Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam – châu Phi lần thứ 2
TCCSĐT - Hội thảo Quốc tế lần thứ 2 “Việt Nam - châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững” đã khai mạc sáng 17-8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Cheick Sidi Diarra cùng Trưởng đoàn các nước châu Phi và đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội đã tham dự. TCCSĐT trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội thảo.
Thưa các vị Trưởng đoàn các nước châu Phi anh em,
Thưa ngài Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc đặc trách châu Phi,
Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và các bạn,
Tôi rất vui mừng đến dự cuộc Hội thảo quốc tế về quan hệ Việt Nam – châu Phi lần thứ hai và được gặp lại những người bạn thủy chung lâu năm của Việt Nam đến từ các nước châu Phi anh em. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị Trưởng đoàn, các vị Bộ trưởng, các vị Đại sứ và các quý vị đại biểu dự cuộc Hội thảo quan trọng này. Sự có mặt đông đảo của quý vị thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với việc hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và các nước châu Phi anh em có quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt từ lâu đời, có truyền thống hết lòng ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau rất tốt đẹp, cả trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Sau 25 năm thực hiện công cuộc Đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và đang vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các nước châu Phi cũng đang bước vào thời kỳ mới - ổn định, tái thiết và phát triển. Xu hướng thúc đẩy hợp tác, tăng cường liên kết đang trở thành dòng chảy chung của nhiều quốc gia châu Phi. Một tương lai tươi sáng đang mở ra cho các nước châu Phi nói chung và cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và châu Phi nói riêng.
Nắm bắt được xu thế đó, Hội thảo quốc tế Việt Nam – châu Phi đã ra đời, trở thành một cơ chế đối thoại, một diễn đàn quan trọng, thực chất và là cầu nối hiệu quả để Việt Nam và các nước châu Phi anh em xích lại gần nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao và hội nhập quốc tế.
Cuộc Hội thảo lần thứ nhất diễn ra vào năm 2003 đóng vai trò như người mở đường trong quan hệ của Việt Nam với châu Phi trong thời kỳ mới. Đến cuộc Hội thảo này, chúng ta đặt ra nhiệm vụ lớn hơn và thiết thực hơn, tổng kết, đánh giá những kết quả hợp tác đã đạt được, đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể trong thời gian tới để thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – châu Phi đi vào thực chất, cùng có lợi. Chủ đề của cuộc Hội thảo “Việt Nam – châu Phi: hợp tác cùng phát triển bền vững” đã nói lên nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam muốn cùng các nước châu Phi anh em hướng tới một tương lai phát triển bền vững, lâu dài.
Thưa quý vị và các bạn,
Châu Phi là một lục địa rộng lớn với nhiều quốc gia, dân tộc anh em cùng chung sống, là khu vực giàu tiềm năng, có nhiều cơ hội cho hợp tác phát triển. Hầu hết các nước châu Phi đều đang trong quá trình ưu tiên đẩy mạnh công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế, mở rộng và tăng cường quan hệ đối ngoại, thúc đẩy hội nhập quốc tế và khu vực. Chúng tôi cho rằng châu Phi đang là điểm đến hấp dẫn, là đối tác giàu tiềm năng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Là nước bạn truyền thống, có quan hệ thân thiết và hữu nghị với các nước châu Phi anh em, vào lúc này Việt Nam càng thấy cần phải tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước châu Phi vì lợi ích của cả hai bên, vì hòa bình, ổn định và phát triển của cả Việt Nam, châu Phi và trên toàn thế giới.
Chúng ta vui mừng nhận thấy trong những năm qua, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và châu Phi đã có những bước phát triển thực chất. Nhiều thỏa thuận đã được triển khai cụ thể, tạo cơ sở ngày một vững chắc cho mối quan hệ giữa hai bên thời gian tới. Có thể tổng kết những kết quả đã đạt được kể từ cuộc Hội thảo lần đầu tiên năm 2003 đến nay trên 3 mặt sau:
Thứ nhất, quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước châu Phi đã được tăng cường và mở rộng. Đã có trên 70 đoàn từ cấp Bộ trưởng trở lên, trong đó có nhiều đoàn cấp nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ của các nước châu Phi đến thăm Việt Nam; khoảng 60 đoàn từ cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng trở lên và nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã đi thăm châu Phi. Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao với 51/54 nước châu Phi. Mạng lưới các cơ quan đại diện được tăng cường, đến nay đã có 9 cơ quan đại diện ngoại giao, 5 cơ quan thương vụ của Việt Nam được đặt tại các nước châu Phi; 8 nước châu Phi đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam. Thông tin về cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa hai bên đã ngày càng thông suốt.
Thứ hai, khuôn khổ pháp lý cho hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và châu Phi được hình thành với hơn 70 văn kiện hợp tác các loại đã được ký kết, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đầy đủ và vững chắc để Việt Nam và châu Phi mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và cùng quan tâm.
