Khẩn trương ổn định cuộc sống người dân sau bão số 3
TCCSĐT - Bão số 3 gây nhiều thiệt hại, các địa phương khẩn trương ứng phó, khắc phục hậu quả.
* Tại Hà Tĩnh, ảnh hưởng của bão đã làm nhiều nhà dân ở huyện Nghi Xuân bị tốc mái, hàng ngàn hécta lúa, hoa màu ở các huyện ngập lụt, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp với nhân dân tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.
Huyện Nghi Xuân chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền xã Xuân Phổ cùng nhân dân lợp lại mái nhà và sửa lại các hạng mục bị hư hỏng của 13 ngôi nhà dân bị lốc xoáy làm tốc mái và hư hỏng. Sau khi bão tan, các cấp chính quyền huyện Nghi Xuân cũng đưa 861 người chủ yếu là người già và trẻ em của các xã vùng ven biển, vùng xung yếu đã được di dời trước bão trở về nhà.
Tại các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập lụt, nhân dân đã tổ chức tháo nước, tiêu úng. Hiện thủy điện Hương Sơn đang xả lũ với lưu lượng từ 10 - 20 m3/s nên các xã vùng hạ lưu chủ động đối phó với tình trạng ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng. Tại xã Sơn Giang và một số xã vùng ven sườn núi có 25 điểm sạt lở gần nhà dân được chính quyền tuyên truyền và chủ động di dời tránh bị sạt lở đất, đá vùi lấp.
Mưa lớn trong mấy ngày qua cũng đã làm sạt lở một số tuyến giao thông như quốc lộ 8A sạt lở phần taluy dương ở đoạn Km82+300 và rải rác từ Km73-Km82 ở xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn; lực lượng chức năng sử dụng máy xúc san, gạt đảm bảo lưu thông.
* Tại Nghệ An, đến chiều 19-7 trời đã cơ bản hết mưa, nước rút. Tuy nhiên tại một số địa phương, nhất là các huyện miền núi của tỉnh, mực nước các sông, suối, nhất là sông Lam chảy qua địa bàn nhiều huyện miền núi đang lên cao. Nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn được coi là tuyến huyết mạch của nhiều địa phương vẫn bị chia cắt do ngập nước, sạt lở, hư hỏng; một số thôn, bản vẫn bị cô lập.
Tại các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong có những tuyến đường, cầu cống nằm ngay bên vách núi, mưa lũ và nước sông suối dâng cao cộng với nhà máy thủy điện xả lũ đang đe dọa trực tiếp, trong đó một số cây cầu nối các bản với nhau và cầu trong nội bản có thể bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Thông tin từ xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết, trước khi bão số 3 ảnh hưởng đến địa phương, trên địa bàn xã có nhiều người đi hái măng rừng, nhưng đến chiều 19-7 vẫn còn 35 người chính quyền địa phương và gia đình chưa thể liên lạc được và cũng không biết hiện số người này ở đâu. Chính quyền địa phương và gia đình những người này đang tổ chức vào rừng tìm kiếm. Tuy nhiên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn vì địa hình phức tạp; mưa lũ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, vào khoảng 13 giờ ngày 19-7 trên địa bàn xã Mường Típ (huyện Kỳ Sơn) xuất hiện một cơn lũ quét đã cuốn trôi nhà bếp học sinh và nhà cộng đồng trong bản Na Mì, xã Mường Típ.
Cùng với tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, lãnh đạo một số huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đang đến những điểm xung yếu, nguy cơ lũ quét, sạt lở để chỉ đạo công tác khắc phục; triển khai các phương án đối phó với lũ quét. Tỉnh Nghệ An cũng cảnh báo người dân các huyện miền núi đề phòng lũ quét, sạt lở do biến động phức tạp của thời tiết có thể xảy ra sau bão số 3.
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An: Đến chiều 19-7, bão số 3 đã làm trên 12.250ha lúa, 6.707ha ngô và rau màu, 1.000ha cây công nghiệp và cây ăn quả, 60ha rừng, 15.000 tấn muối, 922ha ao hồ nuôi thủy sản của tỉnh bị ngập, hư hỏng. Toàn tỉnh cũng có 5 điểm trường học bị ảnh hưởng.
* Tại Thanh Hóa, từ đêm 13-7 đến 7 giờ ngày 19-7, do ảnh hưởng của bão số 3, tổng lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ 126 - 550mm, một số nơi có mưa rất to như: Tĩnh Gia 547,3mm; Triệu Sơn 445,8mm; thành phố Thanh Hóa 380,8mm…
Mưa lớn cũng khiến 465 hộ dân, 16 điểm dân cư bị ngập, 6 ngôi nhà bị đổ sập và hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường giao thông lớn bị sạt lở ta luy, như quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng Ninh), đường tỉnh 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý). Tại thành phố Thanh Hóa có nhiều cây bị đổ gãy làm đứt đường dây điện…
Về nông nghiệp, theo thống kê đến 10 giờ ngày 19-7 đã có 365ha lúa bị ngập trắng; 9.212ha lúa bị ngập phất phơ; trên 1.500ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập; 200 con gia cầm chết; 2 đập bị hư hỏng…
Hiện Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang tập trung toàn bộ máy móc, thiết bị vận hành 24/24 giờ phục vụ tiêu úng cho các vùng có diện tích lúa mới gieo sạ bị ngập, đồng thời khơi thông ách tắc dòng chảy trên các trục tiêu, kênh tiêu. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người dân khắc phục nhà sập, nhà hư hỏng nặng và xử lý cây xanh, cột điện bị đổ gãy để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Chủ động ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu sau bão, tỉnh Thanh Hóa đã cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Các lực lượng chức năng cũng có lệnh cấm biển, quản lý chặt chẽ việc neo đậu tàu thuyền, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Tất cả 7.457 phương tiện nghề cá với 27.901 lao động đã vào bờ hoặc tìm được nơi tránh trú an toàn nên không xảy ra thiệt hại về người và tài sản đối với ngư dân.
* Tại Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) Nguyễn Công Quyền cho biết, mưa lớn trên địa bàn huyện diễn ra từ đêm 18-7 kèm theo gió giật mạnh khiến một cột điện bị đổ, 8 giờ ngày 19-7 toàn huyện mất điện.
Tại huyện Ba Chẽ, nước lũ đang dâng cao gây ngập lụt các cầu tràn và điểm thấp trũng. Trên tỉnh lộ 330 có hơn 10 điểm ngập lụt, trong đó cầu Khe Cát, xã Thanh Sơn bị ngập sâu hơn 1m. Tất cả các xã xung quanh tỉnh lộ 330 đều bị cô lập hoàn toàn.
Đồng chí Nguyễn Công Quyền cho biết thêm, khu vực thị trấn Ba Chẽ là địa bàn thấp trũng nên có nguy cơ bị ngập sâu. Dự kiến chiều nay (19-7), nếu mưa không tạnh, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ có phương án di dời dân khu 3, khu 4 của thị trấn ra khỏi địa bàn để đảm bảo an toàn. Hiện hơn 300 hộ kinh doanh tại chợ trung tâm của thị trấn đã được sơ tán.
Chủ động phòng, chống bão số 3, huyện Ba Chẽ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, chủ động các phương án phòng, chống bão, lũ, cử lực lượng canh gác tại các điểm ngập lụt, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 dẫn đến mưa lớn trên diện rộng, nhiều địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra hiện tượng ngập lụt.
* Tại Bắc Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa Nguyễn Văn Thăng cho biết vào chiều 18-7 mưa to, gió mạnh đã gây thiệt hại về người, tài sản ở các thôn và một số doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Hợp Thịnh.
Thống kê thiệt hại tính đến 18 giờ ngày 18-7, Công ty cổ phần gạch tuynel Hòa Sơn (Cụm công nghiệp Hợp Thịnh) có hai dãy nhà xưởng và gạch đổ sập hoàn toàn, toàn bộ đường điện bị đứt, ước thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng. Công ty có một công nhân tử vong và hai công nhân bị thương nặng.
Đến 19 giờ 30 phút ngày 18-7, các thôn trên địa bàn xã Hợp Thịnh đã có nhiều thiệt hại về tài sản gồm 1.735m2 mái nhà bị tốc; đổ 485m tường rào; sập hoàn toàn một công trình phụ; đổ 60 cây phân tán. Trong đó, ở thôn Ninh Tào có 290m2 mái nhà bị tốc, sập một số công trình phụ. Ở thôn Trung Tâm có 21 hộ bị thiệt hại, trong đó năm hộ bị tốc mái nhà ở chính; 16 hộ có trang trại và gia trại bị tốc mái; ngoài ra có 450m2 tường rào, 60 cây phân tán bị đổ...
Lãnh đạo huyện đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết, bị thương do thiên tai; hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong 5,4 triệu đồng; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương tích cực hỗ trợ xã Hợp Thịnh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.
* Tại Hòa Bình Trong ngày 19-7, chịu ảnh hưởng của rìa Bắc hoàn lưu vùng thấp do bão số 3 suy yếu nên trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục có mưa, mưa to và dông. Lũ quét, sạt lở đất đá xảy ra ở nhiều nơi.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố, nắm bắt tình hình, đồng thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).
Đối với các điểm mưa to, các địa phương, cơ quan chức năng triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống ngập úng cho diện tích lúa, hoa màu; khẩn trương di chuyển các hộ dân tại những điểm sạt lở đất đá phát sinh; xử lý kịp thời các điểm sạt lở ta luy đảm bảo thông tuyến sớm nhất.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, tính đến hết ngày 19/7, lượng mưa trên địa bàn khá lớn như tại huyện Cao Phong là 277,2mm; Kim Bôi 276,4mm; Lạc Thủy 192,4mm; Mai Châu 182,6mm; thành phố Hòa Bình 168,4mm...
Mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương của tỉnh. Thành phố Hòa Bình phải di dời 20 trong tổng số 26 hộ dân tại tổ 4, 5 phường Chăm Mát, di dời 28 hộ dân tại xã Hòa Bình ra khỏi vùng nguy hiểm.
Huyện Lương Sơn di dời 7 hộ dân có hiện tượng sạt lở đất đá lăn vào nhà. Huyện Mai Châu tiến hành di dời khẩn cấp 9 hộ dân; huyện Đà Bắc có 5 nhà bị sạt lở, lũ cuốn đất đá vào nhà, 12,9 ha lúa bị thiệt hại.
Huyện Cao Phong có nhiều tuyến đường bị sạt lở taluy âm, dương với tổng chiều dài khoảng 40m gây ách tắc, chưa thể khắc phục.
Về giao thông, tỉnh lộ 432 có 9 điểm sạt lở taluy dương với khối lượng đất đá khoảng 20.000m3. Hiện, một số tuyến đường tại Hòa Bình đang bị ách tắc như tỉnh lộ 433; 435B; 436, 439...
Nhằm khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bão số 3 gây ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có công văn chỉ đạo các địa phương, trước mắt kiểm tra thực tế thiệt hại và huy động nhân lực tại chỗ giúp các hộ gia đình dọn đất đá vùi lấp để ổn định cuộc sống; khắc phục tạm thời các đoạn giao thông bị sạt lở, xói mòn.
* Tại tỉnh Sơn La Theo thông tin của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, trong hai ngày 18 và 19-7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh nối với áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Sơn La có mưa diện rộng, riêng khu vực phía Đông Nam có mưa rất to.
Ba căn nhà ở huyện Vân Hồ và chín căn nhà ở huyện Mộc Châu bị ngập trên 1m, người dân phải di dời khẩn cấp.
Mưa lũ còn gây ách tắc giao thông trên Quốc lộ 6 đoạn giao với Quốc lộ 43 (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu) và gây sạt lở 1.000m3 đất, đá trên tuyến Quốc lộ 6, khu vực bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, đoạn giáp huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Tuyến tỉnh lộ 109 đi huyện Mường La và một số tuyến đường liên xã Mường Tè, Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ) cũng bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.
Hiện nay, trên Quốc lộ 43 có nhiều điểm bị ngập úng gây ách tắc. Một số tuyến đường liên xã, liên bản bị cô lập do ngập nước, sạt lở như: tuyến đường liên xã Tân Lập đi xã Tân Hợp (huyện Mộc Châu); tuyến đường từ tiểu khu 12 đi bản Nậm Khao, xã Tân Lập.
Cùng với đó, mưa lũ còn gây ngập úng, cuốn trôi khoảng 190ha lúa mới cấy ở huyện Vân Hồ và chưa xác định được thiệt hại lúa ở huyện Mộc Châu.
Hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp của tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương khẩn trương khôi phục, thông các tuyến đường; tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai.
Lực lượng chức năng di chuyển các hộ dân ở khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn; đồng thời, theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động, kịp thời thông báo cho nhân dân khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai để phòng tránh./.
Phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị biểu dương người có công  (19/07/2018)
Chính sách ưu đãi người có công là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài  (19/07/2018)
Lời hứa nghị trường  (19/07/2018)
Lực lượng thanh niên xung phong Hà Tĩnh tại chiến trường Đồng Lộc: Sáng ngời tinh thần tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh  (19/07/2018)
Thủ tướng dự phiên họp của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia  (18/07/2018)
Quyết định thi hành kỷ luật đối với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn  (18/07/2018)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên