TCCSĐT - Năm 2009, một năm đầy biến động, khó khăn nhưng ngành xuất khẩu gạo đã nỗ lực vượt qua và đạt được kết quả rất đáng khích lệ: xuất khẩu 6,052 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,463 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay. Mặc dù chưa thật đồng đều do chất lượng lúa gạo khác nhau, nhưng mức lãi bình quân cho nông dân là 30% theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Xuất khẩu gạo năm 2009

Trong năm 2009, kết quả xuất khẩu gạo đạt 6,052 triệu tấn, trị giá 2,463 tỉ USD, tăng 29,35% về số lượng và giảm 7,49% về trị giá so với năm 2008. Giá xuất khẩu bình quân đạt 407,09 USD/tấn, giảm 28,5% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu gạo tập trung vào các khu vực: châu Á là 3,238 triệu tấn, chiếm 53,50%; châu Phi: 1,794 triệu tấn, chiếm 29,64%; Châu Mỹ: 455.872 tấn, chiếm 7,53%, trong đó thị trường Cu ba: 442.910 tấn chiếm 7,32%; Trung Đông: 316.076 tấn, chiếm 5,22%; châu Âu: 201.642 tấn, chiếm 3,33%; còn lại là thị trường châu Úc chiếm 0,78% tổng số lượng xuất khẩu.

Ngoài kết quả xuất khẩu gạo đạt được, công tác điều hành xuất khẩu gạo trong năm 2009 đã có những bước chuyển biến và phát triển rõ nét:

- Thông tin và dự báo thị trường đã được cải thiện, tạo điều kiện cho công tác điều hành và xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

- Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ ngành kịp thời và sâu sát.

- Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã tăng cường sự thống nhất, đoàn kết, mở rộng sản xuất kinh doanh, chủ động chuẩn bị thị trường xuất khẩu và tăng cường mua vào dự trữ, kịp thời tiêu thụ lúa gạo hàng hóa của nông dân, đặc biệt là chủ động mua hết lúa gạo vụ Hè Thu 2009, không để tồn đọng trong dân do xuất khẩu chậm, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Hiệu quả xuất khẩu đã được nâng lên và lợi ích của người sản xuất đã được quan tâm nhiều hơn. Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp mua vào lúa gạo hàng hóa với giá hợp lý, bảo đảm nông dân có lãi 30% tối thiểu. Mặc dù thực tiễn mua bán lúa gạo trong nước chưa ổn định và được hình thành theo sự phân định thực tế giữa các khâu trong chuỗi giá trị của sản phẩm, nhưng việc điều hành để nâng cao giá xuất khẩu và giá bán lúa của nông dân theo cơ chế thị trường, đã phát huy tác dụng, tiến tới mục tiêu bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người kinh doanh và sản xuất.

- Chủ động góp phần bình ổn mặt bằng giá chung trong nước, Hiệp hội và chính quyền địa phương điều phối các doanh nghiệp tổ chức các điểm phân phối, bán lẻ, tăng cường dự trữ lưu thông, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng tại chỗ ở các địa bàn trọng điểm, không để xảy ra sốt giá giả tạo do đầu cơ tích trữ và tác động của thị trường xuất khẩu.

- Tăng cường đầu tư xây dựng kho dự trữ, bổ sung công nghệ, thiết bị chế biến hiện đại, để nâng cao chất lượng và khả năng dự trữ, bảo quản sản phẩm dài hạn, chủ động xuất khẩu có hiệu quả.

- Thể chế hóa hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và công tác điều hành xuất khẩu gạo phù hợp với tình hình mới, tạo hành lang pháp lý và sự đồng thuận trong xã hội. Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ được ban hành sắp tới, thay thế Nghị định 12-2006, sẽ là một bước ngoặt đối với hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Những dự báo và kế hoạch cho năm 2010

Dự báo năm 2010 là một năm nhiều biến động do sản lượng tụt giảm và mất cân đối ở một số nước sản xuất và tiêu thụ gạo chính, đặc biệt là Phi-lip-pin và Ấn Độ.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn cầu năm 2010 sẽ vào khoảng 436,3 triệu tấn, giảm 2,5% so với năm 2009; tiêu thụ toàn cầu năm 2010 ở mức kỷ lục 437,1 triệu tấn, cao hơn 2,2 triệu tấn so với 2009; tồn kho cuối kỳ toàn cầu 2010 ở mức 92,5 triệu tấn, giảm 1% so với 2009; tỷ lệ tồn kho so với tiêu dùng toàn cầu 2010 ở mức 21,2% giảm dưới 1% so với 2009; thương mại gạo toàn cầu 2010 ở mức 30,85 triệu tấn, tăng 6% so với 2009, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 31,9 triệu tấn của năm 2007.

Về tình hình thị trường xuất khẩu, theo dự báo toàn cầu, năm 2010 sản lượng giảm, tiêu dùng tăng, thương mại tăng so với 2009, nhưng ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế vẫn còn kéo dài, tác động đến sức mua, nên tình hình thị trường vẫn còn diễn biến phức tạp, giá gạo có thể tăng do nhu cầu tăng, nhưng không tăng nhiều và đột biến như năm 2008, do sức mua giảm và sự cạnh tranh của các loại lương thực có thể thay thế khác, đặc biệt là lúa mì, giá thấp hơn nhiều so với gạo.

Trong năm 2010, dự báo thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ không thay đổi nhiều: Có thể xuất khẩu 6 triệu tấn gạo vào các thị trường truyền thống: Phi-lip-pin 2,2 triệu tấn, Ma-lai-xi-a 0,5 triệu tấn, Cu ba 0,4 triệu tấn, châu Phi 1,6 triệu tấn, I-rắc 0,2 triệu tấn, Đông Ti-mo và các khu vực lân cận 0,2 triệu tấn.

Trên cơ sở phương hướng và nhiệm vụ đề ra, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đại diện cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo Việt Nam, tham vấn cho Chính phủ chỉ đạo điều hành công tác xuất khẩu gạo đạt được hiệu quả cao nhất. Trước mắt cần tập trung các nhiệm vụ chính sau đây:

- Liên kết chặt chẽ giữa sản xuất kinh doanh thương mại có tác dụng hướng dẫn sản xuất và xác định kết quả sản xuất bằng cách tiêu thụ hợp lý sản phẩm làm ra. Do đó cần có biện pháp tăng cường thông tin thị trường trực tiếp đến nông dân.

- Nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và xác lập thị phần. Doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh để bảo đảm sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng và xây dựng thương hiệu riêng. Có thể nghiên cứu mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở thành lập tổ hợp tác hoặc công ty cổ phần sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trong đó nông dân có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất và lao động, doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người sản xuất.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương và hội nông dân các cấp triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất, thu hoạch và đầu tư cải thiện công nghệ sau thu hoạch, để hạn chế thất thoát và nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Tổ chức lại hệ thống thương lái và xay sát gắn kết với các doanh nghiệp xuất khẩu. Thương lái, cơ sở xay xát và cung ứng gạo xuất khẩu phải đăng ký và mua lúa gạo theo giá thị trường, nhưng không dưới mức giá tối thiểu được Chính phủ hướng dẫn, để bảo đảm mức lãi hợp lý cho nông dân, có sự giám sát và quản lý của chính quyền địa phương.

- Duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, trên cơ sở đa dạng sản phẩm, tăng cường quan hệ với các khách hàng truyền thống và thiết lập quan hệ khách hàng mới.

- Nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh trên cơ sở bảo đảm giá bán phù hợp với giá thị trường, không để bị ép giá và đặc biệt là cạnh tranh phá giá.

- Phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng đối với ngành hàng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Việt Nam phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài được kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam theo cam kết với WTO vào năm 2011, trên cơ sở kiện toàn cơ sở vật chất, tăng cường năng lực mua vào dự trữ, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng, nâng cao tay nghề và khả năng tiếp thị, ổng định và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Những thách thức đặt ra đối với xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn và khó khăn, nhưng cần vượt qua để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đưa ngành lương thực Việt Nam lên tầm cao mới. Để thực hiện có kết quả các mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp trước hết cần thống nhất, đoàn kết với sự điều phối của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, theo sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ vì lợi ích chung, tạo sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường thế giới trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, gian lận, bán phá giá, gây thiệt hại đến quyền lợi của người sản xuất và lợi ích quốc gia./.