Dấu ấn quan trọng trong hợp tác quốc phòng ASEAN
Năm 2010, Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN. Sau hơn 20 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quốc phòng - an ninh được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế với phương châm “Việt Nam là bạn, và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế,” Việt Nam ngày càng được coi là mảnh “đất lành” cho các cơ chế hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển đâm chồi nảy lộc. Trong lĩnh vực quốc phòng, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) là một ví dụ.
ADMM+ là cơ chế hợp tác Quốc phòng cao nhất giữa Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN với 8 nước đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Đây là những nước có vai trò quan trọng đối với an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung.
Với vai trò là bộ phận quan trọng của cấu trúc an ninh khu vực, nên ngoài đối thoại mở và xây dựng, ADMM+ còn hướng tới vai trò là một diễn đàn cho sự hợp tác thực chất, hiệu quả và có ý nghĩa giữa ASEAN và các nước ngoài khu vực trong lĩnh vực quốc phòng an ninh.
Là diễn đàn trao đổi các nguồn lực quốc phòng của các nước ASEAN với các nước Đối tác Đối thoại, ADMM+ là cơ hội để các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam tiếp cận, thu hút các nguồn lực, kinh nghiệm từ các nước đối tác để giải quyết các vấn đề an ninh trong nội khối ASEAN, nhất là đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống như đối phó với khủng bố, cướp biển, thảm họa thiên nhiên... đồng thời sẵn sàng chia sẻ các nguồn lực, kinh nghiệm, thế mạnh của mình với các nước đối tác, tăng cường sự hiện diện, vai trò quốc phòng của Hiệp hội trong khu vực và trên thế giới.
Đầu tháng 5-2010, với chủ đề: “Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN vì một khu vực ổn định và phát triển,” Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 4 (ADMM-4) được tổ chức tại Hà Nội và đạt được kết quả tốt đẹp.
Thành công nổi bật của ADMM-4 là việc hoàn tất các cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ASEAN chủ động mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh với các nước đối tác đối thoại và giao cho Việt Nam tổ chức Hội nghị ADMM+ đầu tiên từ ngày 11–13/10/2010 tại Hà Nội. Đây là những nỗ lực vượt bậc, thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị, tình đoàn kết ASEAN đồng thời là kết quả của quá trình chuẩn bị với nỗ lực chung của các nước ASEAN.
Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM Retreat) vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5-8 đã đạt được đồng thuận về hai tài liệu quan trọng là dự thảo "Tuyên bố chung" của ADMM+ lần thứ nhất và văn kiện thảo luận “Tiềm năng, triển vọng và phương hướng hợp tác thiết thực trong khuôn khổ ADMM+.” Những tài liệu này có tính chất như tuyên ngôn chính trị, nguyện vọng hợp tác của ASEAN và các nước Cộng, trình bày những nét khái quát về cơ chế vận hành và chỉ ra tương lai của ADMM+.
Bên cạnh đó, các nước đã nhất trí cần làm cụ thể hơn cơ chế vận hành của tiến trình ADMM+, việc hình thành và hoạt động của các nhóm làm việc, các nhóm chuyên gia, chức năng nhiệm vụ của các quan chức quốc phòng cao cấp 18 nước tham gia ADMM+...
Mặc dù các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và 8 nước cộng chưa họp với nhau và chưa chính thức đưa ra quan điểm chung về ADMM+, song bước đầu có thể hình dung một số quan điểm cơ bản sau:
Mục tiêu của ADMM+ là giúp các nước thành viên ASEAN cùng các nước đối tác đối thoại tăng cường sự tin cậy bằng quan hệ giữa các thiết chế quốc phòng thông qua tăng cường đối thoại và minh bạch; duy trì hòa bình và ổn định khu vực thông qua hợp tác quốc phòng và an ninh nhằm đối phó với những thách thức an ninh xuyên quốc gia; góp phần hiện thực hóa Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN.
Việc tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh giữa các nước trong cơ chế ADMM+ nhằm tăng cường khả năng đối phó một cách hiệu quả với những thách thức an ninh đang nổi lên, trước mắt nên tập trung hiện thực hóa sáng kiến đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Sự hợp tác này cũng nhằm nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh của từng nước nhằm bảo đảm an ninh quốc gia của nước mình.
Các nước thành viên ADMM+ tăng cường quan hệ quốc phòng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau trong khuôn khổ của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Các nước cần thể hiện sự công khai và minh bạch trong chính sách quốc phòng, củng cố lòng tin lẫn nhau; kiên trì chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác thông qua thương lượng hòa bình.
ADMM+ có những đặc điểm rất nổi bật, tạo nên sự khác biệt của tiến trình này, nó sẽ đem lại hiệu quả tích cực, nếu các bên cùng thực tâm hợp tác và có trách nhiệm với hòa bình, ổn định trong khu vực.
Trước hết là sự chênh lệch về trình độ phát triển và tiềm lực quốc phòng giữa các nước thành viên. ADMM+ bao gồm một số nước có tiềm lực quốc phòng mạnh nhất thế giới và những nước có tiềm lực quốc phòng loại trung bình và yếu. Tuy nhiên, khi tham gia diễn đàn, tất cả các nước thành viên đều bình đẳng. Cách đây không lâu, khó có thể hình dung được việc các nước có trình độ phát triển chênh lệch đến như vậy có thể cùng ngồi đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe nhau để tìm ra những giải pháp đem lại lợi ích chung cho khu vực và từng nước.
Thứ hai, ADMM+ là một diễn đàn xây dựng và tăng cường lòng tin giữa các nước. Việc các Bộ trưởng Quốc phòng - người đứng đầu lực lượng quốc phòng, đại diện sức mạnh quân sự của mỗi nước, lại cùng nhau đối thoại, hợp tác để xây dựng lòng tin, hướng tới mục tiêu vì hòa bình, ổn định và phát triển, có ý nghĩa rất đặc biệt.
ADMM+ sẽ bổ sung cho các diễn đàn khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), các tiến trình ASEAN+ và Đối thoại Shangri La, đóng góp một cách hiệu quả cho tiến trình xây dựng lòng tin và duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực.
Thứ ba, ADMM+ là một diễn đàn công khai và minh bạch. Tại ADMM+, các nước cần công khai những gì họ mong muốn đối với khu vực của chúng ta và dự định thực hiện như thế nào. Các bên sẽ đưa ra quan điểm của mình, chắc chắn sẽ có sự khác biệt trong nhận thức cũng như biện pháp thực hiện, song cần bình tĩnh lắng nghe, không áp đặt ý muốn chủ quan, tích cực thảo luận, tìm ra giải pháp phù hợp. Không gì tốt hơn để xây dựng lòng tin bằng sự công khai minh bạch của các quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Hội nghị ADMM+ đầu tiên sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 10-2010. Đây là một điểm nhấn trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, góp phần khẳng định với bạn bè quốc tế chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ và tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Vậy nhiệm vụ này đặt ra cho chúng ta những yêu cầu gì?
Yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với Việt Nam với tư cách nước chủ nhà là việc tổ chức Hội nghị ADMM+ phải thể hiện được sự nhất quán trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà Việt Nam, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực; góp phần vào sự thành công của vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam.
Thứ hai, với việc tích cực tổ chức Hội nghị ADMM +, chúng ta thể hiện trách nhiệm của đất nước, của Quân đội Việt Nam vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, thể hiện thái độ hòa hiếu, hữu nghị và lòng mong muốn cho một thế giới bình đẳng, cùng phát triển. Đồng thời, chúng ta một lần nữa cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và cũng sẽ không bao giờ chấp nhận cung cách ứng xử trái với tinh thần ấy, của bất kỳ ai trong một thế giới văn minh của Thế kỷ 21.
Yêu cầu thứ ba là phải tìm kiếm được sự đồng thuận cao trong nội bộ các nước ASEAN cả về thành phần, số lượng, nội dung, cách thức tiến hành ADMM+. Nội dung đưa ra phải bảo đảm vừa phù hợp với nhu cầu, khả năng của ASEAN đồng thời cũng đáp ứng được sự quan tâm của các nước đối tác. Có như vậy mới giữ được vai trò trung tâm của ASEAN, mặt khác cũng tạo ra sự hấp dẫn đối với các nước ngoài ASEAN, và nhận được sự tôn trọng, cởi mở và sự ủng hộ tích cực của các nước Đối tác Đối thoại.
Yêu cầu thứ tư là phải hình thành được định hướng chung cho ADMM+. Vấn đề quan tâm của từng nước sẽ khác nhau, có những vấn đề thuộc về lợi ích của một nước hoặc một nhóm nước; có những vấn đề liên quan đến lợi ích của tất cả các nước tham gia. Vì vậy, trong Hội nghị đầu tiên, sẽ là quá sớm nếu tập trung bàn đến các vấn đề cụ thể, nổi cộm... Điều quan trọng nhất là phải đưa ra được định hướng chính trị và tương lai phát triển của tíến trình này.
Trước, trong và sau hội nghị có thể có những ý kiến khác biệt, chưa thống nhất, thậm chí có những vấn đề được các bên cho là “nóng.” Do đó, nước chủ nhà hoặc bất cứ một thành viên nào nếu chỉ tập trung đề cập các vấn đề của mình, lợi ích của mình thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của diễn đàn, vì ADMM+ là một diễn đàn tìm kiếm sự đồng thuận, tạo ra các cơ hội, hình thức hợp tác một cách thực chất và hiệu quả.
Một nội dung rất quan trọng sẽ được thảo luận tại ADMM+ là trao đổi các nguồn lực giữa ASEAN với các nước đối tác nhằm đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Gần đây, các vấn đề an ninh phi truyền thống có xu hướng gia tăng và đang tạo ra thách thức mới đối với hòa bình và ổn định của khu vực, đe dọa đến sự phát triển của tất cả các quốc gia.
Ví dụ, trong thời gian qua, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam... đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thảm họa thiên nhiên gây ra. Việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống là một nhiệm vụ lâu dài và hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có sự hợp tác, trao đổi nguồn lực của nhiều quốc gia mới có thể giải quyết được.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa, Hội nghị ADMM+ đầu tiên sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trên cương vị nước chủ nhà, Việt Nam sẽ tiếp tục bàn bạc, trao đổi với các thành viên ASEAN và các đối tác tham gia ADMM+ để đạt được sự đồng thuận cao cho việc tổ chức thành công Hội nghị ADMM+ đầu tiên.
Công tác chuẩn bị cho hội nghị còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với những thành quả đã đạt được, với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và sự chuẩn bị tích cực của Bộ Quốc phòng Việt Nam, với sự ủng hộ nhiệt tình của các nước ASEAN cũng như các nước đối tác, Hội nghị ADMM+ đầu tiên chắc chắn sẽ được tổ chức thành công./.
Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 8  (16/08/2010)
Tuyên Quang kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9  (16/08/2010)
Giới thiệu chính sách mới số 207  (15/08/2010)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên