Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
phát biểu tại buổi lễ

Sáng 11-7-2008, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7. Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu; Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và lãnh đạo các bộ, ban ngành và các cơ quan thông tấn báo chí đã tới tham dự.

Ngày Dân số thế giới năm nay có chủ đề là "Kế hoạch hóa gia đình". Tổ chức Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) một lần nữa nhấn mạnh vai trò của gia đình trong sự nghiệp dân số. Thực hiện Kế hoạch hóa gia đình là sự cần thiết cho mỗi cá nhân, cho gia đình và cho cả dân tộc, góp phần nâng cao sức khỏe phụ nữ. Kế hoạch hóa gia đình là một biện pháp hiệu quả trong cuộc chiến chống đói nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, hiện nây dân số thế giới đã vượt ngưỡng 6 tỉ người và đang tiếp tục tăng với tốc độ ngày càng nhanh. Trung bình cứ mỗi giây, trên Trái đất có 4,4 trẻ em ra đời, trung bình mỗi năm, dân số thế giới tăng khoảng 78 triệu người. Và cứ tiếp tục như vậy, dự báo đến năm 2050, dân số thế giới sẽ vượt qua 9 tỉ người. Đến năm 2050, dân số ở 50 quốc gia nghèo nhất sẽ tăng gấp đôi, cá biệt có khoảng gần 10 nước dân số sẽ tăng gấp ba.

Ước tính mỗi năm có 190 triệu phụ nữ mang thai, 1/3 số ca tử vong liên quan đến thai sản. Điều đáng quan tâm là, ở các nước đang phát triển, mỗi phút lại có một phụ nữ bị tử vong do thai sản và 20 người khác phải chịu di chứng. Đây là bất cập lớn của các nước trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Dân số tăng mạnh đi đôi với việc đô thị hóa diễn ra ào ạt, hình thành nhiều đô thị khổng lồ, nơi nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khó giải quyết. Trong vòng 17 năm qua, thế giới đã diễn ra những cuộc di dân khổng lồ từ nông thôn ra thành thị. Theo thống kê năm 1084, toàn thế giới chỉ có 3% dân sống ở đô thị, đến năm 1990 con số này là 13% và đến giữa năm 2007 là 50%. Theo Liên hợp quốc, hiện có 1,3 tỉ người châu Á sống tại các đô thị, những đến năm 2030, con số này sẽ tăng gấp đôi. Đến cuối năm nay, một nửa dân số thế giới sẽ sống ở thành thị.

Ông I-an Ha-uy Trưởng Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày dân số thế giới năm 2008, ông I-an Ha-uy Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao công tác kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam và kêu gọi công tác này phải được xem là một vấn đề mấu chốt trong chiến lược dân số của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần sử dụng nguồn ngân sách trong nước đề bù đắp khoản thiếu hụt 77,3 triệu USD để có thể cung ứng hàng hóa phương tiện tránh thai cho giai đoạn 2008-2015. Bộ Y tế cần vận động để đảm bảo nguồn ngân sách đầy đủ và liên tục cho thông tin và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần tăng cường mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm cả cán bộ y tế thôn bản và cộng tác viên dân số để đảm bảo sự sáp nhập mạng lưới dân số và hệ thống y tế, nâng cao tiếp cận và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Mặt khác, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực của các cơ sở y tế xã và huyện về cấp cứu sản khoa trước, trong và sau khi sinh. Đặc biệt chú ý những địa bàn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống ...Phổ cập tiếp cận dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch và biện pháp tránh thai tới những nhóm dễ bị tổn thương nhất, bao gồm thanh niên, người dân tộc thiểu số và người di cư.

Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cấp ủy đảng, các ban ngành, các đoàn thể và các tổ chức xã hội chủ động xây dựng và triển khai các chương trình hành động thiết thực, cố gắng thực hiện tốt nhất công tác dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ và các bà mẹ.
 
Hiện nay dân số Việt Nam đã đứng hàng thứ 13 trên thế giới. Trong những năm tới, dân số vẫn tiếp tục tăng, trung bình mỗi năm sẽ tăng thêm một triệu người, bằng dân số của một tỉnh trung bình. Mật độ dân số năm 2007 tăng lên tới 254 người/ km2. Việt Nam thuộc nhóm có mật độ dân số cao nhất thế giới, gấp 1,8 lần mật độ dân số Trung Quốc (143 người/km2 ). Diện tích đất canh tác bình quân đầu người ngày càng thu hẹp, hiện nay chỉ còn dưới 0,1 ha/người, chỉ bằng 2/5 mức diện tích canh tác tối thiểu để đảm bảo an ninh lương thực theo tiêu chuẩn của Tổ chức lương thực thế giới.
 
Thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, thời gian qua, ngành Y tế nước ta đã đạt được những kết quả khả quan. Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đạt 2,11 con (tính đến 1-4-2005) và 2,07 con (tính đến 1-4-2007) và đang tiệm cận mức sinh thay thế. Chất lượng dân số về thể lực, trí tuệ và tinh thần từng bước được cải thiện. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,733 điểm (năm 2005) xếp thứ 105/177 nước có số liệu để xếp hạng. Dự kiến chỉ số phát triển con người sẽ đạt được mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam đề ra cho năm 2010 (khoảng 0,700-0,750 điểm).

*** Dân số toàn cầu và những sức ép từ việc gia tăng dân số