Quan hệ Ấn Độ - ASEAN: 25 năm một chặng đường
TCCSĐT - Hơn hai thập niên qua, quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã đạt được nhiều tiến triển khá ấn tượng, khởi đầu bằng mối quan hệ đối tác đối thoại theo ngành khá khiêm tốn vào năm 1992, tiếp đến là đối tác đối thoại toàn diện vào năm 1995, đối tác cấp cao vào năm 2002 và đối tác chiến lược năm 2012. Ngày 25-01-2018, tại New Delhi (Ấn Độ) đã diễn ra Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ, đây cũng là dấu mốc quan trọng khẳng định sự trưởng thành của mối quan hệ này.
Ấn Độ - ASEAN: 25 năm một chặng đường
Sự hiện diện của lãnh đạo 10 nước ASEAN nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ và sau đó cùng tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa lần thứ 69 của Ấn Độ (26-01-1950 - 26-01-2018) theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi cho thấy, mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã được nâng cấp đáng kể. Sự hiện diện này cũng phản ánh tầm quan trọng mà ASEAN dành cho Ấn Độ, ngược lại, cũng khẳng định rằng, Ấn Độ đã dành sự ưu tiên hàng đầu cho các nước láng giềng Đông Nam Á. Đây không phải là một sự kiện bình thường mà là một dấu mốc lịch sử trong một hành trình quan trọng làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác đầy hứa hẹn giữa Ấn Độ và ASEAN. Đây còn là thông điệp thể hiện sự đồng điệu giữa chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và quá trình thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 của ASEAN.
Quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ - ASEAN tuy mới được thiết lập (năm 2012), song quan hệ giữa Ấn Độ và Đông Nam Á đã bắt đầu từ lâu, được kết nối chặt chẽ trong hòa bình và tình hữu nghị, tôn giáo và văn hóa, nghệ thuật và thương mại, ngôn ngữ và văn học, tạo ra sự hài lòng và thân thuộc giữa nhân dân Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Hơn hai thập niên trước, Ấn Độ mở rộng cánh cửa với thế giới với những thay đổi mang tính kiến tạo. Trải qua nhiều thế kỷ tiếp xúc, Ấn Độ hướng sang phía Đông một cách tự nhiên, từ đó bắt đầu một hành trình mới của quá trình tái hội nhập của Ấn Độ với phương Đông. Các đối tác và thị trường lớn của Ấn Độ là ASEAN, Đông Á và Bắc Mỹ, đều nằm ở hướng Đông. Các quốc gia ASEAN là láng giềng của Ấn Độ cả trên đất liền và trên biển, là nền tảng của chính sách “hướng Đông” (“Look East”, năm 1992, dưới thời cựu Thủ tướng N. Rao) và sau đó được nâng cấp trở thành chính sách “Hành động hướng Đông” (“Act East”, chính sách này lần đầu tiên được Thủ tướng N. Modi công bố trong Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2014). Trong quá trình đó, từ đối tác đối thoại, ASEAN và Ấn Độ đã trở thành đối tác chiến lược. Hai bên đã nâng cấp quan hệ đối tác trên nhiều nền tảng thông qua 30 cơ chế. Với mỗi thành viên ASEAN, Ấn Độ có các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh ngày càng phát triển. Hai bên chung tay hợp tác để bảo vệ vùng biển chung an toàn.
