1. Kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt - Anh

Lễ kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Vương quốc Anh (1973-2008) đã diễn ra tối 8-9, tại Hà Nội, với sự có mặt của Công tước xứ Oóc (York), Hoàng tử Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len An-đriu (Andrew). Đây là một sự kiện trọng đại, đánh dấu một chặng đường phát triển quan trọng của quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. 35 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Anh phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Anh hiện là nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), cùng cộng đồng quốc tế góp phần quan trọng hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chính sách xoá đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục. Anh là đối tác thương mại - đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 15-20%/năm, đạt gần 2 tỉ USD (năm 2007). Đầu tư của Anh tại Việt Nam đứng thứ ba trong EU, đạt hơn 1,4 tỉ USD. Ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Anh đến kinh doanh, đầu tư tại việt Nam, tập trung nhiều vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân như dầu khí, tài chính - ngân hàng, viễn thông. Ngày 8-9-2009, Trường đại học Anh quốc thuộc Tập đoàn giáo dục và đào tạo Apollo chính thức khai trương tại Hà Nội để tuyển sinh khóa đầu tiên vào tháng 9-2009. Dự kiến có 1.000 sinh viên, với chuyên ngành đào tạo cử nhân các ngành kế toán - tài chính, quản lý kinh doanh quốc tế, tài chính - ngân hàng trong thời gian từ hai năm rưỡi đến bốn năm. Ngân hàng HSBC và Ngân hàng Standard Chartered (Anh) là hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được Chính phủ Việt Nam Giấy phép thành lập và hoạt động (10-9-2008).

2. Chương trình “Tiếp sức trẻ em khó khăn được đến trường”

Ngày 8-9-2008, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Việt Á, Hội đồng Ðội T.Ư phối hợp tổ chức thông báo hoạt động với chủ đề “Giờ trông trăng - Giờ vì trẻ em Việt Nam", nhằm gây quỹ thực hiện Chương trình "Tiếp sức trẻ em khó khăn được đến trường". Theo đó, Ban Tổ chức chương trình phát động mỗi gia đình Việt Nam dành thời gian thích hợp nhất để tắt các thiết bị điện trong nhà; đưa trẻ em đến các điểm vui chơi, giải trí trong lành; động viên, hướng dẫn các em tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường sống... Hoạt động Giờ trông trăng - Giờ Vì trẻ em được thực hiện lần đầu vào dịp Trung thu năm nay, từ ngày 11-9 đến 15-9, và được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và đăng ký ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong cả nước với tổng trị giá khoảng hai tỷ đồng, trong đó, riêng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hỗ trợ 500 triệu đồng... Toàn bộ số tiền này được dành để triển khai Chương trình "Tiếp sức trẻ em khó khăn được đến trường".

3. Khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân

Ngày 8-9-2008, trong cuộc họp bàn về một số cơ chế, biện pháp ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan sớm xây dựng một số cơ chế, biện pháp ưu đãi cụ thể để giải bài toán bức xúc về nhà ở cho công nhân, người lao động tại các KCN, KCX. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch phát triển các khu nhà ở cho người lao động vào quy hoạch phát triển KCN. Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm hoàn thiện Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo thống kê từ các địa phương, cả nước hiện có 185 KCN, KCX với khoảng trên 1 triệu lao động đang làm việc, trong đó, có hơn 700 nghìn lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Tuy nhiên, các khu nhà ở tập trung (xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc từ doanh nghiệp) mới đáp ứng khoảng 7-10% chỗ ở cho những người lao động này, hơn 90% số người lao động còn lại phải tự thu xếp chỗ ở, thuê trọ rải rác trong các khu dân cư lân cận.

4. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Ngày 9-9-2008, Hội nghị Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức tại Hà Nội, nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị, láng giềng, thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Ðây là cơ hội để doanh nghiệp hai nước giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu tiềm năng lợi thế và nhu cầu kinh doanh. Quan hệ giữa hai nước đang phát triển đầy ấn tượng, thương mại hai chiều tăng trung bình 20%/năm. Trong năm 2007, hai nước đã hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch song phương vượt ngưỡng 15 tỉ USD. Về đầu tư, Trung Quốc đã đầu tư sang Việt Nam hơn 1,8 tỉ USD và có khả năng tiếp tục gia tăng để đứng vào nhóm 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Mấy năm gần đây, quy mô hợp tác trong lĩnh vực đầu tư thương mại với Quảng Ðông (Trung Quốc) không ngừng mở rộng. Năm 2007, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Ðông - Việt Nam đạt 2,45 tỉ USD, tăng 53% so với năm trước, với các mặt hàng chủ yếu là than đá, cao-su, động cơ, điện tử, giày dép, xe máy, điều hòa nhiệt độ.

5. Xây dựng Ðài Truyền hình Việt Nam (THVN) ngang tầm khu vực và thế giới

Ngày 11-9-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm và làm với lãnh đạo chủ chốt Ðài THVN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, sự phát triển của Ðài THVN thể hiện qua việc nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng cao, tổng thời lượng phát sóng hằng ngày được nâng lên, đa dạng hóa các phương thức truyền tải thông tin, phạm vi phủ sóng ngày càng được mở rộng tới vùng sâu, vùng xa, nhất là có kênh phát sóng dành riêng cho cộng đồng Việt kiều và bạn bè khắp năm châu. Ðài cũng đã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại ngang tầm khu vực. Nội dung các chương trình, thông tin được truyền tải qua sóng truyền hình đã góp phần không chỉ nâng cao dân trí mà còn quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới, góp phần đáng kể vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Với thế mạnh sẵn có, Thủ tướng mong muốn Ðài THVN trở thành kênh thông tin chính thống, tin cậy của Ðảng, Nhà nước, đi đầu trong việc định hướng dư luận xã hội; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, khắc phục những hạn chế tồn tại để tiếp tục phát triển. Ðài THVN cần quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ... sánh vai với các đài lớn không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới.

6. Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng và Nhà nước ta viếng đồng chí Nu-hắc Phum-xa-vẳn

Sáng 12-9-2008, Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng và Nhà nước ta do các vị Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã đến Ðại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Hà Nội viếng đồng chí Nu-hắc Phum-xa-vẳn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Nhân dân cách mạng Lào vừa từ trần. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã gửi vòng hoa đến viếng đồng chí Nu-hắc Phum-xa-vẳn. Cùng ngày, Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng và Nhà nước ta do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Ðảng dẫn đầu đã lên đường sang Thủ đô Viêng Chăn dự lễ tang đồng chí Nu-hắc Phum-xa-vẳn. Đồng chí Nu-hắc Phum-xa-vẳn là một trong những nhà sáng lập Ðảng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người con ưu tú của nhân dân các bộ tộc Lào, người chiến sĩ cách mạng kiên cường suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc và phồn vinh của đất nước, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân các bộ tộc Lào. Ðồng chí là người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

7. Kỷ niệm 35 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Ngày 12-9-2008, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2008). Trong lịch sử 400 năm bang giao giữa hai dân tộc Việt - Nhật, 35 năm qua là một chặng đường rất ngắn ngủi nhưng lại là giai đoạn phát triển mạnh mẽ và nhiều ý nghĩa nhất của quan hệ hai nước. Trong chặng đường 35 năm qua, quan hệ Việt - Nhật không ngừng phát triển và đã có bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế-thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa. Ðặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, hai nước đã xây dựng được mối quan hệ quan trọng trong thương mại, đầu tư và ODA. Kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tàu Hòa Bình chở 750 khách du lịch, xuất phát từ Nhật Bản cập cảng Ðà Nẵng. Ðây là lần thứ 29 tàu Hòa Bình cập cảng Việt Nam. Ðặc biệt, lần này trên tàu có 102 du khách là những người sống sót sau trận bom nguyên tử ở Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki.

8. Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Hữu nghị Nga-Việt

Ngày 13-09-2008, tại Mát-xcơ-va tổ chức Lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm thành lập Hội Hữu nghị Nga - Việt (1958-2008). Tới dự, có Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt V.Bui-a-nốp, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga Ðào Trọng Thi, Ðại sứ Việt Nam tại LB Nga Bùi Ðình Dĩnh cùng hàng trăm hội viên cốt cán của Hội, những người có mối quan hệ gắn bó với Việt Nam. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Nga V.Pu-tin; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm; Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga X.Mi-rô-nốp; Chủ tịch Đu-ma quốc gia Nga Grư-zlôp đã gửi thư chúc mừng. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Hội Hữu nghị Nga - Việt. Hội hiện có hàng nghìn hội viên với 20 chi hội ở các thành phố và địa phương của Nga. Ðoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Nga và Ban chấp hành Hội Hữu nghị Nga - Việt đã đến đặt vòng hoa tại Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh.

9. Bế mạc Hội thi sơ khảo toàn quốc "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" khu vực I

Ngày 13-9-2008, tại thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên), Hội thi sơ khảo toàn quốc "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" khu vực I do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức kết thúc thành công tốt đẹp. Hội thi đã kết thúc thành công tốt đẹp, chất lượng các câu chuyện kể và thể hiện của thí sinh rất tốt, truyền cảm, xúc động. Công tác chuẩn bị của địa phương đăng cai khá tốt; Ban giám khảo làm việc nghiêm túc, chính xác, công bằng. Hội thi là đợt tuyên truyền sâu rộng trong Ðảng và toàn xã hội về tư tưởng, đạo đức cách mạng, trở thành một hoạt động chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Qua kết quả Hội thi, Ban Tuyên giáo đề nghị các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và chuyển mạnh từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Sớm xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp điều kiện của từng ngành, địa phương; phát huy vai trò của các thí sinh tham gia Hội thi trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đảng bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với phong trào thi đua yêu nước.

10. Tết Trung Thu 2008

Tối ngày 14-9-2008, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành đoàn Hà Nội phối hợp tổ chức đêm liên hoan vui Tết Trung thu cho trẻ em Hà Nội, với chủ đề "Kết nối tình yêu thương", tặng quà 600 em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn đến từ 16 trung tâm, đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố. Tới dự, có Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đại diện nhiều ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội. Tối 11-9, tại Khu di tích thành cổ Sơn Tây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến dự và tặng quà các em thiếu nhi trong chương trình "Giờ trông trăng - Giờ vì trẻ em". Tại nhiều địa phương trong cả nước, diễn ra Ðêm hội Trung thu từ thiện vì trẻ em, nhằm chia sẻ khó khăn và động viên những em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt, chăm ngoan./.