Thứ ba, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – châu Phi đang phát triển khá tích cực. Kim ngạch thương mại tăng bình quân 45%/năm, từ 360 triệu USD năm 2003 lên hơn 2 tỷ USD năm 2009, tăng gấp đôi so với mục tiêu đề ra tại cuộc Hội thảo trước. Các lĩnh vực hợp tác trọng điểm gồm năng lượng, nông nghiệp, chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp, lao động… đang ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam – châu Phi vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và mong đợi của cả hai bên, đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Một là, việc trao đổi đoàn các cấp, cơ chế tiếp xúc và thông tin, mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam tại châu Phi, cũng như của châu Phi tại Việt Nam còn khiêm tốn. Hai là, khuôn khổ pháp lý nhìn chung còn chưa đầy đủ, chưa có nhiều thỏa thuận thiết yếu cho hợp tác đầu tư, kinh doanh lâu dài như các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Ba là, các cơ chế hợp tác, đặc biệt là cơ chế Ủy ban liên chính phủ còn ít và chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Bốn là, tỷ trọng, hình thức và lĩnh vực trao đổi thương mại còn nghèo nàn, cơ cấu mặt hàng chưa có nhiều thay đổi. Năm là, công tác thông tin tuyên truyền quảng bá về châu Phi ở Việt Nam và về Việt Nam ở châu Phi còn hạn chế.
Thưa quý vị và các bạn,
Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam với các nước châu Phi anh em là một trong những mối quan hệ có tương lai rất xán lạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam đã từng dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Việt Nam và châu Phi có rất nhiều điểm tương đồng, có chung nhiều mục tiêu và lý tưởng cao cả. Trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Phi anh em, không có việc gì là khó, là không thể giải quyết được. Đó chính là lý do để chúng ta tự tin vào tương lai phát triển bền vững của mối quan hệ thủy chung, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước châu Phi trong thế kỷ 21.
Phát triển toàn diện mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với châu Phi là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chủ trương đó đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế. Các hình thức hợp tác giữa Việt Nam với một số nước châu Phi có sự tham gia của bên thứ ba đang rất thành công và cần được nghiên cứu để phát triển nhân rộng.
Những năm qua, thực tế cho thấy Việt Nam có khả năng đáp ứng được nhiều nhu cầu hợp tác phát triển của châu Phi, đặc biệt trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục đào tạo, năng lượng, y tế, lao động, đầu tư, cơ sở hạ tầng… Xuất phát điểm là một nước nghèo, lại bị chiến tranh liên miên tàn phá nặng nề, quá trình vươn lên vượt qua thử thách, vượt qua đói nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam có thể là kinh nghiệm tốt với nhiều nước châu Phi anh em.
Nằm giữa khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khá, đạt mức 5,32% năm 2009, dự kiến trên 6,5% năm 2010 và cao hơn trong các năm sau; Việt Nam cũng là một điểm đến kinh doanh và đầu tư hấp dẫn của châu Á. Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đang tích cực cùng các nước ASEAN khác đẩy mạnh quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, liên kết kinh tế trong khu vực và với bên ngoài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và các nước châu Phi càng có thêm nhiều cơ hội cùng hợp tác phát triển thịnh vượng.
Trên cơ sở đó, tôi đề nghị Hội thảo của chúng ta cần đi sâu trao đổi trên các hướng sau:
Một là, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam – châu Phi trên tất cả các lĩnh vực cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tăng cường sự hiện diện hiệu quả của Việt Nam tại châu Phi và của châu Phi tại Việt Nam.
Hai là, thúc đẩy và mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư; tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên có tính khả thi cao như năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại – đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác y tế, giáo dục… Mỗi lĩnh vực ưu tiên cần chọn ra một số dự án trọng điểm để đảm bảo thực hiện có hiệu quả, các bên cùng có lợi và tránh dàn trải.
Ba là, tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền; thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong công tác xây dựng và phát triển đất nước, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Bốn là, rà soát và củng cố các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, nhất là các cơ chế Ủy ban liên chính phủ; chú ý khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức, các thành phần kinh tế nhằm tạo sự năng động và hiệu quả trong mỗi cơ chế được thiết lập.
Thưa quý vị và các bạn,
Nhân dịp có sự tham dự đông đủ các đại diện nước châu Phi anh em và các quý vị tại Hội thảo này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự ủng hộ nhiệt tình và sự giúp đỡ quý báu của nhân dân các nước châu Phi anh em đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trước đây cũng như sự hỗ trợ và hợp tác tích cực trong sự nghiệp xây dựng và Đổi mới đất nước hiện nay.
Trong những ngày tới, các quý vị đại biểu sẽ phải làm việc vất vả, nhưng công sức mà các quý vị bỏ ra chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân châu Phi anh em.
Nhân dân Việt Nam và nhân dân châu Phi anh em nhất định sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu để vươn lên phát triển bền vững, sánh bước với các nước trong cộng đồng quốc tế, giống như chúng ta đã từng giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây.
Chúc các quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn Quý vị và các bạn./.
Phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam - châu Phi lần thứ 2  (17/08/2010)
Chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô  (17/08/2010)
Thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường gắn liền với cải cách thủ tục hành chính  (17/08/2010)
Vinashin sẽ chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính  (17/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay