Phát triển tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ công bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững trên địa bàn Hà Nội
TCCSĐT - Tổ chức phi lợi nhuận là mô hình đã ra đời và phát triển từ lâu trên thế giới, được minh chứng là một trong những lựa chọn tối ưu cho việc cung ứng dịch vụ công, nhưng vẫn còn khá mới ở nước ta. Việc phát triển các tổ chức phi lợi nhuận trên địa bàn Hà Nội - nơi nhu cầu về các dịch vụ công, dịch vụ xã hội hết sức đa dạng và phức hợp bậc nhất ở nước ta - không chỉ là bước thử nghiệm cần thiết để hoàn thiện mô hình trên, mà còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ công, góp phần bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững của Thủ đô.
Cùng với việc ngày càng hoàn thiện chế độ phân phối chủ yếu theo hiệu quả kinh tế, sự gia tăng phân phối theo phúc lợi xã hội là một phương cách hữu hiệu thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, qua đó góp phần thể hiện và tiệm cận gần hơn với bản chất, mục tiêu xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên, nguồn lực từ ngân sách nhà nước là hữu hạn, tất yếu đòi hỏi việc huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội để thực hiện công việc trên, trong đó có nguồn lực từ các tổ chức phi lợi nhuận.
Tổ chức phi lợi nhuận trong cung ứng dịch vụ công
Tổ chức phi lợi nhuận (non-profit organization - NPO) là tổ chức cung ứng các dịch vụ công và giải quyết các vấn đề xã hội, có tư cách pháp nhân, tự chủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, mà vì lợi ích chung thiết yếu của cộng đồng và các mục tiêu xã hội - hướng tới sự phát triển, công bằng và tiến bộ của xã hội. Tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức không vì lợi nhuận (Not-for-profit organization) có nhiều điểm tương đồng, song là hai khái niệm khác nhau. Lợi nhuận từ việc gây quỹ (nguồn tài chính còn lại sau khi đã trừ đi chi phí thường xuyên tối thiểu để duy trì tổ chức) vẫn được tổ chức phi lợi nhuận tiếp tục sử dụng để phục vụ các mục tiêu công ích, trong khi tổ chức không vì lợi nhuận có thể phân bổ phần nào khoản lợi nhuận này cho các thành viên của mình.
Dịch vụ xã hội được cung cấp bởi chính phủ, tư nhân hay tổ chức phi lợi nhuận nhằm đáp ứng những nhu cầu từ cơ bản tới nâng cao về đời sống vật chất và tinh thần của con người, vì mục tiêu thúc đẩy sự cân bằng, bình đẳng và phát triển xã hội. Dịch vụ xã hội có sự tương đồng và giao thoa với dịch vụ công, song cũng có nhiều điểm khác biệt, trong đó dịch vụ xã hội gần gũi hơn cả với mảng dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích nằm trong dịch vụ công.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hàng hóa dịch vụ công, dịch vụ xã hội hiệu quả hơn các tổ chức nhà nước. Tính hiệu quả này thể hiện ở chất lượng hàng hóa, dịch vụ cao hơn và chi phí thấp hơn, do tổ chức phi lợi nhuận tập trung hoạt động một cách chuyên nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực, các chi phí đầu vào hiệu quả hơn các tổ chức nhà nước để hoàn thành cùng một mục tiêu. Mặt khác, tổ chức phi lợi nhuận thường khắc phục được sự quan liêu thường thấy ở khu vực công, nên giảm bớt chi phí quản lý hành chính; sâu sát, nắm rõ nhu cầu thực tế của người dân và đáp ứng nó được tốt hơn các cơ quan nhà nước. Vì thế, trong chừng mực nào đó, tổ chức phi lợi nhuận là lực lượng giúp nhà nước tiết kiệm chi phí và nhân lực trong việc cung cấp hàng hóa dịch vụ công và dịch vụ xã hội, một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Định vị bản chất để phát triển các tổ chức phi lợi nhuận trong cung ứng dịch vụ xã hội trên địa bàn Hà Nội
Bản chất xã hội: Bản chất xã hội là thuộc tính chính yếu, đặc trưng nhất của tổ chức phi lợi nhuận. Bản chất xã hội của tổ chức phi lợi nhuận càng nhân lên gấp bội khi nó thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ xã hội, được thể hiện thông qua một số chiều cạnh:
- Về mục tiêu hoạt động: Các tổ chức phi lợi nhuận trên địa bàn Hà Nội phải lấy mục tiêu xã hội làm sứ mệnh hoạt động tối thượng và điều này không chỉ được tuyên bố một cách công khai, rõ ràng, minh bạch ngay khi thành lập, mà còn trong suốt quá trình hoạt động. Các tổ chức phi lợi nhuận dù có các hoạt động sản xuất, thương mại thì mục tiêu xã hội vẫn được đặt lên hàng đầu; tất cả mọi hoạt động của tổ chức đều hướng về tâm duy nhất là phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng trên địa bàn Thủ đô. Mục tiêu xã hội được coi là tôn chỉ hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận.
Riêng đối với các doanh nghiệp xã hội, một hình thức của tổ chức phi lợi nhuận, điểm khác biệt là sử dụng hình thức kinh doanh như một công cụ để đạt được các mục tiêu xã hội của mình. Doanh nghiệp xã hội có thể có lợi nhuận, thậm chí cần lợi nhuận để phục vụ mục tiêu xã hội, nhưng không “vì - lợi nhuận” mà “vì - xã hội”. Hiện nay, các doanh nghiệp xã hội bắt đầu phát triển tại Hà Nội.
- Về sở hữu và quản lý: Các tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Nội do một số cá nhân và tổ chức sáng lập, song thường là tổ chức thuộc sở hữu cộng đồng và thường có cơ chế quản lý mở, cộng đồng trách nhiệm (chẳng hạn quản lý qua các hội đồng tín thác). Nó sẵn sàng chia sẻ “quyền lực” của mình với cộng đồng hoặc tất cả các bên có liên quan, người hưởng lợi. Chính đặc trưng tính mở về sở hữu và quản lý này đã thể hiện rõ bản chất xã hội của tổ chức phi lợi nhuận và giúp nó có sự minh bạch, công khai, tính phi vị lợi hơn, từ đó có thể dễ dàng hơn trong kêu gọi các nhà tài trợ cùng số lượng các đối tác đông đảo.
- Về khách thể thụ hưởng: Những đối tượng thụ hưởng các chương trình, dự án của các tổ chức phi lợi nhuận là đông đảo người dân Hà Nội, nhất là các đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong xã hội. Những đối tượng thụ hưởng từ các tổ chức phi lợi nhuận có sự chủ động tích cực khi cùng tham gia vào các dự án, chương trình. Họ có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin và tham gia đóng góp ý kiến; một số trở thành thành viên quản trị của tổ chức hay các chương trình, dự án hoặc trở thành cộng tác viên, tuyên truyền viên, góp phần giúp hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận ngày càng mở rộng. Những đặc điểm trên từ đối tượng thụ hưởng khẳng định rõ bản chất xã hội của tổ chức phi lợi nhuận.
- Các hoạt động dịch vụ xã hội: Hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận mang tính xã hội đậm nét, đều là các hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cộng đồng, đông đảo người dân Hà Nội, như: y tế, giáo dục, dạy nghề miễn phí, khoa học, văn hóa - thể thao, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, công viên cây xanh, chiếu sáng, giao thông vận tải công cộng, thông tin - giải trí công cộng… Các tổ chức phi lợi nhuận đặc biệt quan tâm tới các hoạt động trợ giúp xã hội, hướng tới những người yếu thế và gặp nhiều khó khăn trong xã hội, như trợ giúp người gặp rủi ro, bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, chất độc da cam, tự kỷ, người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ, mồ côi…
Một trong những kinh nghiệm thành công từ các hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận là hoạt động hướng về cơ sở và hoạt động từ cơ sở. Các tổ chức này phát triển tại Hà Nội phải gắn bó với cộng đồng, nắm được chính xác nhu cầu, nguyện vọng của người dân, thậm chí là người trong cuộc (người thuộc đối tượng hưởng lợi) nên có thể phát hiện và thấu hiểu hơn ai hết những vấn đề xã hội đang cấp thiết đặt ra và cần giải quyết từ cơ sở.
Ngoài những khía cạnh trên, còn một số đặc tính khác cũng thể hiện bản chất xã hội của các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội, như cơ chế tái phân phối lợi nhuận, yêu cầu tính công khai, minh bạch trong hoạt động, trách nhiệm của tổ chức phi lợi nhuận trước cộng đồng, tính chất tự nguyện…
Với bản chất xã hội, các tổ chức phi lợi nhuận được xem như một lực lượng quan trọng bồi đắp các khuyết, thiếu của nhà nước và thị trường, nhất là hỗ trợ chính quyền đáp ứng nhu cầu cung ứng các dịch vụ công thiết yếu của người dân Hà Nội và nhu cầu giải quyết các vấn đề của xã hội; góp phần làm giảm sự bất bình đẳng giữa các thành viên trong xã hội, nhất là hướng tới các đối tượng yếu thế, khó khăn, từ đó giúp cân bằng, điều hòa tâm lý, tâm trạng xã hội, tạo sự ổn định của xã hội để phục vụ các mục tiêu phát triển lâu dài của Thủ đô.
Bản chất kinh tế:
- Sản sinh lợi nhuận ngay trong cơ chế phi lợi nhuận: Các tổ chức phi lợi nhuận không hề đồng nghĩa với việc họ không có lợi nhuận. Nhìn chung, tổ chức phi lợi nhuận có nguồn thu chính từ phí dịch vụ, tài trợ của chính quyền và tiền quyên góp, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức. Để thu phí dịch vụ, nhiều tổ chức phi lợi nhuận vẫn có các hoạt động sản xuất và kinh doanh; thậm chí, nhiều tổ chức kinh doanh rất thành công, có thương hiệu uy tín, tạo được nguồn lợi nhuận kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận không phải là mục tiêu chính của tổ chức phi lợi nhuận, mà lợi nhuận dùng để phục vụ lại cho mục tiêu xã hội được tốt hơn; lợi nhuận, thặng dư của các tổ chức phi lợi nhuận tuyệt đối không được chia lại cho các cá nhân ban quản trị, các thành viên của tổ chức.
- Là một bộ phận hợp thành của ngành kinh tế dịch vụ: Dịch vụ xã hội do các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng là một khu vực kinh tế quan trọng của nền kinh tế Thủ đô và ngành kinh tế dịch vụ nói riêng. Không chỉ có giá trị kinh tế và giá trị xã hội lớn, nó còn có thể giúp tạo thêm công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại Hà Nội.
- Tuân thủ các yếu tố và quy luật của cơ chế thị trường: Các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ xã hội đều phải tuân thủ các yếu tố cơ bản (hàng hóa - tiền tệ) và quy luật của cơ chế thị trường (giá trị, cung - cầu, cạnh tranh)…
Các tổ chức phi lợi nhuận đều sử dụng hàng hóa các yếu tố sản xuất (đầu vào) để tạo nên hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ (đầu ra) là các dịch vụ xã hội khác nhau. Hàng hóa dịch vụ do tổ chức phi lợi nhuận cung cấp phải được tính toán cẩn trọng để tối ưu hóa chi phí và có chất lượng tốt, nhằm thu được mức kinh phí hợp lý để bù đắp chi phí sản xuất hàng hóa. Tổ chức phi lợi nhuận cũng phải căn cứ chặt chẽ vào các tín hiệu của thị trường, nhất là quan hệ cung - cầu để sản xuất, cung cấp hàng hóa. Hàng hóa dịch vụ không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng cũng đồng nghĩa với việc tổ chức phi lợi nhuận không có chi phí để tái sản xuất, có thể dẫn tới phá sản, nhất là trong điều kiện các nguồn tài trợ, hỗ trợ ngày càng khó khăn. Người sử dụng đều phải chi trả chi phí bằng các hình thức trực tiếp hay gián tiếp (người sử dụng chi trả qua tiền thuế của nhà nước hoặc các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác) khác nhau để được sử dụng hàng hóa dịch vụ của tổ chức phi lợi nhuận. Như vậy, quy luật giá trị và cung - cầu thể hiện khá rõ.
Loại trừ các yếu tố phi cạnh tranh, các tổ chức phi lợi nhuận cũng chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh, như các thành phần, chủ thể kinh tế khác, nhất là đối với chất lượng và chi phí dịch vụ. Người thụ hưởng dịch vụ xã hội của Hà Nội cũng luôn có quyền lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ có chi phí thấp và chất lượng tốt nhất. Trong cùng một dịch vụ xã hội, tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Nội sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh trong chính nội bộ các tổ chức phi lợi nhuận (thông thường, một dịch vụ luôn có nhiều tổ chức phi lợi nhuận cùng cung cấp) và cạnh tranh với các tổ chức khác (cạnh tranh với các đơn vị công lập và tư nhân cùng cung cấp dịch vụ trên địa bàn Hà Nội). Chính quyền luôn cấp phép cho nhiều nhà cung ứng khác nhau để bảo đảm tính cạnh tranh, tránh độc quyền đối với các dịch vụ xã hội. Đồng thời, các gói dịch vụ xã hội do chính quyền ủy quyền cũng thường được lựa chọn thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh hoặc đặt hàng qua hình thức hợp đồng kinh tế với các điều khoản ràng buộc chặt chẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa phát huy các nguồn lực xã hội, ưu thế của thị trường, vừa bảo đảm vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong lĩnh vực này.
- Quản lý theo mô hình doanh nghiệp: Mặc dù không hoạt động vì mục đích lợi nhuận, song các tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Nội ít nhiều đều phải hoạt động như những doanh nghiệp, từ mô hình các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, trường học phi lợi nhuận, đến các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội, tập đoàn truyền thông công...
Theo quan niệm trước đây, các tổ chức phi lợi nhuận chỉ bao gồm các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, với nguồn thu chủ yếu đến từ hai nguồn chính là trợ cấp của chính phủ và tài trợ của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức phi lợi nhuận ngày càng chú trọng và có xu hướng gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh để chủ động tạo nguồn thu, thay vì chỉ trông chờ vào các khoản trợ cấp và tài trợ bị động ngày càng khó khăn, eo hẹp, như một phương cách duy trì hoạt động của tổ chức một cách ổn định, bền vững và lâu dài. Do đó, những mô hình như doanh nghiệp xã hội (Social Enterprise) ngày càng phát triển. Social Enterprise hoàn toàn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp về cơ cấu tổ chức - quản lý, chiến lược kinh doanh - thị trường, kiểm soát nội bộ, quản lý nhân sự, các nguồn lực, tài chính… Điều khác biệt duy nhất là động cơ lợi ích và cách ứng xử của nó với lợi nhuận thu được, không bao giờ dùng để phân phối lại hay chia cổ tức cho các thành viên, mà thường dùng 50% để tái đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; 50% dùng để thực hiện các mục tiêu công ích, dịch vụ xã hội cho cộng đồng…
Bản chất pháp lý và đạo đức: Bản chất pháp lý của các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội tại Hà Nội thể hiện ở việc nó đều là các tổ chức mang tính pháp nhân, được pháp luật bảo hộ; đồng thời, nó cũng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Tại các quốc gia trên thế giới, các tổ chức phi lợi nhuận phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của hệ thống pháp luật, như Luật Các tổ chức phi lợi nhuận, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập, Bộ luật Doanh thu Nội địa… và các luật chuyên ngành ở từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, muốn được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước, nhất là về thuế, cho các tổ chức phi lợi nhuận, thì các tổ chức này phải đáp ứng và chứng minh được rất nhiều điều kiện, công khai và minh bạch về tài chính, nhằm tránh sự mập mờ và gian lận để trục lợi thuế giữa các hoạt động thương mại và các hoạt động phi lợi nhuận trong cùng một tổ chức…
Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật điều chỉnh về cơ chế hoạt động phi lợi nhuận chưa được xây dựng và hoàn thiện, chưa có giải thích chính thống về hoạt động phi lợi nhuận trong một hệ thống văn bản pháp luật hoàn chỉnh, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hoạt động phi lợi nhuận của các đơn vị tư nhân với khu vực nhà nước, nên chính sách áp dụng đối với các khu vực này chưa có sự bình đẳng và tạo động lực để phát triển cả hai khu vực này. Đối với cơ chế hoạt động phi lợi nhuận trong các đơn vị cung ứng dịch vụ công, dịch vụ xã hội trong khu vực tư nhân, hiện còn thiếu các văn bản điều chỉnh; nếu có, thì vấn đề hoạt động phi lợi nhuận cũng chưa được làm rõ và còn nhiều vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn. Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ công, dịch vụ xã hội tại Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Mặt khác, bản chất của tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội không thông qua quan hệ thị trường đầy đủ mà luôn bị điều tiết bởi giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, nhân sinh, trách nhiệm xã hội của các chủ thể tham gia thị trường. Phát triển dịch vụ xã hội chỉ thực sự hiệu quả khi tính đến các đặc trưng về đạo đức, văn hóa, tôn giáo… của từng địa phương, vùng miền, đối tượng thụ hưởng. Bản chất đạo đức là đặc trưng riêng, hòa quyện với bản chất xã hội, góp phần tạo nên giá trị và cũng chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Nội.
Việc thúc đẩy hình thành và phát triển các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội là một phương cách để Hà Nội thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, lấy định hướng xã hội chủ nghĩa để khắc phục những khuyết tật của nền kinh tế thị trường, thể hiện tính ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa trong từng bước phát triển của Thủ đô./.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay  (30/12/2018)
Hội thảo khoa học về 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot  (30/12/2018)
Bảo đảm đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, tiết kiệm  (30/12/2018)
Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, nhằm phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (30/12/2018)
Nhìn lại năm 2018: Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ trong mối quan hệ Nga-Mỹ  (30/12/2018)
Nhanh chóng xã hội hóa dịch vụ khoa học và công nghệ  (30/12/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên