TCCS ĐT - Ngày 8-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra cuộc tọa đàm, đối thoại của Bộ Công Thương với đại diện của gần 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động tại khu vực phía Nam về các biện pháp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Cải tiến một số thủ tục hành chính, hải quan

Trong năm 2008, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 24,2 tỉ USD, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu tính cả dầu thô thì đạt 34,5 tỉ USD và chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ tăng 2,4%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, trong đó, các doanh nghiệp FDI có mức giảm mạnh nhất.

Đa số đại diện các doanh nghiệp FDI có mặt tại cuộc tọa đàm đều thừa nhận, việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu là điều không thể tránh khỏi, do thị trường ngày càng thu hẹp. Sản phẩm của các doanh nghiệp làm ra đang phải đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội về giá, chất lượng và mẫu mã.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ngoài những nguyên nhân khách quan, họ rất cần một cơ chế mới “dễ thở” hơn để yên tâm sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp đề nghị cải tiến về thủ tục khai báo hải quan. Mặc dù việc áp dụng khai báo hải quan điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng do công tác chuẩn bị hậu cần chưa tốt, trong khi quy mô dự án của các doanh nghiệp rất lớn, nhiều khi bình quân phải khai từ 100 đến 300 tờ khai/ngày nên đường truyền đôi khi bị nghẽn mạch. Thậm chí, ngay cả mạng nội bộ của hải quan đôi khi cũng bị trục trặc, gây ách tắc đến tờ khai xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến việc thông quan của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến nêu ra, trong tình hình hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn nên ngành hải quan cần phải “kéo các thủ tục” lại gần doanh nghiệp hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Điều chỉnh mức chi phí và thuế hợp lý hơn

Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam hiện vẫn còn lợi thế nhân công giá rẻ, nhưng trong thực tế, chi phí làm việc của lao động nước ngoài tại Việt Nam lại rất cao do phải chịu mức thuế suất quá cao. Chi phí về nhiên liệu, cụ thể là khí hóa lỏng phục vụ cho sản xuất trong nước cũng cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc hạ giá thành sản phẩm.

Việt Nam hiện là nước duy nhất còn khống chế chi phí ở mức 10% đối với hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Chính vì hạn chế như vậy nên có một số doanh nghiệp không thể quảng cáo mạnh các sản phẩm của họ tại Việt Nam.

Liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng, chưa có sự đồng nhất trong việc áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ngay trong cùng một tỉnh. Chẳng hạn, đại diện tập đoàn may Scavi cho biết, để ổn định việc làm cho 8.000 lao động tại các nhà máy, doanh nghiệp này, phải đầu tư mạnh cho việc thiết kế các mẫu mã, cung cấp các dịch vụ mới để giữ chân khách hàng. Hơn lúc nào hết, họ rất cần sự hỗ trợ của bộ, ngành và địa phương bằng các chính sách thiết thực. Họ cũng rất cần được sự ưu đãi để góp phần tạo sự ổn định việc làm cho công nhân, nhất là trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay.

Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được nguyên liệu nên cũng cần tính đến việc hạ mức thuế nhập khẩu từ 3% xuống 0% đối với một số mã hàng; đồng thời, cần tính toán lại giá điện giờ cao điểm… Đối với nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng nên hạ thuế xuất khẩu xuống 0%, giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.

Các bộ, ngành chức năng ghi nhận các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo luật định mới, các doanh nghiệp mới thành lập được tăng mức chi phí cho quảng cáo tiếp thị lên 15% thay vì 10%. Đối với các doanh nghiệp thay đổi địa điểm nhà xưởng trong trường hợp bất khả kháng thì mới tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi. Riêng trường hợp của Scavi, Bộ Tài chính sẽ làm việc với địa phương để trả lời cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thông báo với doanh nghiệp những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, về giãn giảm thuế. Theo đó, việc điều hành về thuế xuất, nhập khẩu; chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá sẽ linh hoạt hơn theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Giải đáp băn khoăn của các doanh nghiệp FDI về các giải pháp lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất tại Nghị quyết số 30 của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, doanh nghiệp FDI là một bộ phận cấu thành nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp FDI cũng được quan tâm bình đẳng như những doanh nghiệp khác. Những phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp FDI là phù hợp với tình hình hiện nay. Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành chức năng ghi nhận để giải quyết ngay các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp trong khả năng của mình, đồng thời, Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ giải quyết những vấn đề vướng mắc mà doanh nghiệp đề xuất./.