TCCS - Hơn một thập niên qua, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, trước những tác động, ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cả hai nước đều nhận thấy việc thắt chặt hơn quan hệ là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc của mỗi nước, góp phần duy trì ổn định, phát triển của khu vực.
Những nhân tố tác động đến quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc
Vai trò của Mỹ đối với mối quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc. Mỹ đang muốn đẩy mạnh quan hệ với cả hai nước, nhằm duy trì Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Mỹ đóng vai trò quan trọng trong an ninh, chính trị và kinh tế ở cả hai quốc gia này.
Thứ nhất, Mỹ có mối liên hệ mật thiết và ràng buộc chặt chẽ về an ninh với cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Cụ thể, liên minh Mỹ - Nhật Bản bắt đầu hình thành từ năm 1951, với việc ký kết Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản; sau đó là Hiệp ước hợp tác và an ninh Mỹ - Nhật Bản vào năm 1960, với mục tiêu “… duy trì an ninh của Nhật Bản cũng như hòa bình, an ninh ở khu vực Viễn Đông”(1). Còn với Hàn Quốc, ngay sau khi nước Đại Hàn Dân Quốc ra đời (năm 1948), Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của quốc gia này. Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Hàn Quốc được ký kết vào tháng 10-1953 đã chỉ rõ: “Tất cả những cuộc tấn công quân sự ở khu vực Thái Bình Dương, ở những vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của bên liên quan (Hàn Quốc)… đều gây nguy hại đến hòa bình và an toàn của hai nước”, đồng thời nhấn mạnh sẽ “hành động khi gặp các mối nguy hại chung”(2). Việc Mỹ ngay từ sớm xác lập quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy mong muốn của Mỹ trong việc bảo trợ về lợi ích, trách nhiệm an ninh với hai quốc gia này, nhằm tạo ra một hệ thống “trục và nan hoa” để kiềm chế sự bành trướng của các lực lượng khác trong khu vực, bao gồm Liên Xô (sau này là Nga), Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên.
Thứ hai, ngoài an ninh, chính trị, Mỹ còn là nhân tố quan trọng tác động đến quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc thông qua kinh tế. Vai trò của Mỹ đối với kinh tế của hai nước có những điểm tương đồng. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã viện trợ cho Nhật Bản thông qua kế hoạch Marshall. Chỉ trong vòng hơn một thập niên, với sự hỗ trợ từ Mỹ, Nhật Bản đã vươn lên trở thành cường quốc kinh tế trong giai đoạn 1960 - 1980. Đối với Hàn Quốc, nước này đã nhận được những khoản viện trợ lớn từ Mỹ, được ví như “ngọn gió thần” đóng góp vào thành tựu kinh tế ấn tượng của Hàn Quốc trong những năm 80 của thế kỷ XX.
Thứ ba, Mỹ luôn kêu gọi và tạo điều kiện để Nhật Bản - Hàn Quốc hợp tác. Ngày 13-2-2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu rõ hai nước cần nỗ lực cải thiện quan hệ, đồng thời duy trì sức mạnh ba bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản, đặc biệt liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tiếp đó, ngày 16-4-2015, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khi đó đã phát biểu: “Chúng tôi đang khuyến khích những người bạn thân nhất của mình xây dựng quan hệ vững chắc nhất…”(3). Như vậy, Mỹ đã trở thành nhân tố gắn kết, giúp cho quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc trong mức độ nào đó, giảm xung đột.
Trung Quốc cũng là một nhân tố tác động lớn đến quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc. Kể từ khi tiến hành cải cách và mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là với Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì thế, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng, đối tác thương mại hàng đầu, một thị trường đầu tư hấp dẫn đối với cả hai nước.
Năm 2015, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Sự kiện này là một “cảnh báo” với Nhật Bản, vì trong thời điểm đó, nước này đang gặp khó khăn trong việc đàm phán FTA với Hàn Quốc. Mục tiêu của FTA giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ là xây dựng một thị trường chung, mà còn là việc “bắt tay” để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng “hoãn vô thời hạn” của FTA Nhật Bản - Hàn Quốc đã khiến các mục tiêu chưa thể thực hiện, mà còn thúc đẩy Hàn Quốc - Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn. Sau khi có FTA, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, vượt qua Mỹ và Nhật Bản. Bên cạnh hợp tác kinh tế, Hàn Quốc cũng cần sự hỗ trợ của Trung Quốc để đối thoại với CHDCND Triều Tiên, góp phần giải quyết các vấn đề tồn đọng trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài hợp tác song phương, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc còn tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này thúc đẩy quan hệ kinh tế Nhật Bản - Hàn Quốc bằng cách tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đầu tư giữa các quốc gia. Tham gia RCEP có thể tạo cơ hội cho những nước này hợp tác, thảo luận về những vấn đề kinh tế chung, qua đó, giúp mỗi nước vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường hiểu biết, nhất là giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhân tố CHDCND Triều Tiên trở thành “mối quan ngại” chung của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, năm 2023, tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng khi CHDCND Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo, làm rúng động dư luận cả hai nước cũng như khu vực và thế giới. Mặc dù không có sự thỏa thuận pháp lý về an ninh giữa hai nước, nhưng lợi ích đã thúc đẩy cả hai nước nỗ lực để cân bằng những bất đồng. Khi cùng chung mối lo ngại đối với CHDCND Triều Tiên và cùng liên minh với Mỹ, hai nước sẽ cùng chia sẻ nhiều vấn đề chung.
Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có những khác biệt trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc có xu hướng “bỏ ngỏ” quan hệ với Nhật Bản, Mỹ để theo đuổi sự hòa hợp dân tộc với CHDCND Triều Tiên thông qua Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng xu hướng ấy đang gián tiếp khiến liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc suy yếu, bởi quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc.
Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển cũng có những tác động tới quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc. Khi hai nước cùng thiện chí giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại và những khúc mắc hiện tại, sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Mặt khác, nếu hai bên hợp tác chặt chẽ hơn, thì không chỉ lĩnh vực chính trị, mà còn cả kinh tế của mỗi bên, cũng như khu vực và thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu quan hệ hai nước trở nên tốt hơn, thì đây có thể trở thành hình mẫu cho việc nỗ lực vượt qua những khác biệt lịch sử, chính trị để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực và thế giới.
Nhân tố nội bộ giữa hai nước. Lợi ích quốc gia đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc. Về kinh tế, cả hai nước đều là nền kinh tế lớn, có ảnh hưởng toàn cầu, cùng cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghiệp quốc phòng. Nhật Bản tập trung vào phát triển công nghệ quốc phòng tiên tiến, như hệ thống phòng thủ tên lửa và các loại vũ khí chất lượng cao. Hàn Quốc đã thực hiện nhiều dự án quân sự quan trọng, như sản xuất máy bay tiêm kích KAI T-50 và tàu ngầm tấn công KSS-III… Việc cạnh tranh giúp mỗi nước tìm ra lợi thế, qua đó có cơ hội vươn lên. Tuy nhiên, nếu hai nước hợp tác với nhau thì sức mạnh cũng như lợi ích của họ sẽ được tăng lên.
Về an ninh, chính trị, hai nước đều đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, như căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc… Vì vậy, hợp tác để đối phó với những thách thức này sẽ làm tăng tính hiệu quả của cả hai nước trong bảo vệ lợi ích quốc gia của họ. Tuy nhiên, do còn tồn tại những mâu thuẫn nên hiệu quả hợp tác giữa hai nước chưa cao.
