Niềm tin của nhà đầu tư ngoại với kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định
TCCSĐT - Ngày 30-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 với rất nhiều nội dung quan trọng cả về kinh tế - xã hội và xây dựng thể chế.
* Ngay trong phần đầu tiên của phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên Đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam phấn đấu có huy chương trong trận đấu với Đội bóng Olympic Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất.
Động viên Đội bóng Olympic Việt Nam có huy chương
Thủ tướng biểu dương thành tích tốt của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD 2018 với 4 Huy chương Vàng và nhiều giải bạc, đồng và các thành tích khác. Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, việc Đội tuyển bóng đá nam Olympic lọt vào đến vòng tứ kết là một thành tích lịch sử của thể thao Việt Nam và bóng đá nước nhà.
Hiện Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 18 xếp thứ 15 toàn đoàn, Thủ tướng đánh giá, như vậy theo kế hoạch, đã vượt yêu cầu đề ra là xếp ở thứ hạng từ 15 - 18 toàn đoàn với số lượng huy chương vàng từ 3 đến 5. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên Đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam phấn đấu có huy chương trong trận đấu với Đội bóng Olympic Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất sắp tới.
Trong một lĩnh vực khác, Thủ tướng đánh giá cao Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và một số địa phương khác với nhiều hoạt động sôi nổi.
Thủ tướng cho rằng, thành công của sự kiện này tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người Việt Nam ở nước ngoài có tài năng, có mong muốn xây dựng quê hương và cũng khẳng định chủ trương phát triển khoa học công nghệ của nước nhà.
Đề cập đến 10 nội dung của Phiên họp lần này, trong đó nhiều nội dung sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2018 sẽ khai mạc cuối tháng 10 tới, Thủ tướng đề nghị các thành viên dự họp cho ý kiến toàn diện, tập trung vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Chính phủ thảo luận, biểu quyết.
Công nghiệp là động lực tăng trưởng
Nhấn mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội tháng 8; 8 tháng 2018 và kế hoạch 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ trưởng, nhất là các ngành kinh tế tổng hợp, các khối có các góc nhìn toàn diện, với trách nhiệm cao nhất, đánh giá cụ thể cả thành tích và hạn chế để từ đó, phân tích làm rõ nguyên nhân; đề ra các giải pháp phù hợp.
Đánh giá chung tình hình kinh tế tháng 8, tốt hơn tháng 7, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,45%, bình quân 3,52%, ước cả năm tăng dưới 4% theo đúng chỉ tiêu của Quốc hội.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước phức tạp như vậy, nhưng do chính sách điều hành phù hợp, nhất là chính sách tiền tệ nên lạm phát không tăng trong khi “nhiều nước bị chao đảo” về vấn đề này, Thủ tướng phân tích.
Cùng với đó, các ngành kinh tế chủ yếu có xu hướng tăng tốt hơn; trong đó công nghiệp tháng 8 tăng 13,4% trên nhiều lĩnh vực. “Đây là động lực tăng trưởng nhiều nhất để đóng góp vào tăng trưởng GDP” Thủ tướng nói và cho biết, tổng mức bán lẻ tăng gần 12%, xuất nhập khẩu 14,5%. Cả nước đã có trên 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Xuất siêu giữ được mức 2,8 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư có sự cải thiện rõ nét. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng 8 tăng gần 7%; 8 tháng tăng 11,3% so với kế hoạch năm. Thu hút FDI đạt trên 19 tỷ USD, vốn thực hiện lên đến 11,5 tỷ USD. Vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 5.28 tỷ USD tăng 50,9%.
“Niềm tin của nhà đầu tư ngoại đối với kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có nhiều yếu tố phức tạp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng trước việc, trong tháng 8, đã có trên 67.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% so với tháng trước về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về vốn đăng ký. Đáng chú ý, gần 21 ngàn doanh nghiệp hoạt động trở lại, văn hóa, xã hội phát triển. Trong 8 tháng vừa qua, số hộ thiếu đói giảm 8,7%, số nhân khẩu thiếu đói giảm 40,4%. Các cấp, ngành đã tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân.
Quốc phòng, an ninh đối ngoại được tăng cường, chính trị ổn định, uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục tăng. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng cho biết thêm.
Nhấn mạnh đến việc Việt Nam đăng cai tổ chức WEF - ASEAN 2018 vào tháng 9 tới tại Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh đây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2018 của đất nước, với nhiều lãnh đạo các nền kinh tế lớn tham dự. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao, các cấp, các ngành cần làm thật tốt công tác chuẩn bị cho sự kiện này.
Về những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhắc đến tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp; trong khi đó nhiều địa phương còn chưa có kế hoạch cụ thể để đối phó. Bên cạnh đó, giá cả nông sản, vấn đề khai thác bất hợp pháp thủy sản. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm một số cơ quan báo chí đăng tin bôi xấu cá tra Việt Nam vì đây là những mặt hàng chủ lực, liên quan đến phát triển kinh tế và đời sống người dân Việt Nam.
Có thể 8 chỉ tiêu sẽ vượt kế hoạch
Đánh giá sơ bộ về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước cả năm 2018, Thủ tướng nhận định, qua phân tích số liệu, có thể trong số 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, sẽ có 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt trên 6,7%; thu ngân sách vượt dự toán 3% - 5%. Các chỉ tiêu khác cũng có thể sẽ vượt cao, nhất là xuất siêu; nợ công giảm, lạm phát giữ được ở mức dưới 4% theo Nghị quyết Quốc hội giao.
“Tình hình thực hiện kế hoạch 2018 là rất đáng mừng cho đất nước kể cả về số lượng và chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năng suất lao động xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh kể cả cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục đạt được nhiều điểm nhấn tốt”, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng cũng đề nghị tại Phiên họp lần này, các thành viên Chính phủ tích cực thảo luận các chỉ tiêu, định hướng kế hoạch kinh tế - xã hội 2019 và giai đoạn 2019 - 2021.
Về mức tăng trưởng cho giai đoạn này, Thủ tướng đề nghị ở mức từ 6,5% - 6,7%; các thành viên Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể, toàn diện trên cơ sở quy mô nền kinh tế Việt Nam, diễn biến và hậu quả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ thương mại lan rộng ở nhiều nước…
Đối với những nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian từ nay đến hết năm còn dài, các yếu tố thiên tai, lũ lụt vẫn ở trước mắt, việc hoàn thành kế hoạch năm 2018 vẫn là một thách thức lớn trong quản lý, điều hành và đòi hỏi một sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành.
Trong buổi làm việc sáng nay, các thành viên Chính phủ họp bàn về công tác xây dựng thể chế, cho ý kiến đối với một số dự thảo luật và các dự thảo văn bản chuyên ngành khác.
** Chiều cùng ngày, tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều nội dung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018. Chính phủ cũng cho ý kiến về các báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021…
Các thành viên Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế diễn biến hết sức phức tạp, 8 tháng qua, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước đều đạt được ở mức cao nhất. Các cân đối lớn của nền kinh tế đều được bảo đảm, qua đó, không chỉ tạo ra niềm tin mà còn tạo tiền đề vững chắc cho những năm tới. Với tinh thần bám sát thực tiễn, “không được ngủ quên trên vòng Nguyệt quế”, Chính phủ luôn xác định những khó khăn chính, thách thức trong các phiên họp thường kỳ hằng tháng, hằng quý để đề ra các giải pháp phù hợp, kịp thời.
Dự báo về những thách thức nổi cộm trong những tháng còn lại của năm 2018, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, hai yếu tố lớn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên mức hết sức căng thẳng sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Yếu tố thứ hai là cảnh báo thiên tai từ nay đến cuối năm với những nguy cơ tiềm ẩn sẽ gây hậu quả lớn. Bởi lượng mưa năm 2018 lớn hơn gấp nhiều lần năm ngoái, nguy cơ tác động mạnh đến diện tích lúa, sản xuất nông nghiệp. Điều đáng lo ngại, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay mực nước cao hơn năm ngoái và dự kiến cuối tháng 9 sẽ lên đến đỉnh lũ, ẩn chứa nhiều tổn thương cho khu vực này.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các dự thảo Báo cáo được lấy ý kiến tại buổi làm việc, đã sát với tình hình thực tiễn và đặc biệt là ý kiến của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu những cơ quan soạn thảo hoàn thiện kết cấu, nội dung các dự thảo Báo cáo để trình Trung ương, Quốc hội cho ý kiến.
Yên tâm bỏ vốn làm ăn
Về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2018, Thủ tướng cho rằng bảo đảm sự phát triển toàn diện của đất nước. Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều chuyển biến mới, xu hướng tốt trong quản lý, điều hành và thực hiện kế hoạch như: Chi thường xuyên giảm, chi đầu tư tăng lên; công nghệ 4.0 được áp dụng bước đầu; vấn đề môi trường được quan tâm; phát triển toàn diện các vùng, miền; khắc phục được một số khâu yếu như công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp chất lượng cao phát triển; các sản phẩm xuất khẩu mở rộng hơn…
“Niềm tin xã hội và niềm tin thị trường được khẳng định” - Thủ tướng nói và nhận xét: Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được bảo đảm, sức chống chịu của nền kinh tế được cải thiện.
Thủ tướng ghi nhận kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các cấp chính quyền đã quan tâm hơn đến việc xử lý, đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
“Cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang rất yên tâm bỏ vốn làm ăn”, Thủ tướng nói.
Trở lại với nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2018 còn 4 tháng nữa, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn trong và ngoài nước, Thủ tướng lưu ý tinh thần: “Không được lơ là, chủ quan. Tổ chức thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp đề ra. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong các mặt công tác của bộ, ngành, địa phương”.
Nhấn mạnh đến một số nội dung cụ thể, Thủ tướng lưu ý hàng đầu đến nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phải coi đây là “nhiệm vụ thường xuyên”. Mặc dù vấn đề này được các tổ chức quốc tế đánh giá tốt nhưng Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải một mặt đưa vào các lĩnh vực còn dưa địa cho phát triển, nhưng mặt khác phải dự liệu những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến của tình hình thế giới.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý căn bản nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém.
Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách Nhà nước, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, phấn đấu giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước ở mước dưới 3,7% GDP.
Chưa chấp nhận bất cứ địa phương nào hụt thu
“Đến nay Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ chưa chấp nhận bất cứ địa phương nào hụt thu, trừ những trường hợp đặc biệt”, Thủ tướng nêu rõ.
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cụ thể tình hình giải ngân của từng địa phương; có những giải pháp mạnh, kiên quyết cắt giảm để bố trí vốn cho các công trình, dự án cấp bách theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành các biện pháp cần thiết thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và lưu ý không để người dân bị thiệt thòi như trong thời gian qua; tăng cường nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát chặt chẽ việc đánh bắt trái phép, sai quy định.
Thủ tướng chỉ đạo có các giải pháp cụ thể dự liệu phòng chống mưa lũ, thiên tai, nhất là trước tình trạng mực nước lên cao như hiện nay ở miền Tây Nam bộ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người già và trẻ em.
Bộ Giao thông Vận tải cần đẩy mạnh triển khai các công trình để giải tỏa bức xúc hiện nay ở các trung tâm lớn của đất nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước có thương hiệu quốc gia có giá trị như xe hơi, chế biến nông sản. Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, rà soát, đánh giá cụ thể tình hình thực hiện các FTA, đề xuất các giải pháp phù hợp để bảo đảm cân đối thương mại, kiểm soát chặt, ngăn chặn nhập lậu qua biên giới. Mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu, tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm Việt, chất lượng cao đi đôi với bảo vệ hệ thống bán lẻ của Việt Nam với hơn 100 triệu dân.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương bảo đảm tốt nhu cầu đi lại của người dân, trật tự an toàn giao thông nhất là trong thời gian dịp Quốc khánh 2-9 và khai giảng năm học mới.
Thủ tướng nhắc lại chỉ tiêu phấn đấu đạt trên 15 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2018 và yêu cầu tăng cường mở các đường bay vàng ở một số địa bàn trọng điểm để đến sang năm phải đạt trên 20 triệu khách quốc tế vào năm 2018.
Cùng với đó, phát triển sản xuất vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đề phòng một số dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tổ chức tốt khai giảng tốt năm học mới 2018 - 2019 bảo đảm không thiếu trường học, giáo viên và lưu ý cao đến nhiệm vụ nhà vệ sinh đạt chuẩn cho học sinh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, đôn đốc thực hiện các Nghị quyết 19; Nghị quyết 35 của Chính phủ theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp và cắt giảm các điều kiện kinh doanh./.
Hoàn thiện các quy định về điều kiện trong đấu giá đất sạch  (30/08/2018)
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết tốt chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp  (30/08/2018)
73 công trình, giải pháp khoa học sáng tạo được trao giải Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018  (30/08/2018)
Hợp tác ASEAN - Nhật Bản: Thành tựu trên nhiều lĩnh vực  (30/08/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên