TCCSĐT - Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và sự sụt giảm của đồng ơ-rô đang bộc lộ thiếu sót mang tính cơ cấu của hệ thống đồng tiền chung châu Âu. Biện pháp khắc phục đang nằm trong tay chính các thành viên của hệ thống đó.

Thiếu sót cơ cấu của Hiệp ước Maastricht

Theo Hiệp ước Maastricht, để tham gia khu vực đồng ơ-rô, các nước thành viên phải tuân thủ hai điều kiện tài chính nghiêm ngặt: một là duy trì mức thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức 3% GDP, hai là tổng nợ công không được vượt quá 60% GDP.

Trong “thời bình”, việc duy trì cam kết đó không gặp khó khăn gì đặc biệt, nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính kéo dài như từ cuối năm 2008 đến nay, hầu hết các nước tham gia hệ thống đồng ơ-rô đã buộc phải “phá rào” trước cả hai điều khoản nói trên để cứu nguy ngành ngân hàng, và qua đó, cứu nguy nền kinh tế. Đặc biệt đáng lo ngại là mức thâm hụt ngân sách của 4 nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ai Len và Hy Lạp đã lên tới 9-14%, vượt xa quy định của Hiệp ước Maastricht.

Hy Lạp là mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền khối ơ-rô. Trước khủng hoảng, nước này có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong khối EU nhờ tập trung phát triển các ngành dịch vụ, ngân hàng, du lịch, địa ốc. Tuy nhiên, kinh tế ngầm chiếm tới hơn 30% GDP và sản xuất kém phát triển nên nước này luôn phải nhập siêu. Khủng hoảng nổ ra, nợ công lên tới 115% GDP (gấp đôi so với quy định của Hiệp ước Maastricht) và thâm hụt ngân sách quốc gia lên tới 14% GDP (cao hơn quy định 3,5 lần). Khả năng thanh toán nợ của chính phủ Hy Lạp bị nghi ngờ và các nhà đầu tư vội vã rút vốn khỏi Hy Lạp và không cho chính phủ nước này vay thêm tiền.

Để khắc phục tình hình, đầu năm nay, chính phủ của Đảng xã hội đã cam kết trong vòng 2 năm kéo mức thâm hụt ngân sách xuống còn 3%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nhiệm vụ đó là bất khả thi vì thứ nhất, Hy Lạp không thể hạ giá đồng tiền (ơ-rô) để kích thích xuất khẩu; và thứ hai, chính phủ không thể tự ý điều chỉnh lãi suất cơ bản để vực dậy nền kinh tế. Nếu đứng ngoài khối ơ-rô, làm hai việc trên không khó, nhưng vì tham gia hệ thống ơ-rô, Hy Lạp bị bó tay. Giới đầu cơ đã lợi dụng cơ hội này để đánh cược trên khả năng Hy Lạp hạ giá trái phiếu và “phá sản”.

Mặc dù kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 3% tỷ trọng kinh tế của cả khối ơ-rô nhưng cũng đủ để đe doạ tính vững chắc của toàn khối. Người ta lo ngại hiệu ứng domino sẽ dẫn tới Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ai Len, nhất là khi không thấy hy vọng nhanh chóng đảo ngược thế cờ ở Hy Lạp.

Yếu kém thanh khoản của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ai Len làm lộ ra thiếu sót mang tính cơ cấu trong chính sách tiền tệ chung châu Âu với chủ trương một đồng ơ-rô mạnh. Nếu các chính phủ cắt giảm chi tiêu để trở về với Hiệp ước Maastricht thì điều đó đồng nghĩa với việc làm tiêu tan những nỗ lực vực dậy nền kinh tế và làm tăng thất nghiệp, từ đó khởi động quá trình giảm phát trên phạm vi toàn châu Âu. Nếu để các chính phủ tự ý quyết định mức thâm hụt ngân sách và công nợ của họ, Hiệp ước Maastricht có nguy cơ tan vỡ.

Tóm lại, Hiệp ước Maastricht chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa cái toàn thể và cái bộ phận. Chính sách tiền tệ chung của toàn khối càng ngày càng tỏ ra không phù hợp với những chính sách tài khóa phân tán của từng chính phủ riêng biệt. Tốc độ hội nhập nhanh chóng về mặt kinh tế - tài chính của châu lục đang bị sự chậm trễ của sự hội nhập chính trị - hành chính cản trở. Nói như nhà tỷ phú Soros, điểm yếu của Hiệp ước Maastricht là ở chỗ châu Âu có Ngân hàng trung ương chung, nhưng lại thiếu một Bộ Tài chính chung.

Hướng khắc phục trong tay các thành viên

Vấn đề trước mắt là EU có thể làm gì để cứu giúp Hy Lạp. Đây không chỉ là một vấn đề thuần túy kinh tế. Khó khăn là ở chỗ cho đến nay khối ơ-rô chưa có một cơ quan đủ thẩm quyền kiểm soát trực tiếp ngân sách nhà nước của 16 nước thành viên. Để làm được điều đó, trước hết, khối ơ-rô phải hội nhập thêm một bước về chính trị. Đồng tiền chung đòi hỏi không chỉ Ngân hàng Trung ương chung, mà còn cần phải có một Bộ Tài chính chung, một Ngân khố chung. Thật khó để thuyết phục các chính phủ trong khối từ bỏ quyền thu thuế riêng của mình, nhưng việc vạch ra một lộ trình tiến tới có một Bộ Tài chính chung cho khối ơ-rô là không thể không làm. Trước mắt, các nước trong khối có thể vẫn duy trì quyền thu thuế cũng như chính sách tài khóa riêng trong “thời bình”, nhưng khi lâm vào khủng hoảng, các Bộ Tài chính các nước phải nhường quyền điều tiết chính sách tài khóa vào tay Bộ Tài chính chung của khối ơ-rô.

Thứ hai, các nước trong khối phải hỗ trợ lẫn nhau. Vấn đề là ở chỗ khối này chưa có một cơ quan đủ uy tín đứng ra điều phối chung nên khi khủng hoảng nợ Hy Lạp nổ ra, sự trợ giúp đã hết sức lúng túng. Mọi con mắt đều nhìn vào Chính phủ Đức. Nhưng bản thân Đức cũng có những vấn đề và quyền lợi riêng của họ, khó có thể đảm đương sứ mệnh làm “chỗ dựa” cho tất cả các quốc gia châu Âu lúc khó khăn được. Một cơ chế hỗ trợ tài chính lẫn nhau là thiếu sót lớn của Hiệp ước Maastricht cần phải được bổ sung càng nhanh càng tốt.

Thứ ba, tư tưởng dân chủ - xã hội và hệ thống phúc lợi xã hội từ khi ra đời cho đến nay luôn được người châu Âu tự hào là biểu tượng của châu Âu hiện đại. Trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay, cánh tả châu Âu có cơ hội tốt để đoàn kết lại trên tinh thần chung ấy, đi tới một liên minh chính trị - hành chính chặt chẽ hơn, làm cơ sở cho tiến trình hội nhập kinh tế và tiến trình hội nhập chính trị song hành, nâng bước nhau, bổ sung cho nhau. Chỉ khi nào hai tiến trình ấy song song cùng tiến thì mới có thể tin tưởng vào một châu Âu hội nhập bền vững. Người châu Âu có làm được điều đó hay không, câu trả lời nằm trong tay chính họ./.