Kinh nghiệm bước đầu trong giải quyết việc làm, ổn định đời sống nông dân, khi thu hồi đất phát triển khu công nghiệp của huyện Bến Lức
TCCS - Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm về giải quyết những khó khăn trong việc làm và đời sống của người dân có đất thu hồi, góp phần đưa Bến Lức trở thành huyện có sức thu hút đầu tư trong và ngoài nước mạnh nhất tỉnh, và cũng là địa phương dẫn đầu về phát triển khu công nghiệp - "đầu tàu" đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Long An.
Bến Lức có diện tích đất tự nhiên gần 29.000 ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp là hơn 23.000 ha. Số dân gần 134.300 người. Trước năm 1990, Bến Lức còn là một huyện thuần nông với cơ cấu kinh tế "nông nghiệp - công nghiệp và thương mại - dịch vụ", từ sau những năm 90 đến nay huyện đã nhanh chóng chuyển sang cơ cấu kinh tế "công nghiệp- thương mại - dịch vụ và nông nghiệp" và đang trở thành vùng động lực kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An.
Những thành tựu đạt được
Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn, từ những năm 90 huyện đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Đặc biệt, trong 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2005 - 2010, tăng trưởng kinh tế bình quân là 24%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 2.050 USD, tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ; công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng: 77, 5%; thương mại - dịch vụ năm 2008 chiếm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế là 16%, giá trị tuyệt đối ở lĩnh vực này so với năm 2005 tăng 74%.
Nông - lâm nghiệp có xu hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế. Năm 2009, khu vực này chỉ còn 6,5% nhưng vẫn đạt giá trị sản lượng khá: 368 tỉ đồng, cây mía đã có 90% diện tích sử dụng giống mới có chất lượng; cơ cấu cây trồng có thêm cây chanh với diện tích 1.105 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện gồm công nghiệp dệt - may chiếm 35%, công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm 25%, công nghiệp vật liệu xây dựng 20%. Tốc độ tăng trưởng hằng năm thời kỳ (2006 - 2009) là 20,5%; riêng năm 2009, giá trị ngành thương mại - dịch vụ thực hiện là 688 tỉ đồng.
Về phát triển khu công nghiệp, huyện đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến tháng 3-2010, trên địa bàn huyện Bến Lức, có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.078 ha, chiếm 15,6% và 8 cụm công nghiệp với diện tích 1.111 ha, chiếm 17,5% so với toàn vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Hiện tại, Bến Lức có 57 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn là 772 triệu USD, (so với năm 2003 tăng 228% về số doanh nghiệp và 256% về vốn đầu đầu tư nước ngoài); 950 doanh nghiệp đầu tư trong nước, với nguồn vốn đăng ký là 5.410 tỉ đồng. Các doanh nghiệp đi vào sản xuất, thu hút gần 40.000 lao động, với việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả huyện còn dưới 4%.
Sự lựa chọn đúng đắn và bước đi phù hợp
Thực hiện chủ trương đổi mới về phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, Đảng bộ Bến Lức xác định rõ: Bến Lức muốn phát triển nhanh và bền vững, từng bước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai, không có con đường nào khác là phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và phát triển đô thị. Đó là con đường tất yếu để phát huy lợi thế địa bàn. Với quyết tâm "đi tắt đón đầu", Bến Lức đã quy hoạch tổng thể và quy họạch chuyên ngành kinh tế - xã hội. Đây là những định hướng rất cơ bản cho công tác lãnh đạo quản lý, cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Nhưng từ khi quy hoạch đến triển khai dự án cụ thể là một quá trình đầy khó khăn, phức tạp (có gần 2.245 ha đất, chiếm tỷ lệ 9% đất nông nghiệp và hơn 20% hộ dân sẽ bị ảnh hưởng khi thu hồi đất) đòi hỏi phải có sự quyết tâm của nhiều phía: Nhà nước, nhà đầu tư, nhất là nhân dân ở trong vùng có dự án. Hơn nữa, thực hiện các dự án ở Bến Lức, không tránh khỏi việc di dời nhà cửa, mồ mả, phải va chạm với những quyền lợi trước mắt, thậm chí làm thay đổi cả một tập quán sinh sống lâu dài của người dân... là những việc rất khó khăn, đầy thách thức.
Chính vì vậy, Đảng bộ Bến Lức xác định rõ giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, bồi thường thỏa đáng cho người dân là một trong những khâu then chốt nhất, quyết định nhất để triển khai các dự án. Thời gian qua, từ thực tiễn triển khai, Bến Lức đã vận dụng nhiều giải pháp tổng hợp, như: giáo dục, thuyết phục, hành chính, kinh tế và chủ yếu là kết hợp giải quyết hài hòa các lợi ích... nên được nhân dân đồng tình và đã có hàng ngàn hộ vì lợi ích chung đã tự nguyện giao hàng trăm héc-ta đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án và các công trình phúc lợi.
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm khi giải quyết những khó khăn trong việc làm và đời sống của người dân có đất bị thu hồi. Đảng bộ huyện Bến Lức quán triệt: Muốn bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng nhanh và hiệu quả, thì giải pháp bao trùm, chi phối nhất vẫn là tạo sự thống nhất, đồng thuận thật cao, trước hết là trong nội bộ từ tỉnh đến huyện và xã , thị trấn, sau đó tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tạo sự đồng thuận trong xã hội. Phải thống nhất nhận thức trong toàn Đảng bộ và toàn dân về chủ trương phát triển khu công nghiệp trên địa bàn, tạo thành một cuộc vận động cách mạng thật sự thì mới thuận lợi cho việc triển khai các công trình dự án. Từ lãnh đạo Đảng đến lãnh đạo chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong huyện Bến Lức phải làm mọi cách cho nhân dân hiểu sâu sắc việc thực hiện tốt giải phóng mặt bằng là để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân chứ không phải chỉ lo cho các nhà đầu tư. Chỉ có làm cho dân hiểu rõ đây là sự kết hợp hài hòa giữa các lợi ích của Nhà nước, nhân dân và các nhà đầu tư thì mọi chuyện mới thông suốt, không dẫn đến khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tình hình chung.
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân vùng thu hồi đất, thời gian qua, huyện Bến Lức đã chủ động đề xuất tỉnh Long An cho thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng từ huyện đến các xã, thị trấn vận động đồng thời chỉ đạo, phối hợp các ban ngành, đoàn thể liên quan, các cấp ủy, chính quyền đôn đốc, vận động nhân dân. Song song đó, huyện thành lập Ban chuyên trách cấp huyện giải quyết việc làm, ổn định đời sống để phối hợp với các ban quản lý các khu công nghiệp đào tạo kỹ thuật, thu nhận con em người thuộc diện thu hồi đất vào làm việc, các nhà máy cam kết thực hiện bảo đảm việc làm ngay từ đầu, không để người dân bị thất nghiệp. Kết quả đã có gần 40 ngàn người (chiếm 30% số dân của huyện) được vào làm việc trong các khu công nghiệp, trực tiếp ổn định đời sống cho người dân thuộc diện thu hồi đất của huyện.
Chẳng hạn, tại khu công nghiệp và khu dân cư Thạnh Đức do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An làm chủ đầu tư, lúc đầu triển khai bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những cán bộ hưu trí phản ứng rất gay gắt. Nhưng sau khi giải thích, vận động và giải quyết tốt các chính sách tái định cư, họ thống nhất nên đến nay đã thực hiện bồi thường xong cho toàn bộ dự án. Phát huy kinh nghiệm đó, Bến Lức đã cùng tỉnh triển khai tiếp một số dự án khá thành công trên địa bàn, như ở khu công nghiệp Thuận Đạo với Công ty trách nhiệm hữu hạn Chih-Lu hiện đã đi vào họat động với trên 15.000 công nhân, triển khai hệ thống đê bao khép kín vùng mía được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Những kinh nghiệm bước đầu
Từ những kết quả nêu trên, có thể rút ra bài học kinh nghiệm bước đầu trong quá trình phát triển các khu công nghiệp của huyện Bến Lức:
Trước hết, thực hiện đúng quy trình triển khai các dự án, nhất là bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ ngay từ khi dự án bắt đầu đi vào thực hiện cho đến khi hoàn thành dự án. Mọi thắc mắc, khiếu nại trong nhân dân phải được các ngành chức năng, các ban ngành, đoàn thể phối hợp giải quyết cụ thể, dứt khoát, tạo được sự tin tưởng của nhân dân trong kê khai, bồi thường cũng như các chính sách khác.
Hai là, đặt lợi ích của người dân lên trên hết nhằm tạo sự thống nhất cao bằng việc làm thiết thực, như: tái định cư, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết lao động, việc làm... cho người dân trong vùng quy hoạch thu hồi đất, nhất là việc tái định cư và bảo đảm ổn định về mồ mả. Thực tế cho thấy, những khó khăn trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng vừa qua chủ yếu là chưa có chỗ tái định cư, không thỏa đáng về giá cả đền bù. Đồng thời, Bến Lức chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, bảo đảm trước khi triển khai dự án phải đầu tư khu tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Khi đã giải quyết tốt khâu tái định cư, sẽ tháo gỡ tốt những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, mà trường hợp ở Công ty thủy hải sản ở xã Nhựt Chánh của Bến Lức là một điển hình.
Ba là, đồng thời với chính sách tái định cư, Bến Lức có chính sách về giá cả bồi thường tương đối phù hợp, bảo đảm cuộc sống nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Cùng với đó, làm tốt chính sách ưu tiên trong dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, nhất là người trong độ tuổi lao động, không để cho nhân dân sau khi di dời đến nơi ở mới hoặc tái định cư tại chỗ, gặp khó khăn. Huyện ký hợp đồng với các nhà đầu tư ràng buộc trách nhiệm thu nhận con em trong vùng giải tỏa vào khu công nghiệp làm việc. Các cơ quan chức năng được phân công hướng dẫn nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên tích cực học tập, chuyển sang ngành nghề mới phù hợp với sự phát triển chung. Để làm tốt việc này, huyện sử dụng nguồn vốn có được từ bồi thường thiệt hại một cách hợp lý, hiệu quả, không tiêu dùng lãng phí.
Với cách làm như trên, Bến Lức đã làm an lòng người dân có đất thu hồi và các nhà đầu tư, giải phóng nhanh mặt bằng giao cho các nhà đầu tư triển khai các dự án nhanh hơn. Điều này có lợi cho nhà đầu tư và cũng có lợi cho địa phương trong thu hút đầu tư.
Bốn là, khai thác tối đa các lợi thế so sánh của huyện trong thu hút phát triển khu công nghiệp trong huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển khu công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; gắn chặt việc bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế, huy động sức mạnh toàn dân. Sẵn sàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và cùng với các doanh nghiệp như là người bạn đồng hành trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trực tiếp góp phần tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định xã hội bền vững./.
Nông dân và nông nghiệp Việt Nam nhìn từ sản xuất thị trường  (23/06/2010)
228 “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam”  (23/06/2010)
Ðẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản  (23/06/2010)
Trồng mới 72.300 ha các loại rừng  (23/06/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên