TCCS - Trước những dấu hiệu diễn biến đáng lo ngại của cơn bão số 9, ngày 26-10-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và trực tiếp đến Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn nghe báo cáo về tình hình dự báo cơn bão Molave (bão số 9).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp_Ảnh: VGP

Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9, cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 9 là cơn bão lớn tiếp tục ảnh hưởng tới khu vực miền Trung. Do vậy các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trên tiếp tục chủ động các biện pháp trong ứng phó, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác phòng tránh bão số 9.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, do bão số 9 được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới khu vực miền Trung (khu vực này đã chịu nhiều tổn thương thiên tai trong thời gian qua), do vậy các địa phương phải bằng mọi cách chỉ đạo việc tiếp tục di dời người và tài sản đến nơi an toàn, đồng thời làm tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo triển khai chằng chống nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây. Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày. Triển khai bảo đảm an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông, nhất là đi lại khi có bão và khi mưa; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.   

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phân công, tổ chức đoàn tới các khu vực ảnh hưởng, nguy cơ cao xảy ra các hình thái thiên tai nguy hiểm để chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ nhân dân; hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để thực hiện tốt công tác phòng, chống bão lũ. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm và ứng phó với bão theo phương châm "bốn tại chỗ". Triển khai bảo đảm an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông nhất là đi lại khi có bão và khi mưa; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Chia sẻ với những mất mát, khó khăn mà người dân miền Trung vừa phải hứng chịu trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quán triệt các bộ, ngành, địa phương cùng với cộng đồng trong nước và quốc tế tiếp tục công tác hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đặc biệt là các tỉnh chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi thiên tai như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác ứng phó với bão số 9 cũng như khắc phục hậu quả thiên tai tại miền Trung.

Theo Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, trước nhận định về bão số 9 rất mạnh, theo kịch bản, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với các địa phương dự kiến di dời khoảng hơn 1,2 triệu người dân. Bên cạnh đó, hiện trong khu vực miền Trung có khoảng 65.000 tàu (đã thông báo về diễn biến, hướng đi của tàu cho khoảng 45.000 tàu), còn khoảng 20.000 tàu chưa nhận được thông báo của các lực lượng chức năng về bão. Do vậy, các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương đẩy nhanh việc kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn chậm nhất trong tối ngày 27-10-2020. Các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực hiện nghiêm việc cấm biển và cho học sinh nghỉ học, công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa...

Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, Ủy ban chỉ đạo các các quân khu tại khu vực miền Trung chuẩn bị khoảng 368.902 người/3562 phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão. 

** Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn nghe báo cáo về tình hình dự báo cơn bão Molave (bão số 9).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cứu người là quan trọng nhất _ Ảnh: VGP

Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm đã báo cáo về tình hình dự báo cơn bão Molave và những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta. Theo đó, bão số 9 đã vào Biển Đông với cường độ mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng. Vùng trọng tâm bão ảnh hưởng dự kiến là các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, bão gây gió lớn trên biển khoảng cấp 13-14, giật cấp 15, trong bờ được dự báo là cấp 11-12, giật cấp 13. Ngoài ra, bão gây dông, lốc và được đánh giá là cấp độ rủi ro cấp 4. Từ chiều 27-10-2020, vùng biển ven bờ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió giật mạnh, dông, lốc, đêm 27 và ngày 28-10-2020, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Bão số 9 có khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh như phía nam Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình từ ngày 27 đến ngày 31-10-2020 với lượng mưa khoảng 500-700 mm. Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm lưu ý, do mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kom Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên báo động 2 - báo động 3, có sông vượt mức báo động 3. Đặc biệt, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, có thể gây ngập lụt diện rộng trở lại tại các tỉnh miền Trung.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, miền Trung Việt Nam bão chồng bão, lũ chồng lũ. Chính vì vậy, tất cả các cơ quan đều phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Công điện số 1470, ngày 26-10-2020, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra, đặc biệt là bão số 9 vào ngay sau đây.

Về công tác dự báo, Thủ tướng yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn trung ương và đài khí tượng thủy văn các khu vực trên cả nước thường xuyên thông tin kịp thời, liên tục đến các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương để có phương án chủ động, kịp thời. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương cần dành thời lượng cần thiết để thông tin về bão đến nhân dân, các cấp, các ngành; quán triệt tinh thần đây là bão lớn, không được chủ quan, từ đó hiểu được tình hình hiện nay để có phương án phòng chống tốt nhất.

Cùng với thông tin về tình hình mưa bão, Đài Khí tượng thủy văn trung ương cũng cần quán triệt tinh thần chủ động ứng phó mưa lớn trong công điện 1470. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành khí tượng thủy văn tiếp tục với trách nhiệm chuyên môn của mình, sử dụng các phương tiện khoa học để đưa ra dự báo chính xác, kịp thời thiên tai nói chung và cơn bão số 9 nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới về sạt lở đất, lũ lụt để có thể ứng dụng trong công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam./.

Thùy Linh (tổng hợp)