Công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe
nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực 
 Ảnh: minh họa
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/T.Ư, ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới" và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/T.Ư, ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở", công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều kết quả tích cực.
 
Kết luận của Bộ Chính trị về công tác này nhận định: Nhiều dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi; hệ thống y tế được củng cố; công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực. Quy mô và năng lực cung ứng dịch vụ của hệ thống y tế được nâng cao; nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được ứng dụng. Người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Ðầu tư từ ngân sách nhà nước cho y tế ngày càng tăng và mức tăng hằng năm cao hơn mức tăng chung của tổng chi ngân sách. Bước đầu thực hiện đổi mới cơ cấu và cơ chế phân bổ ngân sách y tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/T.Ư và Chỉ thị số 06-CT/T.Ư vẫn còn những khuyết điểm, yếu kém. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ và tích cực hơn nữa 5 quan điểm của Ðảng về công tác y tế, các mục tiêu và 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được đề ra trong Nghị quyết số 46-NQ/T.Ư.

Trọng tâm công tác y tế trước mắt

Để tiếp tục làm tốt công tác này, Bộ Chính trị yêu cầu trước mắt, cần tập trung tổ chức sắp xếp hệ thống y tế công, đặc biệt là y tế cơ sở, tạo ra mô hình hợp lý và ổn định dựa trên quản lý theo ngành đối với y tế địa phương (từ tuyến tỉnh trở xuống). Ngoài ra, cần cho phép vận dụng làm thí điểm mô hình y tế cơ sở; sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có kiến nghị, điều chỉnh cho phù hợp. Ðổi mới cơ chế hoạt động, quản lý về tài chính, nhân lực của các cơ sở y tế công, từng bước áp dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích phát triển và mở rộng các cơ sở y tế tư nhân.

Thực hiện tốt chính sách chăm sóc sức khỏe đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội; vận động và hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); quan tâm đến sức khỏe người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp; y tế trường học.

Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thủ tục khám bệnh, chữa bệnh nhằm giảm phiền hà cho nhân dân; tăng cường quản lý nhà nước đối với BHYT; tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý giá thuốc, quản lý hành nghề y dược tư nhân; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm.

Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, đầu tư cải tạo, nâng cấp các cơ sở y tế, đặc biệt là các vùng khó khăn; tiếp tục chuyển việc đầu tư trực tiếp ngân sách nhà nước cho các cơ sở dịch vụ công sang đầu tư trực tiếp cho người hưởng dịch vụ bằng cách mua thẻ BHYT cho người nghèo, người có công với cách mạng, người tàn tật và rủi ro về sức khỏe, hỗ trợ việc mua thẻ BHYT cho người cận nghèo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện BHYT toàn dân, từng bước tiến đến BHYT bắt buộc toàn dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT./.