Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Romania
TCCS - Từ ngày 20-1 đến ngày 22-1-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Romania theo lời mời của Thủ tướng Romania Ion Marcel Ciolacu.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Romania lần này là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng Chính phủ giữa hai nước sau 5 năm; diễn ra trong bối cảnh quan hệ truyền thống và hợp tác Việt Nam và Romania có bề dày gần 75 năm đang phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Romania là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Romania đã nhiệt tình ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến.
*Ngay sau Lễ đón tại Thủ đô Bucharest, Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiến hành hội đàm. Tại hội đàm, hai bên đã trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác hữu nghị truyền thống hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Về hợp tác chính trị - ngoại giao, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, làm nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực.
Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hai Thủ tướng khẳng định đây là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương; nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư xứng tầm với quan hệ chính trị, phát huy hơn nữa các cơ chế hợp tác sẵn có, khuyến khích doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cửa ngõ để các mặt hàng của Romania tiếp cận thị trường Việt Nam và ASEAN.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Romania là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thúc đẩy mạnh mẽ để kịp ký Hiệp định EVFTA vào 30-6-2019 là ngày cuối cùng nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của mình và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trong EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Trên tinh thần này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Romania tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy các nước EU còn lại sớm phê chuẩn EVIPA và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Thủ tướng Romania cho rằng hai bên cần tận dụng cơ hội thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, logistics, du lịch và biến Romania trở thành cửa ngõ của Việt Nam vào châu Âu trong bối cảnh Romania sắp gia nhập khu vực Schengen vào tháng 3-2024.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực truyền thống như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, văn hóa - thể thao - du lịch, lao động, y tế - dược phẩm, đồng thời thúc đẩy mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới, như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…
Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Romania tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Romania hội nhập ngày càng sâu rộng vào xã hội sở tại, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Romania cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị, giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước.
Hai Thủ tướng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trao đổi về các vấn đề quốc tế, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp luật pháp quốc tế.
** Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các cuộc hội kiến với Tổng thống Romania Klaus Iohannis, Chủ tịch Thượng viện Romania Nicolae Ciuca, Chủ tịch Hạ viện Romania Alfred Simonis. Tại các cuộc hội kiến, hai bên bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực quan trọng, nhất trí cho rằng quan hệ hai nước còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và Quốc hội để tăng cường sự tin cậy chính trị và thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước, nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực truyền thống như giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, lao động đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực giàu tiềm năng như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ…
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự hỗ trợ của Romania đối với cộng đồng người Việt Nam tại đây thời gian qua và mong rằng cộng đồng người Việt Nam tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống, hội nhập ngày càng sâu rộng vào xã hội sở tại, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Romania cũng như quan hệ hữu nghị bạn bè truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Romania.
*** Tại Thủ đô Bucharest, Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu cùng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Romania. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Romania phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Romania tổ chức.
Tại diễn đàn, thông tin những nét cơ bản về tình hình, các yếu tố nền tảng, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam phát triển dựa trên 3 trụ cột là: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Xuyên suốt quá trình đó, lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, là mục tiêu và là nguồn lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng đơn thuần. Cùng với đó, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Với mục tiêu thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị.
Thủ tướng cho biết Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; với các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, nghiên cứu và phát triển...
Thủ tướng cảm ơn Romania đã đóng vai trò tích cực trong việc ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và là một trong những nước EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA), Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai bên tận dụng các hiệp định này để hợp tác phát triển. Cùng với đó, tăng cường trao đổi, kết nối, đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Romania có thế mạnh như cơ khí, máy móc chuyên dụng, thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, công nghiệp sản xuất ô tô, năng lượng tái tạo, khai khoáng, lọc hóa dầu…
Thủ tướng chỉ rõ: “Diện tích của Romania bằng 2/3 Việt Nam, nhưng dân số chỉ bằng 1/5 Việt Nam, nên hai bên có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển”. Thủ tướng cho rằng, cản trở lớn nhất giữa hai nước là khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, trở ngại này có thể được khắc phục với việc tổ chức tốt chuyển đổi số, thương mại điện tử và bằng các phương tiện giao thông hiện đại như hàng không, hàng hải… để kết nối hai nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Romania đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam; tin tưởng doanh nghiệp hai nước sẽ hợp tác, đầu tư, góp phần hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Romania ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, mang lại phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân hai nước.
**** Cũng trong chuyến thăm chính thức Romania, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm và gặp gỡ cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Romania; thăm Viện nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania, trường Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest và tỉnh Prahova; tiếp bạn bè hữu nghị Romania - Việt Nam./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2024 và thăm chính thức Hungary  (20/01/2024)
Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV  (15/01/2024)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội đàm với Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo thăm cấp nhà nước tới Việt Nam  (13/01/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  (11/01/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển