Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hội kiến Tổng thống Đức Frank - Walter Steinmeier
TCCS - Trong hai ngày 23-1 và 24-1-2024, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Tổng thống Đức Frank - Walter Steinmeier đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
* Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng về cuộc hội kiến với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier; cảm ơn phía Đức đã hỗ trợ Việt Nam số lượng lớn vaccine giúp Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch; tin tưởng chuyến thăm của Tổng thống sẽ tạo động lực mới đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của mình, Việt Nam luôn coi trọng vai trò, vị thế của Đức tại khu vực và trên thế giới; mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Đức trên tất cả các lĩnh vực.
Tổng thống Đức trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam; đánh giá cao sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam những năm qua.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng trước những bước phát triển trong quan hệ hai nước trong nhiều thập niên qua, đặc biệt các dự án hợp tác biểu tượng giữa hai nước đang hoạt động hiệu quả như Đại học Việt - Đức, Ngôi nhà Đức...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với Tổng thống Đức những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các đột phá chiến lược giúp hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên kinh tế số và chuyển đổi số, "tăng trưởng xanh", kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; cam kết có trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu.
Để đẩy mạnh hợp tác song phương đang phát triển tốt đẹp, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, qua đó giúp gia tăng tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau và tạo xung lực mới cho hợp tác hai nước; tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, khuôn khổ hợp tác ASEAN - Đức, ASEAN - EU.
Khẳng định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột của quan hệ song phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Đức nhất trí tăng cường khuyến khích doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh, như năng lượng, đường sắt, thiết bị y tế, dược phẩm, hạ tầng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); tiếp tục hợp tác với Việt Nam triển khai hiệu quả khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Đức là một bên tham gia để Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải như đã cam kết tại COP 26 cũng như phối hợp hiệu quả triển khai các dự án hợp tác phát triển do Đức tài trợ trong thời gian tới, ưu tiên các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường xây dựng các cơ chế, khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề. Tổng thống Đức bày tỏ mong muốn, lực lượng lao động Việt Nam sớm có cơ hội được làm việc tại Đức, cải thiện tích cực tình trạng thiếu hụt lao động tại Đức thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Tổng thống Đức tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng hơn 200.000 người Việt Nam tại Đức hội nhập thành công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Đức, là cầu nối cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tổng thống Đức đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Đức và coi đây là tài sản quý báu trong quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh sự cần thiết trong việc duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai bên nhấn mạnh ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
** Tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng và tự hào về thành quả hợp tác to lớn, toàn diện đạt được sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn một thập kỷ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ Việt Nam - Đức đang phát triển mạnh mẽ hướng tới tương lai tươi sáng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thống Đức ủng hộ hai bên tăng cường hợp tác nghị viện; phối hợp tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Tổng thống Frank - Walter Steinmeier bày tỏ vui mừng cho rằng, chặng đường gần 50 năm qua mỗi nước ngày càng trở thành những quốc gia quan trọng hơn. Quan hệ hợp tác thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao, các cấp, nhất là trong năm 2023 vừa qua, hợp tác giữa một số bộ, ngành hai nước được triển khai tích cực, trong đó có việc thu hút nhân lực Việt Nam sang Đức làm việc.
Tổng thống Đức cho biết, với mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác hai nước, trong đó có Quốc hội, chuyến thăm lần này trong đoàn có đại diện nghị sĩ Quốc hội Đức. Điều này thể hiện sự coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội. Nhìn lại gần 50 năm qua, tình hình địa - chính trị trên thế giới có nhiều thay đổi. Trong tổng thể quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức, giá trị của hòa bình, quan điểm giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế là những giá trị chung mà hai nước đề cao và tôn trọng.
Tổng thống Frank - Walter Steinmeier nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội cho rằng hợp tác kinh tế là trụ cột của quan hệ hai nước, đang phát triển tích cực và còn rất nhiều tiềm năng. Với mong muốn tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại, tham gia đoàn lần này có đại diện các doanh nghiệp Đức với mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đức là đối tác kinh tế hàng đầu, là thị trường của gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Đức là cửa ngõ cho hàng Việt Nam đi các thị trường châu Âu. Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Đức ở Đông Nam Á và đứng thứ 7 ở châu Á. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Đức thời gian qua có những đóng góp tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật tại Việt Nam; khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn lắng nghe các ý kiến, nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của Đức. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thống tiếp tục ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam về công nghiệp nặng, năng lượng, thiết bị y tế, dược phẩm, hạ tầng giao thông...
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Đức đã ủng hộ ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA; đồng thời đề nghị Tổng thống Frank - Walter Steinmeier ủng hộ Quốc hội Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Đức tiếp tục mở rộng đầu tư - kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chính phủ Đức đã cung cấp ODA giúp Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua về cải cách kinh tế vĩ mô, môi trường, y tế, giáo dục, đào tạo nghề... góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của phía Đức trong lĩnh vực này. Đức hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn "tài chính xanh" giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển "kinh tế xanh", bền vững, thực hiện cam kết COP 26 (net zero) vào 2050 và mong Đức chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Theo Tổng thống Frank - Walter Steinmeier, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế hai nước thì việc tháo gỡ các rào cản hành chính là rất quan trọng ở cả hai nước. Cụ thể, về phía Đức là cải tiến, giảm nhẹ quy định thủ tục để tiếp nhận lao động chuyên môn từ Việt Nam. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, "năng lượng xanh", tài chính là vấn đề quan trọng. Đức quan tâm hợp tác công nghệ với Việt Nam. Cùng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0, hai nước sẽ sớm hợp tác trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Quốc hội hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, trong cả khuôn khổ song phương và đa phương; đánh giá cao hợp tác trao đổi đoàn giữa hai bên ở cấp cao và giữa các ủy ban chuyên trách, nhóm Nghị sỹ hữu nghị; tham vấn tại các diễn đàn quốc tế như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP), tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm về lập pháp, giám sát, ra quyết sách đối với vấn đề quan trọng của quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, mong muốn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với phía Đức, một quốc gia châu Âu có hệ thống pháp luật rất phát triển. Quốc hội hai nước tăng cường phối hợp giám sát và đôn đốc thực hiện các thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký kết, các dự án hợp tác chiến lược; ủng hộ Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân hai nước tăng cường giao lưu và hợp tác.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng thống Frank - Walter Steinmeier quan tâm, ủng hộ việc thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Đức - Việt nhằm tăng cường hơn nữa tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Quốc hội hai nước./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Romania  (22/01/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2024 và thăm chính thức Hungary  (20/01/2024)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang  (18/01/2024)
Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV  (15/01/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển