Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang
TCCSĐT - Sáng 27-9, Lễ truy điệu đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê hương Chủ tịch nước - xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Trong niềm tiếc thương sâu sắc, hai ngày qua (từ ngày 26 đến 27-9), 1.658 đoàn với khoảng 50.000 người, đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sỹ trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời, 164 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế, trong đó có 16 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước, bạn bè quốc tế đã gửi thư, điện chia buồn cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến đồng chí Trần Đại Quang.
Từ sáng sớm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, các tầng lớp nhân dân đã đến dự Lễ tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Đúng 7 giờ 30 phút, Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang được cử hành trọng thể.
Dự Lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh…
Cùng dự có các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các bậc lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, đại diện các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, tôn giáo, đông đảo các tầng lớp nhân dân, cùng gia quyến đồng chí Trần Đại Quang.
Đồng chí Phăn-khăm Vị-pha-văn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã dự Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam; các tầng lớp nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã dự Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Dự Lễ truy điệu Chủ tịch nước tại quê nhà - xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo nhân dân địa phương.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Quốc thiều Việt Nam được cử hành để tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Lễ tang đọc Điếu văn nêu rõ: Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đại biểu Quốc hội, nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, đã vĩnh biệt chúng ta. Đây là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến Đồng chí.
Đồng chí Trần Đại Quang sinh ngày 12-10-1956 tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng. Đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 7-1980.
Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động, công tác của đồng chí Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hơn 45 năm hoạt động, công tác, từ khi là học viên Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương đến khi giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động, công tác của Đồng chí gắn liền với lực lượng Công an nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) về bảo đảm an ninh, trật tự. Chủ động chỉ đạo nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có ý nghĩa chiến lược về bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Những cố gắng, nỗ lực và kết quả nêu trên của Đồng chí với cương vị là người đứng đầu lực lượng Công an nhân dân đã góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động đối ngoại của đất nước.
Từ sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII tháng 4-2016 đến nay, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật. Qua đó, đã tích cực góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, thương yêu đồng chí, đồng bào; thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi, trân trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, được đồng chí, đồng bào quý mến, bạn bè quốc tế trân trọng.
Trong công tác, Đồng chí là cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng và lợi ích quốc gia, dân tộc; có ý chí chiến đấu cao; kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhà nước và nhân dân.
Trong gia đình, Đồng chí là người chồng, người cha mẫu mực, đức độ và giàu lòng nhân ái. Với 63 tuổi đời, 38 năm tuổi Đảng, đồng chí Trần Đại Quang đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận trao tặng Đồng chí nhiều huân, huy chương cao quý và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Tiễn biệt đồng chí Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong giờ phút tiếc thương và xúc động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng gửi đến gia quyến đồng chí Trần Đại Quang lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được.
Đại diện gia đình, anh Trần Quân, con trai trưởng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cùng lãnh đạo các địa phương, các cơ quan đoàn thể, đơn vị; lãnh đạo cấp cao các nước, bạn bè quốc tế, các cơ quan ngoại giao đoàn, đồng bào, đồng chí, bạn bè cũng như anh em họ hàng đã đến chia buồn, tiễn đưa cha mình về nơi yên nghỉ cuối cùng; gửi lời cảm ơn các giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế trong nước và Nhật Bản đã quan tâm điều trị, chăm sóc hết lòng cho cha mình trong thời gian lâm bệnh, cho đến những giây phút cuối đời.
Anh Trần Quân xúc động bày tỏ: “... Những tình cảm chân thành, chia sẻ sâu sắc, những cử chỉ tốt đẹp mà lãnh đạo các nước, bạn bè quốc tế, đồng chí, đồng bào dành cho cha tôi trong những ngày qua cũng chính là dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đất nước và nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đồng chí, đồng bào đã đi quanh linh cữu lần cuối tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Trong nền nhạc trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra cỗ linh xa, tiễn đưa đồng chí Trần Đại Quang về nơi an nghỉ cuối cùng.
Linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phủ Quốc kỳ trang trọng. Linh xa đưa linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang rời Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) trở về quê hương Ninh Bình.
13 giờ 30 phút ngày 27-9, Đoàn xe đưa linh cữu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã về đến quê nhà tại xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đông đảo người dân đã chờ ở đây để tiễn đưa Chủ tịch nước về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đúng 15 giờ 30 phút ngày 27-9, Lễ an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nơi an nghỉ cuối cùng đã được cử hành.
Dự Lễ an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang có các đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân và đông đảo nhân dân địa phương.
Sau khi đội Tiêu binh bắt đầu nghi lễ hạ huyệt, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng gia quyến Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thả những nắm đất đầu tiên, tiễn đưa Chủ tịch nước về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong niềm tiếc thương sâu sắc, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí, đồng bào và gia đình dành một phút mặc niệm và đi vòng quanh mộ vĩnh biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Hơn 45 năm hoạt động, công tác, đồng chí là nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào 10 giờ 05 phút ngày 21-9.
Trong niềm thương tiếc khôn nguôi, thay mặt Ban Tổ chức Lễ tang và gia đình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang phát biểu chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện cơ quan đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang, nhân sỹ trí thức, chức sắc tôn giáo, lãnh đạo các nước, các đoàn ngoại giao, bạn bè quốc tế cùng đồng bào, đồng chí trong cả nước đã đến viếng, gửi vòng hoa chia buồn, dự lễ truy điệu, lễ an táng, tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nơi an nghỉ cuối cùng…/.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở  (27/09/2018)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 17 đến 23-9-2018)  (27/09/2018)
Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương  (27/09/2018)
Đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế: Thực tiễn và kinh nghiệm của Việt Nam  (27/09/2018)
Giữa tháng 10, Bio Ethanol Dung Quất sẽ khởi động lại  (27/09/2018)
Sứ quán Việt Nam tại các nước tổ chức viếng Chủ tịch nước  (26/09/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay