Những câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ: Đòn chiến lược thứ năm
TCCSĐT - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 chúng tôi lúc đầu được giao nhiệm vụ đánh vào trung tâm Mường Thanh. Sau đó, khi Đại tướng Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận quyết định thay đổi phương châm tác chiến thì Đại đoàn lại được lệnh cấp tốc tiến quân hướng về Luông Pra-băng (kinh đô nước Lào) nhằm đánh lạc hướng phán đoán của địch, thu hút không quân của chúng, tạo điều kiện cho quân ta kéo pháo ra và xúc tiến mọi việc chuẩn bị để thực hiện phương châm "Đánh chắc tiến chắc” .
Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn: chiến trường chưa được chuẩn bị, tình hình địch chưa cụ thể, khó nhất là không có bảo đảm hậu cần. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nhận lệnh, không ngần ngại, chỉ xin chỉ thị về quy mô sử dụng lực lượng. Đại tướng chỉ thị: "Toàn quyền quyết định, từ một tiểu đoàn đến toàn đại đoàn. Hậu cần tự giải quyết. Đúng 4 giờ chiều nay xuất phát". Lúc nhận lệnh là 14 giờ 30 ngày 26-1-1954.
Đại đoàn Trưởng Vương Thừa Vũ là một con người "quân lệnh như sơn".
Toàn đại đoàn chia làm hai cánh quân lập tức lên đường, tiến quân thần tốc, gặp địch là đánh, tự giải quyết hậu cần, sau hơn mười ngày giải phóng hoàn toàn lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát Luông Pra-băng thì được lệnh trở về, lại thần tốc quay lại, kịp tham gia đợt đầu cuộc đại tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Lúc đó tôi (Trung tướng Phạm Hồng Cư) là Phó chính ủy Trung đoàn, được phân công cùng với Trung đoàn Phó Ngô Ngọc Dương nắm tiểu đoàn đi đầu của Trung đoàn 36 tiến về phía Luông Pra-băng. Trung đoàn trưởng Hồng Sơn và Chính ủy Chu Thanh Hương dẫn hai tiểu đoàn đi tiếp theo. Trung đoàn 88 do Trung đoàn trưởng Nam Hà chỉ huy còn bận tham gia kéo pháo của mặt trận, sẽ tiến sau theo hướng chúng tôi. Riêng Trung đoàn 102, do Trung đoàn trưởng Hùng Sinh chỉ huy, được tăng cường hỏa lực phòng không và cối 120 ly, hình thành một cánh quân tiến về hướng Mường Khoa. Đại đoàn Phó Cao Văn Khánh và Sở Chỉ huy nhẹ đại đoàn đi theo cánh quân 102 .
Ngày 29-1-1954, Trung đoàn 102 nhận được điện của Bộ: "Quân địch bỏ phòng tuyến Nậm Hu, rút chạy", bèn chuyển sang truy kích. Ngày 31-1-1954, đuổi kịp quân địch ở Mường Khoa đang tháo chạy về Mường Sài. Tiểu đoàn 18 vượt lên chặn địch, tạo điều kiện cho toàn trung đoàn tiến công tiêu diệt gần hai tiểu đoàn địch, trong đó có Tiểu đoàn Lê dương 2/4REI.
Tiểu đoàn 89 đi đầu cánh quân Trung đoàn 36, do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Liêu, Chính trị viên Trần Giang, Tiểu đoàn Phó Dương Thế Minh, Chính trị viên Phó Phương Nam chỉ huy. Mỗi người chỉ kịp mang theo năm lạng gạo, địch tình, địa hình chưa biết, trong tay chỉ có một bản đồ tỷ lệ 1/100.000. Qua nhiều đèo dốc, những cánh rừng đại ngàn, những con suối nước nóng reo sôi, trưa 29-1-1954, Tiểu đoàn tạm dừng chân bên dãy nương đồi nở đầy hoa thuốc phiện, bỗng nghe tiếng súng nổ. Đơn vị phía sau bắt được hai tên phỉ dẫn lên. Chúng khai thuộc một toán phỉ được phái lên quấy rối làm chậm bước tiến của quân ta. Chúng nổ súng nhằm vào hai người đi ngựa là tôi và Ngọc Dương.
Chúng tôi nhận định: địch biết ta tiến quân sẽ tăng cường phòng ngự hoặc rút chạy, cần tiến nhanh hơn nữa. Chiều 30-1-1954, Tiểu đoàn 89 đến bản Huổi Sen, cách Mường Ngòi 4km, dừng lại chuẩn bị. Bỗng một toán khá đông người mặc áo vàng chạy xộc vào giữa đội hình tiểu đoàn. Ta bắt sống 20 tên ngụy, diệt một số tên chống cự. Chúng khai thuộc một vị trí lẻ bên hướng 102 tấn công rút chạy.
Chúng tôi phán đoán: Quân lính ở Mường Ngòi có thể cũng đã rút. Ngọc Dương ra lệnh tiến quân ngay mặc dù bộ đội chưa kịp ăn và trời đã tối. Tới nơi, thấy đồn đã cháy rụi, ánh lửa leo lét, Ngọc Dương ra lệnh truy kích ngay trong đêm.
Chỉ mới nghe: "Địch rút chạy? Truy kích", thế là mọi người "vắt chân lên cổ", quên cả đói mệt, tỉnh táo hẳn lên, hăng hái chạy thâu đêm. Kinh nghiệm truy kích địch ở Sầm Nưa năm 1953 được nhanh chóng phổ biến: ai có sức khỏe cứ vượt lên trước, gặp địch là đánh, gặp bạn là phối hợp, cán bộ nắm được bộ phận nào chỉ huy bộ phận ấy, chiến sĩ gặp bộ phận nào tự động ghép vào cùng chiến đấu.
Sáng 31-1-1954, Đại đội 395 do Đại đội trưởng Nguyễn Đức Lộc chỉ huy, cùng một tổ quân báo tới bờ sông Nậm Hu. Sông không rộng nhưng sâu, nước khá lạnh. Nhìn quanh núi đồi hoang vắng, tổ quân báo tìm được mấy người dân. Biết "Koong tháp paxasôn" Việt đuổi "xấc" Tây, một ông già và mấy người trai trẻ kéo ra bốn chiếc thuyền độc mộc giấu trong lau lách. Thuyền chỉ đủ chở vũ khí nặng và bộ phận phái đi trước. Chiến sĩ Đại đội 395 lấy vải nhựa làm phao, qua sông lên bờ là chạy nước rút đuổi địch. Ngày 1-2-1954, quân ta đuổi kịp địch. Phát hiện khoảng một tiểu đoàn ngụy đang dừng chân trên mấy quả đồi ven đường, Đại đội trưởng Lộc tổ chức tấn công ngay. Suốt ngày 1-2-1954, Đại đội 395 đánh liên tục mười trận, diệt và bắt hơn trăm địch.
Ngày 2-2-1954, Tiểu đoàn 89 tiến vào thung lũng Nậm Bạc. Trước mắt hiện ra một cánh đồng rộng, lúa đã gặt, một dòng sông nhỏ uốn khúc, những rặng dừa xanh bên những mái nhà sàn san sát. Giữa thung lũng là đồn Nậm Bạc, có sân bay nhỏ. Quan sát thấy địch đang nhốn nháo, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Liệu ra lệnh nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu. Quân địch tháo chạy, bỏ lại nhiều quân trang quân dụng, kho lương thực, vũ khí và cả một bữa cơm mới dọn chưa kịp ăn .
Bộ đội dừng lại ngoài bản, mỗi người được phát một bơ gạo thổi cơm.
Trung đoàn Phó Ngọc Dương ra lệnh thay quân, đưa Đại đội 339 vượt lên đi đầu thay cho Đại đội 395 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại đội 339 hành quân ngay do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Liệu và Chính trị viên phó Phương Nam chỉ huy. Chính trị viên Trần Giang và Tiểu đoàn phó Dương Thế Minh cho bộ đội tạm nghỉ, bắt liên lạc với cơ sở kháng chiến Pa-thét Lào để vay gạo. Tôi căn dặn cán bộ phải trực tiếp tổ chức cho bộ đội ăn uống, xoa bóp, ngâm chân nước nóng, giữ nghiêm kỷ luật vùng mới giải phóng; làm việc với bạn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản.
Hôm đó là 30 Tết. Bộ đội hành quân chuyện trò rôm rả. Toàn chuyện quê nhà; ăn xôi Lào nhớ bánh chưng Việt. Rồi chuyện đánh đuổi giặc mấy ngày qua. Thật là "chân sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên". Đến ngã ba Nậm Ngà, gặp con suối, Ngọc Dương ra lệnh cho nghỉ đón giao thừa, không ngờ sáng hôm sau, mồng 1 Tết, nơi đây diễn ra một trận "tao ngộ chiến".
Sáng sớm, tôi và Ngọc Dương vừa ra suối đánh răng thì nghe chiến sĩ cảnh giới hô to: "Có địch!" rồi nổ súng. Một đám đông người đeo ba lô, súng cầm tay từ đỉnh đồi đi xộc vào đội hình Đại đội 399 còn ngái ngủ. Súng nổ loạn xạ. Cả hai bên đầu bất ngờ. Đại đội trưởng Nguyễn Hữu Hành chỉ huy bộ đội xông ngược lên đỉnh đồi chiếm điểm cao. Tôi và Ngọc Dương nắm được tiếu đội súng cối trực tiếp bắn yểm hộ. Càng đánh thốc lên càng thấy địch đông. Sau giây lát bàng hoàng, địch chống cự lại bằng đại liên và ĐKZ. Tiểu đoàn phó Dương Thế Minh và Chính trị viên Trần Giang đã kịp thời đem quân đến chi viện, đánh bọc sườn địch. Nghe tiếng cối 82 ly, tiếng súng máy nổ ran, tôi biết là đội hình tiểu đoàn đã lên hết. Nghe tiếng Chính trị viên phó Phương Nam hét: "Đoạt ĐKZ của địch mà bắn vào đội hình chúng?". Ba lô, cờ, súng ngổn ngang. Địch bị thương, bị chết và ra hàng khá nhiều. Xem lá cờ của chúng, biết đây là tiểu đoàn ngụy Thái từ Mường Sài kéo về Nậm Ngà, đến đây thì chạm phải ta và bị tiêu diệt.
Trận đánh kết thúc, toàn thể Ban Chỉ huy Trung đoàn 36 gặp lại nhau, các Tiểu đoàn 80, 84 đã lên kịp. Trung đoàn trường Hồng Sơn nói: “89 đánh khá đấy!”, rồi giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn 89 ở lại thu dọn chiến trường và củng cố, Tiểu đoàn 80 và 84 vượt lên trước.
Sông Nậm Hu càng xuôi càng đẹp, nhưng chúng tôi không thể ngắm cảnh, phải đi theo lộ tiêu. Đến gần Pắc Xương thì gặp một cáng thương. Dừng lại thăm hỏi thì đó là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 80 Đinh Mộng Tiên. Tiên kể: Đang thế thắng, địch rút chạy, sợ gì! nhưng hành quân chậm vì vướng mìn. Anh Hồng Sơn phải cử một trung đội sang sông tìm đường khác rồi cho toàn thể bộ đội vượt sông sang bờ bên kia đi cho nhanh. Đến gần đồn Pắc Xương, Đại đội trưởng Ninh lên trinh sát vấp phải mìn hy sinh. Đinh Mộng Tiên bị thương.
Quân địch ở Phê Xương cũng rút chạy nhưng chúng bị một đơn vị Pa-thét Lào và Tiểu đoàn 920 quân tình nguyện Việt Nam chặn đánh. Đến đây, gần Luông Pra-băng, gặp được bộ đội Pa-thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam thật là hạnh phúc.
Đến Pắc Hu, dòng Nậm Hu chảy vào con sông mẹ: đó là sông Mê Kông. Ngã ba sông rộng, hai bờ rừng núi trùng điệp, nước sông xanh ngắt, gần bờ màu lục sẫm, gió núi thổi rào rạt. Tôi và Ngọc Dương vượt sông bằng thuyền, hai con ngựa bơi theo phì phò trong nước lạnh. Sang sông, đi vào con đường có vết chân voi, đội hình trung đoàn biết tin đang chuẩn bị đánh đồn Bản Na là tiền đồn phía tây của Luông Pra-băng do một đại đội lê dương và một trung đội ngụy chiếm giữ.
Trận Bản Na thắng nhanh. Chỉ với súng cối và đại liên yểm hộ, Tiểu đoàn 80 đã tiêu diệt một bộ phận địch, số còn lại tháo chạy về Luông Pra-băng. Trinh sát từ Luông Pra-băng về báo cáo: Địch tăng viện quân nhảy dù và máy bay vận tải ầm ỹ suốt ngày đêm.
Ngày 13-2-1954, Trung đoàn 36 nhận được điện khen của Bộ Chỉ huy mặt trận và được lệnh ngừng tiến công, cấp tốc quay trở về ngay Điện Biên Phủ.
Cuộc lật cánh của Đại đoàn 308 sang Thượng Lào được coi là đòn tiến công chiến lược thứ năm của ta trong Đông Xuân 1953-1954./.
Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long  (27/04/2009)
Tìm hướng đi trong giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta hiện nay  (27/04/2009)
Tìm hướng đi trong giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta hiện nay  (27/04/2009)
Công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa và các quận, huyện khác thuộc thành phố Ðà Nẵng  (26/04/2009)
Mở đường 20 - Quyết Thắng  (26/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển