Phiên họp đầu tiên triển khai chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCS - Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều ngày 10-1-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của Phiên họp thứ 41. Đây là phiên họp đầu tiên triển khai chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để ký ban hành (trừ trường hợp với tỉnh Cao Bằng do còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện). Đối với các tỉnh còn lại chưa sắp xếp, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo việc hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cùng với đề án của tỉnh Cao Bằng, chậm nhất tại phiên họp tháng 2-2020. Đối với Đề án xác định biên chế tối thiểu của Văn phòng Quốc hội; sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp còn một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh thêm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét tại phiên họp này.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận từ sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 8 đến nay, các cơ quan đã tập trung nhiều nhiệm vụ sau kỳ họp cũng như các hoạt động tổng kết, đánh giá công tác cuối năm, nhưng các cơ quan vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động làm việc, sự nỗ lực, nhiệt huyết của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan và mong muốn trong thời gian tới các cơ quan tiếp tục cố gắng, phát huy.
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tháo gỡ vướng mắc trong giám định tư pháp theo vụ việc
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của luật hiện hành về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp, trách nhiệm quản lý, lập và công bố danh sách người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thực hiện giám định...
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ, theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ, việc nhằm phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng mà không mở rộng sửa đổi sang các nội dung khác của Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi nhằm quy định cụ thể để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành y tế và ngành công an; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn, như giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới…
Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, vướng mắc chủ yếu hiện nay trong công tác giám định tư pháp là hoạt động giám định tư pháp theo vụ, việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông - vận tải, tài nguyên và môi trường...
Tại một số địa phương có vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tử thi giữa ngành y tế và ngành công an, nguyên nhân chủ yếu do phối hợp chưa tốt giữa cơ quan điều tra, trung tâm pháp y cấp tỉnh và phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh trong việc trưng cầu và tiếp nhận giám định. Để khắc phục vướng mắc trên và phát huy hiệu quả đội ngũ nhân lực hiện có của hai ngành, Bộ Công an, Bộ Y tế cần hướng dẫn điều phối phù hợp việc trưng cầu và tiếp nhận giám định. Đối với việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, hiện nay, Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đang được tổng kết để nghiên cứu sửa đổi toàn diện, nên nội dung này sẽ được cân nhắc, xem xét sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ.
Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định (Điều 25), nhiều ý đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó, người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện; đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan và cơ chế phối hợp để tránh sự đùn đẩy trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này vì khó có căn cứ xác định cơ quan, tổ chức nào là chủ trì vì mỗi cơ quan, tổ chức đều phụ trách giám định một lĩnh vực chuyên môn nhất định.
Sự ra đời của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP, ngày 13-12-2017, về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế. Qua tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho chỉnh lý khoản 4 Điều 25 của dự thảo Luật theo hướng kế thừa và luật hóa những quy định của Thông tư số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP đang được thực hiện ổn định, hiệu quả.
Cân nhắc mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viênCho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo là tán thành việc mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên. Theo đó, ngoài hoạt động tại tòa án nơi hòa giải viên được bổ nhiệm, hòa giải viên có thể hoạt động tại tòa án khác nhưng phải trong phạm vi địa giới hành chính của tòa án cấp tỉnh. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định như vậy là giải pháp tối ưu, nhằm tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được hòa giải viên mà họ tín nhiệm. Đồng thời, với phạm vi hoạt động của hòa giải viên trong một đơn vị cấp tỉnh, thì tòa án vẫn có điều kiện đánh giá, giám sát chặt chẽ chất lượng hòa giải viên và kịp thời đề nghị chánh án có thẩm quyền miễn nhiệm những hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc nên giữ lại như quy định của dự thảo Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó, các bên được lựa chọn hòa giải viên trong danh sách hòa giải viên của tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Theo quy định này thì phạm vi hoạt động của hòa giải viên giới hạn trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa án, bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ giữa hòa giải viên với tòa án nơi hòa giải viên làm việc, đề cao trách nhiệm quản lý của Tòa án đối với Hòa giải viên và tạo điều kiện cho Hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Về chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án, dự thảo Luật không quy định việc Nhà nước thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án đối với các đương sự. Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, vì vậy trước mắt Nhà nước chưa nên thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án để khuyến khích người dân lựa chọn. Đa số các ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án đối với các đương sự với những lý do như tờ trình của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc giữ quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với 3 trường hợp: pháp nhân, cá nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí liên quan đến phiên dịch tiếng nước ngoài. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên cần có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Thông qua việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính thuộc 18 tỉnh, thành phố
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của 18 tỉnh, thành phố.
Tại Bình Dương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các thành phố Dĩ An, Thuận An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc các thị xã Dĩ An, Thuận An; thành lập 4 phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã thuộc thị xã Tân Uyên.
Tại Cao Bằng, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 76 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính của tỉnh Cao Bằng giảm từ 13 xuống còn 12 đơn vị; số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 199 đơn vị xuống còn 161 đơn vị.
Tại Gia Lai sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Gia Lai giảm từ 222 đơn vị xuống còn 220 đơn vị.
Tại Hậu Giang sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập phường Hiệp Lợi trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hiệp Lợi thuộc thị xã Ngã Bảy; thành lập thành phố Ngã Bảy trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của thị xã Ngã Bảy. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hậu Giang giảm từ 76 đơn vị xuống còn 75 đơn vị.
Tại Lai Châu sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 4 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sắp xếp, các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lai Châu giảm từ 108 đơn vị xuống còn 106 đơn vị, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện không thay đổi.
Tại Tiền Giang, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tiền Giang giảm từ 173 đơn vị xuống còn 172 đơn vị.
Tại Tây Ninh, thành lập thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của huyện Hòa Thành, huyện Trảng Bàng; thành lập xã Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Bình Thạnh với xã Phước Lưu của thị xã Trảng Bàng. Sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tây Ninh giảm từ 95 đơn vị xuống còn 94 đơn vị.
Tại Quảng Ngãi, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 17 đơn vị hành chính cấp xã; giải thể 3 xã của huyện đảo Lý Sơn; thành lập thị xã Đức Phổ và các phường thuộc thị xã Đức Phổ. Sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ngãi giảm từ 14 đơn vị hành chính cấp huyện xuống còn 13 đơn vị, giảm 184 đơn vị hành chính cấp xã còn 173 đơn vị.
Tại Yên Bái, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 14 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập thị trấn Sơn Thịnh thuộc huyện Văn Chấn. Sau khi sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Yên Bái giảm từ 180 đơn vị xuống còn 173 đơn vị.
Tại Bắc Cạn, sắp xếp 30 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Cạn giảm từ 122 đơn vị xuống còn 108 đơn vị.
Tại Bến Tre, sắp xếp 13 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Bến Tre giảm từ 164 đơn vị hành chính cấp xã còn 157 đơn vị.
Tại Hải Phòng, sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Hải Phòng có 217 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 6 đơn vị.
Tại Nam Định sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Nam Định giảm từ 229 đơn vị hành chính cấp xã còn 226 đơn vị.
Tại Ninh Bình, sắp xếp 5 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Ninh Bình còn 143 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 2 đơn vị.
Tại Quảng Nam sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập thị trấn Hương An thuộc huyện Quế Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hương An. Sau khi sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam giảm từ 244 đơn vị xuống còn 241 đơn vị.
Tại Quảng Bình, sắp xếp 16 đơn vị, thành lập thị trấn Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Sơn Trạch. Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình giảm từ 159 xuống còn 151 đơn vị.
Tỉnh Vĩnh Long sắp xếp 7 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập thị trấn Tân Quới trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Quới thuộc huyện Bình Tân; thành lập các phường Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội thuộc thành phố Vĩnh Long. Sau sắp xếp, tỉnh Vĩnh Long có 107 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 2 đơn vị.
Tại Vĩnh Phúc, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập các thị trấn Hợp Châu, Đại Đình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Hợp Châu, Đại Đình thuộc huyện Tam Đảo; thành lập các thị trấn Bá Hiến, Đạo Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Bá Hiến, Đạo Đức thuộc huyện Bình Xuyên. Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Vĩnh Phúc còn 136 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 1 đơn vị.
Như vậy, đây là lần thứ 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính thuộc một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Với 6 tỉnh thành còn lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu để có thể trình ra tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 2-2020 để có thể dứt điểm đợt sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021. Sau khi quyết định nội dung sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính thuộc 18 tỉnh, thành phố trong cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 41./.
Quốc Linh (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam  (20/12/2019)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành phiên họp cuối năm 2019  (19/12/2019)
Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nga, Belarus  (16/12/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri tại các địa phương  (30/11/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển