(Hà Nội, 17 - 19/8/2010)
 
Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng,

Thưa Ngài Cheick Sidi Diarra, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc,

Thưa các vị Bộ trưởng và quý vị đại biểu,

Tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý từ các nước châu Phi anh em đến với Hội thảo quốc tế với chủ đề "Việt Nam - châu Phi: hợp tác cùng phát triển bền vững". Sự có mặt của đông đảo Qúy vị chính là đánh giá tích cực đối với thực trạng hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi, đồng thời cũng thể hiện kỳ vọng và sự quan tâm sâu sắc vào tiềm năng phát triển của mối quan hệ đó.

Hội thảo của chúng ta vinh dự chào mừng Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, đến tham dự khai mạc và sẽ có bài phát biểu định hướng cho Hội thảo của chúng ta. Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất quan tâm tới việc phát triển quan hệ hợp tác thực chất giữa Việt Nam với các nước Châu Phi và thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành Việt Nam tìm những biện pháp khả thi để phát triển các mối quan hệ này.

Chúng ta cũng nhiệt liệt chào mừng Ngài Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đặc trách về Châu Phi cùng đại diện của nhiều tổ chức quốc tế đã đến tham dự Hội thảo lần này.

Thưa Quý vị,

Qúy vị đang có mặt tại Hà Nội vào thời điểm đáng nhớ, khi nhân dân Việt Nam đang tưng bừng kỷ niệm những sự kiện trọng đại của đất nước: 65 năm Cách mạng tháng Tám khai sinh ra  nước Việt Nam độc lập, tự do; 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành phố vì Hòa bình với Hoàng Thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Năm 2010 cũng là năm Việt Nam kỷ niệm việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước bạn bè anh em trên thế giới, trong đó có nhiều nước Châu Phi, những người bạn thủy chung đã cùng sát cánh với Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước tại mỗi quốc gia chúng ta hiện nay. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Quý vị về sự giúp đỡ và hỗ trợ quý báu đó.

Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối của Châu Phi đã dày công vun đắp là một di sản quý báu mà Việt Nam và các nước Châu Phi anh em luôn trân trọng; đồng thời là nền tảng để chúng ta cùng nhau tiến bước trong thế kỷ 21, chung sức nâng mối quan hệ đó lên một tầm cao hơn, sâu sắc hơn, hiệu quả và thực chất hơn. Trong những năm gần đây, quan hệ với các nước Châu Phi đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Kể từ Hội thảo quốc tế Việt Nam - Châu Phi lần thứ nhất năm 2003, chúng ta đã tiến một bước dài trong các mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với Châu Phi: quan hệ chính trị, ngoại giao được tăng cường; kim ngạch thương mại giữa Việt  Nam với Châu Phi đã tăng từ 360 triệu USD năm 2003 lên 2,07 tỷ USD năm 2009; hợp tác nông nghiệp, năng lượng, lao động, y tế, trao đổi chuyên gia có những bước phát triển khả quan; trên 70 văn kiện hợp tác đã được ký kết tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các mối quan hệ đang phát triển sâu rộng giữa chúng ta.  Mối quan hệ hợp tác đó không những đã đáp ứng được lợi ích của Việt Nam và các nước bạn bè Châu Phi mà còn góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, vào quan hệ hữu nghị và đoàn kết ở các châu lục chúng ta và trên thế giới.

Đứng trước tình hình thế giới và các khu vực đang có nhiều chuyển biển quan trọng, đặc biệt là trước những thay đổi tích cực tại Lục địa Châu Phi trong những năm gần đây, Việt Nam mong muốn cùng các nước Châu Phi nhìn lại chặng đường hợp tác đã qua, tích cực cùng nhau trao đổi thông tin và kinh nghiệm, xác định những thuận lợi và thách thức và đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt, đặc biệt trong những lĩnh vực mà chúng ta có tiềm năng và thế mạnh như nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, thương mại, giáo dục, đào tạo nhân lực, trao đổi chuyên gia, lao động... Hội thảo lần thứ nhất đã mở ra giai đoạn mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Châu Phi. Với Hội thảo lần này, chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra các biện pháp mới mẻ hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn nhằm hướng tới hợp tác để cùng phát triển một cách bền vững trong những năm tới. Đó cũng chính là sự phản ánh xu hướng phát triển kinh tế xanh, sạch, mạnh mẽ, cân bằng và bền vững trên thế giới hiện nay.

Thưa Quý vị,

Với lòng mong mỏi Hội thảo của chúng ta sẽ đạt được những kỳ vọng tốt đẹp đã nêu, tôi vinh dự giới thiệu và kính mời Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Xin trân trọng kính mời Thủ tướng.