Những sự kiện trong nước đáng chú ý (từ 02-06 đến 08-06-2008)
1. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc
Chiều 02-06-2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Hà Nội, kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ 30-5 đến 2-6. Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nêu rõ, hai bên đã đạt được nhận thức chung rộng rãi về quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Đồng thời, bày tỏ sự hài lòng trước những thành quả to lớn đã đạt được trong quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước trong những năm qua; khẳng định tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung là tài sản quý báu cần được hết sức gìn giữ và không ngừng phát huy mạnh mẽ. Hai bên nhất trí phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt"; luôn luôn nắm vững phương hướng phát triển đúng đắn trong quan hệ giữa hai nước. Cũng trong Tuyên bố chung, hai bên nhấn mạnh con đường phát triển xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc điểm của mỗi nước là sự lựa chọn đúng đắn, đáp ứng lợi ích căn bản của nhân dân hai nước. Trung Quốc đánh giá cao những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam giành được trong sự nghiệp đổi mới. Việt Nam khẳng định thực hiện nhất quán chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức.
2. Bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII
Sau 24 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, ngày 03-06-2008, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII, đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự, theo đúng yêu cầu về nội dung và tiến độ. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số vấn đề kinh tế - xã hội năm 2008 trong tình hình mới, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 xuống còn 7%. Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, xem xét và thông qua 11 dự án luật cũng như thông qua nghị quyết về Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí và Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam. Việc ban hành các đạo luật này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại. Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 7 dự án luật khác để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
3. Tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp nhằm tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát
Chiều 02-06-2008, sau khi Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 05-2008, tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2008: sản xuất công nghiệp trong 5 tháng qua vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định mặc dù có nhiều khó khăn về thiên tai và dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới 5 tháng đạt hơn 15 tỉ 300 triệu USD, tăng 134% so với cùng kỳ, thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt gần 149.000 tỉ đồng, bằng 46% dự toán năm. Bên cạnh đó, trong 5 tháng qua, kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, giá cả tiếp tục tăng ở mức cao, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 3,91%; giá vật tư nhập khẩu và giá đầu vào tăng cao, nhập siêu của 5 tháng ở mức 14,4 tỉ USD, cao hơn mức nhập siêu của cả năm 2007 và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ, ban hành thay đổi cơ chế điều hành lãi suất, tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu. Đến cuối tháng 5, cả nước có 995 công trình, dự án đình hoãn, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ thực hiện.
4. Kỷ niệm ngày môi trường thế giới 5-6-2008
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới được công bố năm 2007, Việt Nam là nước đứng thứ hai trong 5 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Nhận thức rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Ky-ô-tô. Nhiều bộ, ngành và địa phương, trong đó có Hà Nội, đã triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu tình hình diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, sự phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất và bước đầu thực hiện các giải pháp ứng phó. Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5-6 năm nay với thông điệp “Hãy thay đổi thói quen: hướng đến một nền kinh tế ít các bon”, nhiều hoạt động đã được tổ chức như "Đi bộ vì Môi trường", trồng cây xanh, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, triển khai các chương trình nhằm cải thiện môi trường khu vực nông thôn như thu gom, đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương; triển khai giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề... Những hành động thiết thực trên sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí các-bon và những tác động có hại do biến đổi khí hậu.
5. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm tỉnh Ninh Bình
Từ ngày từ 06-06 đến 08-06-2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã về thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Bình để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân tại địa phương. Đánh giá cao những thành tựu mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, đồng thời, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn chưa thật vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn... Vì thế, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương tới địa phương, của cả hệ thống chính trị và toàn dân là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thúc đẩy sản xuất, tích cực thực hành tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, chống lãng phí, đồng thời, cần thực hiện tốt các chính sách, biện pháp an sinh xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm tới đời sống của các bộ phận dân cư có thu nhập thấp. Tổng Bí thư đề nghị các ngành, các địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo từ cơ sở, có những giải pháp phù hợp để góp phần tích cực vào duy trì đà phát triển chung của cả nước, tuyệt đối không để xảy ra biến động lớn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
6. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm các nước Áo, Na-uy và Hy Lạp
Ngày 02-06 đến 10-06-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tại các nước Áo, Na Uy và Hy Lạp. Đây là chuyến thăm thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới Na-uy và Hy Lạp. Tại Áo, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Hen-xơ Phi-sơ. Hai bên thảo luận về các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, trao đổi các biện pháp đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, kinh nghiệm hoạt động tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 4.000 người Việt đang làm ăn, sinh sống tại Áo. Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Áo. Tại Na Uy, trong cuộc Hội đàm với Thủ tướng Na Uy Giên Xtôn-ten-béc (Jens Stoltenberg), Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai bên. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước còn nhiều tiềm năng, cần được thúc đẩy hơn nữa. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh việc Chính phủ Na Uy vừa thông qua "Chiến lược Việt Nam", coi đó là cơ sở pháp lý quan trọng xác định các lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ hợp tác hai nước thời gian tới. Trong chuyến thăm Hy Lạp bắt đầu từ ngày 07-06, Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống Các-lốt Pa-pu-li-at (Karolos Papoulias), hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Đơ-mi-tơ-ri Xi-âu-phát (Dimitris Sioufas), Thủ tướng Cô-ta-xơ Ca-ra-man-lit (Kostas Karamanlis). Hai bên sẽ ký kết một số văn kiện quan trọng.Với mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư, thương mại, khai thác những thế mạnh về vận tải đường biển, du lịch của Hy Lạp, diễn đàn doanh nghiệp hai nước được tổ chức tại Thủ đô A-ten trong dịp này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tăng cường hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại song phương.
7. Các hoạt động hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2008) và phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2008-2010. Nhiều hội thảo, tọa đàm, ôn lại truyền thống thi đua yêu nước và biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức. Cũng nhân dịp này, tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã giới thiệu cuốn sách “Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước”. Cuốn sách được chia thành 3 phần, gồm 97 bài nói, bài viết, bức thư, lời kêu gọi chọn lọc của Người về cơ sở, mục đích, nội dung, phương pháp, lãnh đạo, tổ chức… thi đua yêu nước; về phong trào thi đua yêu nước và một số văn kiện của Đảng về thi đua yêu nước (bao gồm các chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ năm 1948 đến nay. Đây được xem là cuốn sách quý giúp cho toàn Đảng, toàn dân ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tư tưởng của Người về thi đua yêu nước.
8. Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 18 kết thúc tốt đẹp tại Hà Hội
Ngày 07-06-2008, tại Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu lần thứ 18 với chủ đề "Phụ nữ và châu Á - động lực của nền kinh tế toàn cầu" với sự tham gia của hơn 900 nữ doanh nhân, giáo sư, các nhà lãnh đạo Chính phủ từ hơn 60 quốc gia trên thế giới, đã kết thúc tốt đẹp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên các Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa cùng đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành trung ương của Việt Nam đã tới dự Hội nghị. Hội nghị lần này đánh dấu bước tiến mới của tiến trình Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, đại diện các nhà lãnh đạo nữ của nhiều quốc gia đã phát biểu ý kiến chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế mang tính bền vững, công bằng xã hội, tạo điều kiện hơn nữa cho phụ nữ tiếp cận với giáo dục, chính trị v,v. Các phiên thảo luận tập trung các chủ đề gồm các cơ hội và thách thức trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phân tích các tấm gương phụ nữ thành công trong kinh doanh với vai trò người tiêu dùng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những thành công trong việc hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ.
9. Festival Huế năm 2008
Festival Huế 2008 với chủ đề "Di sản văn hóa hội nhập và phát triển" diễn ra từ ngày 03-06 đến ngày 11-06-2008. Đây là Festival đầu tiên sau quyết định 143 của Chính phủ xây dựng Huế thành “Thành phố Festival của Việt Nam”. Năm 2008 cũng là năm Huế kỷ niệm 15 năm quần thể di tích cố đô được công nhận là di sản văn hóa thế giới (11-12-1993), 5 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (07-11-2003). Với hơn 30 chương trình nghệ thuật của 19 quốc gia có mặt tại Festival Huế 2008 yêu cầu các đoàn nghệ thuật trong nước sẽ phải chuẩn bị tốt để không bị “thua” ngay trên sân nhà. Bên cạnh những hoạt động được dàn dựng chuyên nghiệp, nhiều lễ hội cộng đồng cũng diễn ra ở các huyện và vùng ven thành phố như Hương xưa Làng cổ, Chợ quê Ngày hội, Thuận An biển gọi, Lăng Cô huyền thoại v.v.. góp phần làm cho Thành phố Festival của Việt Nam thêm sống động. Cũng trong thời gian này, Lễ phát hành bộ tem bưu chính mới "Nhã nhạc cung đình Huế" đã được tổ chức, giới thiệu về Nhã nhạc cung đình Huế bằng việc phác họa những đạo cụ, y phục, môi trường diễn xướng của thể loại âm nhạc được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Cùng thời gian này, hơn 400 gian hàng của hàng trăm doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đã tham gia tại Hội chợ triển lãm quốc tế tại Festival Huế 2008.
10. Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ cho Việt Nam tại Sa-pa
Bản chất thi đua yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay  (10/06/2008)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Tổng thống Hy Lạp  (09/06/2008)
Bản chất thi đua yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay  (09/06/2008)
10 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần qua (từ 02-06 đến 08-06-2008)  (09/06/2008)
Đoàn Toà thánh Vatican bắt đầu thăm Việt Nam  (09/06/2008)
Đảng Nước Nga thống nhất: Quá trình phát triển và những thành công  (09/06/2008)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên