Chiều sâu của triển vọng hợp tác tốt đẹp
Kết thúc chuyến thăm thành công ba nước châu Âu từ ngày 3 đến 10-3-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành cho đoàn phóng viên báo chí tháp tùng cuộc trả lời phỏng vấn.
- Xin Thủ tướng đánh giá những kết quả chính chuyến thăm chính thức của Ðoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tới ba nước Anh, CHLB Đức và Ireland?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Gordon Brown, Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ireland Bertie Ahern, tôi cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tiến hành chuyến thăm chính thức ba nước trên từ ngày 3 đến ngày 10-3-2008. Tôi và Đoàn cấp cao Chính phủ đã nhận được sự đón tiếp trọng thị, nồng nhiệt. Chuyến thăm đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng rất tốt đẹp về đất nước và con người châu Âu, cũng như triển vọng hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và 3 nước tôi đến thăm.
Có thể nói, chuyến thăm đã thành công rất tốt đẹp. Trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc và thảo luận cởi mở, chân thành, tôi và các nhà lãnh đạo ba nước đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với từng nước trên nhiều lĩnh vực, cũng như tăng cường phối hợp trên các vấn đề quốc tế và khu vực. Kết quả của chuyến thăm thể hiện trên các mặt sau:
Một là, chuyến thăm đã góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với Anh, Đức và Ireland, đưa các mối quan hệ này lên một tầm cao mới vì lợi ích chung. Việt Nam và ba nước trên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn lãnh đạo cấp cao. Thủ tướng các nước đều bày tỏ mong muốn sang thăm Việt Nam trong thời gian tới. Tại Anh, hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên bước phát triển mới, sâu rộng hơn trong những năm tới theo hướng “Quan hệ đối tác vì sự phát triển”. Tại Đức, hai bên nhất trí xây dựng quan hệ hai nước trở thành ”Đối tác vì sự phát triển bền vững”. Tại Ireland, hai Thủ tướng thỏa thuận sẽ phát triển sâu rộng hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Trong chuyến thăm, các nhà lãnh đạo Anh, Đức và Ireland đều bày tỏ sự khâm phục và đánh giá cao thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới trong hơn 20 năm qua với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao 7 đến 8% liên tục trong nhiều năm, và đặc biệt là những thành tích nổi bật của Việt Nam về thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là về xoá đói giảm nghèo. Các vị lãnh đạo cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, vị thế và vai trò và uy tín ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là những đóng góp tích cực và trách nhiệm của Việt Nam vào hoà bình, an ninh quốc tế khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hai là, chuyến thăm đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước Anh, Đức và Ireland, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định lâu dài. Đây cũng là một trong những mục đích chính của chuyến thăm. Lãnh đạo các nước khẳng định sẽ khuyến khích và hỗ trợ tích cực giới doanh nghiệp các nước bạn tăng cường đầu tư và làm ăn kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng Anh Gordon Brown khẳng định Việt Nam là một trong 17 đối tác ưu tiên thương mại của Anh; nhấn mạnh sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Anh sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Đức vào đầu tư kinh doanh và trở thành đối tác làm ăn lâu dài với Việt Nam. Thủ tướng Ireland Bertie Ahern đều bày tỏ nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư với Việt Nam, phù hợp với tiềm năng và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Cũng trong thời gian chuyến thăm, tôi và các thành viên của đoàn đã tiếp lãnh đạo nhiều hiệp hội doanh nghiệp và hàng chục công ty lớn tầm cỡ thế giới của Anh, Đức và Ireland. Giới doanh nghiệp tại các nước này đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn của Việt Nam và bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam, coi đây là thị trường đầy tiềm năng và triển vọng nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO và đang thực hiện nghiêm túc các cam kết WTO, mở cửa thị trường, đẩy mạnh cải cách.
Nhân chuyến thăm, các doanh nghiệp Việt Nam cùng với các đối tác của 3 nước đã ký nhiều thoả thuận, hợp đồng kinh tế, bản ghi nhớ về kinh doanh hợp tác quan trọng trị giá trên 10 tỉ đô la.
Ba là, các nhà lãnh đạo Anh, Đức và Ireland đều bày tỏ sự quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác phát triển với Việt Nam, cam kết duy trì viện trợ phát triển ODA hàng trăm triệu USD cho Việt Nam trong những năm tới, và tiếp tục ủng hộ ta trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, công cuộc xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Thủ tướng ba nước đều đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, đưa Việt Nam trở thành nước tiên phong trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Theo đó, Anh đồng ý cấp trực tiếp 100 triệu Bảng viện trợ cho Việt Nam để thực hiện chiến lược xoá đói giảm nghèo đến năm 2011, như một phần trong cam kết viện trợ 250 triệu Bảng giai đoạn 2006-2011. Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm biến năm 2008 thành năm bản lề trong cuộc chiến chống đói nghèo trên phạm vi toàn cầu. Đức sẽ tích cực xem xét duy trì viện trợ phát triển khoảng 100 triệu USD cho kế hoạch hai năm 2008-2009. Ireland đã đưa Việt Nam vào danh sách 9 nước ưu tiên có Chiến lược hỗ trợ quốc gia giai đoạn 2007-2010 với cam kết viện trợ 87,5 triệu Euro.
Bốn là, tôi và các nhà lãnh đạo Anh, Đức và Ireland đã nhất trí tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, tư pháp, giao thông, môi trường, năng lượng, viễn thông....đặc biệt là việc đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các trường học ở Việt Nam với các trường học ở Anh, Đức và Ireland trong thời gian tới.
Việt Nam và Anh đã ký Thoả thuận cấp Chính phủ về hợp tác giáo dục đào tạo, nhất trí dự án hỗ trợ Việt Nam đào tạo và nâng cao trình độ giáo viên tiếng Anh,dự án xây dựng trường đại học Apollo, thiết lập khoảng từ 40 đến 60 liên kết trường học các cấp giữa hai nước. Hệ thống các trường đại học Anh cam kết hỗ trợ đào tạo khoảng 500 tiến sỹ cho Việt Nam. Tại Đức, hai bên đã ký Thoả thuận về việc thành lập Trường Đại học Việt - Đức tại thành phố Hồ Chí Minh. Phía Đức cam kết hỗ trợ đào tạo từ 80 đến 100 tiến sỹ trong các ngành khoa học mũi nhọn. Tại Ireland, lãnh đạo hai bên khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo song phương, liên kết giữa các trường đại học, tăng số học bổng đào tạo đại học và sau đại học của Ireland cho sinh viên Việt Nam, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam đi du học tại Ireland và hợp tác nghiên cứu khoa học.
Năm là, trong chuyến thăm tới ba nước, tôi và các nhà lãnh đạo Anh, CHLB Đức và Ireland đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực. Chúng tôi nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Á-Âu, đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc.Lãnh đạo các nước bày tỏ ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu, ủng hộ để EU sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thúc đẩy quá trình đàm phán ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam – EU.
Riêng tại Anh, lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao đã ký kết Thoả thuận hợp tác nhằm tăng cường hợp tác và đối thoại chính trị trong thời gian tới. Anh ủng hộ và đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao quốc tế về sáng kiến Một Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2008.
Sáu là, Lãnh đạo 3 nước đều bày tỏ thiện cảm, đánh giá cao những đóng góp của kiều bào và khẳng định Chính phủ sở tại sẽ tạo mọi điệu kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam làm ăn, kinh doanh đúng pháp luật, ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của kiều bào ta.
Có thể khẳng định chuyến thăm là một trong những bước quan trọng nữa nhằm triển khai quan hệ đối tác toàn diện giữa ta với EU; tăng cường quan hệ hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước Anh, Đức và Ireland; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác về kinh tế, thương mại - đầu tư, văn hoá, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo…đưa hợp tác giữa Việt Nam và ba nước trên lên một bước mới theo hướng đi vào chiều sâu và hiệu quả vì sự phát triển bền vững.
- Với kết quả tốt đẹp của chuyến thăm như vậy, Thủ tướng nhận định như thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Anh, CHLB Đức và Ireland trong thời gian tới?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực EU nói chung cũng như với Anh, Đức và Ireland nói riêng phát triển rất tốt đẹp. Qua chuyến thăm lần này, với những cam kết và thoả thuận đã đạt được, cùng với nỗ lực tăng cường phát triển quan hệ, tôi tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ giữa Việt Nam và ba nước trên trong thời gian tới sẽ có bước phát triển mới, sâu rộng và hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là quan hệ chính trị, kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, đáp ứng sự mong đợi và lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì phát triển và phồn vinh của mỗi nước, vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Bên cạnh quyết tâm chính trị, các hợp đồng, thoả thuận quan trọng vừa được ký kết trong chuyến thăm sẽ là bước đột phá mới quan trọng cho hợp tác toàn diện nhất là về kinh tế thương mại và đầu tư, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo giữa Việt Nam với Anh, Đức và Ireland trong thời gian tới.
Quan hệ phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland, CHLB Đức và Ireland sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ của ba nước này với châu Á, quan hệ Việt Nam với EU, đồng thời sẽ là cầu nối góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ gắn kết, hữu nghị giữa châu Á và châu Âu. Tôi cho rằng đây sẽ là một trong những đóng góp thiết thực của Việt Nam đối với quan hệ quốc tế, qua đó sẽ giúp nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thống đốc bang Tây Ôxtrâylia Ken Michel  (11/03/2008)
Việt Nam tham gia tổ chức “Những ngày Pháp ngữ 2008” tại Băng-la-đét  (11/03/2008)
Việt Nam-Ailen thúc đẩy hợp tác kinh tế và giáo dục  (11/03/2008)
Việt Nam tham gia tổ chức “Những ngày Pháp ngữ 2008” tại Băng-la Đét  (11/03/2008)
Việt Nam - Ailen thúc đẩy hợp tác kinh tế và giáo dục  (11/03/2008)
Phụ nữ là một nửa thế giới!  (11/03/2008)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên