TCCSĐT - Ngày 24-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

Chống sự khép kín trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế

Sáng 24-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật này.

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 151 điều, quy định về việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Kiểm toán chịu trách nhiệm đến cùng về kết luận của mình

Theo quy định của dự thảo Luật, trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế, mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế, có nội dung liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thì cơ quan Kiểm toán nhà nước phải gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để biết và thực hiện.

Trong quá trình thực hiện kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, nếu phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp.

Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Phân tích quy định này làm vô hiệu kiến nghị, kết luận của Kiểm toán nhà nước, trái với Điều 118 Hiến pháp, Điều 7 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chỉ ra rằng, Luật đã quy định báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán.

Nếu bất đồng với báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Như vậy, cơ quan Kiểm toán phải chịu trách nhiệm đến cùng với kiến nghị và kết luận của mình chứ không phải cơ quan quản lý thuế chịu trách nhiệm như trong dự thảo.

“Câu hỏi đặt ra là ai, cơ quan nào bắt cơ quan quản lý thuế phải chịu trách nhiệm nếu họ vẫn bảo lưu quan điểm của mình”, đại biểu đặt vấn đề.

Với phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại điểm b khoản 2 Điều 21 theo hướng, trong trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước thực hiện việc kiểm toán tại cơ quan thuế có nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế, căn cứ vào kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý thuế.

Nếu không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế, người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật, vì vấn đề này đã được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị sửa đổi điểm b, khoản 2, Điều 22 về nhiệm vụ, trách nhiệm của Thanh tra nhà nước như Kiểm toán nhà nước, “có như vậy mới chống được sự khép kín và khoảng trời riêng trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế”.

Nhìn nhận việc dự thảo Luật bổ sung quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 21 và 22 để xử lý vướng mắc trong thực tiễn đối với các trường hợp Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước không thực hiện kiểm toán, thanh tra đối với người nộp thuế mà thực hiện tại cơ quan quản lý thuế, có nội dung liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng đây là điều cần thiết.

Tuy nhiên, việc xử lý vướng mắc này “có vấn đề”, bởi các quy định trên liên quan sâu đến lĩnh vực thanh tra, kiểm toán, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra, mà không thuộc phạm vi của Luật này.

Mặt khác, hoạt động thanh tra, kiểm toán không chỉ thực hiện trong lĩnh vực thuế, do vậy việc xử lý vướng mắc như dự thảo Luật là chưa toàn diện, chỉ xử lý được trong lĩnh vực thuế mà chưa xử lý được trong các lĩnh vực khác mà cơ quan Thanh tra, Kiểm toán ra kết luận.

Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Kiểm toán nhà nước quy định báo cáo kiểm toán bắt buộc phải thực hiện, nhưng báo cáo này không phải là quyết định hành chính. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người xử lý khiếu nại cuối cùng.

Thực tiễn, khi cơ quan thuế chấp hành kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ (thực hiện tại cơ quan thuế), đã xảy ra nhiều trường hợp không đồng ý, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại.

Nhiều trường hợp khiếu kiện ra tòa về quyết định của cơ quan thuế chứ không phải quyết định của Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ. Ông cho rằng, họ kiện là đúng luật, đúng quyền (theo Điều 30 Luật Tố tụng hành chính), và phải đảm bảo quyền của người nộp thuế.

Do vậy, hoặc phải sửa Điều 30 Luật Tố tụng hành chính, hoặc sửa luật này, hoặc sửa Luật Kiểm toán nhà nước thì mới xử lý được.

Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng cách đây 2 tuần, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ chủ trì họp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để bàn về phương án xử lý kết luận kiểm toán và thanh tra tại Sabeco, Habeco và Unilever. Như Unilever, Kiểm toán Nhà nước đưa ra số liệu ban đầu là truy thu 870 tỷ đồng, lần hai là hơn 500 tỷ đồng và lần 3 là hơn 300 tỷ đồng.

“Bây giờ chúng tôi đã thống nhất với nhau sẽ báo cáo với Thủ tướng về việc này, đồng ý họ nộp hơn 300 tỷ đồng. Trường hợp này, nếu chúng tôi quyết định ngay truy thu 870 tỷ đồng, người ta kiện cơ quan thuế ra tòa thì cơ quan thuế phải giải trình trước tòa. Đây là thực tế phải hết sức lưu ý, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát báo cáo Quốc hội,” ông Đinh Tiến Dũng nói.

Lý giải ngay sau đó, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Thanh tra của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, thanh tra Unilever và kiến nghị truy thu 383 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đã nộp số tiền này. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra hồ sơ và truy thu ngoài số tiền 383 tỷ đồng trên, đã kiến nghị thu 882 tỷ đồng.

Trả lời Kiểm toán Nhà nước về lý do chỉ truy thu 383 tỷ đồng, Thanh tra của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh giải trình là do điều kiện cuối năm nên Đoàn thanh tra căn cứ vào số liệu do Công ty tự tính toán thuế thu nhập doanh nghiệp với hoạt động đầu tư mở rộng không được ưu đãi thuế trong giai đoạn 2009 - 2013 để kiến nghị truy thu, chứ chưa kiểm tra, rà soát các tài liệu liên quan của doanh nghiệp.

“Tôi khẳng định việc chúng tôi kiến nghị 882 tỷ đồng là đúng, và Đoàn thanh tra thuế làm chưa đúng”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng cho biết thêm, 8 tháng sau Unilever có khiếu nại, Kiểm toán Nhà nước mời Tổng cục Thuế, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cùng làm việc, Unilever cung cấp thêm hồ sơ đầu tư mở rộng (hồ sơ này chưa được giám định).

Chỉ căn cứ trên hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận truy thu 575 tỷ đồng. Sau đó, Phó Tổng Giám đốc Unilever sang làm việc với Kiểm toán Nhà nước và Tổng cục Thuế và họ chấp nhận nộp 384 tỷ đồng, đồng thời có kiến nghị không phạt nộp chậm.

Tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm

Một vấn đề khác trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được đại biểu thảo luận, đó là xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế.

Điều 59 dự thảo Luật quy định, tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến cho rằng mức tiền nộp chậm này là quá thấp với lãi suất ngân hàng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng.

Một số ý kiến đề nghị tăng ít nhất 0,05% đến 1,5% mỗi ngày nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm.

Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan. Do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày).

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ mức tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Đồng tình với giải trình trên, song đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, qua tiếp xúc, một số cơ quan thuế ở địa phương đề nghị Quốc hội xem lại nội dung này.

Việc gia hạn thuế cho doanh nghiệp cần có điều khoản riêng, còn với việc quy định mức tiền nộp chậm này, một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn nghiên cứu luật rất kỹ, họ có thể lợi dụng điều này để giảm bớt tiền vay ngân hàng.

Thay vì mang 5 - 10 tỷ đồng nộp cho cơ quan thuế, họ vận dụng số tiền này quay vòng sử dụng cho việc khác, để đúng 90 ngày mới mang nộp, điều đó tạo sự không công bằng đối với những doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật, đại biểu nói và đề nghị điều chỉnh mức tiền chậm nộp bằng lãi suất ngân hàng.

Doanh nghiệp nào có khó khăn, theo quy định được miễn giảm ở những điều khoản khác.

Về xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, khoản 3 Điều 60 quy định không trả số tiền thuế nộp thừa cho người nộp thuế trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp người nộp thuế không có văn bản yêu cầu trả lại trong thời hạn quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế ban hành thông báo; giao Bộ Tài chính quy định thủ tục xử lý số tiền này.

Theo đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông), điều này chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Quy định không trả lại tiền nộp thừa cho người nộp thuế, nhưng không có văn bản yêu cầu trả lại trong thời hạn bao nhiêu ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý thuế ban hành thông báo.

Đại biểu cho rằng, việc tước quyền sở hữu với tài sản trong trường hợp này là không có cơ sở, không thống nhất với quy định về sở hữu của Bộ luật Dân sự, không phù hợp với thực tiễn và cả pháp lý.

“Người nộp thuế chỉ không kịp yêu cầu trả lại tài sản của mình do người khác chiếm giữ trong bao nhiêu ngày mà mất đi quyền sở hữu, chưa kể vì lý do nào đó mà người nộp thuế không nhận được thông báo của cơ quan thuế, như thông báo bị thất lạc, hoặc người nộp thuế chết, mất tích, tai nạn, nên không yêu cầu trả lại tài sản của mình trong bao nhiêu ngày. Vì vậy, tôi đề đề nghị không quy định nội dung này trong luật,” đại biểu nói.

Khắc phục tình trạng “vào dễ, ra khó” trong quản lý viên chức

Theo chương trình làm việc, chiều 24-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.

Bảo đảm cơ chế cạnh tranh

Nội dung được dư luận xã hội quan tâm trong dự thảo Luật là đề xuất bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, hay còn gọi là viên chức suốt đời.

Tờ trình Chính phủ đề xuất hai phương án. Phương án một là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn, kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần hai.

Dự thảo Luật Chính phủ trình đang thể hiện theo phương án này.

Phương án hai quy định viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu tán thành với phương án một mà Chính phủ đưa ra và cho rằng phương án này bảo đảm bám sát yêu cầu, thể chế hóa được nội dung của nghị quyết Trung ương, tạo sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”.

Phương án một sẽ khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, theo phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần; dễ tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới.

Các ý kiến tán thành phương án này cũng đề nghị làm rõ quy định đối với số viên chức cũ đã tuyển dụng (ký hợp đồng) thì áp dụng như Bộ luật Lao động hiện hành, giữ nguyên hợp đồng dài hạn đã ký.

Thu hút người tài vào bộ máy nhà nước

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là chính sách đối với người có tài năng. Đây được xem là một trong những giải pháp gỡ “nút thắt” về thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước.

Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã có những quy định về chính sách đối với người có tài năng và một số nghị định của Chính phủ cũng có quy định chi tiết về vấn đề này. Trên cơ sở đó, một số địa phương đã triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân tài vẫn gặp khó, một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là cơ chế chính sách chưa đủ sức hút đối với người tài.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

Nhất trí cao với việc cần có chính sách thu hút nhân tài nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, phát biểu tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, cho biết một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội... đã có chính sách để thu hút nhân tài. Trong tuyển dụng, một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đã được xét tuyển.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, để có chính sách thỏa đáng đối với người có tài năng, Chính phủ phải căn cứ vào thực tiễn thi hành chính sách này thời gian qua, có định lượng để xác định được người có tài năng là thế nào; trong đó phải có khái niệm cơ bản, có định nghĩa khái quát để tránh gây tranh cãi thế nào là có tài, thế nào là không có tài.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh chính sách đối với nhân tài là nội dung được nhiều người quan tâm. Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện chính sách này trước khi quy định trong dự thảo Luật. Cùng với đó, cần có một khái niệm, định nghĩa như thế nào là nhân tài.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo Luật phải đưa ra được các nguyên tắc để thu hút, sử dụng người tài, trong đó phải quy định cơ chế đặc biệt để chọn người tài, nhất là cơ chế thi tuyển. Đặc biệt, phải luật hóa nội dung thi tuyển các chức danh lãnh đạo để thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ.

Dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thực hiện Nghị quyết số 56/2017 của Quốc hội.

Đánh giá kỹ tác động

Theo Tờ trình của Chính phủ, nội dung sửa đổi của Luật Tổ chức chính quyền địa phương tập trung vào việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân (HĐND); phương thức hoạt động của chính quyền địa phương; tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cụ thể hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đáng chú ý, việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp này. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như hiện hành. Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.

Nội dung này đã được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, đánh giá kỹ tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động thật kỹ vấn đề này vì đổi mới phải đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc, chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.

Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số lượng các chức danh này thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí thế nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi.

Đẩy mạnh phân cấp

Đối với Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 5 điều. Trong đó, Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo hướng Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Nhiều ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung này và cho rằng, quy định như vậy đã quán triệt tinh thần của Trung ương là đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương, bộ, ngành trong việc thực hiện quyền xác định cơ cấu “mềm”, thực hiện việc bố trí cấp phó phù hợp cho các đơn vị trực thuộc trong tổng số cấp phó được có.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Điều 28 của Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm Chính phủ thống nhất trong quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức; xác định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan hành chính nhà nước khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quy định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền của mình về quản lý công chức, viên chức.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chất lượng, hiệu quả hơn./.