Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ
TCCS - Ngày 13-10-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ theo hình thức trực tuyến, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Cuộc tiếp xúc cử tri được kết nối điểm cầu tại Thủ đô Hà Nội với các điểm cầu tại 74 xã, phường, thị trấn; 9 quận, huyện và trụ sở Thành ủy Cần Thơ.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Cử tri thành phố Cần Thơ bày tỏ vui mừng trước thành quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua; cho rằng, hiện nay, dịch COVID-19 đã bước đầu được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, trong đó có Cần Thơ. Kết quả trên là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; nhất là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, doanh nghiệp cả nước. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.
Cử tri bày tỏ cảm kích trước hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước sâu sát cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống dịch; những chỉ đạo, chuyển hướng linh hoạt, hiệu quả các chiến thuật, chiến lược phòng, chống dịch; nỗ lực thực hiện chiến lược vaccine... Cử tri tin tưởng và bày tỏ quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Bên cạnh đó, cử tri thành phố Cần Thơ cũng phản ánh, kiến nghị, đề xuất lên các cấp chính quyền và Quốc hội nhiều vấn đề như: Tăng cường phân bổ và tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân thành phố Cần Thơ; nới lỏng các quy định để việc lưu chuyển hàng hóa, di chuyển của người dân được thuận lợi hơn; tiếp tục có chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với những người mới từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông trở về quê đang được cách ly y tế; tiếp tục giảm giá điện, nước, thuế, phí, hỗ trợ vốn, giãn nợ cho người dân, doanh nghiệp; đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư để tạo việc làm cho lao động địa phương, tránh tập trung lên các thành phố lớn.
Cử tri thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Nhà nước có chính sách ổn định giá thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân; quản lý chặt chẽ giá kit test xét nghiệm COVID-19; cần có quy định ổn định chương trình, sách giáo khoa để tránh xáo trộn và khóa học sau có thể tận dụng được sách cũ do khóa trước để lại; đề nghị chuyển quản lý trung tâm y tế quận, huyện về ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý để chủ động điều hành công tác phòng, chống dịch; quản lý chặt thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội, tránh tình trạng thông tin sai sự thật, gây nhiễu và hoang mang trong xã hội...
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri; giải đáp những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội và các cơ quan liên quan để xem xét, giải quyết.
Phát biểu với cử tri thành phố Cần Thơ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực của cử tri thành phố Cần Thơ trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo với cử tri về Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ cho biết, kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua đối với 6 dự án luật, trong đó có dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật với những quyết sách có ý nghĩa quan trọng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các quy định pháp luật liên quan để góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19. Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với tờ trình Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025. Thực hiện quyền giám sát tối cao, trong đó có hình thức chất vấn về nhiều vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cử tri trên nguyên tắc: nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo. Những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền thì Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định; những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Về vấn đề vaccine phòng COVID-19, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay, nước ta đã nhập được gần 8,8 triệu liều và đã tiêm được hơn 5,7 triệu liều; Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục phân bổ về các tỉnh, thành phố để tiêm cho nhân dân, sớm tăng tỷ lệ phủ vaccine. Riêng thành phố Cần Thơ đã được phân bổ gần 1 triệu liều vaccine.
Về vấn đề bảo đảm an sinh cho người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An trở về quê, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ liên tục có chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành và các cấp chính quyền cần phải tổ chức khoa học việc đưa, đón người dân chu đáo, thực hiện các biện pháp về y tế, bảo đảm về an sinh xã hội.
Về lưu thông, di chuyển của người dân, Chính phủ đã chỉ đạo bảo đảm giao thông thông suốt trên cơ sở quy định chung của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương. Những vấn đề này cũng đã được quy định trong hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Đối với vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược của thành phố, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị, ngày 30-8-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tới đây, Chính phủ sẽ có tờ trình Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách để xây dựng, phát triển thành phố Cần Thơ thực sự trở thành động lực phát triển cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Cần Thơ sẽ có cơ chế để đầu tư mạnh mẽ hơn, phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như người dân mong đợi.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội của thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ một số nội dung, vấn đề được cử tri quan tâm như: Công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và định hướng phát triển năm 2022 của cả nước.
Theo Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu từ nay đến cuối năm 2021 là: Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án kịch bản cụ thể để tập trung ưu tiên phòng, chống dịch; điều chỉnh linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa để vừa giữ vững được ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa góp phần kích thích tiêu dùng, đầu tư thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; hoàn thành báo cáo cấp có thẩm quyền về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu, kiểm soát giá cả thị trường; thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho người dân, người lao động và doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu vượt qua khó khăn, thách thức và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung ứng lưu thông hàng hóa cho sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ sẽ ưu tiên tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng chăm sóc sức khỏe đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, sớm đưa học sinh trở lại trường với những nơi kiểm soát được dịch bệnh và bảo đảm an toàn; củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, triển khai quyết liệt ngoại giao vaccine; tăng cường thông tin, tuyên truyền, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp đối với Đảng và Nhà nước…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Cần Thơ quyết tâm, chung sức, đồng lòng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, thách thức để đưa thành phố Cần Thơ vươn lên tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế và mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân thành phố. Thủ tướng Chính phủ mong muốn, trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh, Cần Thơ cần chủ động hơn, quyết liệt hơn, tích cực hơn, năng động đổi mới, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể vượt trội, mau chóng phục hồi, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội, qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Cần Thơ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Theo đó, quán triệt 6 nguyên tắc: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Để thành phố Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, cần sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng và hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng về chính sách, nguồn lực cho thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng đồng hành với Đoàn Đại biểu Quốc hội, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, trước mắt là việc chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thực hiện vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Hiểu đúng nghĩa "pháo đài chống dịch" để không xảy ra "ngăn sông, cấm chợ"  (11/10/2021)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV  (09/10/2021)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay