TCCSĐT - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 24-10, Quốc hội làm việc về công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác.

* Sáng 24-10, với 461 đại biểu tán thành trong tổng số 469 đại biểu tham gia biểu quyết (đạt tỷ lệ 95,05%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng.

Trước đó, theo chương trình, đầu giờ sáng 24-10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đã báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng.

Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết. Nghị quyết nêu rõ: Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tặng hoa chúc mừng tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch Quốc hội chúc tân Bộ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn.

Trước đó, tại Quyết định 900/QĐ-Ttg ngày 25-7-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel).

** Cùng buổi, Quốc hội thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ. Chia sẻ quan điểm bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá, đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Kỳ họp này, là “thước đo” hiệu quả hoạt động của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Cơ sở quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo

Theo các đại biểu Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) cho hay, qua hai lần lấy phiếu vào năm 2013 và 2014 cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm phát huy tác dụng tốt, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động người lấy phiếu. Thực tế có những người ở kỳ trước phiếu tín nhiệm thấp thì kỳ sau đã cao hơn hẳn.

Bên cạnh đó, có sự chuyển biến rất rõ nét ở các ngành, các lĩnh vực đó. Tức là sau mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm, họ đã soi lại mình, phát huy các kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, tồn tại và có biện pháp tổ chức thực hiện năng động, sáng tạo hơn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc này có ý nghĩa, tác dụng thực sự chứ không phải hình thức như nhiều người vẫn nói.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), điểm mới của lần này là các đại biểu nhận được hồ sơ của các chức danh sớm để có thời gian nghiên cứu.

Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đem lại hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, người được lấy phiếu phải báo cáo về việc tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa trong nội bộ theo nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; tự đánh giá, kiểm điểm về việc thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình...

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động quan trọng, có giá trị đặc biệt để kiểm soát quyền lực các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm này rất cần thiết vì Quốc hội đang đánh giá hoạt động giữa nhiệm kỳ, do đó, kết quả sẽ giúp người được đánh giá cố gắng hơn nữa, nếu không đủ tín nhiệm có thể thay đổi.

Lấy hiệu quả của việc phục vụ nhân dân làm “thước đo” hiệu quả

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho rằng, khi đánh giá tín nhiệm, điều quan trọng nhất là các đại biểu Quốc hội phải lấy thước đo phục vụ nhân dân là cơ sở quan trọng để “đong đếm” uy tín và năng lực của các lãnh đạo ngành.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, cách hai tuần trước khi khai mạc kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã nhận được báo cáo về hoạt động của các chức danh sẽ được lấy phiếu kỳ này nên có thời gian nghiên cứu kỹ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, diện chức danh được lấy phiếu rất rộng (48 người), vì vậy để nắm được thông tin sâu về tất cả các chức danh là việc không dễ, đòi hỏi trách nhiệm rất cao của các đại biểu Quốc hội.

“Mỗi đại biểu phải nâng cao hơn nữa nhận thức, nắm bắt được toàn bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có lĩnh vực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả mới chính xác và khách quan”, đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, thông tin từ kiến nghị của cử tri là một trong những kênh rất quan trọng; giải quyết được những bức xúc của cử tri một cách nhanh chóng thì đó là công cụ để đánh giá tín nhiệm.

Đối với nhóm các chức danh lãnh đạo thuộc Chính phủ, theo đại biểu, cần nhìn vào kết quả cuối cùng của lĩnh vực mà Bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách xem có tiến bộ không hay thụt lùi so với trước.

Kết quả cuối cùng sẽ thể hiện một cách tổng quát, từ xây dựng thể chế tới tổ chức điều hành.

“Tổ chức điều hành có thể là trên tầm vĩ mô, cũng có những việc rất cụ thể, ở tầm vi mô. Nhưng chốt lại, kết quả cuối cùng sẽ là thước đo hiệu quả hoạt động của vị Bộ trưởng đó”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu ý kiến.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh khẳng định, việc bỏ phiếu tín nhiệm là hoàn toàn khách quan, không có chuyện những người được bỏ phiếu tổ chức lobby (vận động hành lang bằng việc mời mọc giao lưu, liên hoan tiệc tùng).

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa), để đánh giá sát thực và khách quan, cần căn cứ vào thực tiễn quá trình điều hành công việc, thể hiện năng lực hoạt động điều hành cũng như việc trả lời chất vấn trước Quốc hội, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, các đại biểu Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm đối với 48 chức danh không chỉ căn cứ vào hiệu quả giải quyết của ngành, mà còn dựa trên lập trường chính trị, quan điểm, năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm tại Bộ, ngành, lĩnh vực đó.

“Khi phát hiện ra trong ngành có dư luận không hay về việc này việc khác dư luận khác, cần xem Tư lệnh ngành đó đã xử lý ra sao chứ không phải đổ lên đầu các Bộ trưởng. Quan trọng là tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của Bộ trưởng để tháo gỡ vướng mắc đó khi có ý kiến của cử tri. Các đại biểu sẽ nhìn nhận một cách tổng quát để bỏ phiếu tín nhiệm”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) cho rằng, nhiều vị Bộ trưởng rất năng động, quyết tâm, nhưng khi thực hiện xử lý công việc phải dựa trên pháp luật, trong khi hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta còn có nhiều bất cập, vướng mắc nên hiệu quả đem lại chưa cao.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cần xem việc nào liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của các bộ trưởng, chứ không phải nghe thông tin gì đó không hay cũng đổ lỗi cho Bộ trưởng.

Vì vậy, các đại biểu Quốc hội cần phải căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ để thấy Bộ trưởng có nhiệm vụ quyền hạn gì và làm căn cứ đánh giá.

“Những Bộ trưởng tái cử tôi sẽ có những đòi hỏi cao hơn so với người mới làm khi xem xét bỏ phiếu tín nhiệm, tuy nhiên đều phải căn cứ vào hoạt động, điều hành thực tế của lãnh đạo đó” đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.

** Tiếp tục chương trình, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Kiến trúc.

Cần thiết ban hành Luật

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày nêu rõ: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật...

Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trên có nguyên nhân về thể chế. Cụ thể là đã có một số quy định pháp luật điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở một số văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống...

Do đó, việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Kiến trúc gồm 4 chương, 37 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động kiến trúc, những hành vi bị cấm đồng thời quy định 2 chính sách chính là Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc.

Về Quản lý kiến trúc, dự thảo Luật quy định yêu cầu chung về quản lý kiến trúc; yêu cầu đối với kiến trúc đô thị; yêu cầu đối với kiến trúc nông thôn; quy chế quản lý kiến trúc; phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc; điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc; Hội đồng Kiến trúc Quốc gia; thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; quản lý lưu trữ tài liệu.

Về Hành nghề kiến trúc, dự thảo Luật quy định về dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc; đạo đức hành nghề kiến trúc sư; quản lý thông tin hành nghề kiến trúc...

Quản lý kiến trúc đồng bộ, khả thi

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc như trong Tờ trình của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến thẩm tra thống nhất với phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật như trong dự thảo vì cơ bản đã phản ánh được các chính sách về kiến trúc, đáp ứng mục tiêu quản lý, phát triển, hành nghề kiến trúc.

Có ý kiến mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật về việc gìn giữ bản sắc kiến trúc Việt Nam; bảo tồn, phát huy kiến trúc các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nên chỉ tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc và theo đó tên gọi của Luật là Luật Kiến trúc sư.

Về yêu cầu quản lý kiến trúc, đa số ý kiến nhất trí với các quy định yêu cầu chung quản lý kiến trúc và yêu cầu kiến trúc đối với đô thị, nông thôn, khu phố cổ.

Có ý kiến đề nghị, nếu phân loại theo đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội thì ngoài các đối tượng là đô thị và nông thôn thì trên thực tế còn có các đối tượng khác cũng cần được rà soát, quản lý kiến trúc (khu chức năng; khu vực giáp ranh; công trình có kiến trúc cần được bảo tồn nhưng chưa được công nhận di sản văn hóa; nông thôn trong đô thị; kiến trúc công trình tôn giáo, tín ngưỡng; kiến trúc quân - dân sự; hải đảo…).

Nếu phân loại theo đặc điểm chuyên môn quản lý, các đối tượng có thể bao gồm: Kiến trúc công trình (nhà ở, công trình công cộng, công trình công nghiệp, kỹ thuật, nghệ thuật, quảng cáo…); Kiến trúc cảnh quan (không gian trước các tổ hợp kiến trúc, công viên, cây xanh, vườn hoa, mặt nước…); Kiến trúc không gian (không gian tổng thể).

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến trên, làm rõ các đối tượng quản lý kiến trúc theo hướng vừa mang tính đại diện nhưng vừa đồng bộ, thống nhất, khả thi trong quản lý và đáp ứng sự phát triển. Trên cơ sở phân loại, làm rõ đối tượng quản lý kiến trúc để xây dựng các yêu cầu và quy chế quản lý cho phù hợp, tránh chồng chéo, bỏ sót đối với từng đối tượng: đô thị, nông thôn, khu phố cổ...

Về Hội đồng Kiến trúc Quốc gia (Điều 13), đa số ý kiến đồng ý với sự cần thiết ban hành quy định này vì cho rằng đây là một trong những công cụ cần thiết cho quản lý, phát triển kiến trúc nhằm phát huy khả năng chuyên môn của các chuyên gia đối với hoạt động có tính đặc thù cao và tác động xã hội lớn; đồng thời còn đóng vai trò phản biện về chuyên môn đối với các ý kiến của cơ quan quản lý hoặc chủ đầu tư.

Thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, Hội đồng Quy hoạch-Kiến trúc vẫn đang hoạt động hiệu quả. Vì thế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Hội đồng; quy định linh hoạt hơn về thành viên và mở rộng hơn nhiệm vụ của Hội đồng./.