TCCSĐT - Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác triển khai, chăm lo tết Kỷ Hợi năm 2019 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 14-02-2019. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết: Công tác tổ chức, chăm lo tết Kỷ Hợi 2019 đã được Thành phố triển khai chu đáo cả đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, với mục tiêu bảo đảm Tết đến với mọi nhà, mọi người, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tin vào sự phát triển đi lên của đất nước và Thành phố. Theo đó, Thành phố thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách có công, có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, công nhân, sinh viên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hơn 1.540,71 tỷ đồng, tăng 152,11 tỷ đồng so với năm 2018.

Cũng theo đồng chí Võ Văn Hoan, qua báo cáo của 1.948 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thì: mức thưởng bình quân Tết Kỷ Hợi 2019 cao hơn 23,21% so với Tết Mậu Tuất 2018, cụ thể mức thưởng thấp nhất là 4,2 triệu đồng/người, cao nhất là 1,17 tỷ đồng/người, mức bình quân là 9,88 triệu đồng/người (cao hơn so với năm 2018 là 8,02 triệu đồng/người).

Để nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định trong dịp tết Nguyên đán, thông qua Chương trình hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đông - Tây Nam bộ, Thành phố đã chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung ứng lượng hàng lớn như: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang,… Đồng thời, thực hiện kết nối cung cầu, nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết. Theo thống kê, các doanh nghiệp bình ổn thị trường (chiếm từ 30% - 40% thị phần) chủ động nguồn hàng; cung ứng hàng hóa đủ số lượng đăng ký đã được phê duyệt; bảo đảm hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký, được thẩm định và phê duyệt. Điểm đáng nói nữa là, Thành phố đã đẩy mạnh đầu tư phát triển điểm bán, mở rộng mạng lưới phân phối hàng bình ổn thị trường, ưu tiên phát triển tại các khu vực vùng ven, huyện ngoại thành, các khu chế xuất, khu công nghiệp, tổ chức nhiều đợt bán hàng lưu động tập trung, hội chợ Tết, phiên chợ công nhân,... phục vụ người dân địa phương, công nhân lao động. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp bình ổn thị trường ước đạt 19.822 tỷ đồng, tăng 1.143 tỷ đồng, khoảng 6,12% so với năm 2018).

Theo Báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố, thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán là đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm và đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự an toàn xã hội nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, nơi diễn ra các sự kiện chính trị, các lễ hội, văn hóa, văn nghệ,… với mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng và những khu vực trọng điểm đã mang hiệu quả. Do đó, trong dịp Tết, trên địa bàn Thành phố xảy ra 48 vụ phạm pháp hình sự, giảm 5 vụ (giảm 9,43%) so cùng kỳ, tai nạn giao thông giảm 16,33% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao.

Tuy nhiên, tại Hội nghị đã thẳng thắn nhận định những hạn chế, thiếu sót trong Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đó là một số quận, huyện chưa quản lý chặt nên đã xảy ra hiện tượng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, sử dụng loa thùng hát karaoke quá giờ quy định gây ô nhiễm tiếng ồn khu dân cư; tình trạng đốt pháo trái phép, pháo tự chế, cờ bạc với quy mô nhỏ vẫn còn xảy ra tại một số địa bàn. Vẫn còn hiện tượng lang thang xin ăn, vẫn còn một số trụ ATM không hoạt động, hết tiền, nuốt thẻ và dịch vụ internet banking vào những ngày cận Tết bị tắc nghẽn, gây khó khăn cho hoạt động mua sắm, chi trả, chuyển tiền của người dân…

Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong đã ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các đơn vị, cá nhân đã góp phần bảo đảm Thành phố đón tết “Vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”, bảo đảm Tết đến với mọi nhà, mọi người. Bước sang năm 2019, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu tất cả các đơn vị cần quán triệt thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không được tổ chức đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội. Các cơ quan, đơn vị phải tập trung ngay vào công việc và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: Chủ đề năm 2019, Thành phố đã xác định là “Năm Cải cách hành chính và đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố”. Do đó, các đơn vị phải có kế hoạch công việc trọng tâm cụ thể cần thực hiện theo từng quý, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân nhất là vai trò nêu gương, đồng thời xác định rõ thời gian hoàn thành với tinh thần cụ thể, không chung chung.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý từng đơn vị phải chú ý xác định “đột phá” cải cách hành chính là đột phá chỗ nào, khâu nào? Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc nhận ủy quyền từ Ủy ban Nhân dân Thành phố và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Thành phố để tăng tính chủ động trong giải quyết công việc. “Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả công việc, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Và kết quả hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo quan trọng để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức”. Về 7 chương trình đột phá, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện phải tính toán giải pháp phù hợp để tạo hiệu quả cụ thể, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ bằng các nội dung, công trình cụ thể, hiệu quả.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho 188 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019./.