Trong chế độ thực dân phong kiến, phụ nữ cùng nhân dân lao động cả nước sống trong tăm tối bị áp bức bất công, chịu nhiều thiệt thòi, không được bảo vệ dưới bất kỳ hình thức nào. Cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, và khi Hội LHPN Việt Nam được thành lập, phụ nữ được tập hợp thành một tổ chức riêng ngày càng lớn mạnh và trưởng thành hơn trong kháng chiến, lao động, sản xuất.

Họ tham gia tích cực trong các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, cùng nhân dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng là chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đó là kết quả to lớn của gần một thế kỉ người phụ nữ hi sinh, cống hiến và đấu tranh. Và kết quả đó cuối cùng lại là động lực và môi trường lớn để giúp người phụ nữ được thay đổi và phát triển.

Nhìn lại 100 năm qua chúng ta thấy thay đổi lớn nhất của người phụ nữ là biết phát huy sức mạnh nội tại của mình, tự tin, năng động và sáng tạo. Họ trở thành những người phụ nữ hiện đại ngày hôm nay do biết thích nghi thời đại, linh hoạt ứng dụng vào cuộc sống, lao động để có được thành công.

1. Thay đổi về thể chế chính trị đối với phụ nữ: Đây là một điều kiện khách quan tác động rất lớn đến người phụ nữ. Trước đây, trong chế độ phong kiến và thực dân, người phụ nữ bị bóc lột và hành hạ, bị đẩy xuống tận cùng xã hội. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”. Nhiều cực hình chỉ dùng áp dụng riêng đối với phụ nữ như: thả bè trôi sông, gọt gáy bôi vôi, ngựa xé, voi giày... Bộ luật Hồng Đức thời nhà Lê được coi là tiến bộ nhất trong đó có những điều khoản bảo vệ quyền của phụ nữ, song vẫn thừa nhận chế độ đa thê và xác lập địa vị tối cao của người đàn ông trong gia đình. Luật Gia Long ban hành năm 1812, trong đó có những điều hết sức phi lí đối với người phụ nữ như điều 108 với “Thất xuất” - 7 điều người đàn ông được quyền bỏ vợ.

Sau năm 1945, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ghi rõ trong điều 9 quyền bình đẳng của phụ nữ: “Tất cả quyền bình đẳng trong cả nước là của nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp tôn giáo” và “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Như vậy, quyền công dân, quyền bình đẳng của người phụ nữ được xác lập và thực hiện. Người phụ nữ đã chính thức thoát khỏi sự áp bức về giai cấp và được giải phóng khỏi chế độ thực dân cũng như phong kiến. Điều này tác động mãnh mẽ đến mỗi người phụ nữ. Họ trở thành những người phụ nữ mới, biết sống, biết cống hiến. Và với tinh thần công dân của một nước độc lập, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp không nhỏ trí tuệ, sức lực... của mình vào sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này.

Tính đến nay Nhà nước đã ban hành 3 bộ luật dành cho phụ nữ: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình và nhiều bộ luật chung có đề cập tới việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ: Luật Lao động, Luật dân sự, Luật đất đai...

Mặt khác, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định theo hướng tập trung vào việc nâng cao quyền năng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao vị trí của phụ nữ từ nhóm đối tượng trở thành chủ thể tham gia vào các quá trình phát triển. Việc thực hiện pháp luật cũng như các hoạt động cụ thể của các cơ quan, tổ chức về cơ bản đã bảo đảm quyền con người và quyền bình đẳng của phụ nữ trong mối tương quan đa chiều với nam giới trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; loại trừ tất cả các hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ về mọi mặt, tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Bên cạnh các bộ luật là một loạt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về công tác phụ nữ: Chỉ thị 137/CT-TW ban hành năm 1959 về tăng cường công tác vận động phụ nữ; Chỉ thị 99.CT-TW ban hành năm 1965 về nhiệm vụ chủ yếu trong công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới. Nghị quyết 152/NQ-TW ban hành năm 1967 về công tác phụ vận. Nghị quyết 153/ NQ-TW ban hành năm 1967 về công tác cán bộ nữ, Chỉ thị 44/CT-TW ban hành năm 1984 về công tác cán bộ nữ, Nghị quyết 176A/NQ-TW ban hành năm 1984 về phát huy vai trò năng lực phụ nữ; Nghị quyết 04/NQ-TW ban hành năm 1993 về đổi mới công tác phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị 37/CT-TW ban hành năm 1994 về công tác cán bộ nữ. Nghị quyết số 11/ NQ-TW ban hành năm 2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước....Tất cả những thuận lợi đó giúp phụ nữ có điều kiện phát triển và phát huy sức mạnh của mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và đóng góp cho xã hội.

Đặc biệt, phụ nữ Việt Nam có một tổ chức riêng của giới mình là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của 50.5% dân số (trong đó có trên 14 triệu hội viên) được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động với hệ thống tổ chức chặt chẽ gồm 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở. Hội LHPNVN được Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật xác định là cơ sở của chính quyền nhân dân, có quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội thông qua các hoạt động: trình dự án luật ra trước Quốc hội; tham dự các phiên họp của Chính phủ, các kỳ họp Hội đồng nhân dân, hội nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan; tham gia xây dựng luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; phổ biến, giáo dục pháp luật; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ trong quá trình tố tụng; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước; giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tham gia các tổ chức tư vấn (Hội đồng, Uỷ ban, Ban chỉ đạo, Ban quản lý...) cho cơ quan hành chính nhà nước các cấp về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và tham gia các đoàn kiểm tra của cơ quan hành chính nhà nước các cấp về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em...

2. Thay đổi về môi trường, văn hoá:

- Về trình độ văn hóa. Trước đây phụ nữ bị cấm đi học, chỉ có một số người trong dòng dõi quí tộc được học chữ nhưng do thầy dạy riêng, gần như 100% phụ nữ không biết chữ. Sau năm 1945 việc xóa mù cho nhân dân được Chính phủ Việt Nam coi là một nhiệm vụ trọng tâm tương đương với việc chống giặc đó là “giặc dốt”. Các lớp bình dân học vụ ra đời và từ đó phụ nữ đã thoát được mù chữ, có trình độ tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội.

- Về quan hệ giao tiếp: Trước đây, phụ nữ chỉ giao tiếp trong phạm vi rất hẹp: gia đình và làng xóm, không có các mối quan hệ rộng rãi, không được tham gia các tổ chức. Phong tục tập quán, đạo đức truyền thống chỉ cho họ một môi trường nhỏ bé, tù túng trong bốn bức tường với những người trong gia đình và những người bạn gái. Càng về sau, sự thay đổi vận động của xã hội tác động làm môi trường đó khác đi, rộng ra và lớn hơn. Chưa bao giờ môi trường văn hóa ở Việt Nam lại phong phú và đa dạng, lại năng động và tích cực, lại khích lệ và cám đỗ, lại có nhiều cơ hội và thách thức... như hiện nay. Phụ nữ được giải phóng khỏi những gò bó, những bất công, họ được mở rộng quan hệ ra đến quốc gia và quốc tế, được giao lưu, học hỏi và phát triển.

3. Thay đổi về địa vị: đây là thay đổi mang tính chủ quan thể hiện được sự chủ động trong nhận thức của người phụ nữ. Từ những người lệ thuộc, thụ động trong gia đình, họ được ngang hàng, bình quyền với nam giới. Từ vị trí là người bị thống trị họ trở thành những người chủ của đất nước. Trong gia đình họ được quyền bình đẳng cùng quyết định mọi vấn đề với chồng con, có tên trong giấy sử dụng đất... Ngoài xã hội, họ được tôn trọng, được tham gia các lĩnh vực. Vị thế của họ ngày càng được khẳng định khi họ trở thành những người lãnh đạo, những người có kiến thức...Tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng, cả số lượng và chất lượng đều được cải thiện. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các vị trí trọng trách trong các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, trong hơn 15 năm qua, Việt Nam luôn có Phó chủ tịch nước là nữ.

Phụ nữ được tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để tham gia bầu cử và ứng cử bình đẳng với nam giới; tỷ lệ phụ nữ tham gia bầu cử trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII là 99,9%. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ của Việt Nam đứng ở vị trí cao thứ 31 trên thế giới và dẫn đầu trong 8 nước ASEAN có nghị viện. Trình độ, năng lực của chị em ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của xã hội, tham gia quản lý và lãnh đạo các ngành, các cấp.

Địa vị của phụ nữ không chỉ tăng lên trong xã hội mà còn tăng lên trong gia đình, do địa vị kinh tế, xã hội được cải thiện. Cụ thể, phụ nữ ngày càng được bình đẳng với nam giới trong quyền quyết định các công việc quan trọng. Từ chỗ người chồng chỉ huy và toàn quyền quyết định trước đây, giờ đã chuyển dần sang việc cả hai vợ chồng cùng bàn bạc quyết định và cùng chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc giáo dục con cái.

4. Thay đổi về vóc dáng, sức khoẻ, thể lực:

Trước đây, với sự tự ti về bản thân, phụ nữ mặc nhiên co mình trong một cảm giác bé nhỏ, sợ sệt. Cuộc sống vất vả thiếu thốn, nên họ không có được mặt hoa da phấn, xinh đẹp, tươi tắn như bây giờ. Trong chiến tranh, kham khổ, vất vả phụ nữ chỉ quan tâm đến lao động và chiến đấu. Họ đẹp, khoẻ mạnh với những vẻ đẹp chân chất mộc mạc của cô du kích, chị dân công. Nhưng hiện nay phụ nữ biết hưởng thụ, biết làm đẹp, nên họ sở hữu một vóc dáng khác hơn, trẻ trung hơn, hiện đại hơn.

Sức khoẻ của phụ nữ ngày càng được quan tâm hơn. Phụ nữ cũng chủ động hơn trong việc chăm lo sức khoẻ cho mình. Đặc biệt những năm gần đây, các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ đã được quan tâm hơn rất nhiều, tình hình sức khỏe phụ nữ có nhiều cải thiện. Chính những yếu tố này tác động đến tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam. Theo số liệu điều tra chuyên đề của Bộ Y tế, tuổi thọ bình quân của dân số Việt Nam năm 2005 là 71 tuổi; năm 2006 đạt 71,3 tuổi và năm 2008 đạt 71,8 tuổi. Ước tính đến năm 2010, tuổi thọ bình quân của phụ nữ Việt Nam đạt 72 tuổi.

5. Thay đổi về phong cách ăn mặc:

Đây là một thay đổi thể hiện về sự sáng tạo, hiện đại của phụ nữ Việt Nam. Trước đây, thời phong kiến, phụ nữ chỉ có váy đụp với gam màu nâu, đen. Những bộ đồ đẹp rực rỡ hơn như áo tứ thân, mớ ba mớ bảy thì chỉ thường được mặc vào những dịp lễ hội...Trang phục hàng ngày chỉ có quần nâu, thâm với chiếc áo tối màu. Trong chiến tranh, thiếu thốn mọi thứ, trang phục cũng vẫn những gam màu đó. Thời bao cấp mỗi người chỉ có được cấp 4m vải/năm, không có điều kiện cho chị em được mặc đẹp. Chỉ đến khi kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống được nâng cao, mở rộng quan hệ thì vấn đề ăn mặc được quan tâm rất nhiều. Bây giờ phụ nữ có nhiều mẫu thời trang khác nhau phù hợp cho từng hoàn cảnh. Có nhiều nhà thiết kế thời trang riêng cho nữ giới phù hợp với công việc: Thời trang công sở, Áo dài, Áo cưới, dạ hội… để làm cho phụ nữ ngày nay đẹp hơn, tự tin hơn trong mọi hoạt động của mình./.