới. Về phần mình, Đảng Lao động là một chính đảng có đội ngũ đảng viên khá đông đảo, ra đời trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại chế độ độc tài quân sự. Hơn thế, nhiều đại biểu cánh tả thế giới còn nhìn nhận Đảng Lao động Bra-xin như một mẫu hình về xây dựng các phong trào cấp tiến.

Dưới chế độ độc tài ở Bra-xin trước đây chỉ có hai đảng chính trị được thừa nhận và hoạt động công khai. Trước khi Đảng Lao động ra đời (năm 1980), trên khắp lãnh thổ Bra-xin đã dấy lên các phong trào đấu tranh mạnh mẽ của công nhân ngành luyện kim và ngành chế tạo ô-tô. Khi đó, vai trò lãnh đạo các phong trào này thuộc về những tổ chức công đoàn bán công khai. Trong một thời gian dài, các tổ chức công đoàn chính thống ở Bra-xin là những "tổ chức hợp pháp về mặt chính trị", là bộ phận hữu cơ trong thiết chế giám sát mang tính dân túy do chính phủ lập ra. Các tổ chức công đoàn chính thống không đàm phán với giới chủ, không thu công đoàn phí. Chính phủ cấp kinh phí để trả lương cho các lãnh tụ công đoàn và chỉ định tòa án dân sự để ấn định mức tiền công cũng như điều kiện làm việc cho hầu hết các tầng lớp người lao động.

Từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, các hãng ô tô hàng đầu thế giới như Volkswagen, Mercedes và Ford đã đến xây dựng nhà máy ở thành phố Sao Bec-nac-đô (một trong năm thành phố vệ tinh của Sao Pau-lô). Vào cuối thập niên 70, những cuộc đình công lớn chủ yếu đã nổ ra ở các cơ sở lắp ráp ô tô ở thành phố Sao Bec-nac-đô. Cuộc bãi công kéo dài 6 tuần của 250.000 công nhân lao động đã khép lại sau chiến dịch tấn công đẫm máu của cảnh sát được quân đội hậu thuẫn. Nhiều nhân vật cầm đầu cuộc bãi công, trong đó có ông Lu-la đa Sin-va đã bị bắt giam. Tuy nhiên, chỉ sau khi những cuộc xung đột tàn khốc giữa những người lao động và quân đội chấm dứt (tháng 6-1980), làn sóng bãi công mới thật sự lắng dịu.

Chính vào thời điểm phong trào bãi công nổ ra dồn dập ở thập niên 70, ông Lu-la đa Sin-va đã tạo dựng được uy tín chính trị của một lãnh tụ công đoàn chân chính mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đảng Lao động do ông sáng lập được xem như kết quả của tiến trình "dân chủ cởi mở". Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, các nhà hoạt động công đoàn, công nhân các ngành gang thép, cơ khí và điện lực mới chỉ chiếm hơn 50% tổng số đảng viên. Tháng 6-1980, Đại hội toàn quốc của Đảng được tổ chức. Đại hội đại diện cho khoảng 30.000 đảng viên có đăng ký chính thức. Không lâu sau ngày thành lập, số lượng đảng viên của Đảng tăng lên nhanh chóng. Đến năm 1982, Đảng đã có một đội ngũ khoảng 250.000 đảng viên đăng ký chính thức. Một trong những thành tựu đầu tiên của Đảng là vận động thành lập Liên hiệp Công đoàn độc lập ở Bra-xin. Tổ chức này chính thức ra đời năm 1983, lấy tên là Liên hiệp Trung ương của những người lao động (CUT). Về chính thức, Đảng Lao động và CUT là hai tổ chức độc lập, nhưng trên thực tế, hai tổ chức này gắn bó, liên kết chặt chẽ với nhau, nhất là ở cơ quan lãnh đạo các cấp. Phần lớn các nhân vật lãnh đạo của CUT đồng thời là người đứng đầu các cơ quan lãnh đạo của Đảng Lao động.

Các bộ phận đảng viên khác của Đảng Lao động bao gồm đại biểu của các phong trào xã hội và phong trào dân chủ, phong trào Thần học Giải phóng, như nhóm bảo vệ quyền con người, các tổ chức của phụ nữ, các nhà trí thức thiên tả; đại biểu theo xu hướng tư tưởng mác-xít, trong đó có đại biểu của lực lượng du kích cộng sản... Một nét đặc trưng nữa của Đảng Lao động là mức độ tham gia rộng rãi của quần chúng đảng viên vào quá trình ra quyết định và cơ cấu tổ chức dân chủ trong nội bộ đảng. Đảng Lao động coi mình là một đảng xã hội chủ nghĩa cánh tả đại chúng với cơ cấu tổ chức nội bộ hoàn toàn dân chủ, ủng hộ lập trường cấp tiến trong môi trường chính trị cực hữu ở Bra-xin khi đó. Trong Cương lĩnh chính trị, Đảng Lao động Bra-xin tuyên bố: Đảng là lực lượng chính trị đại biểu chân chính cho lợi ích của đại bộ phận giai cấp công nhân, đoàn viên công đoàn, tầng lớp người nghèo bán thất nghiệp và không có ruộng đất ở Bra-xin... Tại Hội nghị Lập hiến dân chủ toàn quốc năm 1988, Đảng đã công khai kêu gọi xóa các khoản nợ nước ngoài của Bra-xin, quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng và tất cả tài nguyên khoáng sản của đất nước, ủng hộ cải cách ruộng đất triệt để, từ chối ký Dự thảo Hiến pháp mới do Đảng Dân chủ mới Bra-xin đề xướng...

Những năm tiếp theo, Đảng Lao động Bra-xin vẫn khẳng định đường lối xã hội chủ nghĩa ban đầu và không có bất kỳ điều chỉnh nào đối với Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, ngay cả khi lãnh tụ Lu-la đa Sin-va bất ngờ bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1989. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII (năm 1993) Đảng Đảng Lao động Bra-xin tái khẳng định "tính chất xã hội chủ nghĩa và bản chất cách mạng" của mình với tuyên bố ủng hộ "cải cách ruộng đất triệt để và xóa tất cả mọi khoản nợ nước ngoài của Bra-xin", đồng thời nhấn mạnh: "chủ nghĩa tư bản và chế độ tư hữu không thể là tương lai của nhân loại".

Trong những năm đầu sau khi Đảng Lao động được thành lập, hầu hết báo chí đều đưa ra đánh giá rằng, đường lối chính trị của Đảng không bị vẩn đục bởi bất cứ biểu hiện nào của chủ nghĩa chuyên quyền, Đảng không làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho cuộc đấu tranh của người lao động. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên khi tin ông Lu-la đa Sin-va giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lan rộng, sự tin tưởng, ủng hộ của cánh tả khắp thế giới đối với ông và Đảng lao động cầm quyền của ông tăng lên rất nhiều. Báo chí đưa tin rằng, khoảng 70.000 người phản đối toàn cầu hóa tham dự Diễn đàn Xã hội thế giới lần thứ III (tháng 1-2003) được tổ chức ở Pooc-tô A-lê-gre đã hân hoan vui mừng trước thắng lợi của ông Lu-la đa Sin-va. Các hãng thông tấn chính thống đưa tin về Diễn đàn Xã hội thế giới lần thứ III đã nhanh chóng gắn kết thắng lợi của Đảng Lao động trong bầu cử tổng thống ở Bra-xin với Phong trào chống toàn cầu hóa. Một số báo khác đưa ra bình luận rằng, giờ đây Phong trào chống toàn cầu hóa đã có tiếng nói thực sự trong các công việc của thế giới.

Bên cạnh vai trò là người bảo trợ cho Diễn đàn Xã hội thế giới, Đảng Lao động Bra-xin có liên hệ gần gũi với lực lượng cánh tả trong Phong trào chống toàn cầu hóa, nhờ vậy uy tín và ảnh hưởng quốc tế của ông Lula đa Sin-va càng được củng cố và tăng cường. Tuyên ngôn năm 2002 của Đảng với tên gọi "Một Bra-xin khác là có thể" đã thành khẩu hiệu mang nhiều nội dung tương đồng với mục tiêu của Phong trào chống toàn cầu hóa.

Bước phát triển ngoạn mục của Đảng Lao động có mở ra con đường phát triển tiếp theo cho các lực lượng cánh tả khác trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản hay không? Trả lời câu hỏi này, một đại biểu cánh tả có uy tín ở Mỹ La-tinh, ông Mai-cơn Lo-uy khẳng định: điều đó là hoàn toàn có thể. Ông viết: "Quá trình hình thành Đảng Lao động Bra-xin thể hiện một số nét rất đặc trưng cho đất nước Bra-xin đương đại. Ví dụ, những người cộng sản đóng vai trò quan trọng đối với sự ra đời của Đảng. Đảng Lao động Bra-xin đã khẳng định một luận điểm căn bản được rút ra từ nguyên tắc của C.Mác và Ph. Ăng-ghen: Phong trào công nhân trưởng thành ở những trung tâm công nghiệp lớn. Từ thực tế đấu tranh kinh tế, phong trào công nhân đi đến ý thức về sự cần thiết phải có đảng chính trị của mình, thu nạp vào hàng ngũ những đại biểu của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau và tất cả các tầng lớp xã hội đó đều chịu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân"(1)

Đặc trưng điển hình của Đảng Lao động Bra-xin là "thái độ khoan dung đối với các ý kiến khác nhau, bởi Đảng thu nạp vào hàng ngũ của mình các đại biểu của những trào lưu, xu hướng rất khác nhau. Điều đó đem lại nguồn sinh lực dồi dào cho Đảng, làm cho Đảng chẳng những không bị rơi vào tình trạng cô lập, không bị suy yếu mà trái lại còn có tác dụng tăng cường sự phong phú và sự học hỏi lẫn nhau giữa các lực lượng trong Đảng"(2)

Một bộ phận lớn các đảng cánh tả ở châu Âu hiện nay chịu ảnh hưởng không nhỏ tư tưởng, quan niệm nêu trên của Đảng Lao động Bra-xin, xem Đảng Lao động Bra-xin là một mẫu hình thành công về đảng của giai cấp công nhân mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới của thế giới sau "chiến tranh lạnh".

Đảng Lao động Bra-xin sẽ tiếp tục thể hiện mình ra sao khi nắm chính quyền? Đảng sẽ đấu tranh vì lợi ích của người lao động và các tầng lớp dân nghèo ở Bra-xin? Những cam kết mạnh mẽ của Đảng về mở rộng, tăng cường dân chủ sẽ được hiện thực hóa như thế nào? Liệu Đảng sẽ tiếp tục trung thành với những nguyên tắc ban đầu của mình hay không?... Tất cả những câu trả lời sẽ được phản ánh trong việc Đảng Lao động cầm quyền của Tổng thống Lu-la đa Sin-va sẽ hành động như thế nào để hiện thực hóa những mục tiêu mang "tính chất xã hội chủ nghĩa và bản chất cách mạng" của mình thời gian tới./.
 

(1) (2) Mai-cơn Lo-uy: Về những biểu tượng của Đảng Lao động Bra-xin, mùa Xuân năm 2003