Trao đổi thương mại song phương và thu hút đầu tư Ấn Độ - ASEAN đã có những cải thiện rõ rệt. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ và Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ bảy của ASEAN. Singapore được xem như một cửa ngõ của Ấn Độ vào ASEAN và được đánh giá là một đối tác kinh tế và an ninh quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Ấn Độ thúc đẩy và mở rộng nền kinh tế ở mức độ cao hơn, mở ra một làn sóng mới cho các nhà đầu tư Ấn Độ vươn ra nước ngoài. Theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích lũy từ ASEAN đầu tư vào Ấn Độ từ tháng 4-2000 đến tháng 12-2016 là 54,97 tỷ USD (1). Các nước ASEAN đầu tư chủ yếu vào Ấn Độ là Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Trong số các nước ASEAN đầu tư vào Ấn Độ, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất, trong năm tài chính 2016, FDI từ Singapore vào Ấn Độ là 8,7 tỷ USD, chiếm gần 1/4 trong số 43,4 tỷ USD vốn FDI mà Ấn Độ thu hút được (2). Dòng chảy FDI từ Ấn Độ đến các quốc gia ASEAN, từ tháng 4-2007 đến tháng 3-2015, khoảng 38,67 tỷ đô la Singapore, trong đó Singapore đứng đầu danh sách, tiếp theo là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Myanmar (3). Tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương ASEAN - Ấn Độ năm 2016 là 65,1 tỷ USD, tăng lên 71,6 tỷ USD vào năm 2017, tăng 10% (4). Hai bên có khoảng 30 nền tảng cho sự hợp tác, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thường niên và 7 cuộc đối thoại cấp bộ. Ấn Độ tham gia tích cực vào các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt, bao gồm Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các chương trình như Chương trình Trao đổi Sinh viên ASEAN - Ấn Độ và Cuộc đối thoại Delhi thường niên đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ nhân dân các nước trở nên gần gũi hơn. Thông qua những nền tảng này, thanh niên, học giả và doanh nhân của ASEAN và Ấn Độ gặp gỡ, học hỏi và làm sâu sắc hơn mối quan hệ. Kết nối hàng không cũng phát triển mạnh mẽ, Ấn Độ đang gấp rút ưu tiên mở rộng các tuyến đường cao tốc vào sâu bên trong Đông Nam Á. Mạng lưới kết nối ngày càng phát triển, được kỳ vọng sẽ kéo gần lại khoảng cách địa lý, cũng nhờ đó, Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia có lượng khách du lịch đến Đông Nam Á tăng nhanh.
Hướng tới tương lai
Hội nghị Cấp cao Ấn Độ - ASEAN với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh”, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã cùng trao đổi sâu rộng về tình hình và triển vọng phát triển của quan hệ hai bên. Nhìn lại 25 năm qua, các nhà lãnh đạo vui mừng ghi nhận những tiến triển vượt bậc của mối quan hệ đặc biệt này, tin tưởng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển, đồng thời thống nhất nhiều định hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ trên tất cả các mặt thông qua thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch hành động Ấn Độ - ASEAN 2016 - 2020.
Tuyên bố Delhi nhấn mạnh, các bên nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ - ASEAN vì lợi ích chung, trong các lĩnh vực hợp tác để xây dựng một cộng đồng hòa bình, đùm bọc và cùng chia sẻ. Cam kết hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề về an ninh khu vực và quốc tế mà các nước cùng quan tâm. Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực và các hoạt động hợp pháp khác trên biển. Tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ, bao gồm tận dụng đầy đủ và triển khai hiệu quả Khu vực Mậu dịch tự do Ấn Độ - ASEAN và đẩy mạnh nỗ lực trong năm 2018 nhằm sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi. Tăng cường hợp tác về an ninh và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để nâng cao các chính sách ICT, xây dựng năng lực, cải thiện kết nối số, cũng như cơ sở hạ tầng và dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực ICT thông qua việc thành lập các Trung tâm Đào tạo và Phát triển phần mềm (CESDT) tại một số quốc gia ASEAN thành viên. Thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân và tăng cường quan hệ giữa các doanh nghiệp thông qua Hội đồng kinh doanh Ấn Độ - ASEAN…
Với dân số 644 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN là khoảng 2,7 nghìn tỷ USD, tổng giá trị kết hợp GDP giữa Ấn Độ và ASEAN là 5 nghìn tỷ USD. Như vậy, với con số GDP kết hợp này, quy mô kinh tế cả khu vực ASEAN và Ấn Độ sẽ đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc (5). Đến năm 2025, dự kiến thị trường tiêu dùng của Ấn Độ sẽ phát triển và đứng thứ năm trên thế giới (6). Vì vậy, hợp tác Ấn Độ và ASEAN là rất quan trọng. Ấn Độ là một thị trường đầy hứa hẹn cho các nước ASEAN. Với tiềm năng về dân số, các nền kinh tế phát triển năng động và ngày càng hoàn thiện, nhu cầu trao đổi gia tăng…, Ấn Độ và ASEAN sẽ xây dựng một quan hệ kinh tế lớn mạnh hơn, hướng tới mục tiêu trao đổi thương mại song phương trị giá 200 tỷ USD vào năm 2022 (7). Ấn Độ và ASEAN cũng nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế thông qua việc sử dụng và triển khai hiệu quả Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Ấn Độ. Hai bên tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hàng hải, hàng không, công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường giao lưu doanh nghiệp… Các bang của Ấn Độ cũng đã và đang xây dựng quan hệ hợp tác có hiệu quả với từng nước Đông Nam Á. Nhân dịp này, Thủ tướng Ấn Độ tái khẳng định cam kết hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, mở rộng hợp tác kết nối với ASEAN, nhất là kết nối hạ tầng và kết nối số, sử dụng hiệu quả khoản tín dụng 1 tỷ USD đã cam kết (8).
Văn hóa - xã hội là lĩnh vực hợp tác năng động nhất giữa ASEAN và Ấn Độ. Nhiều hoạt động hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân tiếp tục diễn ra thường niên, định kỳ. Trong thời gian tới, hai bên sẽ gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực bảo tồn và gìn giữ di sản, du lịch văn hóa, tâm linh, giáo dục - đào tạo, phát triển năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học… Trong lĩnh vực công nghệ cao, Ấn Độ là quốc gia có nhiều lợi thế nổi trội hơn hẳn các nước ASEAN, được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của khu vực châu Á. Ấn Độ cũng đã công bố 1.000 suất học bổng đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho sinh viên đến từ các nước ASEAN (9).
Đóng góp của Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Ấn Độ - ASEAN, với tư cách nước điều phối quan hệ Ấn Độ - ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại toàn diện quá trình phát triển quan hệ Ấn Độ - ASEAN. Với nền tảng là đối tác truyền thống trao đổi thương mại, giao lưu văn minh văn hóa từ xa xưa, quan hệ Ấn Độ - ASEAN trong hơn 25 năm qua đã có những phát triển mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân cũng như hợp tác phát triển. Để tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, đưa hợp tác Ấn Độ - ASEAN trở thành điểm sáng trong thành công của thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất 3 trọng tâm lớn cho hợp tác, cụ thể: Tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, coi đây là động lực chính của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ, theo đó, hai bên cần tranh thủ các thành tựu khoa học - công nghệ của cách mạng 4.0 để đẩy nhanh phát triển; tăng cường kết nối, gồm cả kết nối hạ tầng đường bộ, đường biển…, kết nối số và giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực, ứng phó với các thách thức an ninh, cả truyền thống lẫn phi truyền thống.
Trao đổi về hợp tác và an ninh biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp chung ứng phó với những thách thức trên biển, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển xanh, trong đó có việc sớm hoàn tất Hiệp định vận tải biển, chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách biển, cũng như thúc đẩy hợp tác liên khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Với nền tảng lịch sử của quan hệ truyền thống, văn hóa lâu đời, tình hữu nghị và tầm nhìn chung về một khu vực hòa bình, an ninh, tiến bộ và thịnh vượng, đây là tài sản vô giá mà ASEAN và Ấn Độ cần phải gìn giữ, vun đắp và phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai./.
----------------------
(1), (3) India-ASEAN Summit 2018: Nine Leaders Arrive in India, https://theinsiderstories.com, 25-01-2018
(2) Access India and ASEAN through Singapore, http://www.india-briefing.com, 25-01-2018
(4), (5) Indo-Asean trade rises 10% to $72bn in FY17, but is long way off potential, http://www.timesofindia.indiatimes.com, ngày 26-1-2018.
(6) Asean and India: 25 years and beyond, www.straitstimes.com, 26-01-2018
(7) India, Asean to step up maritime cooperation, http://www.livemint.com, 25-01-2018
(8) India, Asean to speed up work on free trade agreement, highway to Thailand, http://smartinvestor.business-standard.com, 26-01-2018
(9) India, 10 ASEAN nations vow to fight terror together, www.dailypioneer.com, 27-01-2018
Những dự báo xuyên thời đại của C. Mác, Ph. Ăng-ghen về văn hóa trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản  (14/02/2018)
Những dấu ấn đậm nét trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc  (14/02/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 05 đến 11-02-2018)  (14/02/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 05 đến ngày 11-02-2018)  (13/02/2018)
Nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực được tổ chức để giúp mọi người dân đều được đón Tết đầm ấm  (13/02/2018)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Tata  (13/02/2018)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên