Chiến lược kết nối Á - Âu của Liên minh châu Âu: Một số đánh giá bước đầu
TCCSĐT - Trong bối cảnh vai trò ngày càng gia tăng của “quyền lực mềm”, của sức mạnh kinh tế, chia sẻ các lợi ích chung và tăng cường kết nối, ngày 15-10-2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra thông báo về một kế hoạch đầy tham vọng với tên gọi “Chiến lược kết nối Á - Âu”.
Chiến lược này được Liên minh châu Âu (EU) hoạch định sau khi Chủ tịch EC Jean Claude Juncker và một số quốc gia thành viên kêu gọi EU cần có một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn nhằm đẩy mạnh kinh tế của Khối, ứng phó không chỉ với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà còn đối trọng với chiến lược đầu tư ồ ạt và sự can dự của Trung Quốc ở châu Phi cũng như ở châu Á.
Mặc dù EU nhấn mạnh mô hình và dự án này không nhằm đáp trả bất kỳ ai song giới quan sát cho rằng, dự án này sẽ là một “đối thủ” của “Vành đai, Con đường” - một sáng kiến lớn đầy tham vọng của Trung Quốc.
Mục tiêu, các lĩnh vực trọng tâm và biện pháp triển khai Chiến lược
Với tổng dân số chiếm 60% số dân thế giới, 60% GDP và 55% giá trị thương mại toàn cầu, tiềm năng hợp tác về thương mại và an ninh giữa châu Âu và châu Á rất lớn. Năm 2016, trong bản Chiến lược toàn cầu, EU xác định để tăng cường tính kết nối đòi hỏi cần đẩy mạnh các cam kết, nhấn mạnh tính kết nối giữa sự phát triển và an ninh của châu Âu với tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á. Trên cơ sở đó, nhiều dự án hợp tác giữa hai châu lục về kinh tế, chính trị và an ninh thời gian qua được triển khai gắn với tầm nhìn về kết nối ngày càng rõ ràng hơn.
Tuy nhiên trong một vài năm gần đây, những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu, sự cần thiết phải thúc đẩy việc chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường, những cái “bẫy” của các khoản vay phát triển thiếu bền vững, cũng như mối lo ngại về các hoạt động đầu tư và thương mại không công bằng đã thúc đẩy ý tưởng về việc xây dựng một phương thức kết nối bền vững, toàn diện và dựa trên luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại buổi công bố Chiến lược, Phó Chủ tịch EC Federica Mogherini nhấn mạnh: “Kết nối là cách thức để chúng ta hướng tới tương lai. Kết nối càng mạnh mẽ, cơ hội cho chúng ta càng nhiều - cơ hội để tìm kiếm những giải pháp chính trị chung và mang sự thịnh vượng về kinh tế tới người dân. Cách tiếp cận của chúng tôi, của EU sẽ là thiết lập một mạng lưới kết nối mạnh mẽ, củng cố các mối quan hệ chiến lược nhằm hướng tới sự kết nối bền vững trên tất cả các lĩnh vực và dựa trên nguyên tắc tôn trọng những chuẩn mực chung. Đây là cách thức để chúng tôi giải quyết các thách thức và nắm lấy cơ hội, mang lại lợi ích cho người dân của cả hai châu lục Âu và Á”.
Với tầm nhìn đó, dự án này của EU nhằm cải thiện mạng lưới năng lượng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc bằng kỹ thuật số, đồng thời khuyến khích bảo vệ môi trường và tôn trọng chuẩn mực lao động. Cụ thể là: 1- Thúc đẩy kết nối và xây dựng mạng lưới hiệu quả giữa châu Âu và châu Á; 2- Cải thiện năng lực quản trị dòng vốn, con người, hàng hóa và dịch vụ; 3- Thu hẹp khoảng cách đầu tư thông qua việc cải thiện huy động các nguồn lực, củng cố đòn bẩy tài chính của EU và tăng cường mở rộng quan hệ đối tác quốc tế. Chiến lược kết nối Á - Âu dựa trên ba nguyên tắc chính, bao gồm: “kết nối bền vững”, “kết nối toàn diện” và “kết nối dựa trên các nguyên tắc”.
Kế hoạch kết nối này được triển khai trên bốn lĩnh vực: 1- Kết nối giao thông bao gồm việc phát triển các tuyến đường và hành lang giao thương hiệu quả và bền vững giữa hai châu lục, thực hiện các dự án kết nối trên cả ba tuyến hàng không, hàng hải và đường bộ giữa châu Âu và châu Á dựa trên các tiêu chí và tiêu chuẩn châu Âu; 2- Kết nối kỹ thuật số hướng tới việc thúc đẩy môi trường công nghệ thông tin an toàn và cởi mở, giải quyết các mối đe dọa an ninh mạng, bảo vệ quyền con người và tự do trực tuyến, bao gồm việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân dựa trên Chiến lược phát triển kỹ thuật số 4.0 ở châu Á, thúc đẩy công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số nhằm củng cố sự phát triển kinh tế - xã hội; 3- Kết nối năng lượng nhằm thúc đẩy các nền tảng kết nối năng lượng tại các khu vực, trong đó tập trung xây dựng nguyên tắc thị trường, khuyến khích hiện đại hóa hệ thống năng lượng, áp dụng các giải pháp năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng và hỗ trợ kết nối năng lượng giữa EU và các nước đối tác châu Á; 4- Kết nối con người trên cơ sở tăng cường hơn nữa trao đổi sinh viên và nghiên cứu với các nước châu Á thông qua các chương trình học bổng, công nhận bằng cấp chung và các hoạt động trao đổi những nghiên cứu và sáng chế.
EU đưa ra 07 biện pháp chủ yếu để triển khai Chiến lược, bao gồm: 1- Đẩy mạnh hợp tác với các nước châu Á; 2- Hỗ trợ kết nối bền vững trong xây dựng chính sách và thúc đẩy các cơ chế đối thoại; 3- Thúc đẩy hoạt động trao đổi dữ liệu hải quan; 4- Hợp tác với các cơ quan để thống nhất cơ chế pháp lý cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trên lục địa Á - Âu; 5- Xây dựng những tiêu chuẩn về sử dụng các công nghệ hướng tới tương lai; 6- Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kết nối Á - Âu thông qua những khoản tín dụng và hợp đồng bảo lãnh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và “sân chơi” bình đẳng: 7- Thúc đẩy các thỏa thuận về loại bỏ khí thải carbon trong vận tải quốc tế, đặc biệt là ngành hàng không và hàng hải.
Có thể thấy, “kết nối Á - Âu” là một chiến lược có nội hàm khá toàn diện, với tầm nhìn vươn rất xa, tận dụng mọi tiềm lực và khả năng của các nước ở hai châu lục. Mục tiêu của EU là hình thành một mạng lưới giao thông rộng lớn trên cả ba tuyến chính là đường bộ, đường biển và hàng không, nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái trong giao thông và vận tải; xây dựng một mạng lưới mới về năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng với những nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, EU cũng đặc biệt coi trọng công nghệ số, nhìn nhận công nghệ số là một trong những lĩnh vực quyết định tương lai của nhân loại và tất cả những yếu tố liên quan đến con người đều được EU tính đến khi xác định nội hàm cho khái niệm “kết nối”.
Thế mạnh và thách thức trong triển khai Chiến lược
Chiến lược kết nối Âu - Á là một chiến lược lớn đầy tham vọng của EU nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực trọng yếu đang có sự cạnh tranh và tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc thế giới. Đây là lần đầu tiên EU có một chiến lược rõ ràng, toàn diện với châu Á. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, đã đến lúc EU cần tăng tốc can dự sâu hơn vào châu Á, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước lớn đã và đang tích cực thúc đẩy triển khai các kế hoạch đầy tham vọng tại châu lục này, như sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc hay “Tứ giác kim cương” của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tại châu Á, thời gian qua, EU hướng tới tập trung vào tăng cường ngoại giao kinh tế và phát huy vai trò về an ninh, trong đó tăng cường ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác chiến lược, như Nhật Bản, Ấn Độ cũng như các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo các chuyên gia, EU từ lâu đã định vị châu Á như một đối tác không thể thiếu, tuy nhiên để tăng cường sự hiện diện ở khu vực có kinh tế phát triển năng động nhất thế giới này hoàn toàn không đơn giản khi mà đầu tư ở châu Á của các thành viên EU đang giảm so với các đối tác lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Để bảo đảm các lợi ích kinh tế và chính trị của mình ở một châu lục hiện đang là tâm điểm phát triển của thế giới, EU phải đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng và toàn diện, đẩy mạnh mối liên kết giữa EU và các nước châu Á, đồng thời tích cực “quảng bá” Chiến lược như một sự lựa chọn thay thế đáng tin cậy và bền vững.
Với các kinh nghiệm và thế mạnh của mình, đồng thời nắm rõ những hạn chế mà các sáng kiến kết nối hiện nay đang phải đối mặt, Chiến lược mới này của EU nhấn mạnh và đề cao sự minh bạch tài chính, đào tạo và sử dụng lao động là người địa phương dựa trên nguyên tắc không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hay ô nhiễm môi trường và không đẩy nước nhận đầu tư vào “bẫy nợ nần”. EU nêu bật mục đích của mình, đó là tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời chú trọng lợi ích của các nước sở tại. Đại diện Cao ủy châu Âu về giao thông Violeta Bulc khẳng định: “Châu Âu và châu Á có lợi khi phát triển các tuyến thương mại hiệu quả và bền vững giữa hai lục địa. Hiện nay, 70% thương mại là qua đường biển, hơn 25% qua đường hàng không, trong khi đường sắt không đáng kể, do đó vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Chiến lược này sẽ cho các nước châu Âu và châu Á thêm một lựa chọn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng và công nghiệp”.
Rõ ràng, châu Âu rất chú trọng đề cao các kinh nghiệm và thế mạnh của mình để tạo sự khác biệt, tập hợp lực lượng nhằm bảo vệ lợi ích và thúc đẩy hợp tác theo hướng có lợi; nhấn mạnh đến yếu tố con người và bảo vệ các giá trị của con người, đặt ưu tiên phục vụ con người lên mức cao trong quá trình phát triển; đề ra những chuẩn mực cao về tính minh bạch, công nghệ, bảo vệ môi trường, nguồn huy động vốn... Đây là những điểm ưu việt nổi bật mà nhiều nước châu Á sẽ cân nhắc khi lựa chọn các dự án đầu tư, nhà đầu tư với những tiêu chuẩn tốt hơn. Chiến lược này hiện đang được đánh giá là một bước đi rất quan trọng sau khi EU bị chỉ trích là quá “chậm chạp” trong việc đối phó với “quyền lực mềm” của Trung Quốc thời gian qua.
Với chiến lược quan trọng này của EU, một môi trường chính trị và kinh tế mới đang hình thành giữa hai châu lục với những điều kiện thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy châu Âu và châu Á xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, thách thức hiện nay của EU là làm thế nào để chiến lược này đi vào thực chất, thu hút đông đảo các đối tác châu Á tham gia nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện chung của Khối, đặc biệt trong bối cảnh EU cũng đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế và tài chính hiện lại là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Trung Quốc. Chiến lược mới này của EU có thể mang lại những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế châu Á, tuy nhiên, EU khó có thể cạnh tranh với những ưu thế mà Trung Quốc đang nắm giữ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực này. Theo chuyên gia nghiên cứu Garima Mohan tại Viện Chính sách công toàn cầu của Đức, Chiến lược kết nối Á - Âu là một “bước khởi đầu tốt” của EU, giúp định hình toàn bộ hoạt động hiện nay của EU tại châu Á, tăng cường khả năng cạnh tranh của EU trong việc đấu thầu các hợp đồng kinh tế ở khu vực. Tuy nhiên, không một nước nào có thể đối trọng với nguồn lực mà Trung Quốc đã dành riêng cho phát triển kết cấu hạ tầng ở châu Á trong nhiều năm qua.
Dẫu vậy, với những mục tiêu và kế hoạch cụ thể, với những bước đi gần đây của EU, đặc biệt là sự coi trọng và chủ ý của EU dành cho các đối tác châu Á tại Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) diễn ra ở Thủ đô Brussels (Bỉ, ngày 18-10-2018), hy vọng rằng “Chiến lược kết nối Á - Âu” sẽ sớm được hiện thực hóa, góp phần tích cực thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác và liên kết khu vực cũng như liên châu lục trong thời gian tới./.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - Một số kinh nghiệm trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới  (04/12/2018)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - Một số kinh nghiệm trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới  (04/12/2018)
Các hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ  (04/12/2018)
Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội tại Hàn Quốc  (04/12/2018)
Ngọn lửa nhiệt huyết trong các doanh nghiệp vẫn không ngừng cháy bỏng  (04/12/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên