TCCS -  Bắt đầu chương trình công tác tại An Giang, ngày 18-1-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm tại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; dự Lễ khởi công dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; trao quà tết cho gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh; gặp mặt, chúc tết các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang; dự Lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên _ Ảnh: TTXVN

Tại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một trong những chiến sĩ lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xúc động viết lưu niệm: "Khâm phục trước cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng ta, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người con ưu tú của quê hương An Giang anh hùng". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bác Tôn mãi là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về đức tính khiêm tốn, giản dị và sự tận tụy với nhân dân để cho chúng ta và các thế hệ mai sau noi theo.

Dự Lễ khởi công dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về việc dự án được nhận nguồn vốn tài trợ ADB; nhấn mạnh đây là dự án đường tránh cấp tỉnh cuối cùng của Việt Nam. Dự án không chỉ giúp lưu thông hàng hóa mà còn giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn. Chủ tịch nước đề nghị chủ đầu tư làm hết sức mình thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng để dự án sớm triển khai trên thực tế. Chủ tịch nước khẳng định sẽ luôn luôn quan tâm, theo dõi và đồng hành với sự phát triển của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung ngày càng đạt được những thành tựu mới.

Dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên là công trình hạ tầng giao thông đầu tiên của Bộ Giao thông Vận tải được khởi công trong năm 2022. Chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được giao là đơn vị tổ chức quản lý dự án. Dự án đi qua địa phận huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) và thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), bao gồm việc xây dựng mới 15,3km chính tuyến và nâng cấp cải tạo khoảng 2km quốc lộ 80. Tổng mức đầu tư khoảng hơn 2.100 tỷ đồng (tương đương 90,11 triệu USD), được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; riêng đoạn cải tạo nâng cấp quốc lộ 80 hiện hữu đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h (theo tiêu chuẩn Việt Nam).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà, chúc tết Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tải, 95 tuổi, có chồng và con là liệt sĩ _ Ảnh: TTXVN

Tới thăm, tặng quà, chúc tết các gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn và người nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh An Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang. Chủ tịch nước biểu dương tỉnh An Giang thời gian qua đã nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đạt kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, do dịch bệnh, vẫn có nhiều người gặp khó khăn, nhất là những vùng tâm dịch, vùng sâu, vùng xa. Do đó, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chủ trương từ sớm về việc thăm hỏi, động viên, tặng quà chúc tết những gia đình có công cách mạng, người nghèo và người lao động gặp khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau, mọi người, mọi nhà đều có tết.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị lãnh đạo, chính quyền địa phương, nhất là trong dịp tết này, kiểm soát chặt chẽ, không xảy ra tình trạng buôn lậu, mất an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn. Nhân dịp năm mới, Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang tiếp tục đoàn kết, có khí thế mới để vượt khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa địa phương phát triển và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tới thăm, tặng quà một số gia đình có công với cách mạng, gia đình thuộc chương trình an sinh xã hội; thăm, tặng quà, chúc tết gia đình bà Võ Thị Vân (sinh năm 1939) và chồng là ông Võ Đại Nhân (sinh năm 1935) đều là lão thành cách mạng; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tải, 95 tuổi, có chồng và con là liệt sĩ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ _ Ảnh: TTXVN

Gặp mặt, chúc tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ, Chủ tịch nước đánh giá cao những cống hiến của các đồng chí, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh An Giang và đất nước thời gian qua; mong muốn bằng kinh nghiệm, trí tuệ của mình, các đồng chí tiếp tục đóng góp cho quê hương, đất nước. 

Chủ tịch nước cũng đã thông báo với các đại biểu dự buổi gặp mặt về tình hình đất nước trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã triển khai thành công những nhiệm vụ chính trị quan trọng là Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị, toàn dân ta cả trong và ngoài nước, đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. 

Trong bối cảnh khó khăn nhất do đại dịch, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội và huy động cả nguồn lực nhà nước, xã hội để chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế. Trong đó, Nhà nước đã xuất 67 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các vùng khó khăn; huy động lực lượng lớn quân đội, công an vào phía Nam hỗ trợ chống dịch. Chủ tịch nước cho biết, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đến đời sống của nhân dân, nhất là dịp tết này, để không một người dân nào không được đón tết, không hộ gia đình nào đói cơm lạt muối.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh An Giang, địa phương có số dân lớn thứ 8 cả nước, đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn. Các chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách và nhiều chỉ tiêu khác đều đạt kết quả tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để An Giang tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Vừa qua, tỉnh đã khánh thành một nhà máy chế biến gạo công suất lớn nhất châu Á, khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên, đều là những dự án động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem các sản phẩm tại buổi lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc _ Ảnh: TTXVN

Dự Lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc nằm trên địa bàn huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với một nền nông nghiệp như nước ta, việc khuyến khích công nghiệp chế biến là rất cần thiết để tạo giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao đời sống của người nông dân. Chủ tịch nước cho biết, năm 2021, dù dịch bệnh, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn rất thành công, tăng trưởng 5,5%. Xuất khẩu đạt gần 49 tỷ USD, trong đó có sản phẩm gạo. Tuy vậy, vấn đề nâng cao giá trị nông sản vẫn đang đặt ra. Do đó, việc đầu tư nhà máy chế biến gạo hiện đại là hết sức cần thiết, tạo giá trị gia tăng mới cho ngành lúa gạo Việt Nam. 

Chúc mừng Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc, Chủ tịch nước đề nghị công ty không chỉ quan tâm đến cạnh tranh sản phẩm trên thị trường xuất khẩu, mà cần thông qua hệ thống dự trữ của mình, phối hợp tốt với người nông dân, mang lại giá lúa tốt nhất cho nông dân. Chủ tịch nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh An Giang tiếp tục hình thành cánh đồng mẫu lớn, thúc đẩy các chuỗi liên kết, để người nông dân làm chủ trên mảnh đất của mình. Cùng với đó là thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, giá trị sản xuất, giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân.

Nhà máy gạo Hạnh Phúc là nhà máy được đánh giá có quy mô lớn nhất châu Á với tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày. Lãnh đạo tỉnh An Giang kỳ vọng dự án sẽ giải quyết một lượng lớn nguyên liệu lúa của tỉnh mỗi năm./.  

Thùy Linh (tổng hợp)