Những bước tiến trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc
Nhìn lại lịch sử, không phải đến nay mới diễn ra việc hai nước mong muốn bình thường hóa quan hệ. Năm 1998, hai nước đã có tuyên bố chung kêu gọi vượt qua quá khứ và xây dựng quan hệ mới(4). Ngày 4-1-2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi thư cho Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, trong đó khẳng định Hàn Quốc là “láng giềng quan trọng nhất của Nhật Bản” và bày tỏ cam kết cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bày tỏ mong muốn hòa giải và tăng cường hợp tác giữa hai nước, khẳng định cần xây dựng lòng tin và nhìn thẳng vào lịch sử, vì “… việc thiết lập một bầu không khí thân thiện là điều quan trọng”(5). Năm 2015, hai nước đã đạt được thỏa thuận, theo đó Nhật Bản đã gửi lời xin lỗi chính thức đến những “phụ nữ mua vui” của Hàn Quốc và cung cấp 1 tỷ yên Nhật (khoảng 9,23 triệu USD) để giúp đỡ những nạn nhân này. Ngày 1-7-2022, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh: “…các vấn đề lịch sử và tương lai của hai nước cần được đặt lên bàn đối thoại và giải quyết đồng thời. Hai nước cần bỏ cách tiếp cận không đạt được tiến bộ về các vấn đề lịch sử”(6). Nếu hai nước hợp tác hướng tới tương lai, thì chắc chắn sẽ giải quyết được các vấn đề lịch sử. Phía Nhật Bản mong muốn Chính phủ Hàn Quốc đưa ra các giải pháp hợp lý.
Như vậy, trong những năm qua, quan hệ giữa hai nước đã có nhiều bước tiến mới. Năm 2023 ghi nhận những tiến bộ khi hai nước liên tục có những động thái thể hiện mong muốn hàn gắn quan hệ, duy trì hợp tác. Ngày 6-3-2023, Hàn Quốc tuyên bố sẽ thay Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị lao động cưỡng ép trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Ủng hộ tinh thần đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã hoan nghênh kế hoạch trên, đồng thời sẵn sàng ủng hộ các tuyên bố chính thức trước đây; kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản giúp đỡ Hàn Quốc. Nhật Bản cũng lên kế hoạch khôi phục thương mại với Hàn Quốc.
Ngày 16-3-2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thăm Nhật Bản trong hai ngày - chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản sau 12 năm. Trong sự kiện này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mong muốn mở ra một “chương mới” trong quan hệ hai nước, vì “có một nhu cầu cấp thiết để tăng cường quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc trong môi trường chiến lược hiện nay”. Theo ông, “khi hai nước xích lại gần nhau hơn, thay đổi sẽ đến từng bước một”(7).
Cũng nhân dịp này, Chính phủ Nhật Bản đã gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc. Hàn Quốc rút khiếu nại việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)(8). Đây là thông tin lạc quan cho hợp tác kinh tế giữa hai nước. Thực tế, bất chấp những vấn đề còn tồn tại, hai nước vẫn là đối tác thương mại lớn thứ tư của nhau. Năm 2021, Nhật Bản xuất khẩu 52 tỷ USD hàng hóa sang Hàn Quốc, còn chiều ngược lại là 30 tỷ USD(9).
Tháng 5-2023, sau hơn một thập niên, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có chuyến thăm Hàn Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định chính phủ của ông sẽ kế thừa lập trường của các chính quyền trước với tinh thần hòa giải. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, các vấn đề lịch sử chưa được giải quyết không đồng nghĩa hai bên không thể có bước tiến làm sâu sắc thêm mối quan hệ. Theo Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, “hợp tác và phối hợp giữa hai nước là điều cần thiết, không chỉ vì lợi ích chung của mỗi nước, mà còn vì hòa bình và thịnh vượng của thế giới”(10).
Đáng chú ý, hai bên nhất trí nối lại “ngoại giao con thoi”, đồng nghĩa với các chuyến thăm thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước từ đây sẽ được tiến hành. Hai nước hoan nghênh việc tăng cường hợp tác giữa hai chính phủ và khối tư nhân. Điển hình là việc hai nước nối lại Đối thoại an ninh, Đối thoại kinh tế Hàn Quốc - Nhật Bản. Ngoài ra, Hàn Quốc cử chuyên gia đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi trong tháng 5-2023 nhằm hỗ trợ Nhật Bản trong việc xả nước thải. Hai nước khẳng định tăng cường hợp tác an ninh song phương, cũng như ba bên Nhật Bản - Hàn Quốc - Mỹ nhằm đối phó với các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Tựu trung, chỉ chưa đầy hai tháng (tháng 3 - tháng 5-2023), quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản đã có những cải thiện đáng kể. Quan hệ với Mỹ tiếp tục là yếu tố giúp hai nước cải thiện quan hệ với nhau. Trên thực tế, căng thẳng giữa hai nước này đã được các chính quyền tổng thống Mỹ quan tâm. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden coi trọng quan hệ ba bên với hai nước. Năm 2022, Mỹ tổ chức hơn 40 cuộc gặp giữa ba nước. Tháng 5-2022, Tổng thống Mỹ J. Biden đã đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, thúc giục hai nước tạo đột phá trong quan hệ, vì “điều đó giúp bình thường hóa tình bạn, kết nối các mối quan hệ và sự tin tưởng vốn không tồn tại trước đây”. Ngày 27-2-2023, ba nước đã tổ chức phiên họp đầu tiên trong khuôn khổ Đối thoại về an ninh kinh tế mới được thành lập. Ba nước đã thảo luận về hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cốt lõi và mới nổi, như công nghệ sinh học, lượng tử, không gian… Đối thoại ba bên sẽ củng cố hợp tác giữa ba nước, tạo cơ sở cho việc Nhật Bản, Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ.
Không chỉ vậy, trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 5-2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã mời Tổng thống Hàn Quốc Yoon tham dự Hội nghị G7 tại Nhật Bản và một cuộc gặp Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Điều đó cho thấy, Nhật Bản mong muốn có quan hệ thực chất hơn với Hàn Quốc, vượt ra ngoài khuôn khổ song phương. Bằng cách đưa Hàn Quốc vào quan hệ đa phương này, Nhật Bản đang tạo nền tảng để hai bên mở rộng hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng.
Tiếp đó, sau khi CHDCND Triều Tiên thử nghiệm thành công ICBM Hwasong-18, ngày 16-7-2023, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tổ chức tập trận chung(11). Hiện tại, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thiết lập liên kết với các hệ thống radar của Mỹ. Ngày 18-8-2023, Tổng thống Mỹ J. Biden đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ba bên được tổ chức(12). Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu để ba bên kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng như mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Ba nước còn xem xét thành lập các nhóm tư vấn để đàm phán và làm việc chung về nhiều vấn đề, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh kinh tế, an ninh mạng… trong trường hợp xảy ra khủng hoảng(13). Những nỗ lực của Mỹ đã góp phần quan trọng thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ. Vì thế, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đang có xu hướng tích cực hơn, đánh dấu một chương mới quan trọng và một khởi đầu mới cho các đối tác liên minh của Mỹ.
Trong bối cảnh thế giới đang hướng đến hòa bình, ổn định và phát triển, thay vì đối đầu về ý thức hệ và chính trị, ngoại giao như trước, theo giới chuyên gia, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gạt bỏ bất đồng, khôi phục quan hệ song phương. Việc bình thường hóa quan hệ không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước, mà còn là tín hiệu tích cực cho cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, hai nước còn có liên kết chặt chẽ về lợi ích dân tộc. Cả hai nước đang tìm kiếm những giải pháp chung cho những vấn đề kinh tế, an ninh. Vì thế, hợp tác toàn diện sẽ mở ra những quan hệ mới, đem lại lợi ích to lớn cho hai nước. Đây cũng là cơ hội mới góp phần củng cố hợp tác giữa hai đồng minh với Mỹ trong các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Từ nghiên cứu trên có thể thấy, một là, trong quan hệ quốc tế, nếu có thiện chí, thì các bên, kể cả là đối thủ hay có xung đột trong quá khứ, vẫn có thể trở thành bạn bè trong hiện tại và tương lai. Vì vậy, tăng cường đối thoại, thuyết phục là biện pháp cần thiết để xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia. Điều này sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho hai bên hoặc các bên liên quan, mà còn cho cả khu vực và thế giới. Hai là, Nhật Bản, Hàn Quốc là hai nước có vai trò quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Đặc biệt, đây còn là hai đối tác quan trọng của Mỹ. Vì vậy, tăng cường quan hệ với hai nước này sẽ đem lại nhiều yếu tố tích cực cho các nước nói chung, Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ. Ba là, đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc không chỉ đem lại lợi ích cho các bên mà còn giúp cân bằng quan hệ với các nước lớn. Trên thực tế, nhiều nước ASEAN đã có cả quan hệ song phương và đa phương với hai nước này. Tuy nhiên, cần nâng cao hiệu quả của mối quan hệ, khai thác tối đa tiềm năng của hai nước để đem lại lợi ích cho ASEAN, trong đó có Việt Nam./.
---------------------------
(1) “Treaty of Mutual Cooperation and Security between Japan and the United States of America”, Ministry of Foreign Affairs of Japan, ngày19-1-1960, http://www.mofa.go.jp/na/st/page1we_000093.html
(2) “Mutual Defense Treaty Between the United States and the Republic of Korea”, ngày 1-10-1953, https://www.usfk.mil/Portals/105/Documents/SOFA/ H_Mutual%20Defense%20Treaty_1953.pdf
(3) “Mỹ hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc cải thiện quan hệ song phương”, Trang thông tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 17-4-2015, https://www.vietnamplus.vn /my-hoi-thuc-nhat-ban-va-han-quoc-cai-thien-quan-he-song-phuong/318180.vnp
(4), (10) Thu Lan: “Quan hệ Nhật - Hàn trước một khởi đầu mới”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 8-5-2023, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/quan-he-nhat-han-truoc-mot-khoi-dau-moi-637230.html
(5) Đức Toàn: “Nhật Bản - Hàn Quốc hàn gắn quan hệ song phương”, Báo Tuổi trẻ online, ngày 4-1-2013, https://tuoitre.vn/nhat-ban---han-quoc-han-gan-quan-he-song-phuong-528328.htm
(6) Trần Phương: “Ngoại trưởng Hàn Quốc đến Nhật tháo gỡ tranh cãi quá khứ”, Báo Tuổi trẻ online, ngày 18-7-2022, ngày 18-7-2022, https://tuoitre.vn/ngoai-truong-han-quoc-den-nhat-thao-go-tranh-cai-qua-khu-20220718160225704.htm,
(7) Tử Uyên: “Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ đi tới đâu?”, Báo Công an nhân dân online, ngày 12-4-2023, https://cand.com.vn/chuyen-de/quan-he-nhat-ban--han-quoc-se-di-toi-dau--i689619/
(8) Nguyễn Hằng: “Nhật Bản đồng ý dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc”, Trang thông tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 16-3-2023, https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-dong-y-do-bo-cac-bien-phap-han-che-xuat-khau-sang-han-quoc/851588.vnp
(9) Nhật Đăng: “Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc chờ cột mốc mới”, Báo Tuổi trẻ online, ngày 17-3-2023, https://tuoitre.vn/quan-he-nhat-ban-han-quoc-cho-cot-moc-moi-20230316224432955.htm
(11) Thu Hằng: “Mỹ, Nhật, Hàn Quốc tăng cường an ninh do lo ngại Bình Nhưỡng hành xử như Hamas”, ngày 12-10-2023, https://www.rfi.fr/vi/ch% C3%A2u-%C3%A1/20231011-m%E1%BB%B9-nh%E1%BA%ADt-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-an-ninh-do-lo-ng%E1%BA%A1i-b%C3%ACnh-nh%C6%B0%E1%BB%A1ng-h%C3%A0nh-x%E1%BB%AD-nh%C6%B0-hamas
(12) “Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn”, Trang thông tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 19-8-2023, https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-quoc-te-1049/khai-mac-hoi-nghi-thuong-dinh-ba-ben-my-nhat-han-6888493.html
(13) Xuân Phong - Đào Lâm: “Hội nghị ba bên Mỹ - Nhật - Hàn: Cam kết tham vấn trước mối đe dọa chung”, Trang thông tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 19-8-2023, https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-ba-ben-mynhathan-cam-ket-tham-van-truoc-moi-de-doa-chung/889910.vnp
Nhật Bản nỗ lực khẳng định vị thế tại Đông Nam Á  (15/01/2024)
Một số tác động của cuộc xung đột Nga - U-crai-na tới cục diện thế giới  (27/09/2023)
Phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh mới  (23/08/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm