Hoạt động báo chí, xuất bản và công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản hiện nay
Thời gian qua, hoạt động báo chí, xuất bản đã có những chuyển biến tích cực, tuy mới chỉ là bước đầu nhưng hết sức có ý nghĩa. Điều đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đối với lĩnh vực này là hết sức sâu sát và kịp thời; tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản ngày càng được nâng cao hơn.
Những chuyển biến tích cực
Hiện nay, công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng đang tiếp tục đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động. Những kết quả đạt được đã giúp các cơ quan báo chí, xuất bản và cơ quan quản lý báo chí, xuất bản có cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, thúc đẩy báo chí, xuất bản không ngừng phát triển, xứng đáng là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Đến nay, cả nước ta có 634 cơ quan báo chí in với 813 ấn phẩm, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh, đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất, 1 hãng thông tấn, 10 báo điện tử và hàng nghìn trang tin trên In-tơ-nét. Tổng số nhà báo đã được cấp thẻ nhà báo gần 15.000 người. Toàn quốc có 55 nhà xuất bản, trong số đó, 42 nhà xuất bản thuộc các cơ quan trung ương, 13 nhà xuất bản ở các tỉnh, thành phố.
Thực hiện nguyên tắc: "Báo chí, xuất bản nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật", trong năm qua, báo chí, xuất bản tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong đời sống xã hội. Báo chí thực hiện tốt hơn vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân; tích cực tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trong năm; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy đã đạt được thắng lợi bước đầu rất đáng khích lệ. Báo chí đã tích cực tham gia công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, đặc biệt là trên truyền hình, phát thanh, báo điện tử trên mạng In-tơ-nét đã góp phần quan trọng đưa thông tin Việt Nam ra với bạn bè quốc tế và giúp bạn bè quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn về đất nước, con người và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Báo chí là công cụ tích cực đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội, đấu tranh phê phán các quan điểm, tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ quan điểm, đường lối, cương lĩnh của Đảng.
Thực hiện nguyên tắc: “Báo chí, xuất bản nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật” trong năm qua, báo chí, xuất bản tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong đời sống xã hội.
Lĩnh vực xuất bản có những chuyển biến tích cực và ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ sở vật chất, năng lực xuất bản ngày càng được tăng cường, chất lượng xuất bản phẩm được nâng lên đáp ứng tốt hơn nhu cầu về xuất bản phẩm của xã hội, góp phấn tích cực vào công tác tuyên truyền tư tưởng của Đảng, cung cấp một khối lượng kiến thức, thông tin to lớn về nhiều lĩnh vực cho nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho toàn xã hội.
Khuyết điểm, yếu kém không thể xem thường
Có thể nói rằng, những chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí, xuất bản chỉ mới là bước đầu chưa thật sự vững chắc. Những khuyết điểm, yếu kém trong hoạt động này vẫn là mối quan tâm và cũng là bức xúc của toàn xã hội. Có thể khái quát một số khuyết điểm chính trong hoạt động báo chí, xuất bản như sau:
- Xu hướng giật gân, câu khách, sa vào việc miêu tả các vụ án ly kỳ, rùng rợn, chuyện tình ái thô thiển, dung tục, tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích không những không được khắc phục có hiệu quả mà trên một số mặt cụ thể còn có biểu hiện gia tăng; vẫn còn hiện tượng một số sách, báo chỉ quan tâm việc thỏa mãn thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng nhằm thu lợi nhuận mà không tính tới hậu quả tiêu cực do việc làm đó gây ra. Đối tượng phục vụ của báo chí, xuất bản cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nhiều cơ quan báo chí chỉ coi trọng địa bàn thành phố, thị xã vì ở đó có thể phát hành được nhiều, còn các địa bàn khác không quan tâm đúng mức. Tình trạng đó dẫn đến mức hưởng thụ sách báo quá chênh lệch giữa thành phố, thị xã và vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, 75% báo chí chủ yếu phát hành ở thành phố, thị xã, vùng trung tâm, còn 25% báo chí phát hành ở vùng nông thôn. Lĩnh vực xuất bản cũng trong tình hình tương tự như báo chí.
- Tình trạng phản ánh thông tin thiếu chính xác, sai sự thật, suy diễn, quy chụp một cách tùy tiện, thiếu căn cứ trên một số báo chí đang ngày càng gây nên những bức xúc cho nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị và trong xã hội. Điều này thể hiện trách nhiệm của người làm báo chưa cao, quy trình làm báo không bảo đảm, có tư tưởng tự cho mình quyền phán quyết mà thiếu tôn trọng tính khách quan nên thường dẫn đến những sai phạm nói trên.
- Trong xuất bản có biểu hiện của xu hướng muốn phán xét những vấn đề phức tạp có ý kiến khác nhau trong lịch sử, lấy cách nhìn, quan điểm hiện tại để phủ nhận, phê phán những sự việc trong quá khứ; có sự biến tướng những vấn đề tâm linh, gây sự phức tạp trong nhận thức, tư tưởng của mọi người. Một số quan niệm của phương Tây về cấu trúc nhà nước, tự do cá nhân, về tính dục, bản năng được đề cao...
- Vẫn còn nhiều vụ việc vi phạm các quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Trong năm qua, vẫn còn một số trường hợp như xuất bản những cuốn sách có nội dung xấu, sai phạm về chính trị, mê tín dị đoan; tình trạng xâm hại quyền tác giả, sách lậu vẫn còn hết sức bức xúc. Trong liên kết xuất bản, một số nhà xuất bản còn thiếu chặt chẽ, không quản lý tốt nội dung sách liên kết. Thông tin trên báo chí vi phạm các quy định của Luật Báo chí vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả, một số thông tin gây hậu quả nghiêm trọng, như thông tin ăn bưởi gây ung thư; rau, quả bị phun hóa chất... đã tạo ra tâm trạng bất ổn trong nhân dân, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiêu dùng. Việc thông tin thiếu chính xác, sai sự thật nhưng không cải chính hoặc cải chính không thỏa đáng vẫn là điều gây phản ứng lớn trong xã hội, biểu hiện của tư tưởng cửa quyền trong thông tin báo chí.
- Hoạt động của nhà báo và thực hiện đạo đức nghề nghiệp báo chí có những vi phạm. Một số nhà báo, cộng tác viên, nhất là ở các văn phòng đại diện thường trú chưa được tòa soạn quan tâm đúng mức, quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu chọn lọc trong tuyển dụng, thông tin thiếu khách quan, gây khó khăn cho các địa phương nơi thường trú.
Những chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí, xuất bản chỉ mới là bước đầu chưa thật sự vững chắc. Những khuyết điểm, yếu kém trong hoạt động này vẫn là mối quan tâm và cũng là bức xúc của toàn xã hội.
- Hoạt động báo chí, xuất bản trong thời gian qua có mối quan hệ chặt chẽ với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Trong năm 2007, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản có sự biến động to lớn do sự sắp xếp lại các bộ theo Nghị quyết của Quốc hội. Chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản được chuyển đổi từ Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây sang Bộ Thông tin và Truyền thông. Mặc dù đến tháng 12-2007 mới có Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng các công việc quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản được triển khai thực hiện ngay từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết.
- Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai kế hoạch hành động của Chính phủ, thực hiện Thông báo số 41, Thông báo số 68 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03 của Ban Bí thư về công tác báo chí, Thông báo số 122 của Ban Bí thư về công tác xuất bản. Tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Bộ cũng đã hoàn chỉnh và trình Chính phủ Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động phát thanh, truyền hình địa phương, Nghị định quản lý In-tơ-nét, Nghị định về thư rác để kịp ban hành trong thời gian sớm nhất. Bộ cũng đã xây dựng và ban hành Quy chế cải chính trên báo chí; Thông tư về cấp, đổi, thu hồi thẻ nhà báo. Ngoài ra, Bộ đã xây dựng, ban hành các quy chế về xác định nguồn tin trên báo chí; về cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước; về trách nhiệm về người đứng đầu cơ quan báo chí; Thông tư về chống in lậu, Quy chế về liên kết xuất bản... Bộ đã tích cực triển khai sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp đầu năm 2008, xây dựng Luật Báo chí sửa đổi để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm 2008 và thông qua đầu năm 2009.
- Bộ Thông tin và Truyền thông ngày càng chủ động, kịp thời hơn trong việc quản lý thông tin và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện để báo chí thông tin kịp thời, chính xác, đúng pháp luật, đúng định hướng. Tăng cường công tác kiểm tra lưu chiểu báo chí, xuất bản, xử lý nghiêm minh, kịp thời hơn các vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Các cơ quan chủ quản báo chí phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chọn trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí, xuất bản thuộc quyền theo đúng các chủ trương, nguyên tắc của Đảng và các quy định của pháp luật
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, đó là qua công tác kiểm tra lưu chiểu, tăng cường công tác hậu kiểm theo quy định của luật để phát hiện xử lý kịp thời các vi phạm. Trong năm 2007, Bộ đã nhắc nhở phê bình 210 trường hợp cơ quan báo chí có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý. Xử phạt vi phạm hành chính 35 trường hợp cơ quan báo chí vi phạm về nội dung thông tin, 22 trường hợp thiết lập trang điện tử trên mạng In-tơ-nét khi chưa được phép với số tiền 230 triệu đồng. Xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo 3 trường hợp, đình bản tạm thời 2 trang điện tử của 2 cơ quan báo chí, xử lý 200 đơn thư các loại liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí.
Trong lĩnh vực xuất bản, Bộ cũng đã xử lý 43 xuất bản phẩm của 19 nhà xuất bản với các hình thức: tạm ngừng phát hành để sửa chữa, yêu cầu các nhà xuất bản tự thu hồi, phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm; tiến hành một số cuộc kiểm tra thị trường xuất bản phẩm, kịp thời phát hiện và xử lý một số vụ in lậu sách.
Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản nhìn chung vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém. Tính hiệu lực, hiệu quả, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản trước tình hình, nhiệm vụ mới; thiếu chủ động trong định hướng chiến lược; chạy theo vụ việc, lúng túng trong quy hoạch, sắp xếp; một số nhà xuất bản, cơ quan báo chí, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo; một số cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn cuộc sống. Tình trạng sách lậu, vi phạm bản quyền chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh, dẫn đến nhiều khuyết điểm, yếu kém còn kéo dài, chậm được khắc phục.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho hoạt động báo chí, xuất bản và công tác quản lý báo chí, xuất bản hết sức nặng nề. Để hoàn thành tốt vai trò, vị trí của mình, hoạt động báo chí, xuất bản và công tác quản lý báo chí, xuất bản cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới. Cụ thể, phải hoàn thành các công việc đã được đề ra trong Kế hoạch số 03 của Ban Bí thư và thực hiện Thông báo số 162, Thông báo số 41, Thông báo số 68 của Bộ Chính trị, Quyết định 388 và Chỉ thị 37 của Thủ tướng Chính phủ. Tiến hành sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí; rà soát, chấn chỉnh tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích và không chấp hành nghiêm luật pháp, nhất là Luật Báo chí; thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí theo đúng quy định hiện hành.
Hai là, để tăng cường vai trò quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Báo chí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản; xây dựng các quy chế để hỗ trợ cho công tác quản lý. Cần sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới báo chí, xuất bản được quy định trong Nghị định số 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin, theo đó cần có chế tài xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền ở mức cao hơn.
Ba là, thực hiện nghiêm túc quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; rà soát, kiện toàn, bố trí đúng cán bộ lãnh đạo và đội ngũ phóng viên báo chí, biên tập viên xuất bản; bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, nghề nghiệp; kiên quyết thay thế những cán bộ, phóng viên, biên tập viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, có quan điểm sai trái và khuyết điểm kéo dài. Chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm, chỉ đạo quản lý tốt kinh tế báo chí, xuất bản, các hoạt động trong kinh doanh dịch vụ, theo đúng các quy định của pháp luật. Kiến nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của các cơ quan báo chí.
Bốn là, các cơ quan chủ quản báo chí phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí, xuất bản thuộc quyền theo đúng các chủ trương, nguyên tắc của Đảng và các quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm đối với việc chỉ đạo, quản lý đối với các cơ quan báo chí, xuất bản thuộc phạm vi phụ trách của mình. Thi hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản. Tăng cường lãnh đạo công tác cán bộ, nhất là chỉ đạo, quản lý nội dung, định hướng chính trị, kinh tế, thu chi của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản.
Năm là, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và làm tốt công tác khen thưởng, qua đó động viên, khuyến khích báo chí, xuất bản làm tốt vai trò, trách nhiệm; chỉ đạo, uốn nắn kịp thời và xử lý đúng pháp luật các sai phạm của báo chí, xuất bản, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức, không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí nhằm phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại đến lợi ích của đất nước và nhân dân; quản lý chặt chẽ việc liên kết trong hoạt động xuất bản.
Lập quỹ để... làm "chân" cho dự án  (20/06/2008)
Nông nghiệp có thể làm gì để góp phần phát triển  (20/06/2008)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam  (20/06/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên