Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã tổ chức họp báo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 6 tháng đầu năm 2008. Những thông tin cụ thể, như sau:

Những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, lạm phát cao, thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản biến động phức tạp, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất liên tục tăng đã tác động không nhỏ tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn, việc làm, thu nhập của người lao động và môi trường đầu tư. Trước tình hình đó, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Thủ tướng đã làm việc trực tiếp với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và chỉ thị cụ thể những việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với vai trò là xương sống, trụ cột của nền kinh tế quốc dân cần phải làm trong giai đoạn hiện nay.

Sáu tháng qua, cùng với sự quyết tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao (6,5%); trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp là 3,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng 7%, khu vực dịch vụ 7,6%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 16,5%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 4,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 31,8%, chỉ số lạm phát có xu hướng giảm, chỉ số giá tháng 6 chỉ tăng 2,14% so với tháng 5, là mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Giá cả nhiều mặt hàng đã giảm hoặc tăng chậm lại. Trong kết quả này, có sự đóng góp quan trọng của các DNNN mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các ngành sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn do giá cả nguyên, vật liệu nhập khẩu tăng cao làm tăng chi phí, lãi suất cho vay ngân hàng tăng cao, vốn lưu động cho các doanh nghiệp giảm mạnh so với các năm trước.

Qua quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN, đến nay cả nước còn 1.720 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, gồm: 7 tập đoàn kinh tế, 86 tổng công ty nhà nước và 1.099 công ty nhà nước độc lập. Ngoài ra, có 4 ngân hàng thương mại nhà nước; đã có 6 tổng công ty nhà nước và 1 ngân hàng thương mại nhà nước hoàn thành cổ phần hóa, Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Trong các tập đoàn, tổng công ty, Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ ở 524 doanh nghiệp thành viên; giữ trên 50% vốn điều lệ ở 738 doanh nghiệp thành viên và dưới 50% vốn điều lệ ở 672 doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Các tập đoàn, tổng công ty đang giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế là công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế và các sản phẩm, dịch vụ công ích, quốc phòng, an ninh. Năm 2007, sản lượng giá trị hàng hóa, dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty chiếm tỷ trọng 40% GDP của cả nước và đóng góp 28,8% tổng thu nội địa (không kể dầu thô và thuế xuất nhập khẩu), góp phần ổn định nguồn thu.

Tổng hợp các báo cáo của 7 tập đoàn, 11 tổng công ty 91 và 56 tổng công ty 90 trong 6 tháng đầu năm 2008 (số liệu ước tính) cho thấy:

1. Tổng vốn nhà nước của 7 tập đoàn, 11 tổng công ty 91 và 56 tổng công ty 90 trong 6 tháng đầu năm là 402.815 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tại 18 tập đoàn tổng công ty 91 là 296.600 tỉ đồng.

2. Tổng doanh thu: 510.811 tỉ đồng, đạt 59,3% kế hoạch năm, tăng 50,8% so với cùng kỳ 2007. Trong đó, 18 tập đoàn, tổng công ty 91 đạt 367.667 tỉ đồng, đạt 62% kế hoạch năm, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2007.

Những tập đoàn, tổng công ty nhà nước có mức doanh thu cao là: Tập đoàn Dầu khí đạt 76% kế hoạch năm, tăng 68% so với cùng kỳ 2007; Tổng công ty Lương thực miền Bắc đạt 82,3% kế hoạch năm, tăng 68,8% so với cùng kỳ 2007; Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp đạt 84% kế hoạch năm, tăng 65,8% so với cùng kỳ 2007; Tổng công ty Hóa chất tăng 63% so với cùng kỳ 2007...

Những tập đoàn, tổng công ty nhà nước có mức doanh thu đạt thấp là: Tổng công ty Chè đạt 38,3% kế hoạch năm, Tổng công ty Miền Trung ước đạt 29% kế hoạch năm, Tổng công ty Dược đạt 38,9% kế hoạch năm, Tổng công ty Thủy sản Hạ Long đạt 36,3% kế hoạch năm, Tập đoàn Công nghiệp cao su đạt 31,2% kế hoạch năm...

3. Tổng lợi nhuận trước thuế: 76.329 tỉ đồng, đạt 53,5% kế hoạch, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, 18 tập đoàn, tổng công ty 91 đạt 68.956 tỉ đồng, đạt 54% kế hoạch năm, tăng 73% so với cùng kỳ 2007.

Những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt lợi nhuận trước thuế cao là: Tổng công ty Lương thực miền Bắc đạt 283% kế hoạch năm, tăng 41,5% so cùng kỳ 2007; Tập đoàn Than - Khoáng sản đạt 51% kế hoạch năm, tăng 12,5% so cùng kỳ 2007; Tập đoàn Dầu khí đạt 55,8% so với kế hoạch năm, Tổng công ty Nông nghiệp Sài gòn đạt 62,6% kế hoạch năm, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2007...

Một số tổng công ty lợi nhuận trước thuế đạt được rất thấp: Tổng công ty Thủy sản Hạ Long: 600 triệu đồng, Tổng công ty Thiết bị y tế:700 triệu đồng, Tổng công ty Dâu tằm tơ: 1,5 tỉ đồng, Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4: 2,2 tỉ đồng, Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn: 2,5 tỉ đồng, Tổng công ty Hải sản Biển Đông: 3,1 tỉ đồng...

Những tổng công ty thua lỗ: Tổng công ty Xăng dầu lỗ 900 tỉ đồng, Tổng công ty Xây dựng miền Trung lỗ 88,5 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng không lỗ 83,5 tỉ đồng, Tổng công ty Chè lỗ 4,8 tỉ đồng.

4. Tổng nộp ngân sách: 78.066 tỉ đồng, đạt 68,4% kế hoạch năm, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, 18 tập đoàn, tổng công ty 91 đạt 62.484 tỉ đồng, bằng 70% kế hoạch năm, tăng 62% so với cùng kỳ 2007.

Những tập đoàn, tổng công ty nhà nước có mức nộp ngân sách cao là: Tập đoàn Dầu khí đạt 75% kế hoạch năm, tăng 18% so cùng kỳ 2007; Tổng công ty Lương thực miền Nam đạt 94% kế hoạch năm, tăng 38% so cùng kỳ 2007; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đạt 66% kế hoạch năm, tăng 35% so cùng kỳ 2007,...

Những tổng công ty có mức nộp ngân sách thấp là: Tổng công ty Thiết bị y tế 275 triệu đồng, Tổng công ty Mía đường II đạt 1,5 tỉ đồng, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội 3,4tỉ đồng, Tổng công ty Dâu tằm tơ 3,8 tỉ đồng...

5. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tích cực, chủ động thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững:

a) Rà soát danh mục đầu tư để cắt giảm, đình hoãn trong năm 2008 đối với những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thực sự cần thiết:

Sau khi rà soát lại các dự án đầu tư, trong năm 2008, các tập đoàn, tổng công ty đã cắt giảm, đình hoãn 609 dự án với tổng số vốn 34.190 tỉ đồng; các đơn vị cắt giảm vốn đầu tư nhiều là: Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy 6.500 tỉ đồng (49 dự án), Tổng công ty Hàng hải 6.179 tỉ đồng, Tập đoàn Dầu khí 6.000 tỉ đồng (113 dự án), Tổng công ty Du lịch Sài gòn 2.768 tỉ đồng, Tâp đoàn Bưu chính viễn thông 1.880 tỉ đồng (245 dự án), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Viêt Nam 1.300 tỉ đồng, Tổng công ty Hóa chất 1.136 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực 1.802 tỉ đồng, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội 794 tỉ đồng, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn 674 tỉ đồng.

b) Góp phần bình ổn thị trường:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty sản xuất, kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân trong tháng 6 năm 2008 đã không tăng giá, đồng thời đẩy mạnh sản xuất bảo đảm nguồn hàng. Tuy nhiên, do giá các nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là xăng dầu trên thế giới tăng cao liên tục nên các tập đoàn, tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện quyết định bình ổn giá cả nói trên của Thủ tướng Chính phủ. Song, với vai trò là xương sống, trụ cột của nền kinh tế quốc dân, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã làm khá tốt vai trò của mình. Đó là:

- Tổng công ty Xăng dầu: trong điều kiện giá xăng dầu trên thế giới và khu vực tăng cao, nguồn ngoại tệ cho hoạt động nhấp khẩu từ ngân hàng còn nhiều khó khăn, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Tổng công ty đã bảo đảm không tăng giá xăng dầu, chủ động tìm các biện pháp (quan hệ với nhiều ngân hàng để nâng hạn mức mở L/C, vay/mua ngoại tệ; mở rộng đối tượng ký hợp đồng nhập khẩu, xác định nhu cầu nhập khẩu theo từng quý, 6 tháng kết hợp với bổ sung từng chuyến, ....) để luôn bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, tổ chức tốt công tác điều động xăng dầu từ các kho, cảng đầu mối nhập khẩu về các kho tuyến sau, các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, Tổng công ty đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, tổng đại lý hiện có để không xảy ra việc ngừng bán hàng; đàm phán ký hợp đồng cung ứng trực tiếp tới các hộ tiêu thụ lớn như: điện, than, xi măng,...

- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: chưa điều chỉnh giá bán than cho các doanh nghiệp sản xuất điện, giấy, xi măng, phân bón; đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ than trong nước; bảo đảm xuất khẩu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, tập đoàn sẽ tiếp tục chấn chỉnh lại tổ chức khai thác và xuất khẩu than, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty thành viên trong khai thác và tiêu thụ than để ngăn chặn triệt để tình trạng xuất than lậu. Cân đối nguồn và kế hoạch khai thác để đáp ứng nhu cầu than trong nước nhất là than cho các hộ tiêu thụ lớn, các nhà máy điện chạy than trong tương lai.

- Tập đoàn Điện lực: chưa điều chỉnh tăng giá điện. Để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, quyết liệt giảm tổn thất điện năng, Tập đoàn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tuyên truyền tiết kiệm điện, tăng mạnh lượng điện mua ngoài, trong đó nhiều nguồn có giá thành rất cao khiến tập đoàn phải chịu lỗ không nhỏ (chỉ với 24,11 tỉ KWh mua các nguồn BOT &IPP đã phải bù lỗ hơn 6.100 tỉ đồng).

- Tập đoàn bưu chính viễn thông và Tổng công ty viễn thông quân đội: bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch vụ bưu chính, viễn thông cho nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội; thực hiện nhiều đợt giảm cước ở các dịch vụ viễn thông khác nhau (bình quân từ 13-14%);

- Tập đoàn Dầu khí: về cơ bản đáp ứng được nhu cầu về khí cho thị trường trong nước, trong 6 tháng đầu năm đã chỉ đạo nhập 60 ngàn tấn LPG để góp phần bình ổn giá LPG; chỉ đạo Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí đẩy mạnh sản xuất, đồng thời tổ chức nhập khẩu phân đạm (trong 6 tháng đã nhập trên 153 nghìn tấn), giảm các khâu phân phối trung gian, giảm giá bán phân đạm cho các hộ tiêu thụ trong nước từ 10-15% giá thị trường, góp phần tích cực cho việc bình ổn giá phân đạm; chỉ đạo ổn định sản lượng xăng dầu nhập khẩu (trong 6 tháng đã nhập 1,37 triệu tấn) để góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.

- Tổng công ty Hóa chất: hiện nay giá nguyên liệu nhập ngoại tăng cao, so với cùng thời điểm năm 2007, các loại nguyên liệu tăng từ 2-6 lần nhưng từ tháng 3-2008 đến nay, Tổng công ty và các đơn vị thành viên vẫn duy trì giá bán phân bón ổn định để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Tổng công ty Xi măng: trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6-2008, Tổng công ty đã điều phối nguồn xi măng, clanh-ke (clinker) từ miền Bắc vào miền Nam cho thị trường miền Nam; kết hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để thông tin đúng tình hình thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường để tránh gây tâm lý hoang mang, tranh mua dự trữ tạo cầu ảo gây biến động tiêu cực đến giá; từ tháng 3-2008 đã thực hiện nghiêm túc không tăng giá bán xi măng tại hầu hết các nhà máy thuộc Tổng công ty .

- Các Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam: đã chủ động thu mua đủ lượng gạo để xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng; thường xuyên có lượng gạo dự trữ hàng trăm ngàn tấn; trong thời gian biến động giá do tin đồn thất thiệt về mất cân đối cung - cầu các Tổng công ty đã thực hiện khẩn trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển lương thực giữa các vùng, miền bảo đảm nhu cầu thị trường trong nước. Tuy nhiên, hệ thống kho tàng và phân phối về lương thực còn nhiều bất cập cần phải được tiếp tục củng cố.

- Các Tổng công ty Đường sắt và Hàng không chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không tăng giá vé hành khách, giá cước vận chuyển hàng hóa.

- Tổng công ty Dược đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến hết tháng 6-2008 không tăng giá thuốc để góp phần bình ổn giá thuốc, không để doanh nghiệp thành viên nào lợi dụng các biến động trên thị trường để đầu cơ, nâng giá thuốc.

c) Phấn đấu giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ, chi phí hành chính

Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm giá thành sản phẩm, cắt giảm các chi phí hành chính. Các chi phí được tập trung để tiết kiệm bao gồm: chi phí nguyên vật liệu, dịch vụ mua ngoài, chi phí sửa chữa lớn, chi phí văn phòng phẩm... Những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã xây dựng kế hoạch cụ thể cắt giảm chi phí khá lớn là: Tập đoàn Dầu khí (10%), Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi (10-13%), Tập đoàn Điện lực (5% chi phí dịch vụ, vật liệu mua ngoài, 10% chi phí sửa chữa lớn), Tổng công ty đầu tư và phát triển đô thị và khu công nghiệp (10-15%), Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tổng công ty Thương mại Hà Tĩnh (10%), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (10%), Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (10-15%)... Tổng Công ty Thép, trong 6 tháng đầu năm đã tiết kiệm được khoảng 60 tỉ đồng, phấn đấu cả năm tiết kiệm được 100 tỉ đồng.

6. Về tình hình đầu tư vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

- Việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con là hướng đi đúng trong tiến trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp; từ đó thúc đẩy hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có ngành sản xuất , kinh doanh chính.

- Theo báo cáo, năm 2007 các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các công ty con là trên 57.078 tỉ đồng và các công ty liên kết là trên 34.545 tỉ đồng. Các công ty con, công ty liên kết đảm nhận một phần nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính mà công ty mẹ giao. Việc đầu tư của công ty mẹ vào các công ty con, công ty liên kết nói trên là phù hợp với quy định của pháp luật và mô hình của công ty mẹ - công ty con và tham gia góp vốn thực hiện các dự án đầu tư theo chế độ quy định.

Trong thời gian qua cũng có một số tập đoàn, tổng công ty đầu vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản với số tiền là 7.370 tỉ đồng, cụ thể như sau:

+ Có 13 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các quỹ chứng khoán vầ quỹ đầu tư tài chính với tổng giá trị 1.061 tỉ đồng, bằng 0,31% vốn chủ sở hữu và bằng 0,13% tổng giá trị tài sản;

+ Có 19 tập đoàn, tổng công ty góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần với tổng giá trị đầu tư 4.426 tỉ đồng bằng 1,3% vốn chủ sở hữu và bằng 0,55% tổng giá trị tài sản;

+ Có 13 tập đoàn, tổng công ty góp vốn thành lập 15 công ty chứng khoán với tổng giá trị đầu tư 420 tỉ đồng, bằng 0,12 vốn chủ sở hữu và bằng 0,15 tổng giá trị tài sản;

+ Có 18 tập đoàn, tổng công ty góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với tổng giá trị đầu tư 1.463 tỉ đồng, bằng 0,43% vốn chủ sở hữu và 0,18% tổng giá trị tài sản.

Xét chung, tổng vốn đầu tư vào 3 lĩnh vực trên là con số không nhỏ, nhưng không lớn so với vốn chủ sở hữu và tài sản của doanh nghiệp (so với vốn chủ sở hữu chiếm 2,16%, so với tài sản của doanh nghiệp chiếm 0,92%).

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: các DNNN không được sử dụng vốn đầu tư của chủ sở hữu, quỹ đầu tư phát triển và nguồn vốn xây dựng cơ bản để tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần của các quỹ đầu tư chứng khoán (kể cả các quỹ đầu tư mạo hiểm), công ty đầu tư chứng khoán. Việc sử dụng vốn của DNNN để đầu tư tài chính, đầu tư vào thị trường chứng khoán không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được nhà nước giao; trước khi đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và giao cho Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát hoạt động này.

7. Về hoạt động huy động vốn cho đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

- Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31-12-2007, tổng vốn huy động (bao gồm vốn vay trong nước, vay nước ngoài, vay ngắn hạn, dài hạn và các khoản nợ phải trả khác) của 76 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 514.465 tỉ đồng, gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu. Trong điều kiện Nhà nước không cấp thêm vốn điều lệ cho các tập đoàn, tổng công ty thì việc các tập đoàn, tổng công ty vay vốn để kinh doanh là phù hợp.

- Xét về tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nói trên là không cao, vẫn đảm bảo an toàn về tài chính của doanh nghiệp.

- Cá biệt có một số doanh nghiệp có tỷ lệ cao hơn mức này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp thích hợp với từng trường hợp cụ thể.

8. Về công tác, sắp xếp, đổi mới DNNN

Sáu tháng đầu năm 2008, cả nước đã sắp xếp lại 62 doanh nghiệp, theo các hình thức: chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: 17, thành lật mới: 1, cổ phần hoá: 30, giao: 3, bán: 3, thuê, khoán: 1, giải thể: 1, chuyển cơ quan quản lý: 1 ... Như vậy, tổng số DNNN cổ phần hoá tính đến nay là 3.786 doanh nghiệp. Do tình hình thị trường chứng khoán từ cuối năm 2007 đến nay suy giảm nên việc thực hiện bán cổ phần lần đầu của nhiều DNNN gặp khó khăn, một số doanh nghiệp quy mô lớn cũng không đạt được như phương án đề ra. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các DNNN nằm trong diện thực hiện cổ phần hoá vào năm 2008 đang xúc tiến các bước để chuẩn bị cổ phần hoá như thành lập Ban Chỉ đạo, tiến hành kiểm kê, phân loại lao động, tài sản, vật tư tiền vốn và công nợ để đẩy nhanh hơn trong 6 tháng cuối năm và các năm 2009 – 2010.

9. Những khó khăn đối với DNNN trong hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2008

Trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, chịu tác động không nhỏ của những tác động tiêu cực của biến động kinh tế thế giới, trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, DNNN nói riêng phải đối mặt với những khó khăn thách thức sau đây:

- Lạm phát, lãi suất, tỷ giá, giá các nguyên liệu đầu vào tăng sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Tình trạng không ổn định của thị trường tiền tệ, lãi suất vay của các ngân hàng tăng cao, thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu phục hồi chắc chắn dẫn đến việc vay vốn, phát hành trái phiếu huy động vốn, cổ phần hoá của các doanh nghiệp nhằm huy động vốn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến các doanh nghiệp thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Thị trường bất động sản trầm lắng, số lượng và giá cả giao dịch giảm mạnh, bên cạnh đó lãi vay ngân hàng, giá vật liệu xây dựng tăng cao làm cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản bị lỗ lớn kể cả tiếp tục đầu tư lẫn dừng đầu tư.

- Các DNNN sản xuất, kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ không tăng giá, góp phần bình ổn giá cả đến hết năm 2008 trong bối cảnh giá các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ bị giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh khá lớn, thậm chí có những khoản lỗ không nhỏ. Nếu cho phép các DNNN này điều chỉnh tăng giá thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và chi phí đầu vào của cả nền kinh tế quốc dân.

- Đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng, hiệu quả kinh doanh của hoạt động tín dụng giảm thấp vì sự biến đổi nhanh của lãi suất huy động trong thời gian ngắn; việc thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng đang làm tăng chi phí vốn vào ngân hàng, bên cạnh đó mặt bằng lãi suất liên tục tăng làm cho các khoản tiền gửi ngày càng rút ngắn về kỳ hạn gây nhiều rủi ro về chi phí và quản lý tính thanh khoản của ngân hàng.

10. Những nhiệm vụ DNNN cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2008

Để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2008 và góp phần chủ lực trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong 6 tháng cuối năm 2008, DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ tập trung vào các giải pháp sau:

a) Nhận thức sâu sắc vai trò của mình trong nền kinh tế quốc dân, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tạo thêm nguồn hàng cung cấp cho tiêu dùng trong nước, đặc biệt là bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và sản xuất, xuất khẩu. Tích cực tham gia vào việc bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thực hiện bằng được kế hoạch đã đề ra cho 6 tháng cuối năm 2008.

b) Trong điều kiện việc huy động vốn, đặc biệt là vốn vay cho phát triển sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí vốn tăng cao, các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục rà soát và thực hiện nghiêm tục việc cắt giảm, đình hoãn các dự án, công trình, dự án đầu tư kém hiệu quả hoặc chưa thật cần thiết; kiên quyết cắt giảm hoặc dừng việc mua, xây dựng trụ sở mới, đất đai, bất động sản, phương tiện, thiết bị phục vụ gián tiếp cho hạot động kinh doanh để tập trung nguồn lực vào các dự án có hiệu quả, sớm đưa vào khai thác, sử dụng.

c) Tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trọng tâm là chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần với mục tiêu quan trọng nhằm đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp mà không chỉ lệ thuộc vào việc bán được cổ phần của doanh nghiệp với giá cao trong điều kiện thị trường chứng khoán đang suy giảm hiện nay; kiên quyết thực hiện giải thể, phá sản các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất hết vốn nhà nước. Sơ kết, đánh giá về mô hình tập đoàn kinh tế và sớm ban hành nghị định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của tập đoàn kinh tế (dự kiến trong quý IV năm 2008).

d) Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, xác định các điều kiện bảo đảm vay và sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh đối với những trường hợp không hiệu quả hoặc có vi phạm.

đ) Đánh giá lại hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản; kiên quyết sắp xếp lại để tập trung vào ngành sản xuất, kinh doanh chính và phụ trợ, tránh trùng lặp về ngành, nghề trong các thành viên của một tập đoàn, tổng công ty.

e) Thực hiện quyết liệt các biện pháp chống buôn bán, vận chuyển khoáng sản, xăng dầu trái phép.

g) Trong điều kiện thắt chặt tín dụng, các ngân hàng cần rà soát lại danh mục các dự án vay vốn đầu tư để tập trung nguồn vốn ưu tiên giải ngân cho các dự án trọng điểm hay cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những hàng hoá bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế như: xăng dầu, điện , than, sắt thép, phân bón, vật liệu xây dựng, xi măng, dầu khí…. Không cho vay đối với những dự án đã nằm trong kế hoạch cắt giảm, đình hoãn. Kiểm soát chặt chẽ cho vay chứng khoán, bất động sản.

h) Gương mẫu tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý giá cả, thị trường, thường xuyên kiểm tra giá bán sản phẩm, dịch vụ của mình tại các mạng lưới bán lẻ và các đại lý bán lẻ của mình; không lạm dụng các biến động trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng như xăng dầu, điện, than, sắt thép, phân bón, vật liệu xây dựng, xi măng, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm…; góp phần với các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu, khoáng sản.

i) Cải tiến cơ chế giám sát hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó giám sát về tài chính là quan trọng, thiết lập hệ thống báo cáo các chỉ tiêu tài chính để cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và có chỉ đạo cần thiết; mặt khác, giúp cho các doanh nghiệp có cơ sở để tự đánh giá và quản trị doanh nghiệp có hiệu quả hơn.

k) Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 199/2004/NĐ-CP về quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, theo đó đưa ra các quy định, điều kiện, tiêu chí về huy động vốn, về đầu tư và thẩm quyền quyết định cho phù hợp, vừa nhằm phát huy tính tự chủ của doanh nghiệp, vừa nhằm bảo đảm sự quản lý của nhà nước và giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Dự kiến trong năm 2010, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh./.