Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020
TCCS - Ngày 22-10-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề: “Đô thị thông minh - hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành và trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến (trong đó có trên 50 đại biểu quốc tế là đại diện cấp cao các nước ASEAN và 26 đô thị thông minh).
Đây là sự kiện phối hợp của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng, gắn với việc sơ kết một năm thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển đô thị thông minh tại Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với các hoạt động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Diễn đàn nhằm thúc đẩy việc chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác giữa các đô thị của Việt Nam với mạng lưới đô thị trong khu vực ASEAN, qua đó đẩy nhanh tiến trình triển khai hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể của diễn đàn có quy mô lớn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh, coi xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030 trên cơ sở quy hoạch thông minh gắn với quản lý hiệu quả, cung cấp các tiện ích thông minh, giao dịch thân thiện giữa chính quyền, nhà quản lý, người dân và nhà đầu tư.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức trực tuyến Hội nghị Thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN 2020 vào tháng 7-2020 với các kế hoạch hành động hiện thực hóa đô thị thông minh, củng cố hợp tác với các đối tác trên tinh thần một một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển đô thị thông minh thực sự là “một cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Để đạt được điều này, Thủ tướng cho rằng, việc phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, đồng thời cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.
Cùng với đó, việc tiếp cận đô thị thông minh cần theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên. Các địa phương cùng với việc phát triển các tiện ích thông minh thì cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. “Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, đó là đô thị có quy hoạch xã hội tốt nhất, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, con người nhân văn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.
Phát biểu đề dẫn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng tới phát triển bền vững cho mỗi quốc gia. Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển, dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết. "Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội? Để giúp trả lời cho câu hỏi này, năm 2018, Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN) đã được lập ra với vai trò một diễn đàn hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết.
Tiếp nối thành công của Hội nghị Mạng lưới các đô thị thông minh đã được tổ chức, trong khuôn khổ hoạt động của năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, diễn đàn lần này hướng tới các mục tiêu: Thúc đẩy sự đa dạng trong sự thống nhất; thúc đẩy sự tham gia tích cực và hợp tác đoàn kết của các thành viên; thúc đẩy các chương trình nghị sự với các đối tác ngoài khối; thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân; duy trì và phát triển các đối thoại Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020, chiều cùng ngày đã diễn ra 5 hội thảo chuyên đề: Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị; phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh; phát triển các dịch vụ thông minh tại các đô thị trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị; giao thông thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide  (19/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á  (15/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI: Thành phố Hải Phòng quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (15/10/2020)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên