Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 12-8-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
21:26, ngày 15-08-2018

TCCSĐT - Ngày 08-8, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, một số lượng kỷ lục các lãnh đạo quốc gia sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN tại Hà Nội vào tháng 9 tới để bàn về chủ đề “ASEAN 4.0: Doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.


Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến 2030

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững và phải được bảo đảm bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Chiến lược đặt ra mục tiêu hiện đại hóa Ngân hàng Nhà nước theo hướng có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ vị thế pháp lý và trách nhiệm giải trình; thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; thực thi vai trò giám sát hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế.

Chiến lược đặt mục tiêu tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước; mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.

Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, Chiến lược đề ra mục tiêu phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dang về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiến tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; thích ứng với quá trình tự doa hóa và toàn cầu hóa.

Việt Nam sẽ đón số lượng kỷ lục lãnh đạo quốc gia dự WEF - ASEAN 201

Ngày 08-8, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, một số lượng kỷ lục các lãnh đạo quốc gia sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN tại Hà Nội vào tháng 9 tới để bàn về chủ đề “ASEAN 4.0: Doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Theo thông cáo của WEF, sẽ có 8 quốc gia ASEAN cử nguyên thủ tới tham dự, trong đó có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của Myanmar, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen…

Các nhà lãnh đạo này cùng các vị quan chức ASEAN khác sẽ được Thủ tướng nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Ban Điều hành của WEF Justin Wood nhấn mạnh, ASEAN hiện là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo cấp cao của khu vực cho thấy cam kết của các nước trong việc duy trì điều này trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang mở rộng về quy mô và tác động kinh tế. Môi trường địa chính trị xung quanh khu vực cũng đang thay đổi nhanh chóng.

Diễn đàn dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 13-9 tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 800 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ, xã hội dân sự, giới truyền thông để thảo luận về hàng loạt vấn đề quốc tế hiện nay, từ các xung đột địa chính trị tới việc quản trị doanh nghiệp, sử dụng lao động trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về nhiều vấn đề cụ thể, trong đó có Sự cân bằng quyền lực mới ở châu Á, Tương lai về công việc tại ASEAN, Triển vọng kinh tế châu Á, việc thúc đẩy Cộng đồng kinh tế ASEAN, cùng nhiều vấn đề về công nghệ trong nền kinh tế số hóa. Một trong những người điều hành các phiên thảo luận dự kiến sẽ có quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tài trợ khởi nghiệp sáng tạo

Sáng 07-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành góp ý xây dựng Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định nhằm triển khai thực hiện quy định của Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (tại Điều 20). Cụ thể, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ lập.

Quỹ, thực hiện các chức năng: Cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (start-up), doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Nghị định bám sát các quy định tại Điều 20 nói trên, bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Phó Thủ tướng đồng tình với góp ý của các bộ, quy định Quỹ trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cơ cấu tổ chức gồm hội đồng quản lý và các thành viên hội đồng này hoạt động kiêm nhiệm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan chủ quản mời các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học am hiểu ở nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia hội đồng, quản lý Quỹ, bảo đảm tính hiệu quả, chuyên nghiệp trong thẩm định, ra quyết định cho vay, tài trợ. Phó Thủ tướng cũng nhất trí Quỹ áp dụng phương thức cho vay, tài trợ trực tiếp chứ không ủy thác cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các ngân hàng thương mại.

Trước băn khoăn của các bộ, ngành về việc làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm ra quyết định cho vay trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo có nhiều rủi ro, mất vốn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục xây dựng quy định chặt chẽ về đối tượng cho vay, thủ tục, trình tự, thẩm quyền của hội đồng quản lý để tăng cường minh bạch, giảm thiểu rủi ro khi cho vay, tài trợ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ cho ý kiến ban hành vào cuối quý III-2018.

Theo dự thảo Nghị định, vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ là 2.000 tỷ đồng. Điều kiện cho vay là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; bảo đảm nguồn vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án; có khả năng hoàn trả vốn vay và đáp ứng được các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

Lãi suất cho vay của Quỹ không vượt quá 80% mức thấp nhất của lãi suất cho vay thương mại, trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại có trên 50% vốn sở hữu nhà nước.

Lãi suất cho vay được chia thành các mức khác nhau, được xác định theo thời hạn cho vay, lĩnh vực hoạt động hoặc xếp hạng mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp (nếu có).

Kinh tế thế giới tiếp tục chuyển biến theo hướng tiêu cực trong quý III

Viện nghiên cứu IFO, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của châu Âu và đặt trụ sở ở Berlin (Đức), ngày 09-8 dự đoán tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tiêu cực trong quý ba năm nay.

Theo báo cáo mới đây của IFO, chỉ số của viện này đo lường tình hình kinh tế thế giới giảm từ 16,5 điểm trong quý hai xuống còn 2,9 điểm trong quý ba, gần bằng mức ghi nhận trong quý I-2017. Dựa trên kết quả khảo sát ý kiến của 1.200 chuyên gia ở 120 quốc gia và khu vực, báo cáo cho biết tình hình kinh tế sẽ xấu đi ở gần như tất cả các khu vực.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng công bố báo cáo đánh giá kinh tế định kỳ, trong đó cảnh báo rằng chính sách bảo hộ cũng như việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao đang làm xói mòn lòng tin và đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo, ECB nhận định “những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đã tăng cao trong bối cảnh Mỹ có những hành động và lời lẽ đe dọa tăng thuế và khả năng trả đũa từ các quốc gia bị ảnh hưởng". ECB nhấn mạnh nếu tất cả những đe dọa tăng thuế của Mỹ được thực hiện, mức thuế trung bình của Mỹ sẽ tăng lên mức cao chưa từng thấy trong 50 năm qua.

ECB tuy cho rằng dù những rủi ro bên ngoài đang tăng lên nhưng tăng trưởng trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) vẫn mạnh, và các chỉ số ngắn hạn cho thấy sự tăng trưởng vững chắc và trên diện rộng.

Tại cuộc họp cách đây hai tuần, ECB đã quyết định giữ nguyên chính sách và đến mùa Thu năm 2019 sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro.

Hy Lạp nhận khoản cứu trợ tài chính quốc tế cuối cùng

Ngày 06-8, Hy Lạp đã được giải ngân khoản tiền cuối cùng trị giá 15 tỷ euro trong chương trình cứu trợ kéo dài 8 năm nhằm cứu quốc gia này thoát khỏi bờ vực phá sản. Khoản tiền này do Cơ chế bình ổn châu Âu giải ngân chỉ hai tuần trước thời hạn chính thức kết thúc gói cứu trợ thứ 3 dành cho Hy Lạp vào ngày 20-8 tới.

Hy Lạp nhận được khoản giải ngân sau khi bộ trưởng Tài chính các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt thỏa thuận "lịch sử" nhằm hỗ trợ quốc gia này giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đã đeo bám nhiều năm qua.

Giám đốc điều hành Cơ chế bình ổn châu Âu Klaus Regling khẳng định khoản hỗ trợ cuối cùng và bản đánh giá tích cực về tình hình tại Hy Lạp là thành quả quốc gia này đã nỗ lực suốt 3 năm qua với việc áp dụng triệt để các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Những chính sách cải cách cuối cùng mà Hy Lạp nhất trí thực hiện để đổi lấy khoản giải ngân đợt cuối này bao gồm nhiều hành động quan trọng trong lĩnh vực thuế, chống gian lận thuế, cải cách thu nhập công và giải quyết nợ xấu.

Ông Regling cho rằng việc Cơ chế bình ổn châu Âu kết thúc chương trình cứu trợ vào ngày 20-8 tới sẽ là một cột mốc lớn với Hy Lạp, mở ra thời kỳ mới để quốc gia này chứng minh với các đối tác cũng như thị trường về việc duy trì các cải cách đã thực hiện.

Từ năm 2010, Hy Lạp rơi vào khủng hoảng tài chính công nghiêm trọng, đẩy quốc gia này tới bờ vực phá sản cũng như đe dọa tư cách thành viên của Athens trong Eurozone.

Ba gói cứu trợ quốc tế đã được triển khai trong suốt 8 năm qua, trong đó gói cứu trợ cuối cùng bắt đầu từ năm 2015. Đổi lại, Athens phải tuân thủ những điều kiện ngặt nghèo từ các chủ nợ quốc tế như các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân, cải cách nhiều lĩnh vực công.

Cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp là một trong những vấn đề lớn nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), làm dấy lên những quan ngại về một dự án châu Âu bền vững thời kỳ hậu chiến.

Sự kiện này cũng là nguồn cơn thổi bùng phong trào bài EU trên toàn châu lục và là một trong những yếu tố thúc đẩy người dân Xứ sở Sương mù lựa chọn đưa Anh rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch (Mỹ) ngày 11-8 quyết định nâng xếp hạng nợ của chính phủ Hy Lạp một bậc từ “B” lên “BB-” nhờ thỏa thuận với châu Âu hỗ trợ đáng kể Hy Lạp trong việc giảm nợ.

Tuyên bố trên của Fitch, vẫn xếp nợ của Hy Lạp vào dạng mang tính đầu cơ, được đưa ra sau quyết định của S&P Global trong tháng trước nâng triển vọng cho Hy Lạp lên mức “tích cực,” cho thấy một quyết định nâng hạng nữa có thể sắp được đưa ra.

Athens trong tháng 6/2018 đã đạt một thỏa thuận với các chủ nợ Khu vực đồng euro, gia hạn cho nước này 10 năm để trả phần lớn các khoản nợ công của mình, hiện ở mức tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và vẫn là mức cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận này cũng sẽ cho phép Hy Lạp rời khỏi chương trình cứu trợ vào ngày 20-8 tới.

Fitch đánh giá các giải pháp giảm nợ được nhất trí trong cuộc họp ngày 21-6 vừa qua là “lớn lao”. Fitch bày tỏ hy vọng tình hình tài chính của Hy Lạp sẽ ổn định trong giai đoạn hậu chương trình cứu trợ, lưu ý rằng nền kinh tế nhiều năm gặp “rắc rối” này đã đạt thặng dư ngân sách tương đương 0,8% GDP vào năm ngoái, tăng so với mức 0,6% trong một năm trước đó.

Giả thiết tăng trưởng GDP của Hy Lạp đạt 3,4%/năm, nợ của Hy Lạp được dự đoán giảm từ mức 182,7% GDP trong năm nay xuống mức 123,3% GDP trong năm 2030./.