Tỉnh An Giang khai thác, huy động dư địa mới, nguồn lực mới để tạo bước phát triển đột phá mới trong thời kỳ mới
TCCS - Ngày 22-11-2022, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 190 năm Ngày Truyền thống thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022).
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; lãnh đạo Quân khu 9; lãnh đạo các tỉnh, thành phố bạn; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Diễn văn kỷ niệm do đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, trình bày khẳng định, An Giang nằm ở vị trí địa đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, với biên giới dài gần 100km giáp Vương quốc Campuchia, có địa - chính trị, địa - kinh tế, văn hoá - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng. Với bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, An Giang là vùng đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến. Trải qua thăng trầm lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, nhân dân An Giang luôn anh dũng, kiên cường trong kháng chiến; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, giản dị, thủy chung trong cuộc sống. Tính chất phác, cần cù, chịu khó và lối sống nhân hậu, nghĩa tình tạo nét văn hoá đặc trưng của con người An Giang. Suốt chiều dài lịch sử từ buổi đầu mở mang bờ cõi đến nay, quân và dân An Giang luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhau chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Nhìn lại chặng đường 190 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang luôn tự hào và mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân đã có công khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương yên bình, tươi đẹp như ngày nay. Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang 190 năm, với những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, An Giang đang bước vào một chặng đường phát triển mới. Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao...
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh, An Giang là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, văn hoá - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Nhân dân An Giang không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược mà còn rất cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, luôn thể hiện khát vọng mạnh mẽ và ý khí vươn lên trước mọi khó khăn, thử thách. Bước vào thời kỳ Đổi mới, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ đã tìm tòi, thể nghiệm, chủ động, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là một trong những địa phương quyết liệt đi đầu, có nhiều đổi mới táo bạo từ rất sớm. An Giang nổi lên như là một điển hình của việc vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang cũng đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Tuấn Anh chúc mừng và biểu dương những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Trong thời gian tới, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ để phát triển nhanh và bền vững:
Trước hết, An Giang cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng thâm dụng công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên; cần đánh giá đúng tiềm năng, vị trí, vai trò của tỉnh trong tổng thể sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; xác định đúng các tiềm năng, thế mạnh, cũng như những cơ hội và thách thức của tỉnh; khai thác, huy động những dư địa mới, nguồn lực mới để tạo bước phát triển đột phá mới trong thời kỳ mới. Cùng với đó, An Giang cần khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh An Giang tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân; lấy đoàn kết trong Đảng bộ làm trung tâm, đoàn kết toàn dân làm động lực, lấy mục tiêu phát triển làm điểm tương đồng để đưa phong trào chung của tỉnh đi lên. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe tiếp thu những ý kiến xác đáng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, vì quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Thứ ba, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần chú trọng lĩnh vực văn hóa - xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Phát huy tốt các giá trị truyền thống, văn hóa, con người mang “đặc sắc” An Giang để bảo đảm phát triển bền vững và hướng tới thịnh vượng; chăm lo bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội; khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa của con người An Giang “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung.
Thứ tư, là tỉnh có đường biên giới thủy, bộ tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, An Giang có vai trò giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Do đó, yêu cầu “kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại” phải được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, liên tục.
Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định số 1447/QĐ/TTg, ngày 21-11-2022, của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 22-11 hằng năm là “Ngày Truyền thống tỉnh An Giang”./.
An Giang tạo bệ phóng phát triển mới trên nền tảng 190 năm hình thành và phát triển  (30/07/2022)
Công tác khuyến học, khuyến tài trên quê hương Bác Tôn  (27/05/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên