Phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang tại Ðại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII
11:03, ngày 07-08-2010
Hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi tới dự Ðại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng, tôi xin gửi đến Ðại hội lời chào mừng nồng nhiệt và qua các nhà văn, xin gửi đến toàn thể những người viết văn, những người dạy văn, nghiên cứu, phê bình văn học và công chúng yêu mến văn học những tình cảm quý mến và thân thiết nhất.
...Ðại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII tiến hành vào thời điểm đã và đang diễn ra những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc ta, đất nước ta, của Ðảng ta. Ðồng thời, cũng là thời điểm tiến hành đại hội Ðảng các cấp tiến tới Ðại hội lần thứ XI của Ðảng. Ðại hội sẽ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội X, mười năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 để bổ sung, phát triển Cương lĩnh đó, quyết định chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong các giai đoạn tới sau khi Việt Nam ta vừa mới nỗ lực thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành cuộc đấu tranh kiên cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, giành được những thắng lợi vĩ đại. Ðó là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời, chuyển đất, đập tan ách thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, đưa nước ta vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Ðó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Ðó là thắng lợi của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đã đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Những thắng lợi vĩ đại đó đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn tới xây dựng thành công "một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh" như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
...Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã hun đúc nên văn hóa Việt Nam, tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam. Truyền thống văn hóa, bản lĩnh, tâm hồn, khí phách đó đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô địch, làm rạng rỡ dân tộc ta, đất nước ta. Trong nền tảng văn hóa đó, nền văn học Việt Nam chúng ta có truyền thống lâu đời rất đáng tự hào, luôn gắn bó, đồng hành cùng lịch sử hào hùng của dân tộc; với những tài năng lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Ðình Chiểu, Hồ Chí Minh... đã thể hiện rực rỡ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, bản sắc, tinh hoa, khí phách con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam; góp phần to lớn làm nên nền văn hiến của dân tộc. Truyền thống lâu đời, đáng tự hào của văn học Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong 80 năm qua, nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam đã hòa mình, gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, với cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ cho độc lập tự do, thống nhất đất nước, trong đó có những nhà văn đã ngã xuống trên chiến trường, gắn bó với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sáng tạo nên nền văn học cách mạng, nhiều tác phẩm có giá trị rất đáng trân trọng, tự hào.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Nhà văn Việt Nam đã không ngừng được củng cố, làm tốt nhiệm vụ tập hợp, hình thành một đội ngũ nhà văn ngày càng đông đảo. Năm năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa, cổ vũ, động viên, tạo điều kiện cho các nhà văn sáng tác, thúc đẩy hoạt động phê bình, mở rộng giao lưu quốc tế. Nền văn học của chúng ta tiếp tục đổi mới và phát triển, các nhà văn tâm huyết tìm tòi, sáng tạo, cống hiến nhiều tác phẩm mới giàu tính nhân văn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng con người và văn hóa Việt Nam. Nhân Ðại hội trọng thể này, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng, tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu lớn của các thế hệ nhà văn, biểu dương bước trưởng thành mới của Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua.
...Chỉ còn ít tháng nữa, Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI sẽ được tiến hành. Ðây là một sự kiện chính trị rất quan trọng trong đời sống xã hội, có ý nghĩa quyết định sự phát triển của đất nước trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, kiên trì con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta đang nỗ lực phấn đấu, nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng nước ta trở thành một quốc gia "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc vĩ đại đó của nhân dân ta là nguồn cảm hứng, đề tài vô tận, đồng thời đặt trước các nhà văn trách nhiệm, sứ mệnh cao cả sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, những hình tượng nghệ thuật có sức lay động lòng người về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân chủ, nhân văn, góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm, bản lĩnh các thế hệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tôi tin tưởng rằng, với đội ngũ các nhà văn giàu tài năng, tâm huyết và trách nhiệm với nhân dân và đất nước, văn học Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều tác phẩm hay, có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng lòng mong đợi của Ðảng, Nhà nước, nhân dân và những người yêu mến văn học.
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật khẳng định: Ðảng và Nhà nước khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo, mọi phong cách và bút pháp; tôn trọng tự do sáng tạo nghệ thuật đi đôi với đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà văn; tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết về tinh thần và vật chất cho các nhà văn, giúp các nhà văn thâm nhập cuộc sống phong phú, sinh động của nhân dân ta để sáng tạo ra những tác phẩm phản ánh sâu sắc hiện thực của đất nước, của con người Việt Nam thời đại mới. Các nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực mà còn góp phần tạo nên hiện thực; bằng lao động sáng tạo của mình xây dựng nên những hình tượng văn học tiêu biểu của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; lấy cái tốt, cái thiện đẩy lùi cái xấu, cái ác; lấy nhân tố tích cực đẩy lùi những tiêu cực đang làm xói mòn những giá trị tư tưởng, đạo đức cao đẹp của dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước.
Từ nay đến đầu năm 2011, các cơ chế, chính sách cho phát triển văn học, nghệ thuật, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ được đề ra trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị tiếp tục được các cơ quan quản lý nhà nước ban hành, thực hiện trong cuộc sống, chắc chắn sẽ góp phần tạo nên động lực to lớn cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ hăng say lao động sáng tạo, tạo nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, xứng đáng với tầm vóc và những thành tựu vĩ đại của dân tộc ta. Tuy nhiên, nhân tố quyết định làm nên những tác phẩm để đời vẫn là tài năng, tâm huyết và nỗi lòng đau đáu của các nhà văn đối với cuộc sống, với con người, với nhân dân và vận mệnh thiêng liêng của Tổ quốc. Nhân dân ta, Ðảng và Nhà nước ta kỳ vọng các nhà văn Việt Nam đem hết tài năng, trí tuệ và tấm lòng làm ra những tác phẩm xuất sắc, thỏa lòng công chúng văn chương hôm nay, để lại cho con cháu mai sau, sánh bước cùng nền văn học các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Một số thế lực xấu, thù địch vẫn không ngừng tìm mọi cách chống phá đất nước ta trên mặt trận văn hóa, văn học, nghệ thuật, tìm mọi cách để tác động đến nhà văn và xu hướng phát triển văn học nước ta, với âm mưu làm cho văn học, nghệ thuật xa rời các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng. Ðối với chúng ta, dân chủ và tự do là vô cùng quý giá. Cả thế kỷ qua, chúng ta đã chiến đấu vì mục tiêu đó và đang tiếp tục phấn đấu để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình và hữu nghị, phồn vinh. Tôi tin rằng, các nhà văn của chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vững vàng, khẳng định niềm tin và chỗ đứng của mình trong sự nghiệp cao cả của nhân dân, phấn đấu để mãi mãi "nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" như ham muốn tột bậc của Bác Hồ kính yêu.
...Ðại hội VIII Hội Nhà văn là một sự kiện chính trị quan trọng của các nhà văn Việt Nam, với việc dân chủ thảo luận, đánh giá đúng tình hình hoạt động của Hội Nhà văn, sự phát triển của văn học trong những năm vừa qua; xác định phương hướng, nhiệm vụ của Hội Nhà văn, hoạt động văn học trong những năm tới và bầu ra một Ban Chấp hành hội đủ phẩm chất và năng lực, bảo đảm triển khai có kết quả Nghị quyết của Ðại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam, các đường lối, chủ trương của Ðảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Thành công của Ðại hội nhất định sẽ tạo ra bước phát triển mới của văn học nước nhà, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Với niềm tin tưởng đó, tôi xin chúc Ðại hội thành công tốt đẹp. Chúc các nhà văn, các đồng chí và các vị đại biểu sức khỏe và thành tựu.
Ông Nguyễn Văn Đọc được bầu là Chủ tịch UBND Quảng Ninh  (06/08/2010)
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn hiện nay  (06/08/2010)
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn hiện nay  (06/08/2010)
Tiến tới Hội nghị Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN lần thứ 4  (06/08/2010)
Tiến tới Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam  (06/08/2010)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên