Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến ngày 20-6-2010)
TCCSĐT - Ngày 14-6-2010, các chuyên gia Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đến Hy Lạp để kiểm tra những tiến bộ của nước này trong việc thực hiện kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”. Các chính khách Hy Lạp tỏ ra lạc quan vì dấu hiệu ban đầu cho thấy, kế hoạch “khắc khổ”, từng gây tranh cãi và làm bùng lên các cuộc biểu tình trên đường phố cùng một loạt các cuộc đình công, đang mang lại kết quả.
1. Hy Lạp lạc quan vào kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”
Ngày 14-6-2010, các chuyên gia Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đến Hy Lạp để kiểm tra những tiến bộ của nước này trong việc thực hiện kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”. Các chính khách Hy Lạp tỏ ra lạc quan vì dấu hiệu ban đầu cho thấy, kế hoạch “khắc khổ”, từng gây tranh cãi và làm bùng lên các cuộc biểu tình trên đường phố cùng một loạt các cuộc đình công, đang mang lại kết quả. Theo số liệu thống kê chính thức, thâm hụt của Chính phủ Hy Lạp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5-2010 là 8,973 tỉ ơ-rô, trong khi cùng kì năm 2009, con số này là 14,655 tỉ ơ-rô. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Gioóc-giơ Pa-pa-công-xtan-ti-nớt (George Papaconstantinou) cho rằng, các con số mới nhất này chứng tỏ kế hoạch phục hồi kinh tế của chính phủ không chỉ đang đi đúng hướng, mà còn đi trước kế hoạch. Chính phủ Hy Lạp lên cầm quyền từ tháng 10-2009, đã thực hiện tiết kiệm được 30 tỉ ơ-rô nhằm cắt giảm thâm hụt nợ công. Hy Lạp đã nhận gói cứu trợ 20 tỉ ơ-rô để tránh vỡ nợ và dự kiến nhận thêm 9 tỉ ơ-rô trong tháng 9 và tháng 12 năm nay. Những nỗ lực vượt qua khủng hoảng nợ của Chính phủ Hy Lạp cũng đã được quốc tế thừa nhận.
2. Hội nghị thường niên về an ninh do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu
Ngày 14-6-2010, tại Viên (Áo), đã diễn ra Hội nghị thường niên về an ninh do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm thảo luận về những nguy cơ và thách thức nảy sinh, vai trò OSCE trong việc cảnh báo, ngăn chặn và giải quyết xung đột, xử lý tình hình khủng hoảng và khôi phục sau xung đột, bàn triển vọng kiểm soát vũ khí và nâng cao mức độ tin cậy trong lĩnh vực an ninh, nguy cơ và thách thức từ Áp-ga-ni-xtan cũng như đóng góp của OSCE trong việc bảo đảm an ninh khu vực. Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông A-lếch-xan-đơ Grút-xô (Alexander Grushko) đã đề nghị triệu tập trong năm nay cuộc gặp lãnh đạo hoặc các Tổng Thư ký OSCE, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (OKDB), Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) nhằm bàn khả năng phối hợp hành động và hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Đồng thời, Thứ trưởng Grút-xô cũng đề nghị OSCE soạn thảo và thông qua những nguyên tắc chung nhằm ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột, tăng cường nỗ lực của OSCE trong cuộc đấu tranh chống khủng bố và mọi hình thức phạm tội có tổ chức, trước hết là buôn bán ma túy.
3. Anh có thể rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2011
Ngày 14-6-2010, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Li-am Phóc (Liam Fox) đã đưa ra nhận định Anh có thể rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2011. Ông Fox cho rằng sự hiện diện của quân đội Anh tại tỉnh Héc-man (Helmand), miền Nam Áp-ga-ni-xtan là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, ông Phóc hy vọng, Anh có thể củng cố liên quân do NATO cầm đầu tại Héc-man và đẩy nhanh quá trình đào tạo, huấn luyện cho lực lượng an ninh quốc gia Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2010. Theo giới phân tích, việc Anh công khai một số mục tiêu cụ thể và đưa ra những tuyên bố rõ ràng về quan điểm của Chính phủ nước này đối với cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan cho thấy, Chính phủ Anh đang chuẩn bị cắt giảm binh lính tại đây vào tháng 7-2011, cũng giống như mục tiêu rút quân mà Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã công bố. Anh hiện có 9.500 quân tại Áp-ga-ni-xtan, lớn thứ hai sau Mỹ. Chính phủ Anh hiện đang đối mặt với làn sóng phản đối cuộc chiến kéo dài và tốn kém tại Áp-ga-ni-xtan. Hiện đã có 295 binh sỹ Anh thiệt mạng tại chiến trường này kể từ tháng 10-2001.
4. Ngày Trẻ em châu Phi
Ngày 16-6-2010 được lấy làm Ngày Trẻ em châu Phi và được tổ chức hàng năm để kỷ niệm cuộc tuần hành của hàng nghìn học sinh châu Phi trên các con phố của thành phố Xô-ê-tô (Soweto) ở Nam Phi năm 1976, nhằm phản đối chất lượng giáo dục thấp của người Phi và đòi quyền được học bằng tiếng mẹ đẻ. Trong hai tuần biểu tình, hơn 100 học sinh đã bị bắn chết và hơn 1.000 học sinh khác bị thương. Với chủ đề "Xây dựng kế hoạch và dành ngân sách cho trẻ em là trách nhiệm tập thể của chúng ta,” nhân ngày Trẻ em châu Phi năm nay, Giám đốc chấp hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) An-tô-ni Lếch (Athony Lake) đã kêu gọi các nước châu Phi và thế giới, cùng các tổ chức quốc tế tăng cường đầu tư cho trẻ em vì sự phát triển tương lai của "lục địa Đen". Theo số liệu thống kê của UNICEF cho thấy các chính phủ châu Phi đã cam kết dành 15% ngân sách quốc gia cho y tế, 20% cho giáo dục, 10% cho nông nghiệp và 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để cải thiện nguồn nước và các điều kiện vệ sinh.
5. UNDP đưa ra chương trình 8 điểm thực hiện MDG
Ngày 17-6-2010, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố báo cáo đánh giá những việc đã làm được và những việc cần làm để thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Trên cơ sở phân tích tiến độ thực hiện ở 50 quốc gia, báo cáo "Cần làm gì để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ? - Đánh giá quốc tế" của UNDP cho rằng có thể thực hiện được các MDG. Báo cáo đưa ra chương trình hành động tám điểm nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và thực hiện thành công các mục tiêu này, trong đó: 1- Sự hỗ trợ của quốc tế đối với các chương trình phát triển ở cấp quốc gia, vì các chiến lược phát triển phải do các nước thực hiện, trên cơ sở đồng thuận quốc gia. 2. Các nước cần phát triển kinh tế toàn diện, trong đó quan tâm tới phát triển nông nghiệp, tạo công ăn việc làm và phân phối công bằng thu nhập quốc dân. 3. Cải thiện cơ hội cho phụ nữ và các em gái. 4. Các nước cần đầu tư cho y tế và giáo dục, bảo đảm nước sạch và vệ sinh, đồng thời chuyên môn hóa dịch vụ này. 5. Cần nâng cấp các chương trình bảo hiểm xã hội và tạo việc làm. 6. Mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế có lượng cácbon thấp. 7. Cải thiện việc huy động các nguồn lực trong nước để thực hiện các MDG. 8. Cộng đồng quốc tế cần thực hiện đầy đủ cam kết của mình trong việc cung cấp viện trợ phát triển, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ. Báo cáo của UNDP sẽ là cơ sở để Hội nghị thượng đỉnh về MDG vào tháng 9 tới của Liên hợp quốc thảo luận về nghị trình hành động trong năm năm tới, nhằm thực hiện thành công 8 Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015.
6. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)
Ngày 17 đến ngày 18-6-2010, tại Brúc-xen (Bỉ) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) với sự tham dự của lãnh đạo 27 nước thành viên. Tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu lần này, các nhà lãnh đạo khối EU cùng bàn thảo để thông qua Kế hoạch siết chặt tài chính - ngân sách và thảo ra cơ chế điều hành kinh tế chung cho EU. Đây là những hồ sơ rất được quan tâm của EU hiện nay. Ngoài vấn đề kinh tế là nội dung thảo luận chính, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) còn thông qua một số biện pháp trừng phạt mới chống Iran nhằm vào ngành dầu lửa, các công ty vận tải biển, vận tải hàng không của nước này và những mặt hàng có thể dùng cho chương trình hạt nhân. EU cũng áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với bảo hiểm thương mại và giao dịch tài chính. Mặc dù mục đích chính của Hội nghị là tập trung vào các giải pháp lâu dài, song lãnh đạo 27 nước EU không thể không đề cập đến những lo ngại trước mắt về nguy cơ thua lỗ đang rình rập các ngân hàng châu Âu, trong bối cảnh tiếp tục có những ý kiến dự đoán Tây Ban Nha nhiều khả năng phải cầu viện sự trợ giúp tài chính từ bên ngoài. Về cơ bản, EU đã đạt thoả thuận tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với những nước trong khu vực đồng ơrô để thâm hụt ngân sách vượt quá mức quy định, song vẫn còn bất đồng về cách thức cụ thể áp dụng những hình phạt này.
7. Diễn đàn kinh tế quốc tế lần thứ 14
Từ ngày 17 đến ngày 19-6-2010, tại Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga) đã diễn ra Diễn đàn kinh tế quốc tế lần thứ 14. Với tinh thần “Tạo dựng cơ sở cho tương lai”, Diễn đàn đã xác định những vấn đề then chốt trong sự phát triển của nước Nga, các thị trường đang phát triển và của cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra các phương án giải quyết. Trong vòng 3 ngày, với hơn 2.000 đại biểu tham dự, các cuộc thảo luận tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua 2010 được chia thành ba nhóm. Nhóm 1 với chủ đề “Kinh tế thế giới: quản lý và hồi phục” tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới nền kinh tế châu Âu đang suy thoái do khủng hoảng nợ và thâm hụt ngân sách, dự báo sự phát triển kinh tế thị châu Âu. Nhóm 2 với chủ đề “Nước Nga: hôm nay và ngày mai”, tập trung vào những thay đổi kinh tế ở Nga trong những năm gần đây. Nhóm 3 với chủ đề “Tầm nhìn về tương lai” tập trung thảo luận về việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở Nga. Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua 2010, nhiều nước đã tiến hành ký kết các hợp đồng kinh tế lớn. Đây không chỉ là diễn đàn quan trọng dành cho các chính khách và giới doanh nhân của nhiều quốc gia trên thế giới mà còn là dấu mốc mới đáng ghi nhận trong tiến trình phát triển kinh tế thế giới, cũng như quá trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa nước Nga./.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần từ ngày 7-6 đến ngày 13-6-2010
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm