Sau ba ngày (từ 11-9-2008) làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội thi sơ khảo toàn quốc “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu vực I, gồm 16 tỉnh phía Bắc và Đảng bộ Công an Trung ương, tổ chức tại thành phố Thái Nguyên, đã thành công tốt đẹp.

Thực hiện Kế hoạch số 20-KH/TTVH ngày 29-01-2007 của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) về tổ chức Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong hơn một năm qua, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục và thực hành làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cả nước cũng như 16 tỉnh phía Bắc và Đảng bộ Công an Trung ương đã tổ chức Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ cấp cơ sở, cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp ngành.

Hội thi đã góp phần tích cực làm nên không khí thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rộng khắp. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều tổ chức thi hoặc cử thí sinh tham dự hội thi cụm cấp cơ sở, 100% cấp huyện và cấp tỉnh, cấp ngành đã tổ chức Hội thi. Theo thống kê, 16 tỉnh phía Bắc đã tổ chức 3.709 hội thi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh với sự tham dự của 38.278 thí sinh. Không ít địa phương tổ chức nhiều hội thi và có đông thí sinh dự thi, như: Phú Thọ: 615 hội thi với 5.542 thí sinh; Quảng Ninh: 439 hội thi/4.773 thí sinh; Thái Nguyên: 422 hội thi/7.898 thí sinh; Sơn La: 419 hội thi/5.716 thí sinh; Hà Giang: 379/2.614 thí sinh... Đảng bộ Công an Trung ương đã tổ chức 94 hội thi từ các đảng bộ cơ sở trở lên, với 1.275 thí sinh dự thi.

Hội thi các cấp đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa ban tuyên giáo với các ban, ngành, đoàn thể. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị có những vận dụng sáng tạo trong tổ chức hội thi phù hợp với đặc điểm, đối tượng, nên đã thu hút nhiều người tham gia, có tác dụng lan tỏa sâu rộng tới đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau khi tổ chức thành công hội thi, nhiều nơi đã tổ chức đưa các thí sinh về cơ quan, đơn vị cơ sở, bản làng, trường học để kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng là góp phần phổ biến sâu rộng tư tưởng của Người đến đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Hội thi sơ khảo toàn quốc khu vực I “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có sự tham dự của 52 thí sinh xuất sắc nhất (gồm 39 nữ, 13 nam, trong đó 11 người là người dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Thái, Mông, Cao Lan...), người nhiều tuổi nhất 69 tuổi, người ít tuổi nhất là 17 tuổi), đến từ 16 tỉnh phía Bắc và Đảng bộ Công an Trung ương, được lựa chọn qua các vòng thi từ cấp cơ sở. Trước khi tham dự hội thi, tất cả 52 thí sinh đều chuẩn bị chu đáo đề cương dự thi nộp trước cho Ban Tổ chức, với phần trình bày công phu, nội dung đạt chất lượng tốt, sưu tầm nhiều tư liệu, hình ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, không chỉ thể hiện tình cảm kính yêu sâu sắc đối với Người, mà còn tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao đối với Hội thi.

Trong Hội thi, các thí sinh đã trình bày rất tốt những câu chuyện cảm động về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bảo đảm đúng, đủ nội dung, tính khach quan, trung thực. Với lối kể chuyện có sức truyền cảm, sâu lắng, hấp dẫn, các thí sinh tham dự đã thực sự tạo ra sức lôi cuốn, gây xúc động cho người nghe. Đáng chú ý là, tất cả các thí sinh đều phân tích sâu sắc ý nghĩa, giá trị đạo đức cao cả từ những câu chuyện mà mình vừa kể để mọi người hiểu rõ và thấm nhuần tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời, trình bày phần vận dụng, liên hệ vào thực tiễn hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị và bản thân mình, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá. Nhiều thí sinh sử dụng hình ảnh minh họa cho nội dung câu chuyện, nên câu chuyện càng trở nên hấp dẫn, phong phú. Ba thí sinh xuất sắc nhất được trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, và sẽ được cử đi tham dự Hội thi chung khảo toàn quốc “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội.

Từ hội thi cấp cơ sở đến cấp khu vực lần này, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Một là, Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể; được chuẩn bị chu đáo, tổ chức nghiêm túc, đạt chất lượng, hiệu quả, bảo đảm đúng kế hoạch, mục đích, yêu cầu đề ra; thu hút được sự tham gia của nhiều đối tượng dự thi và sự quan tâm, theo dõi, cổ vũ, động viên của các tầng lớp nhân dân, có tác động mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp tới toàn xã hội.

Hai là, Hội thi thực sự là một đợt tuyên truyền sâu rộng trong Đảng và toàn xã hội về tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành đợt sinh hoạt chính trị - xã hội rộng khắp, góp phần tích cực thực hiện thành công Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ba là, Hội thi đã góp phần tạo những chuyển biến trong nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thúc đẩy mỗi người tự giác, tự nguyện học tập và làm theo.

Bốn là, thông qua Hội thi, các thí sinh dự thi có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao ý thức rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần tốt đẹp trong xã hội ta.

Từ những kết quả quan trọng thu được từ Hội thi cấp cơ sở đến cấp khu vực, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung vào một số công việc chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc, thiết thực, phù hợp với thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn việc học tập với việc chuyển mạnh sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, khắc phục những biểu hiện tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị sớm hoàn thành việc xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với điều kiện của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung cần ngắn gọn, được công bố công khai, rộng rãi trong cơ quan, đơn vị để đảng viên, cán bộ, công chức thực hiện và để quần chúng nhân dân biết, giúp đỡ và giám sát thực hiện.

Thứ ba, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch tham mưu với cấp ủy phát huy vai trò của thí sinh tham gia các hội thi trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ tư, các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, về kết quả Hội thi sơ khảo toàn quốc cấp khu vực và Hội thi chung khảo toàn quốc sắp tới; gắn với tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, biểu dương người tốt, việc tốt./.