TCCSĐT - Sáng 15-8, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2006 - 2018.

Hội nghị diễn ra đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức thi đua lập thành tích thiết thực kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 02-9 (1945-2018), 73 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19-8-1945 - 19-8-2018) và 13 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19-8-2005 - 19-8-2018).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Dự hội nghị có Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an nhân dân đã có nhiều nỗ lực, kiên trì bám dân, bám cơ sở, năng động, sáng tạo, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường... tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Qua đó, phong trào đã có bước phát triển mới, sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Các mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, nhân rộng theo từng địa bàn, lĩnh vực, phù hợp với thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, được đông đảo nhân dân ủng hộ, tích cực hưởng ứng.

Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, nhân rộng thông qua việc liên kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia, góp phần phòng ngừa, khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các tai nạn, tệ nạn xã hội và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến được xác định là con đường ngắn nhất để thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống tội phạm.

Trong giai đoạn 2006 - 2018, cả nước có 2.080 mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhiều mô hình phát huy hiệu quả tốt, như: “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh trật tự”, “Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự”, “Dòng họ, tộc họ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ, nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự”, “Camera phòng, chống tội phạm” và các mô hình: Ban Bảo vệ dân phố; dân phòng; tổ, đội tự quản an ninh, trật tự; câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; tổ tuần tra nhân dân...

Qua đó đã cung cấp cho lực lượng Công an nhân dân hàng triệu tin có giá trị cao, giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá hơn 300.000 vụ án, bắt giữ gần 200.000 đối tượng; triệt phá hàng vạn băng, ổ nhóm tội phạm, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân, tạo môi trường ổn định, phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương quần chúng mưu trí, dũng cảm tấn công, truy bắt tội phạm, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân. Hàng năm, hàng trăm xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp được Bộ Công an tặng cờ thi đua trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường... đã đạt được trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2006 - 2018; nhiệt liệt chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến vinh dự được tôn vinh.

Chủ tịch nước nêu rõ, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã phát huy tốt vai trò làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, giải pháp về bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; góp phần củng cố hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; phục vụ hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị và trên phạm vi cả nước.

“Thực tế đã chứng minh nơi nào, địa phương nào làm tốt công tác xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thì ở nơi đó, địa phương đó, an ninh, trật tự được bảo đảm, kinh tế-xã hội phát triển, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.

Chỉ ra những thời cơ, thuận lợi, cùng những khó khăn, thách thức đan xen trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý: yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mài sắc ý chí chiến đấu, kiên quyết bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững.

Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, lực lượng Công an nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường cần tiếp tục thấm nhuần sâu sắc quan điểm “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI); xác định rõ xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị phải tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, lĩnh vực, địa bàn; tăng cường phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào.

“Các hoạt động của phong trào phải hợp lòng dân, vừa sức dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia nhiều hơn, trực tiếp hơn vào việc giữ gìn an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở; lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói, giảm nghèo”... nhằm tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lưu ý, phải chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với những người hy sinh, bị thương trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Cùng với đó là tập trung xây dựng tổ chức bộ máy lực lượng Công an nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng dân, gần dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, làm tốt vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sỹ Công an trong lòng nhân dân.

Khẳng định Ðảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng vững mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn lực lượng Công an nhân dân tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang, nỗ lực phấn đấu, vượt lên khó khăn, thử thách, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, giành được nhiều chiến công, thành tích to lớn hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cũng tại hội nghị, Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2006 - 2018; tặng quà thân nhân liệt sỹ và thương binh Công an xã, bảo vệ dân phố.

Phát huy thực chất mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu cán bộ, chiến sỹ tiêu biểu của lực lượng Cảnh sát biển; đại biểu cấp ủy, chính quyền, bà con ngư dân của 11 xã, huyện đảo và đại biểu các doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (28-8-1998 - 28-8-2018) và Lễ tôn vinh “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.

Cách đây 20 năm, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển và thềm lục địa của Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã được thành lập.

Trong thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát biển đã làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, xứng đáng là lực lượng chủ trì trong bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp pháp luật, dân sự.

Lực lượng đã chủ động trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân; thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng; đồng thời, thường xuyên quan tâm và triển khai hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.

Đặc biệt, từ đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển đã triển khai có hiệu quả mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” ở các xã, huyện đảo xa đất liền, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Đây là mô hình mới góp phần xây dựng hệ thống chính trị xã, huyện, đảo vững mạnh, làm cơ sở xây dựng thế trận lòng dân trên biển, giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, vừa làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước, vừa góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo của Tổ quốc. Sự tham gia của bà con ngư dân trên các vùng biển là “sự hiện diện dân sự”, “những cột mốc sống trên biển”, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Các doanh nghiệp và tổ chức chính trị-xã hội đã tích cực hỗ trợ về kinh phí và vật chất để cùng Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những chiến công, thành tích xuất sắc mà lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường vẻ vang 20 năm qua; biểu dương các tập thể, cá nhân, đặc biệt là các ngư dân có thành tích tiêu biểu tham dự Lễ tôn vinh “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, biển, đảo Việt Nam có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đất nước từng bước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, được giao nhiệm vụ chủ trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bằng biện pháp pháp luật, dân sự, lực lượng Cảnh sát biển cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để nắm chắc, chủ động tổng hợp, phân tích, dự báo chính xác tình hình; kịp thời đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước xử lý có hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Lực lượng Cảnh sát biển phải thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật; chủ động tham gia tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường và ứng phó với các sự cố trên biển; thực hiện tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế...

Từ những kết quả đã đạt được trong triển khai mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân,” Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, đồng thời vận động các nguồn lực xã hội để đồng hành với ngư dân có chiều sâu và thực chất.

“Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân, nhất là để ngư dân của ta không vi phạm vùng biển các nước; luôn coi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân gặp tai nạn rủi ro trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim”.

Tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, chủ động tham gia xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của các xã, huyện đảo; làm tốt công tác an sinh xã hội, qua đó động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự biển, đảo của Tổ quốc”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển, trong đó có các xã, huyện đảo tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 thành các kế hoạch, biện pháp cụ thể để xây dựng, phát triển kinh tế biển bền vững; gắn phát triển nuôi trồng với nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt; phát triển các ngành dịch vụ du lịch; kết hợp chặt chẽ kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh; chăm lo đời sống văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các xã, huyện đảo phát triển về kinh tế, xã hội, mạnh về quốc phòng an ninh, vừa là cửa ngõ để vươn ra biển lớn, vừa là pháo đài tiền tiêu để tạo thành thế phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp vững chắc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị bà con ngư dân cần phát huy những phẩm chất tốt đẹp cần cù, chịu thương, chịu khó, yêu nghề và yêu biển; đoàn kết, khắc phục khó khăn, hiểm nguy để bám biển, bám ngư trường truyền thống; tích cực áp dụng khoa học-kỹ thuật trong đánh bắt và khai thác hải sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển; đồng thời tích cực hỗ trợ các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần nhân ái, tấm lòng và tình cảm hướng về biển, đảo, tiếp tục cùng Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân, tích cực tham gia xây dựng các công trình dân sinh có ý nghĩa thiết thực, có giá trị sử dụng lâu dài trên các xã, huyện đảo và trực tiếp hỗ trợ ngư dân trong khai thác, đánh bắt, chế biến và tiêu thụ hải sản.

Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng quà cho lực lượng Cảnh sát biển, đại biểu cấp ủy, chính quyền, bà con ngư dân của các xã, huyện đảo và đại diện các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội./.