Ngày 30-9, tại thành phố Cần Thơ, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Bảo vệ môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ; Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực và hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trí thức trong và ngoài nước.

Sau phát biểu khai mạc hội thảo của đồng chí Phạm Thanh Vận, PGS,TS Tạ Ngọc Tấn trình bày Báo cáo đề dẫn.
 
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: Vấn đề ô nhiễm môi trường đang đặt ra ở mức độ báo động tại đồng bằng sông Cửu Long - vùng giàu tài nguyên thiên nhiên bậc nhất của Việt Nam và là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Do điều kiện sinh thái, thủy văn riêng có của vùng đồng bằng sông Cửu Long nên vấn đề môi trường cũng có những đặc thù nhất định trong việc xem xét nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và đề xuất những giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường. Các đại biểu, các nhà khoa học cần nghiên cứu một cách nghiêm túc và sâu sắc những vấn đề về ô nhiễm môi trường, cùng bàn thảo những giải pháp, điều kiện nhằm sớm xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, bảo vệ tốt nhất môi trường sống cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, sau hội thảo, cần làm tốt công tác thông tin, xã hội hóa kết quả hội thảo, tạo ra sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội, dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề ô nhiễm môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
 
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sinh thái đặc biệt, mức độ ngập úng và ngập mặn bình quân hằng năm chiếm hơn 50% diện tích đất canh tác. Do đó, việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của vùng này, cùng với xu thế bùng phát từ nuôi trồng, chế biến thủy sản chưa theo quy hoạch tổng thể; vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp và áp lực gia tăng dân số nhanh đã làm cho tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước trở nên nghiêm trọng.Với tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh hiện nay (bình quân 15%/năm) cộng với tình trạng lạm dụng nông dược như phân bón, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, nước thải từ nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm… chứa nhiều loại mầm bệnh và chất độc hại lan tỏa ra sông rạch và các vùng ngập nước, đã làm cho tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng. Đây là dấu hiệu báo động thực sự về những nguy cơ xấu, đe dọa trực tiếp đến môi trường, sức khỏe và đời sống.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể: sự bất hợp lý trong quy hoạch phát triển chung và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của vùng; chưa khuyến khích và cho phép thu hút đầu tư những ngành nghề không có nguy cơ đầu độc dòng nước và những ngành không nhạy cảm với môi trường nước; năng lực thẩm định - đánh giá, dự báo và hiện đại hóa các thiết bị kiểm tra và xử lý môi trường còn nhiều hạn chế; nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức và đặc biệt là những cá nhân có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường chưa sâu sát và đầy đủ. Bên cạnh đó, do xuất phát từ lợi ích cục bộ mà không ít chủ đầu tư cố tình chậm triển khai, hoặc né tránh việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải. Hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Cho đến nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp còn chưa thật hoàn chỉnh, các biện pháp xử lý và chế tài luôn bất cập, chậm đổi mới, thiếu đồng bộ và lạc hậu so với yêu cầu phát triển. Cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo.

Việc ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, và trên phạm vi cả nước nói chung, là vấn đề có ý nghĩa cấp bách. Bằng cách nào để phát triển bền vững, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tốt nhất các giá trị đa dạng sinh học vùng đồng bằng sông Cửu Long? Trên tinh thần ấy, Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề:

- Thực trạng ô nhiễm môi trường và các vấn đề đặt ra: Ô nhiễm chất thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ô nhiễm từ lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Rác thải sinh hoạt, rác thải y tế và vấn đề ô nhiễm môi trường; ô nhiễm môi trường biển trong quá trình phát triển.

- Vấn đề quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long: Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp gắn với lợi thế của toàn vùng, bảo đảm bảo vệ tốt nhất các giá trị đa dạng sinh học của vùng ngập nước; giải quyết tốt và hài hòa giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng, chế biến thủy sản sạch và phát triển du lịch sinh thái; quy hoạch phát triển các trung tâm đô thị và cụm điểm dân cư trong chiến lược phát triển chung; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảođảm an sinhxã hội và môi trường sống an toàn.

- Vấn đề quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển từ thực tiễn đồng bằng sông Cửu Long: Những chính sách đặc thù gắn với điều kiện của vùng đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ môi trường. Đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách và chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách môi trường; chính sách xã hội hóa vấn đề bảo vệ môi trường. Ngành y tế và vấn đề bảo vệ môi trường.

Trên 50 báo cáo, tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là các báo cáo tham luận từ các nhà quản lý môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long gửi đến Ban tổ chức Hội thảo; gần 20 ý kiến phát biểu tham luận tại hội trường đã đề cập tương đối đầy đủ các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từ thực trạng, nguyên nhân và giải pháp. Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo đã được phát triển cụ thể, phân tích sống động hơn, làm rõ thêm nhữngnhững luận điểm đã trình bày trong các bản tham luận./.