Khai mạc Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
TCCSĐT - Ngày 19-6-2018, Hội nghị Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) với chủ đề “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững - Định hướng tương lai” đã chính thức khai mạc tại thành phố Cần Thơ. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến dự và chủ trì phiên khai mạc Hội nghị.
Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức. Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện 53 thành viên ASEM; các Đại sứ, Đại biện, Tổng Lãnh sự thành viên ASEM tại Việt Nam; Trưởng đại diện quốc gia của nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu; lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học ở một số trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước.
Hội nghị ASEM “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững - Định hướng tương lai” là sáng kiến do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề xuất, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13 (Mi-an-ma, tháng 11-2017). Đây là một trong những sự kiện tầm liên khu vực quan trọng nhất về biến đổi khí hậu và cũng là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong thập niên hợp tác thứ ba về hành động ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2018 được xác định là năm then chốt hành động ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần triển khai Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong đó, những vấn đề được các thành viên ASEM quan tâm là thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng tự cường của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Việc tổ chức hội nghị ASEM lần này tiếp tục thể hiện đóng góp có ý nghĩa của Việt Nam cho nỗ lực toàn cầu nói chung, hợp tác ASEM nói riêng, nhất là tham gia đề xuất hướng hợp tác ASEM trong ứng phó với biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững, phát huy vị thế của Việt Nam trong ASEM. Hội nghị góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ của các thành viên ASEM; tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp và hỗ trợ quốc tế của các thành viên ASEM đối với Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Là Diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 53 thành viên của hai châu lục Á - Âu, động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ XXI, ASEM có đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tiên phong trong hiện thực hóa các cam kết về biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến việc định hình cuộc sống tương lai của nhân loại và đang trở thành thách thức lớn nhất của thời đại, đe dọa nghiêm trọng mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển và an ninh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu, đòi hỏi ASEM cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn nữa.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với thách thức đó, những thành quả phát triển của nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi. Đây chính là lúc các thành viên ASEM cần chung tay cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy để thông qua Chương trình hành động thực hiện Thỏa thuận Pa-ri nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích cho mọi thành viên, doanh nghiệp và người dân.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới sau:
Một là, cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về sự cần thiết gia tăng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững. Các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và giảm nghèo… cần được gắn kết chặt chẽ hơn nhằm đưa ra các biện pháp toàn diện cho phát triển bền vững.
Hai là, thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên về ứng phó biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững. Cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, các nghị sĩ, viện nghiên cứu, giới học giả, doanh nghiệp, địa phương… trong lĩnh vực này; thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công - tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch. Đó là cơ sở để xây dựng cộng đồng vững mạnh, tự cường, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, có khả năng thích ứng trước những bất thường của biến đổi khí hậu, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội phát triển.
Ba là, đề nghị các thành viên phát triển trong ASEM có các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về biến đổi khí hậu. Với thế mạnh về vốn, công nghệ cao, ít phát thải, các thành viên phát triển có thể hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong tiếp cận tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư thông minh vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp.
Bốn là, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Ca-na-đa mới đây, Việt Nam đã đề xuất hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa ra đại dương và được các nước G7 mở rộng ủng hộ. Việc gia tăng nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này có ý nghĩa thiết thực nhằm giải quyết thách thức đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và sức khỏe đại dương. Đề nghị các thành viên ASEM cùng phối hợp thúc đẩy, cân nhắc đưa vấn đề này vào nội dung hợp tác của Diễn đàn.
Ngay sau phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã cùng các đại biểu dự Lễ khai trương Triển lãm về Biến đổi khí hậu - Thách thức và cơ hội cho hợp tác Á - Âu. Ngoài phiên khai mạc, trong 2 ngày (19 và 20-6), tại hội nghị diễn ra 4 phiên họp toàn thể với các chủ đề: “Phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu - Gắn kết giữa hành động ứng phó biến đổi khí hậu với các mục tiêu phát triển bền vững”, “Xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu: Thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu”, “Hành động ứng phó biến đổi khí hậu: Vai trò và sự tham gia của các bên liên quan”, “Định hướng tương lai: Thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á - Âu vì phát triển bền vững”. Tại phiên bế mạc ngày 20-6, hội nghị sẽ thông qua Báo cáo kết quả hội nghị, trong đó dự kiến đề xuất một số khuyến nghị cụ thể về tăng cường hợp tác Á - Âu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12, dự kiến diễn ra tại Brúc - xen (Bỉ) vào trung tuần tháng 10-2018./.
Vận dụng những luận điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược hiện nay  (19/06/2018)
Bổ nhiệm ông Nguyễn Hùng Dũng giữ chức vụ Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (19/06/2018)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm, tặng quà người có công tại Nghệ An  (18/06/2018)
Đồng chí Trần Quốc Vượng tiếp xúc cử tri huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái  (18/06/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển