Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017
TCCSĐT - Ngày 27-12-2017, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2017.
Bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, các nền kinh tế lớn đạt mức tăng trưởng khả quan, hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu có xu hướng cải thiện rõ rệt cùng với niềm tin của người tiêu dùng tăng lên…, là các yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị, chính sách thương mại của một số nước lớn đang là những thách thức đối với kinh tế nước ta và ảnh hưởng về cả mặt xã hội.
Ở trong nước, bên cạnh các vấn đề tồn tại của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp, thiên tai, bão, lũ liên tiếp xảy ra, tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và thách thức mục tiêu tăng trưởng năm 2017 của cả nước. Trước tình hình đó, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 1-1-2017, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực và rõ nét. Kết quả các ngành, lĩnh vực trong năm 2017 như sau:
Một số vấn đề kinh tế
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46%; quý IV tăng 7,65%. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm trong giai đoạn 2011 - 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.
Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, khu vực dịch vụ tăng 7,44%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016. Ngành lâm nghiệp tăng 5,14%, do chiếm tỷ trọng thấp. Ngành nông nghiệp tăng 2,07% (năm 2016 tăng 0,72%), đóng góp 0,24 điểm phần trăm, cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,4% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung.
Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10% (Cơ cấu tương ứng của năm 2016 là: 16,32%; 32,72%; 40,92%; 10,04%).
Tính chung cả năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng khá so với năm trước.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 84,7 tỷ USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 126,4 tỷ USD, tăng 23,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 tăng 17,7% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước tăng so với năm trước, như: điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, điện thoại và linh kiện...
CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12-2017 tăng 2,6% so với tháng 12-2016, bình quân mỗi tháng tăng 0,21%.
Lạm phát cơ bản tháng 12-2017 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với bình quân năm 2016.
Một số vấn đề xã hội
Dân số, lao động và việc làm
Dân số trung bình năm 2017 của cả nước ước tính 93,7 triệu người, tăng 987,3 nghìn người, tương đương tăng 1,07% so với năm 2016, bao gồm dân số thành thị 32,9 triệu người, chiếm 35,1%; dân số nông thôn 60,8 triệu người, chiếm 64,9%; dân số nam 46,2 triệu người, chiếm 49,3%; dân số nữ 47,5 triệu người, chiếm 50,7%.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước năm 2017 ước tính 48,2 triệu người, tăng 511 nghìn người so với năm trước, trong đó lao động nam 26,1 triệu người, chiếm 54,1%; lao động nữ 22,1 triệu người, chiếm 45,9%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 16,1 triệu người, chiếm 33,4%; khu vực nông thôn là 32,1 triệu người, chiếm 66,6%.
Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Đời sống dân cư năm nay nhìn chung ổn định. Năm 2017, cả nước có 181,4 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 31,7% so với năm trước, tương ứng với 746,1 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 32,1%.
Giáo dục, đào tạo
Tính đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 1 được quy định tại Thông tư 36 của Bộ Giáo dục, trong đó có 12 địa phương được công nhận chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.
Năm học 2017 - 2018, cả nước có gần 23 triệu học sinh, sinh viên; trong đó gần 5,2 triệu trẻ em bậc mầm non (0,7 triệu trẻ em đi nhà trẻ và 4,5 triệu trẻ em đi học mẫu giáo); 7,8 triệu học sinh tiểu học; 5,5 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,4 triệu học sinh trung học phổ thông và 1,8 triệu sinh viên cao đẳng, đại học.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng về loại hình đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện nay, cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đào tạo nghề tính đến cuối năm nay đã tuyển mới được 2.090 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 540 nghìn người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng tuyển sinh được 1.550 nghìn người. Bên cạnh đó, trong năm 2017 đã có khoảng 600 nghìn lao động nông thôn và 19 nghìn người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông chuyển sang học nghề hiện nay còn chiếm tỷ lệ thấp. Năm 2017, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào đại học, cao đẳng là 50%; vào cao đẳng nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 23%; học nghề tại trung tâm đào tạo nghề là 13%.
Thiệt hại do thiên tai
Do chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ở nước ta trong những năm vừa qua diễn ra ngày càng phức tạp, bão, lũ, lốc xoáy, mưa lớn, ngập lụt, hạn hán đang gia tăng về cường độ, tần suất, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Năm 2017 được đánh giá là năm của mưa, bão, lũ, thiên tai diễn ra ở hầu hết các miền trên cả nước, trong 6 tháng cuối năm đã xuất hiện liên tục tới 16 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới trên biển đông. Trong đó, cơn bão số 10 và 12 đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung là hai cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, lãnh đạo Trung ương địa phương đã triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” không để bị động, bất ngờ. Trước các đợt thiên tai lớn, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành các cấp, địa phương yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình thiên tai để có các biện pháp kịp thời phòng chống lũ, sạt lở, hộ đê và cứu hộ đê khi cần thiết, đồng thời đã huy động cả bộ máy chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí cấp ủy phụ trách các địa phương để chỉ đạo kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại./.
Khai mạc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương  (28/12/2017)
Lãnh đạo các địa phương phải quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống tham nhũng  (28/12/2017)
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc và tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới  (27/12/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn Panko  (27/12/2017)
Tăng cường quan hệ Việt Nam - Cameroon  (27/12/2017)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên