TCCSĐT - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Đan Mạch, ngày 20-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) với chủ đề “Lãnh đạo toàn cầu vì một tương lai bền vững”; tham dự buổi đối thoại bàn tròn cấp cao với các doanh nghiệp hàng đầu của Đan Mạch và Việt Nam trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh, cảng biển, logistics và công nghệ cao; hội kiến Nữ hoàng Margrethe Đệ Nhị.

* Tại buổi gặp mặt, báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Nguyễn Trường Thanh cho biết, với nhận thức cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, những năm qua, Đại sứ quán luôn quan tâm, làm tốt công tác cộng đồng.

Đại diện bà con kiều bào tại Đan Mạch bày tỏ xúc động được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn thăm chính thức Đan Mạch và dành thời gian đến động viên bà con.

Hiện nay, bà con kiều bào luôn đoàn kết, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, một lòng một dạ hướng về Tổ quốc, hòa nhập tốt xã hội sở tại.

Ân cần thăm hỏi bà con, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được đến thăm Đan Mạch - đất nước có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam và gặp mặt, thăm hỏi bà con kiều bào.

Gửi tới bà con kiều bào những tình cảm nồng ấm từ quê hương, Thủ tướng mong bà con đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau nơi xa xứ; đồng thời làm tốt vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Đan Mạch trên mọi lĩnh vực.

Thủ tướng mong bà con gìn giữ văn hóa, đạo đức truyền thống của quê hương; chăm sóc, tạo điều kiện cho con em trong học tập, tiếp thu kiến thức, khoa học - công nghệ mới, vươn lên phát triển, hướng về xây dựng Tổ quốc, quê hương.

Thông báo với bà con tình hình đất nước, Thủ tướng cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đất nước đã vượt mọi khó khăn, đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trên các mặt. Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân, doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ công tác của Đại sứ quán, Thủ tướng nhấn mạnh, cần làm tốt công tác ngoại giao kinh tế, kết nối mạnh mẽ hợp tác đầu tư giữa hai nước; làm tốt công tác cộng đồng, quan tâm, giúp đỡ bà con cải thiện cuộc sống về vật chất và tinh thần. Điều đó có ý nghĩa, là nguồn động viên rất lớn đối với bà con, Thủ tướng bày tỏ.

Do đó, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cần nỗ lực, trách nhiệm với công việc, xứng đáng với trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng niềm tin yêu của bà con cộng đồng.

** Sáng 20-10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) với chủ đề “Lãnh đạo toàn cầu vì một tương lai bền vững”.

Cùng tham dự Hội nghị quy mô lớn này, ngoài Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen còn có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Đáng chú ý, tham dự Hội nghị lần này có 30 lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, thương mại đầu tư, công nghệ cao.

Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đề ra tầm nhìn, định hướng lớn, các biện pháp, hành động cụ thể về thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng các dự án, chương trình hợp tác công tư tiềm năng tăng trưởng xanh sẽ nhanh chóng được triển khai góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến 2030.

Thủ tướng nhấn mạnh là một trong số những quốc gia tham gia sáng lập Hội nghị P4G, Việt Nam đã chính thức công bố Hội nghị P4G quốc gia với sự đồng chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủ tướng tin tưởng tại hội nghị lần này, doanh nghiệp sẽ đồng hành với Chính phủ, thực hiện thành công mục tiêu vì sự phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tháng 9-2018, Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế rác thải nhựa và cộng đồng ven biển: Thực trạng rác thải nhựa và sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn nhằm tăng cường thực thi pháp luật thúc đẩy giải pháp hiệu quả giảm ô nhiễm rác thải nhựa.

Nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp đã được Chính phủ ghi nhận và triển khai cụ thể.

Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của hội nghị P4G, đặc biệt là Chính phủ Đan Mạch trong thúc đẩy phát triển bền vững thông qua triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, nhất là các hỗ trợ tài chính cho các đối tác khởi nghiệp với hai dự án được thực hiện ở Việt Nam. Đó là dự án Đối tác tài chính hỗn hợp cho nước và giữ ấm thị trường vật liệu thứ cấp của Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hợp tác hiệu quả trong xác lập các dự án hợp tác công tư tiềm năng trong tăng trưởng xanh, hỗ trợ Hội nghị P4G quốc gia Việt Nam trong việc gắn kết, điều phối và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Việt Nam khẳng định chung tay hành động cùng với các Chính phủ thành viên của hội nghị hiện thực hóa mục tiêu xanh toàn cầu đến năm 2030”, Thủ tướng nhấn mạnh như vậy, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác thực hiện các sáng kiến của hội nghị, thúc đẩy các dự án hợp tác công tư PPP trong tăng trưởng xanh, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, tài nguyên nước, phát triển đô thị thông minh…

Trong phát biểu tại hội nghị, các nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự đề cao yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng, cho rằng đây là “những mục tiêu mang ý nghĩa sống còn” và là “những thách thức cấp thiết” đối với nhiều quốc gia hiện nay.

Các nhà lãnh đạo cho rằng để đạt được các mục tiêu tăng trưởng bền vững cho các thế hệ tiếp theo thì các quốc gia cần chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những sáng kiến trong khuôn khổ hội nghị và coi đây là “kim chỉ nam” để các quốc gia xây dựng chính sách hướng tới tăng trưởng xanh và phối hợp các hành động giữa các chính phủ. Cần có sự chung tay nỗ lực của thế giới vì không có chính phủ hay là một quốc gia nào có thể ứng phó với biến đổi khí hậu một cách riêng lẻ.

Các nhà lãnh đạo cũng cam kết giảm sử dụng các nguyên liệu thô tới năm 2030. Và để đạt được những mục tiêu này, không chỉ giới hạn trong hợp tác giữa các chính phủ mà còn phải mở rộng cho các cộng đồng các tổ chức xã hội đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Tại Hội nghị, các chính phủ thành viên của Hội nghị khẳng định cam kết chung tay hành động đưa ra các sáng kiến, ý tưởng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu dưới hình thức thúc đẩy hợp tác công tư tiềm năng trong các dự án xanh.

** Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự buổi đối thoại bàn tròn cấp cao với các doanh nghiệp hàng đầu của Đan Mạch và Việt Nam trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh, cảng biển, logistics và công nghệ cao.

Buổi tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch và các bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tinh thần hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước; đặc biệt Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tích cực hơn nữa trong việc đóng góp các ý tưởng vào việc hoạch định chính sách của Việt Nam; đồng thời phát huy vai trò “cầu nối” đi đầu thúc đẩy hợp tác hai nước Việt Nam - Đan Mạch.

Thủ tướng cũng thông tin đến các doanh nghiệp Đan Mạch về những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam như lao động trẻ, tốc độ phát triển công nghệ, viễn thông nhanh chóng; tăng trưởng GDP thuộc diện hàng đầu thế giới; hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thủ tướng nêu rõ hiện tại, Việt Nam có hơn 130 Doanh nghiệp Đan Mạch đang kinh doanh và đầu tư tuy nhiên, những kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực như vận tải biển, đóng tàu, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, chăn nuôi, thủy sản, chế biến thực phẩm, công nghiệp dược, y tế, giáo dục, xây dựng thành phố thông minh…

“Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành cùng các bạn,” Thủ tướng khẳng định và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ mang đến Việt Nam những công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, thực thi tốt những cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hướng đến chuẩn mực OECD.

Cùng với đó là giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế; phát triển chuỗi cung ứng và thị trường giao dịch; minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Đề cập đến những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và cùng hợp tác chặt chẽ để thực thi hiệu quả hiệp định quan trọng này sau khi được ký kết; coi đây như một “nàng tiên cá”, một “phép màu” trong hợp tác, đầu tư và vì sự thịnh vượng chung của người dân hai nước.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp Đan Mạch đã giới thiệu về những thành tựu đã đạt được trong quá trình hợp tác kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, các dự án đầu tư hợp tác thương mại trong tương lai và đề xuất về biện pháp tạo thuận lợi và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Các nhà đầu tư Đan Mạch cũng đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách.

Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước Việt Nam - Đan Mạch không ngừng gia tăng; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày một phát triển tích cực.

Các nhà đầu tư bày tỏ quan tâm và nêu một số vấn đề với Thủ tướng và Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam trong các lĩnh vực như tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài; việc quản lý nguồn nước, nhất là nguồn nước tại đô thị thông minh; phát triển năng lượng tái tạo, điện gió…

Các nhà đầu tư Đan Mạch đang có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng và Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan giảm thiểu thời gian thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam để ưu tiên thời gian cho phát triển sản xuất; cải tiến, tạo điều kiện về mặt thuế quan cho các lĩnh vực như phát triển năng lượng và một số lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích…

Trao đổi với các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành nhấn mạnh Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và sẵn sàng bán cổ phần những doanh nghiệp lớn cho các đối tác nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Đan Mạch trên cơ sở công khai, minh bạch, cùng có lợi.

Hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị và ý tưởng kinh doanh của các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực điện gió, cảng biển, công nghệ cao…

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành mong muốn doanh nghiệp Đan Mạch mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam là một thị trường lớn, giàu tiềm năng hợp tác, kinh doanh.

** Chiều 20-10 theo giờ Việt Nam Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã hội kiến Nữ hoàng Margrethe Đệ Nhị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng thăm Vương quốc Đan Mạch tươi đẹp và hiếu khách; đồng thời đánh giá cao những thành tựu to lớn nhân dân Đan Mạch đạt được dưới sự trị vì của Nữ hoàng.

Thủ tướng cũng cảm ơn tình cảm đặc biệt của Nữ hoàng, Hoàng gia và nhân dân Đan Mạch đã dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất trước đây và xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế ngày nay.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với Đan Mạch. Những tình cảm hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc là cơ sở để hai nước làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện trong thời gian tới và mong luôn nhận được sự ủng hộ của Nữ hoàng và Hoàng gia Đan Mạch.

Nữ hoàng Margrethe Đệ Nhị bày tỏ hài lòng nhận thấy hợp tác Việt Nam - Đan Mạch thời gian qua phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Bà cũng cảm ơn Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã dành sự đón tiếp thịnh tình trong các chuyến thăm Việt Nam của Nữ hoàng năm 2009 và của Hoàng thân Frederik năm 2011.

Nữ hoàng cho biết vẫn lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc về các chuyến đi trên và vui mừng thấy nhân dân Việt Nam đã có nhiều thành tựu trên con đường phát triển và hội nhập, khẳng định luôn ủng hộ sự phát triển quan hệ giữa hai nước./.